Bệnh Addison

21/04/2020 18:13 GMT+7

Bệnh Addison là bệnh gì?

Bệnh lần đầu tiên được mô tả vào năm 1855 bởi một bác sĩ người Anh tên là Thomas Addison, Đó là lý do bệnh mang tên ông.

Bác sĩ Thomas Addison mô tả bệnh Addison đầu tiên vào năm 1855. Ảnh: pbs.twimg.com

Bệnh Addison (còn có tên là suy tuyến thượng thận nguyên phát) là một dạng rối loạn xảy ra khi tuyến thượng thận bị tổn thương và sản xuất không đủ lượng hormone cần thiết.

Thượng thận là một tuyến nội tiết nhỏ nằm phía trên của 2 thận, mỗi tuyến có cấu tạo gồm 2 phần: phần tủy (phía trong) tiết ra các hormone catecholamine nhằm duy trì huyết áp và nhịp tim; phần vỏ (phía ngoài) tiết ra hormone corticosteroid. Đây đều là những hormone rất quan trọng để duy trì sự sống của con người.

Vị trí tuyến thượng thận trong cơ thể. Ảnh: Britanica

Khi mắc bệnh suy tuyến thượng thận nguyên phát là lúc tuyến thượng thận sản xuất rất ít cortisol và aldosterone dẫn đến tình trạng muối và nước của cơ thể sẽ bị đào thải ra bên ngoài thông qua nước tiểu, khiến huyết áp giảm xuống rất thấp. Đồng thời, lượng kali tăng nhanh đến mức nguy hiểm.

Nguyên nhân gây ra bệnh Addison?

Khi vỏ tuyến thượng thận bị tổn thương nên việc sản xuất các hormone vỏ thượng thận là cortisol và aldosterone bị thiếu hụt, dẫn đến tình trạng suy tuyến thượng thận nguyên phát.

Tình trạng này thường là hậu quả của việc cơ thể tấn công chính nó (bệnh tự miễn). Không rõ lý do gì mà hệ thống miễn dịch của cơ thể nhận định “nhầm” vỏ thượng thận là ngoại lai, là nguy hiểm cho cơ thể nên nó tấn công và phá hủy. Nguyên nhân tự miễn chiếm đa số, khoảng 70% các trường hợp bệnh Addison. Những người mắc bệnh Addison cũng có nhiều khả năng mắc bệnh tự miễn khác.

Các nguyên nhân khác gây suy tuyến thượng thận nguyên phát có thể là:

  • Bệnh lao
  • Nhiễm nhiễm vi khuẩn và nấm
  • Ung thư nơi khác di căn đến tuyến thượng thận
  • Cắt bỏ tuyến thượng thận
  • Chảy máu vào tuyến thượng thận. Trong trường hợp này, có thể gặp cơn suy thượng thận cấp tính (Addison crisis) mà không có bất kỳ triệu chứng nào trước đó.

Bệnh Addison gây ra những triệu chứng gì?

Tổn thương tuyến thượng thận thường diễn tiến chậm theo thời gian. Bệnh khởi phát khi ít nhất 90% vỏ thượng thận bị tổn thương và mất chức năng. Các triệu chứng có thể gặp bao gồm:

Sạm da tay của bệnh nhân bị bệnh Addison (bên trái) so với tay của người bình thường (bên phải). Ảnh: Medicinenet.com

Sạm da. Đây có thể là triệu chứng ban đầu của bệnh Addison với sự thay đổi sắc màu đậm của da ở các vùng đậm sắc da như núm vú, nách, vùng cơ quan sinh dục... Sạm da cũng có thể thấy ở vùng da hở như da mặt, da bàn tay; các vùng da ở các điểm tì (như khuỷu, gối). Đầu tiên trên da xuất hiện các vết sậm màu, về sau các vết này lan rộng, liên kết với nhau thành sạm màu đều ở toàn thân. Hiện tượng sạm màu da này thấy rõ nhất ở mu bàn tay, vết sạm da đều, lan tỏa, đậm nhất là ở các khớp đốt ngón tay nhưng màu sắc của các móng tay lại bình thường.

Mệt mỏi, yếu ớt, chán ăn, sụt cân, thèm muối và các món thực phẩm mặn

Rối loạn ở tiêu hóa như buồn nôn, nôn, đau bụng, tiêu chảy

Rối loạn kinh nguyệt

Mất nước, hạ huyết áp có thể gây choáng váng, hay có khi bị ngất

Hạ đường huyết

Rối loạn về thần kinh như trầm cảm, kích động, mất ngủ…

Nếu bệnh Addison không được điều trị trong một thời gian dài có thể dẫn đến cơn suy thượng thận cấp tính (Addison crisis). Đây là một tình trạng cấp cứu y khoa, đe dọa tính mạng nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong. Các triệu chứng của cơn suy thượng thận cấp tính có thể bao gồm:

Sốc do cơ thể thiếu hụt thể tích tuần hoàn nghiêm trọng

Đau đột ngột vùng lưng dưới, bụng hoặc chân

Nôn và tiêu chảy nặng, sau đó là mất nước

Sốt cao

Rất yếu ớt và mệt

Tụt huyết áp

Mất ý thức

Có thể suy đa cơ quan, bao gồm thận nếu tuần hoàn máu không kịp hồi phục.

Bệnh Addison có lây nhiễm không?

Bệnh Addison không phải là bệnh có thể lây nhiễm từ người này sang người khác.

Những đối tượng có nguy cơ bệnh Addison

Bệnh Addison có thể xuất hiện ở bất kỳ độ tuổi cũng như bất kỳ giới tính nào. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, suy thượng thận thường thường xuất hiện nhiều hơn ở nữ giới ở độ tuổi từ 30 đến 50.

Có các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh suy tuyến thượng thận nguyên phát như:

Bệnh nhân bị bệnh ung thư

Đang dùng thuốc kháng đông

Bệnh nhân bị bệnh nhiễm khuẩn kinh niên như bệnh lao

Có tiền sử phẫu thuật loại bỏ bất kỳ phần nào của tuyến thượng thận

Đã từng mắc các bệnh tự miễn, như bệnh tiểu đường tuýp 1 hoặc bệnh Grave (bệnh cường giáp do tự miễn).

Phòng ngừa bệnh Addison

Để phòng ngừa bệnh addison, có thể áp dụng các biện pháp sau: không hút thuốc và làm dụng chất có cồn; duy trì chế độ sinh hoạt khoa học, tập luyện thể dục hàng ngày; không tự ý sử dụng thuốc khi không có chỉ dẫn của bác sĩ.

Các biện pháp chẩn đoán bệnh Addison

Ở giai đoạn đầu, suy tuyến thượng thận có thể khó chẩn đoán. Bác sĩ sẽ hỏi về tiền sử bệnh và thăm khám lâm sàng để tìm các dấu hiệu và triệu chứng, đặc biệt là sạm da sẽ giúp nghi ngờ bệnh Addison.

Chẩn đoán bệnh Addison được thực hiện bằng các xét nghiệm trong phòng thí nghiệm. Mục đích của các xét nghiệm này trước tiên là để xác định xem nồng độ cortisol là không đủ và sau đó là tìm nguyên nhân. Kiểm tra X-quang của tuyến thượng thận và tuyến yên cũng rất hữu ích trong việc tìm nguyên nhân.

Xét nghiệm máu: Có thể thấy nồng độ natri máu giảm, nồng độ Kali máu tăng, thiếu máu, tăng bạch cầu ái toan (eosinophil).

Xét nghiệm kích thích bằng ACTH (ACTH test): Xét nghiệm này kiểm tra đáp ứng của tuyến thượng thận, sau khi tiêm ACTH nhân tạo. Nếu nồng độ cortisol thấp sau khi tiêm ACTH, thì có thể chức năng tuyến thượng thận đã bị suy. Đây là phương pháp có giá trị nhất giúp chẩn đoán xác định tình trạng suy tuyến thượng thận.

Xét nghiệm hình ảnh. Bác sĩ có thể sẽ cho bạn chụp cắt lớp vi tính (CT scan) bụng để kiểm tra kích thước của tuyến thượng thận và tìm kiếm những bất thường khác. Có thể sẽ cần chụp thêm MRI tuyến yên nếu xét nghiệm cho thấy bạn có thể bị suy tuyến thượng thận thứ phát.

Các biện pháp điều trị bệnh Addison

Tùy thuộc vào tình trạng bệnh và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng mà có phương pháp điều trị bệnh khác nhau. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, sử dụng corticosteroid là phương pháp được sử dụng nhiều nhất. Thuốc corticosteroid có thể giúp kiểm soát các triệu chứng.

Bên cạnh những phương pháp điều trị bệnh Addison theo chỉ dẫn của bác sĩ cần thực hiện và duy trì các thói quen và lối sống để có thể kiểm soát được mức độ của bệnh như: 

Tái khám đúng định kỳ

Duy trì uống thuốc theo sự hướng dẫn của bác sĩ

Tham khảo ý kiến tư vấn của bác sĩ trước và sau khi phẫu thuật

Giữ tinh thần luôn thoải mái

Có lối sống lành mạnh và chế độ dinh dưỡng cân bằng hợp lý

Tập thể dục nhưng không quá sức

 

Ban Biên tập Y khoa Việt Nam

-----------------------------------------------

Nguồn: 

https://www.webmd.com/a-to-z-guides/understanding-addisons-disease-symptoms

https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/15095-addisons-disease

https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/addisons-disease/symptoms-causes/syc-20350293

https://emedicine.medscape.com/article/116467-overview

https://www.medicinenet.com/addisons_disease_symptoms_and_signs/symptoms.htm