Ung thư phổi

22/03/2020 13:07 GMT+7

Bệnh ung thư hay gặp, khó phát hiện nhất và kết quả điều trị hiệu quả thấp, gây tử vong nhiều nhất hiện nay là ung thư phổi. Tại Việt Nam, sau ung thư gan, ung thư phổi là căn bệnh nguy hiểm thứ hai ở cả nam và nữ. Vậy ung thư phổi là gì? Ung thư phổi có mấy giai đoạn, triệu chứng, nguyên nhân ung thư phổi như thế nào?

Hiện nay, theo các kết quả nghiên cứu, bệnh ung thư phổi được chia thành 2 loại: ung thư phổi tế bào nhỏ và ung thư phổi không tế bào nhỏ.

Ung thư phổi

1. Nguyên nhân bệnh Ung thư phổi

Bệnh nhân bị ung thư phổi bởi những nguyên nhân sau:

  • Hút thuốc lá: hiện nay, 90% bệnh nhân bị ung thư phổi bởi hút thuốc lá, 4% bệnh nhân do hít phải số lượng đáng kể khói thuốc hàng ngày.
  • Môi trường làm việc là yếu tố dễ gây ra bệnh ung thư phổi. Các tác nhân từ môi trường gây ung thư phổi như: khói bụi, những người làm việc trong môi trường luyện thép, niken, crom và khí than.
  • Tiếp xúc với tia phóng xạ: đây  là nguyên nhân gây ra nhiều bệnh ung thư, trong đó có ung thư phổi. Bệnh nhân làm việc trong các mỏ uranium, fluorspar và hacmatite có thể tiếp xúc với tia phóng xạ do hít thở không khí có chứa khi radon.

2. Triệu chứng bệnh Ung thư phổi

Nhiều trường hợp bệnh nhân ung thư phổi không hề có triệu chứng nào, chỉ được phát hiện do khám sức khỏe định kỳ hay khám bệnh liên quan, hoặc khi biến chứng nặng. Triệu chứng ung thư phổi có thể chia thành các nhóm: triệu chứng phế quản, dấu hiệu lan tỏa và dấu hiệu ngoài phổi. Có thể nhận biết ung thư phổi với những hội chứng đặc trưng.

2.1. Triệu chứng ung thư phổi ở phế quản

Triệu chứng phế quản là đặc trưng nhất ở ung thư phổi, bệnh nhân sẽ có những biểu hiện:

  • Ho nhiều, ho dai dẳng: Dấu hiệu này giống với các bệnh cảm mạo thông thường vì vậy nhiều bệnh nhân không đi kiểm tra. Trên thực tế, ho dai dẳng kéo dài dẫn đến khàn tiếng, mất tiếng có thể do phổi gây ra do viêm phổi hoặc nhiễm trùng phổi.
  • Đờm có lẫn máu: Ngay cả khi lượng máu lẫn trong đờm nhỏ thì bạn cũng nên đến bệnh viện để kiểm tra lại sức khỏe của mình.
  • Viêm phế quản, viêm phổi tái phát nhiều lần: Nếu bạn bị viêm phổi, viêm phế quản đã được điều trị cho hết ho, hết sốt nhưng trên X quang vẫn thấy tổn thương tồn tại trên 1 tháng thì rất có thể bạn đã bị ung thư phổi.

Tóm lại, để quyết định phác đồ hóa chất cho bệnh nhân ung thư phổi, cần dựa trên nhiều yếu tố: Kết quả giải phẫu bệnh, kết quả bất thường di truyền phân tử, toàn trạng bệnh nhân, tình trạng bệnh tiến triển... Bác sĩ nội khoa ung thư sẽ căn cứ trên các kết quả xét nghiệm và quyết định phác đồ điều trị hóa chất cho người bệnh.

2.2. Dấu hiệu ung thư phổi lan tỏa

Bệnh nhân sẽ gặp các dấu hiệu sau khi khối u ung thư phổi lan tỏa:

  • Thở khó khăn, nặng nhọc, thở khò khè: Bởi đây không phải một triệu chứng nghiêm trọng cho nên khiến nhiều người chủ quan. Tình trạng này xuất hiện do khối u ở phổi gây ra, cản trở quá trình hô hấp của bạn.
  • Đau tức ngực: Đây là dấu hiệu điển hình nhất của bệnh ung thư phổi. Cơn đau thường xuất hiện mỗi khi người bệnh hoạt động mạnh, ho hay cười nói.
  • Thường đau ở bên tổn thương, kiểu thần kinh liên sườn, hoặc không rõ địa điểm đau, có khi lên bả vai, mặt trong cánh tay
  • Khó nuốt: Khi khối u chèn ép thực quản.
  • Nói khàn: Biến đổi giọng do thần kinh quặt ngược bị khối u chèn ép.
  • Triệu chứng tĩnh mạch chủ trên bị chèn ép: Tĩnh mạch chủ trên bị khối u ung thư phổi chèn ép sẽ gây: cổ bạnh to, phù mặt, tĩnh mạch cổ nổi rõ, hố trên xương đòn đầy.
  • Triệu chứng tràn dịch màng phổi: Khi khối u ung thư phổi đã xâm lấn ra màng phổi thì có thể gây tràn dịch màng phổi, có thể chẩn đoán xác định dựa trên khám lâm sàng và chụp X quang.

Bên cạnh đó, một số bệnh nhân ung thư phổi còn bị: hẹp khe mí mắt, đỏ nửa mặt, nhãn cầu tụt, đồng tử nhỏ...

2.3. Các triệu chứng ung thư phổi khác

Bệnh nhân có thể gặp các dấu hiệu ung thư phổi điển hình của ung thư sau:

  • Gầy sút nhanh, sút cân nhanh không rõ nguyên do.
  • Đau các khớp xương ở cổ chân, cổ tay, bàn ngón tay, ngón chân.
  • Đau vai: Hiện tượng này xảy ra khi có một khối u phát triển và chèn lên phần trên của phổi tạo áp lực dẫn đến đau nhức ở vai, cánh tay, bàn tay.
  • Ăn không ngon hoặc mệt nhiều
  • Nổi hạch ở cổ, hố trên đòn.
  • Ngón tay khum, đầu ngón tay ngón chân to.
  • To vú ở nam giới.

Khi ung thư phổi đã di căn, bệnh nhân sẽ có những triệu chứng đặc trưng ở vị trí di căn và khối u thư phát:

  • Di căn xương: Đau xương, nhất là vùng hông và lưng.
  • Di căn não, tủy sống: Thay đổi về hệ thần kinh như hoa mắt, lên cơn tai biến, đau đầu, yếu hay tê cẳng chân tay...
  • Di căn gan: Vàng da, vàng mắt.
  • Di căn da, hạch Lympho: Nổi khối u trên bề mặt da, hạch vùng cổ, trên xương đòn.

3. Đường lây truyền bệnh Ung thư phổi

Cũng giống như những căn bệnh ung thư khác, ung thư phổi không thể lây truyền từ người này sang người khác.

4. Đối tượng nguy cơ bệnh Ung thư phổi

Những người nằm trong nguy cơ cao bị ung thư phổi là những người hút thuốc, hút thuốc thụ động, những người có người thân bị ung thư phổi, làm việc trong môi trường có nguy cơ tiếp xúc phải các chất gây ung thư... Đặc biệt tuổi càng cao thì khả năng, tần suất bị ung thư càng lớn.

5. Phòng ngừa bệnh Ung thư phổi

Trên cơ sở những nguyên nhân gây bệnh, có thể đề xuất những biện pháp phòng ngừa bệnh ung thư phổi như sau:

  • Không hút thuốc lá hoặc tránh tiếp xúc với khói thuốc.
  • Cải thiện môi trường sống cũng như môi trường làm việc bằng việc cải thiện vệ sinh công nghiệp, tránh tiếp xúc với khói vụi.
  • Định kỳ đi khám sức khỏe để kịp thời phòng tránh và có phương pháp điều trị.

6. Các biện pháp chẩn đoán bệnh Ung thư phổi

Để chẩn đoán bệnh nhân có bị mắc bệnh ung thư phổi hay không, cần sử dụng các phương pháp chẩn đoán sau:

  • Khám lâm sàng: Bác sĩ kiểm tra ngực và kiểm tra hạch bạch huyết ở cổ.
  • Chụp X-Quang lồng ngực sẽ giúp sớm phát hiện bệnh.
  • Chụp cắt lớp vi tính lồng ngực để xác định vị trí, kích thướcc và mức độ phát triển của khối u ra ngoài phổi hay chưa.
  • Lấy sinh thiết ở vùng khác thường của phổi sau đó nhuộm và soi dưới kính hiển vi quang học để chẩn đoán xác định mức độ bệnh ung thư phổi.

7. Các loại Ung thư phổi

Ung thư phổi được chia làm hai loại đó là ung thư phổi tế bào nhỏ và ung thư phổi không tế bào nhỏ. Trong đó ung thư phổi không tế bào nhỏ là loại thường hay xảy ra nhất (khoảng 85% tất cả các trường hợp chẩn đoán ung thư phổi đều thuộc loại ung thư không tế bào nhỏ). Ở mỗi loại lại có những đặc điểm khác nhau. Cụ thể như sau:

Các loại ung thư phổi

7.1 Ung thư phổi tế bào nhỏ

Ung thư phổi tế bào nhỏ được đánh giá là nguy hiểm nhất trong các dạng của ung thư phổi bởi khả năng lây lan nhanh chóng và mức độ lan phủ rộng chiếm tới 15% tổng các ca bệnh. Khả năng phát triển các loại này cao gấp hai lần các loại khác và nhanh chóng di căn đi xa làm ảnh hưởng đến các bộ phận khác.

Sở dĩ có tên gọi này là do các tế bào ung thư phổi này thường có kích thước rất nhỏ, chủ yếu chứa các hạt nhân. Ngoài ra, loại bệnh này còn có tên gọi khác đó là yến mạch tế bào ung thư. Ung thư phổi tế bào nhỏ có khả năng xâm lấn rất nhanh, di căn sớm và rất khó điều trị.

Đa số các trường hợp bệnh phát sinh ở đường dẫn khí lớn ( phế quản chính và phế quản thùy). Thông thường, khi bệnh nhân được chẩn đoán mắc phải loại ung thư này đều đã bước vào giai đoạn nặng của bệnh.

7.2. Ung thư phổi không tế bào nhỏ

Ung thư phổi không tế bào nhỏ có tốc độ phát triển của tế bào và di căn chậm hơn so với ung thư phổi tế bào nhỏ. Vì vậy nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, bệnh nhân có hy vọng sống cao hơn. Ung thư phổi không tế bào nhỏ được chia thành các loại nhỏ hơn đó là: ung thư biểu mô tế bào vảy, ung thư biểu mô tuyến, ung thư biểu mô tế bào lớn.

  • Ung thư biểu mô tế bào vảy: Ung thư biểu mô tế bào vảy chiếm khoảng 30% số trường hợp mắc ung thư phổi. Loại này thường diễn ra ở gần đường dẫn khí lớn trong phổi. Vì thế nó còn có tên gọi khác là ung thư phổi biểu mô dạng biểu bì. Theo thống kê, vài năm gần đây tỷ lệ mắc ung thư biểu mô tế bào phổi đang giảm trong khi ung thư biểu mô tuyến có dấu hiệu gia tăng. Phần lớn các khối u ung thư phổi tế bào vảy nằm ở vị trí trung tâm, chỗ phế quản lớn nối khí quản với phổi.

Do vị trí gần kề phổi, nên loại ung thư này thường xuất hiện triệu chứng bệnh sớm hơn so với các loại ung thư phổi khác. Cụ thể người bệnh thường bị khó thở, thở khò khè, ho dai dẳng, ho ra máu, bị đau vai lan xuống cánh tay, cảm giác kim châm trong bàn tay, mặt đỏ, đổ mồ hôi, mí mắt xệ xuống, cơ thể suy yếu. Ngoài ra, khi mắc ung thư tế bào vảy người bệnh thường dễ bị tăng canxi huyết dẫn đến yếu cơ và chuột rút.

Ho dai dẳng, ho ra máu là triệu chứng ung thư biểu mô tế bào vảy

Chỉ có 15% bệnh nhân ung thư biểu mô tế bào vảy có cơ hội sống lâu hơn 5 năm. Tuy nhiên, nếu thường xuyên theo dõi sức khỏe, phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm và tiến hành điều trị nhanh chóng thì tỷ lệ sống của bệnh nhân sẽ khả quan hơn rất nhiều.

  • Ung thư biểu mô tuyến: Gần 40% số trường hợp ung thư phổi là ung thư biểu mô tuyến, loại này thường bắt nguồn từ mô phổi ngoại vi. Mặc dù hầu hết các trường hợp ung thư biểu mô tuyến có liên quan tới việc hút thuốc lá, nhưng đây cũng là loại ung thư phổ biến nhất ở những người hút ít hơn 100 điếu thuốc trong suốt cuộc đời và những người có tiền sử hút thuốc lá. Một phân loại phụ của ung thư biểu mô tuyến đó là ung thư biểu mô tuyến phổi tại chỗ, loại này thường gặp hơn ở những nữ giới không hút thuốc và có thể khả năng sống sót về lâu dài là cao hơn.Hiện nay, xu hướng mắc phải loại bệnh này đang có dấu hiệu gia tăng. Song, điều nguy hiểm là bệnh ít có triệu chứng rõ ràng, thường phát hiện ở những giai đoạn nặng. Bệnh gặp nhiều ở nữ giới và những người không hút thuốc lá. Bệnh xuất hiện ở trẻ em nhiều hơn so với ung thư biểu mô vảy, tuy nhiên lại có tiên lượng sống khả quan hơn.
  • Ung thư biểu mô tế bào lớn: Ung thư biểu mô tế bào lớn là loại bệnh có thể xuất phát ở bất cứ vị trí nào của phổi và thường khó điều trị hơn so với hai loại trên. Bệnh khá hiếm gặp, chỉ chiếm 15%. Loại bệnh này có dấu hiệu phát triển và xâm lấn nhanh hơn rất nhiều so với các loại ung thư phổi không tế bào nhỏ.Do ung thư thường xuất hiện ở phần ngoài của phổi nên khi mắc bệnh, người bệnh sẽ nhanh chóng có những triệu chứng như ho lâu ngày, ho ra máu...Trước đó, người bệnh sẽ có một số biểu hiện sớm như mệt mỏi, khó thở, đau lưng, vai, ngực...Ngoài ra, do phát triển ngay ngoài thành phổi nên ung thư biểu mô tế bào lớn có thể gây ra hiện tượng tràn dịch màng phổi và di căn đến thành ngực gây đau đớn, tức ngực mỗi khi bệnh nhân hít thở sâu.Khả năng sống trên 5 năm của những bệnh nhân ung thư biểu mô tế bào lớn là rất thấp, chỉ chiếm khoảng 18%. Với những bệnh nhân phát hiện sớm và điều trị kịp thời, tiên lượng sống có thể khả quan hơn.

8. Các giai đoạn phát triển của Ung thư phổi

Đa phần, các bác sĩ đều phân loại ung thư theo phương pháp TNM, cụ thể như sau:

  • T- Tumor status: về kích thước và vị trí của khối u
  • N- Node: về các hạch bạch huyết có liên quan
  • M- Metastatic status: ung thư di căn ra xa hơn so với các hạch bạch huyết

Ví dụ: nếu không xuất hiện khối u, giai đoạn đó sẽ là T0. Nếu ung thư đã lan đến các hạch bạch huyết khu trú lân cận, thì đó sẽ là N1.

8.1. Giai đoạn ung thư phổi không tế bào nhỏ

Ở giai đoạn này, ung thư phổi được chia thành các giai đoạn nhỏ như sau:

  • Giai đoạn bị che lấp: khối u chưa được phát hiện trong phổi mà chỉ thấy trong đờm hoặc mẫu nước thông qua quá trình nội soi mà thôi.
  • Giai đoạn 0: Những tế bào ung thư Phổi dần dần được tìm thấy trong phổi nhưng chỉ là một phần nhỏ nằm ở trong cùng của lớp niêm mạc, khối u này không phải là ung thư lây lan.
  • Giai đoạn I: Những tế bào ung thư bắt đầu xuất hiện ở phổi nhưng chưa lây lan được ra khu vực khác
  • Giai đoạn II: Những tế bào ung thư bắt đầu lây lan ra nhiều vị trí xung quanh phổi như thành ngực, màng phổi, hạch bạch huyết hay lớp màn bao quanh tim...
  • Giai đoạn III: Tế bào ung thư bắt đầu lây lan nhiều hơn ra các vị trí khác, cụ thể như ở lồng ngực giữa tim và phổi. Ung thư có nguy cơ lây lan sang cổ dưới.
  • Giai đoạn IV: Ung thư bắt đầu lây lan sang lá phổi còn lại hoặc một số bộ phận khác nằm trong cơ thể chúng ta, đến giai đoạn này, tế bào ung thư không thể bị loại bỏ bằng phẫu thuật nữa.

8.2. Ung thư phổi tế bào nhỏ

Ung thư phổi tế bào nhỏ thường không được phân loại giai đoạn theo phương pháp ở trên bởi nó có xu hướng lan tràn (di căn) sớm và được phân loại thành hai giai đoạn sau:

  • Giai đoạn hạn chế: Là giai đoạn những tế bào ung thư được tìm thấy chỉ nằm trong một lá phổi và một số mô nằm xung quanh mà thôi.
  • Giai đoạn mở rộng: Trong giai đoạn này, tế bào ung thư bắt đầu lan tràn và được tìm thấy ở nhiều nơi, ở lồng ngực bên ngoài phổi hoặc cũng có thể là ở những cơ quan khác nằm xa phổi hơn.

Phân giai đoạn ung thư phổi sẽ giúp bác sĩ xác định cách điều trị tốt nhất. Giai đoạn không nhất thiết nói lên quá trình và kết quả (tiên lượng) của ung thư phổi mà tiên lượng còn phụ thuộc vào tổng thể trạng, sức khỏe, các bệnh khác và phản ứng đối với điều trị.

9. Các biện pháp điều trị bệnh Ung thư phổi

Bệnh ung thư phổi có nhiều giai đoạn khác nhau. Với mỗi giai đoạn bệnh cần có phương pháp điều trị cụ thể. Đa số bệnh nhân được chẩn đoán ung thư phổi trong giai đoạn tiến triển nên tiên lượng bệnh khá xấu. Tuy nhiên, nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng cách, ung thư phổi có thể khỏi hoàn toàn.

9.1. Phẫu thuật ung thư phổi

Phẫu thuật là phương pháp điều trị triệt căn, đặc biệt là với những trường hợp được chẩn đoán ung thư phổi ở giai đoạn sớm. Nguyên nhân là bởi khi đó khối u còn nhỏ, chưa di căn, sức khỏe bệnh nhân chưa bị ảnh hưởng nhiều nên đáp ứng điều trị khá tốt. Phương pháp phẫu thuật thường được tiến hành để loại bỏ hoàn toàn thùy phổi chứa khối u và bóc hạch.

Sau phẫu thuật, khả năng chữa lành bệnh của người bệnh ung thư phổi là rất cao. Trường hợp ung thư phổi không tế bào nhỏ tỷ lệ sống trên 5 năm là khoảng 50%. Tuy nhiên, tại nước ta, số trường hợp được phát hiện bệnh sớm là rất ít nên phương pháp phẫu thuật thường ít khi được thực hiện và hiệu quả không tốt như kỳ vọng.

9.2. Xạ trị ung thư phổi

Khi xét đến ung thư phổi và cách điều trị, xạ trị là phương pháp được áp dụng khá phổ biến. Phương pháp này được sử dụng để điều trị ung thư phổi trong trường hợp khối u to nhưng chưa lây lan đến những cơ quan khác. Xạ trị sử dụng các máy chiếu tia năng lượng cao (tia X, tia gamma, proton...) giúp tiêu diệt tế bào ung thư, phá hủy khối u, làm khối u phát triển chậm hơn. Với bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn III, không được chỉ định phẫu thuật có thể điều trị hóa xạ trị đồng thời hoặc tuần tự để thu được hiệu quả chữa bệnh tốt nhất.

Xạ trị bệnh nhân ung thư phổi

Phương pháp xạ trị có thể gây ra nhiều biến chứng ảnh hưởng tới sức khỏe bệnh nhân. Các biến chứng sớm xuất hiện sau một vài ngày là: chán ăn, buồn nôn, đỏ vùng da chiếu xạ, rụng tóc,... Một số biến chứng muộn sẽ xuất hiện sau đó là: viêm da, đau rát, khô da, sưng tấy da, viêm gan, xơ gan,...

Ung thư phổi xạ trị sống được bao lâu? Thời gian sống của bệnh nhân dài hay ngắn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: loại ung thư, thời điểm phát hiện và điều trị bệnh, thể trạng của bệnh nhân, chế độ chăm sóc sức khỏe và dinh dưỡng,...

9.3. Hóa trị ung thư phổi

Ung thư phổi và cách điều trị hóa chất chủ yếu được áp dụng cho những bệnh nhân đã bước sang giai đoạn muộn, khi tế bào ung thư đã lây lan rộng. Hóa trị giúp tiêu diệt tế bào ung thư và ngăn chặn di căn ung thư. Ngoài ra, hóa trị cũng được sử dụng kết hợp với một vài liệu pháp khác như phẫu thuật hoặc xạ trị điều trị ung thư phổi giai đoạn 4 để làm giảm kích thước khối u, tiêu diệt những tế bào ung thư còn sót lại trong cơ thể.

Do thuốc được đưa vào cơ thể bệnh nhân theo đường tĩnh mạch nên sẽ gây ảnh hưởng tới một số cơ quan khỏe mạnh khác. Vì vậy, phương pháp điều trị ung thư phổi này cũng gây ra nhiều tác dụng phụ như: thiếu máu, buồn nôn, nôn ói, cơ thể suy kiệt, thiếu chất, suy giảm miễn dịch, rụng tóc, giảm khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng,...

9.4. Điều trị đích ung thư phổi

Bệnh ung thư phổi không tế bào nhỏ liên quan tới các đột biến gen (được xác định thông qua các xét nghiệm sinh học phân tử. Từ đó, bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân sử dụng thuốc điều trị nhắm trúng đích để tiêu diệt các tế bào ung thư nhưng ít gây ảnh hưởng tới tế bào lành, ít gây tác dụng phụ. Phương pháp này giúp cải thiện thời gian sống và chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân.

9.5. Điều trị miễn dịch ung thư phổi

Điều trị miễn dịch giúp tạo miễn dịch chủ động cho cơ thể, có khả năng tiêu diệt các tế bào ung thư nhờ việc phát hiện ra các điểm kiểm soát tế bào ung thư. Hiện có một số thuốc điều trị miễn dịch như Durvalumab, Pembrolizumab... Tuy nhiên, giá các loại thuốc này thường rất cao.

9.6. Một số phương pháp khác

Trong quá trình điều trị, bệnh nhân ung thư phổi dễ gặp một số biến chứng. Vì vậy, bệnh nhân có thể thực hiện thêm các biện pháp hỗ trợ sau đây để hoàn thành phác đồ điều trị:

  • Châm cứu: sử dụng kim châm vào các huyệt đạo trên cơ thể để kích thích khí huyết lưu thông, giảm triệu chứng buồn nôn, nôn, đau đớn, căng thẳng, lo lắng...
  • Massage, yoga, ngồi thiền: giúp cơ thể người bệnh ung thư phổi được thư giãn, thoải mái, giảm đau ngực, cổ, lưng và vai gáy, giảm lo âu, căng thẳng... góp phần nâng cao hiệu quả trị liệu.
  • Sử dụng thảo dược: kết hợp với các phương pháp điều trị ung thư phổi hiện đại như phẫu thuật, hóa trị và xạ trị để giảm triệu chứng bệnh và tác dụng phụ của hóa, xạ trị. Tuy nhiên, người bệnh cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng thảo dược để tránh tiền mất tật mang.
  • Sử dụng tinh dầu: mang lại cảm xúc tích cực cho bệnh nhân, giảm một số triệu chứng như đau đầu, buồn nôn, muộn phiền... Các loại tinh dầu bệnh nhân ung thư phổi có thể dùng là tinh dầu bạc hà, hương thảo, hoa nhài...

 

Ban Biên tập Y khoa Việt Nam

------------------------------------

Nguồn:

https://www.cancerresearchuk.org/about-cancer/lung-cancer/treatment/radiotherapy/radiotherapy-non-small-cell

http://bachmai.gov.vn/tin-tuc-va-su-kien/y-hoc-thuong-thuc-menuleft-32/5787-d%E1%BA%A5u-hi%E1%BB%87u-%C4%91i%E1%BB%83n-h%C3%ACnh-c%E1%BB%A7a-b%E1%BB%87nh-ung-th%C6%B0-ph%E1%BB%95i.html

https://www.vinmec.com/vi/tin-tuc/thong-tin-suc-khoe/tim-hieu-trieu-chung-ung-thu-phoi-dien-hinh/?link_type=related_posts

https://www.vinmec.com/vi/benh/ung-thu-phoi-3039/

https://www.vinmec.com/vi/tin-tuc/thong-tin-suc-khoe/co-nhung-loai-ung-thu-phoi-nao/

https://www.vinmec.com/vi/tin-tuc/thong-tin-suc-khoe/cac-bien-phap-dieu-tri-ung-thu-phoi/

https://www.vinmec.com/vi/tin-tuc/thong-tin-suc-khoe/cac-giai-doan-phat-trien-cua-ung-thu-phoi/?link_type=related_posts