IBS (Hội chứng ruột kích thích)

21/06/2021 08:54 GMT+7

Hội chứng ruột kích thích là gì?

Hội chứng ruột kích thích là một rối loạn tiêu hóa ở người lớn hoặc trẻ em, biểu hiện bằng các triệu chứng quặn bụng, đau bụng, thay đổi thói quen đi tiêu, không dung nạp thức ăn và đầy hơi chướng bụng.

Hội chứng ruột kích thích là một dạng rối loạn "chức năng", có nghĩa là rối loạn liên quan đến chuyển động của ruột (nhu động ruột) chứ không phải do tổn thương thực thể của đường tiêu hóa.

Trước đây, hội chứng ruột kích thích còn được gọi là đại tràng co thắt hay ruột co thắt, bệnh ruột chức năng, viêm đại tràng nhầy hay đại tràng thần kinh.

Những dấu hiệu và triệu chứng của Hội chứng ruột kích thích là gì?

Hội chứng ruột kích thích có triệu chứng phổ biến là đau bụng và quặn đau. Các triệu chứng khác bao gồm:

  • Tiêu chảy
  • Táo bón
  • Đầy hơi chướng bụng
  • Buồn nôn
  • Phân lỏng hoặc có bọt
  • Giảm cân không rõ lý do
  • Ăn mất ngon 
  • Khó tiêu: 70% người bị Hội chứng ruột kích thích có triệu chứng này.

Các triệu chứng thường thuyên giảm khi đi tiêu. Phụ nữ bị Hội chứng ruột kích thích có thể có nhiều triệu chứng hơn trong kỳ kinh nguyệt.

Nguyên nhân gây ra Hội chứng ruột kích thích?

Nguyên nhân chính xác của hội chứng ruột kích thích vẫn chưa được biết rõ. Có thể là do một số yếu tố thúc đẩy Hội chứng ruột kích thích:

  • Chuyển động bất thường của ruột già và ruột non (quá nhanh hoặc chậm, hoặc quá mạnh)
  • Cơ địa dễ đau khi ruột bị đầy (thức ăn hoặc khí)
  • Nhạy cảm với thực phẩm, có thể do kém hấp thu đường hoặc axit trong thực phẩm
  • Viêm dạ dày ruột ( còn gọi là "cúm dạ dày"), là tình trạng dạ dày hoặc ruột bị nhiễm virus hay vi khuẩn.
  • Tâm lý lo lắng hoặc trầm cảm thường gặp ở nhiều người bị Hội chứng ruột kích thích, mặc dù những tình trạng này không phải là nguyên nhân trực tiếp gây Hội chứng ruột kích thích.
  • Nội tiết tố sinh sản hoặc chất dẫn truyền thần kinh có thể bị mất cân bằng ở những người bị Hội chứng ruột kích thích.
  • Sự phát triển quá mức của vi khuẩn trong ruột non
  • Di truyền được cho là nguyên nhân có thể gây ra Hội chứng ruột kích thích, nhưng cho đến nay, mối liên hệ di truyền này vẫn chưa được chứng minh.

Có chế độ ăn dành cho cho Hội chứng ruột kích thích không? Thực phẩm nào dễ khởi phát Hội chứng ruột kích thích?

Loại thực phẩm ăn vào và cách ăn có thể ảnh hưởng. Một số loại thực phẩm có thể giúp ngăn ngừa các triệu chứng, và cũng có một số loại thực phẩm có thể thúc đẩy khởi phát triệu chứng. Để giúp tìm ra thực phẩm nào gây ra các triệu chứng, bác sĩ có thể đề nghị ghi nhật ký thực phẩm.

Thực phẩm nên ăn có thể giúp giảm triệu chứng:

  • Thực phẩm bổ sung chất xơ
  • Nước
  • Thức ăn ít chất béo 
  • Thực phẩm giàu carbohydrate (chẳng hạn như mì ống làm từ lúa mì nguyên cám, gạo lứt và bánh mì ngũ cốc nguyên hạt)
  • Probiotics (chứa các vi khuẩn có lợi Lactobacillus acidophilus và Bifidobacterium) và prebiotics (là những chất xơ làm thức ăn cho vi khuẩn có lợi trong ruột)
  • Nước ép nha đam được báo cáo giúp giảm các triệu chứng. Cần hỏi thêm ý kiến của bác sĩ về loại nước này.
  • Chế độ ăn giàu chất xơ có thể giúp giảm táo bón trong một số trường hợp, nhưng nó cũng có thể làm trầm trọng thêm một số triệu chứng như đầy hơi & chướng bụng. Lượng chất xơ được khuyến nghị hiện nay là 20-35 gram mỗi ngày. Hầu hết mọi người đều thiếu lượng chất xơ hàng ngày nên cần tăng lượng chất xơ, nhưng tốt nhất là nên tăng từ từ để giảm lượng khí sinh ra trong ruột.

Thực phẩm nên tránh khi bị Hội chứng ruột kích thích

  • Các sản phẩm từ sữa, bao gồm sữa và pho mát (Các triệu chứng không dung nạp lactose có thể tương tự như các triệu chứng của Hội chứng ruột kích thích.)
  • Một số loại rau làm tăng khí (chẳng hạn như súp lơ, bông cải xanh, bắp cải) và đồ legume (như đậu)
  • Đồ ăn nhiều dầu mỡ hoặc đồ chiên rán
  • Rượu, caffein hoặc soda
  • Thực phẩm nhiều đường
  • Chất làm ngọt nhân tạo (đường nhân tạo)
  • Kẹo cao su
  • Các loại hạt

Chế độ ăn FODMAP thấp là gì?

Chế độ ăn FODMAP thấp có thể giúp làm giảm các triệu chứng Hội chứng ruột kích thích. FODMAP đề cập đến một nhóm các carbohydrate chuỗi ngắn, viết tắt của cụm từ tiếng Anh: Fermented Oligosaccharides (Oligosaccharides lên men), Disaccharides (Đường đôi), Monosaccharides (Đường đơn) và Polyols.  FODMAP không được hấp thu tốt trong ruột non và nhanh chóng bị lên men bởi vi khuẩn trong ruột và tạo ra khí, góp phần gây ra các triệu chứng của Hội chứng ruột kích thích.

Danh sách các loại thực phẩm có hàm lượng FODMAP thấp và cao đều rất phong phú. Tổ chức Quốc tế về Rối loạn Tiêu hóa Chức năng (IFFGD) có đề xuất về các loại thực phẩm nên ăn và nên tránh nếu bạn tuân theo chế độ ăn kiêng FODMAP cho Hội chứng ruột kích thích. Nói chuyện với bác sĩ của bạn để biết thêm thông tin.

Các thể lâm sàng của Hội chứng ruột kích thích

  • Hội chứng ruột kích thích thể tiêu chảy (IBS-D): Triệu chứng thường gặp nhất là tiêu chảy. Có thể bị đau bụng, khó chịu, buồn nôn
  • Hội chứng ruột kích thích thể táo bón (IBS-C): Triệu chứng thường gặp nhất là táo bón. Có thể bị đau bụng, đầy hơi chướng bụng.
  • Hội chứng ruột kích thích thể thể hỗn hợp (IBS - M): Bệnh nhân có cả triệu chứng tiêu chảy và táo bón.

Hội chứng ruột kích thích và Bệnh viêm ruột có giống nhau không?

Trong khi cả hội chứng ruột kích thích và bệnh viêm ruột đều có thể có các triệu chứng giống nhau như đau bụng, tiêu chảy và đi tiêu gấp... tuy nhiên, 2 bệnh này không giống nhau. 

Bệnh viêm ruột là một nhóm các bệnh riêng biệt bao gồm viêm loét đại tràng và bệnh Crohn, và là một tình trạng nặng hơn Hội chứng ruột kích thích.

Hội chứng ruột kích thích là một rối loạn tiêu hóa chức năng, cụ thể là chức năng bất thường của ruột. Hội chứng ruột kích thích là một nhóm các triệu chứng chứ không phải bệnh, đó là lý do tại sao nó được gọi là 'hội chứng' và được xem là ít nghiêm trọng hơn Bệnh viêm ruột.

Hội chứng ruột kích thích không gây viêm như bệnh viêm ruột, không gây tổn thương vĩnh viễn ở ruột, chảy máu ruột hay trực tràng, loét hoặc các biến chứng thường thấy với bệnh viêm ruột.

Hội chứng ruột kích thích được chẩn đoán như thế nào?

Hội chứng ruột kích thích được chẩn đoán bằng cách loại trừ các rối loạn tiêu hóa khác có thể gây ra các triệu chứng tương tự. Khai thác tiền sử và và thăm khám lâm sàng giúp xác định thời gian và tần suất của các triệu chứng.

Để chẩn đoán Hội chứng ruột kích thích, thì thời gian xuất hiện các triệu chứng ít nhất là sáu tháng và tần suất xãy ra ít nhất ba lần trong một tháng. 

Bác sĩ có thể yêu cầu làm các xét nghiệm như xét nghiệm máu, xét nghiệm phân, hoặc chụp X-quang hay chụp CT. Nếu không phát hiện tổn thương nào cụ thể thì có thể chẩn đoán xác định là Hội chứng ruột kích thích. 

Điều trị Hội chứng ruột kích thích như thế nào?

Thay đổi chế độ ăn uống là phương pháp điều trị đầu tiên. Có một số loại thực phẩm đặc biệt thường gây ra các triệu chứng.

Nếu thay đổi chế độ ăn uống và thay đổi lối sống không đủ để điều trị các triệu chứng, thì bác sĩ có thể dùng thuốc.

Những loại thuốc nào được sử dụng trong điều trị Hội chứng ruột kích thích?

1. Thuốc trị tiêu chảy. 

Thuốc trị tiêu chảy như loperamide, attapulgite, và diphenoxylate và atropine được dùng nếu phân lỏng là triệu chứng chính. Eluxadoline là một đơn thuốc để điều trị hội chứng ruột kích thích thể tiêu chảy (IBS-D).
Đối với phụ nữ bị Hội chứng ruột kích thích bị tiêu chảy nặng, alosetron có thể được sử dụng.
Rifaximin là một loại thuốc kháng sinh để điều trị hội chứng ruột kích thích kèm thể tiêu chảy và đầy hơi.

2. Thuốc trị táo bón

  • Thuốc nhuận tràng không kê đơn như polyethylene glycol 3350, bisacodyl có thể giúp giảm táo bón và giữ cho nhu động ruột đều đặn. Thuốc nhuận tràng Senna có thể được dùng trong thời gian ngắn. Thuốc nhuận tràng theo toa như lactulose cũng có thể được kê đơn.
  • Hai loại thuốc đặc biệt được sử dụng để điều trị hội chứng ruột kích thích là lubiprostone, một loại thuốc nhuận tràng và linaclotide, một loại thuốc trị táo bón.
  • Thuốc chống trầm cảm SSRI fluoxetine, citalopram, sertraline, paroxetine và escitalopram có thể hữu ích cho những người bị táo bón (IBS-C), nhưng chúng có thể khởi phát triệu chứng ở bệnh nhân hội chứng ruột kích thích thể tiêu chảy (IBS-D).

Còn những loại thuốc nào khác điều trị Hội chứng ruột kích thích?

  • Thuốc chống trầm cảm liều thấp, chẳng hạn như thuốc chống trầm cảm ba vòng và thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI), có thể giúp làm giảm các triệu chứng.
  • Bismuth subsalicylate và magie hydroxit.
  • Thuốc kháng sinh có thể được sử dụng khi nghi ngờ sự phát triển quá mức của vi khuẩn trong ruột non.
  • Thuốc chống lo âu như diazepam, lorazepam, và clonazepam đôi khi được kê đơn ngắn hạn cho những người lo lắng làm trầm trọng thêm các triệu chứng.

Thuốc nào điều trị đau và co thắt?

Thuốc chống co thắt, chẳng hạn như metoclopramide, dicyclomine và hyoscyamine, làm giảm các triệu chứng đau và quặn bụng.
Thuốc chống trầm cảm như amitriptyline, doxepin, desipramine, nortriptyline và imipramine có thể giúp giảm đau bụng nhưng do tác dụng phụ nên thường được dành cho những trường hợp nặng.

Những biện pháp tại nhà?

Một số thay đổi lối sống cũng có thể giúp giảm các triệu chứng là:

  • Chia nhỏ các bữa ăn
  • Bỏ hút thuốc
  • Luyện tập thể dục đều đặn
  • Uống men vi sinh
  • Tránh caffein
  • Sử dụng các kỹ thuật thư giãn và giảm căng thẳng
  • Phản hồi sinh học
  • Các kỹ thuật quản lý cơn đau
  • Liệu pháp tâm lý
  • Tập thể dục thường xuyên như đi bộ hoặc yoga
  • Ngủ đủ giấc
  • Hãy thử gừng hoặc bạc hà, có thể giúp tiêu hóa
  • Tránh dùng thuốc nhuận tràng trừ khi được bác sĩ kê đơn

Các biến chứng của Hội chứng ruột kích thích là gì?

Nói chung, có rất ít biến chứng liên quan đến tình trạng rối loạn chức năng này. Nếu bị trĩ, tiêu chảy và táo bón do Hội chứng ruột kích thích có thể gây khó chịu hơn. Ngoài ra, một chế độ ăn quá khiêng kem, hạn chế chất dinh dưỡng có thể gây thiếu hụt dinh dưỡng.

Biến chứng lớn nhất của Hội chứng ruột kích thích là chất lượng cuộc sống. Tình trạng căng thẳng, lo lắng cũng như ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày có thể gây nhiều phiền toái cho người bệnh.

Hội chứng ruột kích thích không dẫn đến:

  • Ung thư đại tràng (ruột già),
  • Chảy máu trực tràng,
  • Bệnh viêm ruột (bệnh Crohn và viêm loét đại tràng)

Có cách nào chữa khỏi Hội chứng ruột kích thích không?

Hiện tại chưa có cách chữa dứt, nhưng có nhiều lựa chọn điều trị để giảm hoặc hết các triệu chứng. 

Tiên lượng cho Hội chứng ruột kích thích?

Hội chứng ruột kích thích là một tình trạng mạn tính với các triệu chứng có xu hướng đến và đi. Tiên lượng chung của Hội chứng ruột kích thích phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng và tần suất của các triệu chứng, và khả năng kiểm soát các triệu chứng này, cho dù bằng chế độ ăn uống, thay đổi lối sống hoặc thuốc men.

Có thể phòng ngừa Hội chứng ruột kích thích không?

Không thể ngăn ngừa Hội chứng ruột kích thích khởi phát, nhưng có thể ngăn chặn các triệu chứng xảy ra hoặc trở nặng. Như đã đề cập, thay đổi chế độ ăn uống và lối sống có thể giúp kiểm soát các triệu chứng. Để xác định các yếu tố nguy cơ liên quan thực phẩm, bác sĩ có thể đề nghị bạn ghi nhật ký thực phẩm và tránh các loại thực phẩm gây ra các triệu chứng. Kiểm soát căng thẳng và lo lắng, đồng thời thử liệu pháp tâm lý nếu cần.

 

Ban Biên tập Y khoa Việt Nam

----------------------

Nguồn: https://www.medicinenet.com/irritable_bowel_syndrome_ibs/article.htm. Truy cập ngày 21/6/2021