Gout

18/07/2021 11:50 GMT+7

Bệnh gút là gì?

Bệnh gout (hay còn gọi là gút) là một loại viêm khớp cấp tính, thường ở một bên khớp. Bệnh gút nặng có thể ảnh hưởng đến nhiều khớp cùng một lúc, được gọi là bệnh gút đa khớp.

Nguyên nhân gây bệnh gút?

Bệnh gút là do có quá nhiều axit uric trong máu và sự tích tụ các tinh thể urat (dạng muối của axit uric) trong các mô của cơ thể. Tinh thể axit uric lắng đọng trong khớp gây viêm khớp dẫn đến đau, đỏ, nóng và sưng tấy.

Axit uric hiện diện trong cơ thể là sản phẩm của quá trình chuyển hóa một số loại protein được gọi là purin. Nguyên nhân làm tăng nồng độ axit uric trong máu (tăng axit uric máu) bao gồm di truyền, béo phì, do một số loại thuốc như thuốc lợi tiểu hoặc do giảm chức năng thận mãn tính (bệnh thận).

Các yếu tố nguy cơ của bệnh gút là gì?

Có nhiều yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh gút:

  • Tăng huyết áp cao là một yếu tố nguy cơ của bệnh gút.
  • Sau phẫu thuật, chấn thương và mất nước.
  • Sử dụng một số loại thuốc như thuốc lợi tiểu (tăng đào thải nước tiểu ra ngoài), thuốc điều trị tăng huyết làm tăng nồng độ axit uric trong máu, là nguy cơ gây bệnh gút. Aspirin liều thấp cũng có thể gây ra các cơn gút. Việc điều trị một số loại ung thư có thể gây ra bệnh gút vì lượng axit uric cao được giải phóng khi các tế bào ung thư bị tiêu diệt.
  • Viêm khớp thoái hóa cũng làm cho các khớp bị ảnh hưởng có nhiều khả năng trở thành vị trí của cơn đau gút.

Các triệu chứng và dấu hiệu bệnh gút là gì?

Các triệu chứng và dấu hiệu đặc trưng của bệnh gút là

  • Đột ngột đau khớp
  • Sưng khớp
  • Nóng khớp
  • Đỏ khớp

Các triệu chứng và dấu hiệu này thường chỉ ảnh hưởng đến một khớp. Cơn đau thường nghiêm trọng, phản ánh mức độ viêm khớp nặng. Khớp bị ảnh hưởng thường rất nhạy cảm khi chạm vào. Khớp bị sưng. Thuật ngữ y khoa mô tả tình trạng có nhiều dịch trong khớp là "tràn dịch khớp".

Bệnh gút thường liên quan đến các khớp ở chi dưới. Vị trí bệnh gút thường gặp là ở ngón chân cái, tại khớp bàn-ngón chân cái. Bệnh gút cũng có thể ảnh hưởng đến bàn chân, đầu gối, mắt cá chân, khuỷu tay, cổ tay, bàn tay hoặc gần như bất kỳ khớp nào trên cơ thể. Khi bệnh gút nặng hơn hoặc kéo dài, nhiều khớp có thể bị ảnh hưởng cùng một lúc. Điều này gây ra đau và cứng khớp ở nhiều khớp.

Vị trí bệnh gút thường gặp là ở ngón chân cái

Một dấu hiệu khác của bệnh gút là sự hiện diện của nốt tophi. Nốt tophi là một nốt cứng do axit uric lắng đọng dưới da. Nốt tophi có thể được tìm thấy ở nhiều vị trí khác nhau trên cơ thể, thường là ở khuỷu tay, sụn vành tai trên và trên bề mặt của các khớp khác. Khi xuất hiện nốt tophi, điều đó cho thấy cơ thể đang bị quá tải với rất nhiều với axit uric. Nốt tophi đồng nghĩa với tăng nồng độ axit uric trong máu trong nhiều năm. 

Bệnh gút kéo dài nếu không được điều trị có thể dẫn đến tổn thương khớp và biến dạng cơ thể.

Sỏi thận có thể là dấu hiệu của bệnh gút vì các tinh thể axit uric có thể lắng đọng trong thận và gây ra sỏi thận.

Bác sĩ chuyên khoa nào điều trị bệnh gút?

Các bác sĩ chuyên về bệnh lý thấp khớp thường có chuyên môn trong việc chẩn đoán và điều trị bệnh gút, đặc biệt là những tình huống phức tạp. Các bác sĩ chuyên khoa khác như bác sĩ nội khoa, bác sĩ đa khoa, bác sĩ y học gia đình và bác sĩ chấn thương chỉnh hình có thể điều trị những  trường hợp đơn giản. Các bác sĩ chuyên khoa thận có thể điều trị cho bệnh nhân bằng thuốc hạ axit uric như allopurinol để ngăn ngừa tổn thương thận, có thể xảy ra với nồng độ axit uric trong máu tăng cao.

Làm thế nào để chẩn đoán bệnh gút?

  • Xét nghiệm dịch khớp: Chẩn đoán chính xác bệnh gút là chứng minh có sự hiện diện của các tinh thể axit uric trong dịch khớp đã được rút ra từ khớp bị viêm. Các bác sĩ hoặc nhân viên y tế sẽ dùng kim chọc hút dịch khớp, sau đó kiểm tra dưới kính hiển vi để xác định xem có các tinh thể axit uric trong dịch khớp hay không. Điều này rất quan trọng vì các tình trạng bệnh lý khác, ví dụ như bệnh giả gout (một loại viêm khớp gây do lắng đọng tinh thể canxi pyrophosphat) và nhiễm trùng, cũng có thể có các triệu chứng tương tự như bệnh gút.
  • Xét nghiệm máu: Bác sĩ có thể đề nghị xét nghiệm máu để đo nồng độ axit uric trong máu. Tuy nhiên, cần lưu ý một số người có nồng độ axit uric cao, nhưng không bao giờ bị bệnh gút. Và ngược lại một số người có các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh gút, nhưng nồng độ axit uric trong máu lại bình thường.
  • Chụp X-quang: Có thể hữu ích để loại trừ các nguyên nhân khác gây viêm khớp.
  • Siêu âm: Sử dụng sóng âm thanh để phát hiện tinh thể urat trong khớp hoặc trong hạt tophi.
  • Chụp cắt lớp vi tính năng lượng kép (DECT): Xét nghiệm này kết hợp hình ảnh X-quang được chụp từ nhiều góc độ khác nhau để xem các tinh thể urat trong khớp.

Khi nào người bệnh nên khám chữa bệnh gút?

Thay đổi trong lối sống, như hạn chế thực phẩm liên quan đến bệnh gút, nên được bắt đầu ở tất cả bệnh nhân bị gút.

Điều trị bệnh gút bằng thuốc cần thiết khi:

  • các cơn đau gút cấp thường xuyên xảy ra,
  • có sỏi thận do axit uric,
  • có bằng chứng tổn thương khớp do bệnh gút trên phim chụp X-quang,
  • có nốt tophi

Điều trị nên được cá nhân hóa để phù hợp cho bệnh nhân.

Phương pháp điều trị bệnh gút?

Bệnh gút nhẹ: không xãy ra thường xuyên và không biến chứng, có thể được điều trị bằng chế độ ăn uống và thay đổi lối sống.

Điều chỉnh chế độ ăn uống là một trong những cách quan trọng nhất để giảm số cơn gút cấp. Mục tiêu của những thay đổi này là làm giảm nồng độ axit uric trong máu.

Những thay đổi chế độ ăn uống sau đây có thể làm giảm các triệu chứng bệnh gút:

  • Giảm hoặc bỏ rượu, đặc biệt là bia.
  • Uống nhiều nước hoặc đồ uống không cồn khác.
  • Ăn nhiều hơn các sản phẩm sữa ít béo hoặc không béo.
  • Tránh thực phẩm giàu purin, bao gồm thịt nội tạng (thận, gan, lòng) và cá nhiều dầu (cá mòi, cá cơm và cá trích), thịt xông khói; hải sản (tôm, cua, sò điệp, cá hồi, cá mòi, cá ngừ); thịt đỏ (trâu, bò, chó). 
  • Hạn chế thịt động vật, ưu tiên các loại protein có nguồn gốc thực vật
  • Ăn các loại carbohydrate phức hợp, chẳng hạn như bánh mì nguyên hạt, trái cây và rau, thay vì đồ ngọt có đường và carbohydrate tinh chế như bánh mì trắng.

Tập thể dục thường xuyên và giảm cân. Giữ cơ thể ở mức cân nặng hợp lý giúp giảm nguy cơ mắc bệnh gút. Chọn các hoạt động ít tác động như đi bộ, đi xe đạp và bơi lội, đây là những hoạt động dễ dàng hơn cho các khớp.

Bệnh gout nặng: Các nghiên cứu cho thấy ngay cả chế độ ăn kiêng khắt khe nhất cũng không làm giảm axit uric trong máu đủ để kiểm soát bệnh gút nặng. Do đó, điều trị bằng thuốc là cần thiết khi các đợt gout cấp tính xãy ra thường xuyên, bị sỏi thận do axit uric, có nốt tophi hoặc có bằng chứng về tổn thương khớp do gút. 

Thuốc điều trị bệnh gút thường thuộc một trong ba loại: thuốc hạ axit uric, thuốc dự phòng (thuốc được sử dụng kết hợp với thuốc hạ axit uric để ngăn chặn đợt gút cấp tính) và thuốc giảm đau nhanh.

  • Thuốc hạ acit uric là phương pháp điều trị chính cho bệnh gút, mục đích là làm giảm lượng axit uric trong máu. Đối với hầu hết bệnh nhân, mục tiêu dùng thuốc hạ axit uric là đạt được mức axit uric huyết thanh dưới 6mg/dL. Thuốc hạ axit uric cũng điều trị hiệu quả để giảm kích thước của nốt tophi, với mục tiêu cuối cùng là làm chúng biến mất. Thuốc giảm axit uric bao gồm allopurinol, febuxostat, probenecid và pegloticase.
  • Thuốc dự phòng được sử dụng trong khoảng sáu tháng đầu điều trị phối hợp với thuốc làm giảm nồng độ axit uric để ngăn ngừa sự xuất hiện các đợt gút cấp tính hoặc giảm số lượng và mức độ nghiêm trọng của các đợt cấp tính. Điều này là do bất kỳ loại thuốc nào làm tăng hoặc giảm nồng độ axit uric trong máu đều có thể gây ra đợt gút cấp. Colchicine và bất kỳ NSAIDs nào (thuốc chống viêm không steroid) như indomethacin, diclofenac, ibuprofen hoặc naproxen sodium cũng được sử dụng như thuốc dự phòng để ngăn ngừa đợt gút cấp trong quá trình điều trị hạ axit uric. Khi phối hợp thuốc dự phòng này trong vòng sáu tháng đầu điều trị bằng allopurinol, febuxostat hoặc probenecid, nguy cơ bị đợt gút cấp trong khoảng thời gian này giảm xuống. Lưu ý: Thuốc dự phòng không được sử dụng kết hợp với thuốc hạ axit uric pegloticase.
  • Thuốc giảm đau cấp tốc: được sử dụng trong các cơn gút cấp tính để giảm đau và viêm. Cả colchicine và NSAID đều có thể được sử dụng trong cơn gút cấp tính để giảm viêm và đau. Corticosteroid như prednisone, methylprednisolone và prednisolone, cũng có thể được sử dụng trong đợt gút cấp tính. Tuy nhiên, tổng liều steroid thường bị hạn chế do các tác dụng phụ tiềm ẩn như đục thủy tinh thể và mất xương. Thuốc steroid cực kỳ hữu ích trong việc điều trị đợt gút cấp ở những bệnh nhân không thể dùng colchicine hoặc NSAID.

Phương pháp điều trị bệnh gút tại nhà

Các biện pháp hỗ trợ điều trị tại nhà cho cơn gút cấp bao gồm uống nhiều nước. NSAID không kê đơn (thuốc chống viêm không steroid), chẳng hạn như ibuprofen và naproxen sodium, có thể được sử dụng khi không có chống chỉ định, chẳng hạn như giảm chức năng thận hoặc loét dạ dày.

Các biện pháp hỗ trợ điều trị tại nhà giúp ích cho việc kiểm soát bệnh gút mãn tính. Các thay đổi chế độ ăn uống được đề cập ở trên có thể rất hiệu quả ở một số bệnh nhân. Uống nhiều nước có lợi trong việc ngăn ngừa các cơn gút xuất hiện.

 

Ban Biên tập Y khoa Việt Nam

-------------------------

Nguồn:

https://www.medicinenet.com/gout_gouty_arthritis/article.htm. Truy cập ngày 18/7/2021

https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/gout/diagnosis-treatment/drc-20372903. Truy cập ngày 18/7/2021