Bệnh Kawasaki

25/07/2021 22:19 GMT+7

Bệnh Kawasaki được mô tả lần đầu tiên vào cuối những năm 1960 tại Nhật Bản bởi bác sĩ nhi khoa nổi tiếng tên là Tomisaku Kawasaki. Đây là một căn bệnh gây viêm các mạch máu, hầu như chỉ xảy ra ở trẻ nhỏ. Hầu hết bệnh nhân (khoảng 77%) dưới 5 tuổi. Đây là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tim ở trẻ em.

Nguyên nhân của bệnh Kawasaki là gì?

Nguyên nhân hiện chưa rõ. Các vi sinh vật và độc tố bị nghi ngờ là nguyên nhân gây bệnh nhưng chưa có bằng chứng khẳng định chắc chắn.

Bệnh Kawasaki thường xảy ra sau một lần nhiễm trùng trước đó, chẳng hạn như viêm amidan, nhiễm trùng tai, viêm phổi, nhiễm trùng tiểu hoặc nhiễm trùng đường tiêu hóa.

Các yếu tố di truyền và hệ miễn dịch (ví dụ, bệnh tự miễn) có thể có liên quan đến bệnh vì có sự hoạt hóa hệ miễn dịch.

Căn bệnh này phổ biến hơn ở những người gốc Nhật Bản hoặc Hàn Quốc.

Ai là đối tượng hay mắc bệnh Kawasaki?

Bệnh Kawasaki thường gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi. Hiếm khi gặp trẻ em trên 8 tuổi. Khi gặp ở trẻ hơn 8 tuổi thì được gọi là bệnh Kawasaki không điển hình.

Các triệu chứng của bệnh Kawasaki là gì?

Các triệu chứng thường gặp của bệnh Kawasaki bao gồm:

  • Sốt kéo dài (khoảng 5 ngày),
  • Đỏ mắt không có mủ (đau mắt đỏ),
  • Môi và niêm mạc miệng bị nứt và viêm, lưỡi bị viêm đỏ giống "dâu tây",
  • Bệnh loét nướu (viêm nướu),
  • Sưng hạch bạch huyết ở cổ (nổi hạch cổ),
  • Đau khớp thường ở cả hai bên,
  • Ho và sổ mũi,
  • Phát ban có màu đỏ tươi, nứt nẻ và bong tróc da (bong vảy), đặc biệt là ở lòng bàn tay và lòng bàn chân. Phát ban có thể xuất hiện theo hình dạng kiểu găng tay và vớ trên da tay và da chân. Ban trở nên cứng, sưng (phù nề), và sau đó bong ra.

Hầu hết các triệu chứng phổ biến được mô tả ở trên sẽ tự khỏi mà không có biến chứng, ngay cả khi không được điều trị.

Các triệu chứng không thường gặp bao gồm:

  • Viêm màng ngoài tim,
  • Viêm khớp
  • Viêm màng não,
  • Một số biến chứng khác trên tim

Tiên lượng của bệnh nhân chủ yếu phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của các biến chứng trên tim.

Chẩn đoán bệnh Kawasaki như thế nào?

Bệnh Kawasaki được chẩn đoán khi bệnh nhân sốt từ 38 - 40°C trở lên trong ít nhất năm ngày. (Nếu cơn sốt không được điều trị, nó có thể kéo dài đến 11 ngày.) Sốt kèm theo ít nhất bốn trong số năm triệu chứng sau:

  • Phát ban trên thân, người đặc biệt là ở vùng bẹn (háng).
  • Lòng bàn tay, lòng bàn chân bị sưng tấy đỏ khi phát bệnh. Tình trạng bong tróc da nhẹ ở đầu ngón tay, ngón chân xảy ra vào tuần thứ hai và tuần thứ ba. Những mảnh da lớn hơn cũng có thể bị bong ra ở bàn tay và bàn chân.
  • Mắt đỏ ngầu có thể nhạy cảm với ánh sáng.
  • Sưng các hạch bạch huyết ở cổ (hạch bạch huyết lớn,có kích thước hơn 1,5 cm). Đôi khi có cảm giác cứng cổ.
  • Kích ứng và viêm miệng, môi và cổ họng. Triệu chứng "lưỡi dâu tây”: lưỡi gồ ghề và đỏ với các chồi vị giác giãn rộng.

Các triệu chứng thường gặp của bệnh Kawasaki. Ảnh: www.heart.org

Bệnh Kawasaki có lây không?

Không. Bệnh Kawasaki không phải là bệnh truyền nhiễm. Tuy nhiên, các triệu chứng của bệnh Kawasaki thường bắt đầu sau khi bệnh nhân bị nhiễm trùng cấp tính mà tác nhân gây nhiễm trùng có thể lây lan.

Bệnh Kawasaki có thể gây ra các biến chứng nào?

Trẻ em mắc bệnh Kawasaki có thể bị viêm động mạch ở các bộ phận khác nhau của cơ thể.

  • Tình trạng viêm động mạch này được gọi là viêm mạch máu. Các động mạch bị viêm bao gồm các động mạch cung cấp máu cho cơ tim (động mạch vành).
  • Viêm mạch máu có thể làm suy yếu mạch máu và làm mạch máu giãn rộng, gọi là phình động mạch.
  • Mạch máu bị suy yếu là do tổn thương gây phá hủy các mô đàn hồi trong thành mạch máu.
  • Phình động mạch vành xảy ra do tổn thương mạch máu trong bệnh Kawasaki.
  • Bệnh cũng có thể làm tổn thương van tim (VD gây hở van 2 lá) mặc dù hiếm gặp.

Các xét nghiệm thường làm ở bệnh Kawasaki?

Do khả năng tim bị tổn thương và biến chứng phình động mạch vành, nên cần làm các xét nghiệm chuyên biệt để kiểm tra.

Trẻ em thường được đánh giá bằng điện tâm đồ (ECG) và siêu âm tim. Theo dõi sự xuất hiện của các biến chứng này rất quan trọng trong suốt cuộc đời vì chúng có thể khởi phát như một hậu quả muộn của bệnh Kawasaki.

Các động mạch khác có thể bị viêm bao gồm động mạch phổi, cổ và bụng, có thể gây ra các triệu chứng về hô hấp, đau đầu và đau bụng.

Các xét nghiệm máu để đo mức độ viêm (ví dụ như protein phản ứng C (CRP), tốc độ lắng hồng cầu) thường được sử dụng để theo diễn tiến của bệnh.

Điều trị bệnh Kawasaki như thế nào?

Trẻ em bị bệnh Kawasaki phải nhập viện.

Bệnh Kawasaki được điều trị bằng aspirin (axit salicylic) liều cao để giảm viêm và làm loãng máu nhẹ để ngăn hình thành cục máu đông. Đây là một trong số ít lần trẻ có thể dùng aspirin.

Cũng được sử dụng trong điều trị bệnh Kawasaki là gamma globulin được truyền qua tĩnh mạch (globulin miễn dịch tiêm tĩnh mạch hoặc IVIG), khi truyền dịch cho bệnh nhân. Phương pháp điều trị này đã được chứng minh là làm giảm nguy cơ khởi phát biến chứng phình mạch vành, đặc biệt là khi được sử dụng ở giai đoạn sớm.

Đôi khi cần dùng thuốc cortisone. Các cơn đau khớp dai dẳng được điều trị bằng thuốc chống viêm, chẳng hạn như ibuprofen hoặc naproxen.

Lọc huyết tương có hiệu quả ở những bệnh nhân không đáp ứng với aspirin và gamma globulin. Lọc huyết tương là một phương pháp giúp loại bỏ các kháng thể và protein trong huyết tương, là thủ phạm của phản ứng miễn dịch gây ra tình trạng viêm của bệnh.

Bệnh Kawasaki nếu không đáp ứng với các phương pháp điều trị truyền thống, truyền aspirin và gamma globulin, thì có thể gây tử vong. Các phương pháp điều trị đang được nghiên cứu bao gồm doxycycline, thuốc statin, anakinra và cyclosporine.

Tiên lượng cho trẻ em mắc bệnh Kawasaki như thế nào?

Bệnh Kawasaki thường tự giới hạn và thường tự khỏi sau 4 đến 8 tuần, và nếu được điều trị sớm, bình thường sẽ hồi phục hoàn toàn.

Hiếm khi bệnh Kawasaki có thể gây tử vong do các cục máu đông hình thành tại các chỗ phình của động mạch vành và viêm cơ tim. Phình động mạch vành có thể xảy ra sớm hoặc muộn, ngay cả khi trẻ em đã trưởng thành. Do đó cần tiếp tục theo dõi bệnh nhân sau khi đã chẩn đoán mắc bệnh Kawasakhi. Phình động mạch lớn hơn sẽ có tiên lượng xấu hơn. Phình động mạch có thể hình thành cục máu đông, gây nhồi máu cơ tim hoặc xuất huyết nội. Những bệnh nhân mà siêu âm tim không thấy phình động mạch vành là tốt nhất. Đối với những bệnh nhân có bất kỳ dấu hiệu thay đổi nào của phình động mạch cần theo dõi rất chặt chẽ. Trẻ em dưới 6 tháng tuổi và những trẻ xét có nghiệm máu cho thấy phản ứng viêm mạnh là những đối tượng nguy cơ cao nhất.

Chẩn đoán càng sớm và bắt đầu điều trị thì kết quả càng tốt.

Có thể ngăn ngừa bệnh Kawasaki không?

Vì nguyên nhân của bệnh Kawasaki vẫn chưa được xác định, nên không có biện pháp phòng ngừa bệnh. Đánh giá và điều trị sớm có thể giúp giảm nguy cơ bị những hậu quả dài hạn hay các biến chứng của bệnh.

Bệnh Kawasaki và hội chứng viêm đa hệ cơ quan ở trẻ em (MIS-C

Một căn bệnh khác được ghi nhận gần đây có các dấu hiệu và triệu chứng gần giống với bệnh Kawasaki có liên quan đến đại dịch COVID-19 (coronavirus). Căn bệnh mới này có vẻ nguy hiểm hơn bệnh Kawasaki. Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật Hoa Kỳ (CDC) đã đặt tên bệnh (kể từ ngày 14 tháng 5 năm 2020) là hội chứng viêm đa hệ cơ quan ở trẻ em, tên tiếng Anh là multisystem inflammatory syndrome (MIS-C). Sau đây là định nghĩa của hội chứng viêm đa hệ cơ quan ở trẻ em do CDC cung cấp:

  • Một cá nhân dưới 21 tuổi bị sốt, có bằng chứng viêm từ xét nghiệm và có bằng chứng lâm sàng cho thấy bệnh nặng cần nhập viện, có liên quan đến đa hệ (> 2) cơ quan (tim, thận, hô hấp, huyết học, tiêu hóa, da liễu hoặc thần kinh);
  • Không có chẩn đoán hợp lý nào khác;
  • Dương tính với nhiễm SARS-CoV-2 hiện tại hoặc gần đây bằng xét nghiệm phản ứng chuỗi polymerase sao chép ngược (RT-PCR), xét nghiệm huyết thanh hoặc kháng nguyên; hoặc tiếp xúc với COVID-19 trong vòng 4 tuần trước khi bắt đầu xuất hiện các triệu chứng.

CDC lưu ý rằng sốt ít nhất phải là 38oC trong ít nhất 24 giờ. Sự khác biệt chính giữa hội chứng viêm đa hệ cơ quan ở trẻ em và bệnh Kawasaki là sự tiến triển các triệu chứng nhanh hơn và nghiêm trọng hơn, đặc biệt là sốt và các triệu chứng của đa hệ cơ quan như tim và hô hấp, cùng với tình trạng nhiễm SARS-CoV-2 hiện tại hoặc gần đây. Một số trẻ em bị tim đập nhanh và có thể bị ngừng tim và ngừng thở.

 

Ban Biên tập Y khoa Việt Nam

--------------------

Nguồn: 

https://www.medicinenet.com/kawasaki_disease/article.htm. Truy cập ngày 25/7/2021

https://www.webmd.com/children/what-is-kawasaki-disease. Truy cập ngày 25/7/2021

https://www.heart.org/en/health-topics/kawasaki-disease/kawasaki-disease-signs-symptoms--diagnosis. Truy cập ngày 25/7/2021