Ong đốt

08/09/2021 09:29 GMT+7

Ong đốt là một sự phiền toái ngoài trời phổ biến. Trong hầu hết các trường hợp, ong đốt chỉ gây khó chịu và chỉ cần điều trị tại nhà. Nhưng nếu bạn bị dị ứng với ong đốt hoặc bị ong đốt nhiều lần, bạn có thể bị phản ứng dị ứng nghiêm trọng hơn, cần được điều trị khẩn cấp.

Những nguy cơ có thể gặp phải khi bị ong đốt

Bị ong đốt là một tai nạn không phải hiếm gặp trong cuộc sống hằng ngày, phổ biến nhất trong những tháng hè quanh năm. Đây là một tai nạn cần cấp cứu nhanh vì nọc độc của ong có thể ảnh hưởng đến tính mạng của người bị đốt. Trong tự nhiên có nhiều loại ong khác nhau, trong đó những loại có khả năng cao đốt người ở nước ta là ong vò vẽ, ong mật, ong bắp cày, ong vàng, ... Nọc độc của từng loài có khả năng gây độc khác nhau, tuy nhiên không nhiều các trường hợp nạn nhân có thể xác định chính xác tên loài ong đã tấn công. Dựa vào hình thái bên ngoài có thể phân biệt được một vài loài ong khác nhau như ong vò vẽ có thân dài với nhiều vạch vàng, thói quen làm tổ trên cao ở thân cây lớn hoặc mái nhà. Theo thống kê, loài ong châu Phi có thể làm tử vong 40 người mỗi năm với những lần tấn công tập thể. Bên cạnh khả năng đe dọa tính mạng, người bị ong đốt còn phải đối diện với nhiều nguy cơ khác như sốc phản vệ, suy thận cấp, tan máu, tiêu hủy cơ vân,...

Sau khi bị đốt, vết thương tại chỗ thường sưng đỏ, đau và có cảm giác ngứa. Để trả lời được thắc mắc bị ong đốt sưng bao lâu của nhiều người, bác sĩ cần dựa vào tên loài ong, đặc điểm lâm sàng và tổng trạng chung của người bị đốt. Trong nhiều trường hợp, vết đốt có thể sưng từ vài ngày đến vài tuần. Ở những tình huống có biến chứng nặng nề hơn do bị đốt nhiều vị trí ở vùng đầu, mặt, cổ, người bị đốt còn xuất hiện các triệu chứng toàn thân như phù mặt, nổi ban đỏ toàn thân ngứa nhiều, khó thở, thở rít do chít hẹp thanh môn, suy hô hấp, mạch nhanh, huyết áp tụt, hôn mê, gợi ý một tình trạng sốc phản vệ. Các triệu chứng khác như tiểu màu đỏ hoặc nâu gợi ý một tình trạng tổn thương thận cấp.

Các triệu chứng khi bị ong đốt

Ong đốt có thể tạo ra các phản ứng khác nhau, từ đau và khó chịu tạm thời đến phản ứng dị ứng nghiêm trọng. Có một kiểu phản ứng không có nghĩa là bạn sẽ luôn có phản ứng giống nhau mỗi khi bị đốt hoặc phản ứng tiếp theo nhất thiết phải nghiêm trọng hơn.

1. Phản ứng nhẹ

Hầu hết thời gian, các triệu chứng ong đốt là nhẹ và bao gồm:

  • Đau rát tức thì tại chỗ bị đốt
  • Đỏ ở vùng da bị đốt
  • Sưng nhẹ quanh vùng bị đốt

Trong hầu hết các trường hợp thì sưng và đau sẽ biến mất trong vòng vài giờ.

2. Phản ứng vừa

Một số người bị ong hoặc côn trùng khác đốt có phản ứng mạnh hơn một chút, với các dấu hiệu và triệu chứng như:

  • Cực kỳ đỏ
  • Sưng tấy tại vị trí vết đốt và to dần trong một hoặc hai ngày tiếp theo

Các phản ứng vừa có xu hướng hết trong 5 đến 10 ngày. Phản ứng vừa không có nghĩa là bạn sẽ bị phản ứng dị ứng nghiêm trọng vào lần tiếp theo khi bị đốt. 

3. Phản ứng dị ứng nghiêm trọng

Một phản ứng dị ứng nghiêm trọng (phản vệ) do ong đốt có thể đe dọa tính mạng và cần được điều trị khẩn cấp. Một tỷ lệ nhỏ những người bị ong hoặc côn trùng khác đốt nhanh chóng bị sốc phản vệ. Các dấu hiệu và triệu chứng của sốc phản vệ bao gồm:

  • Các phản ứng trên da, bao gồm phát ban và ngứa toàn thân
  • Khó thở, thở khò khè
  • Sưng môi và lưỡi
  • Mạch yếu, nhanh
  • Buồn nôn, nôn mửa hoặc tiêu chảy
  • Chóng mặt hoặc ngất xỉu
  • Mất ý thức

Những người có phản ứng dị ứng nghiêm trọng do ong đốt có 25% - 65% khả năng bị sốc phản vệ trong lần tiếp theo bị đốt. Hãy trao đổi với bác sĩ hoặc chuyên gia dị ứng về các biện pháp phòng ngừa như liệu pháp miễn dịch ("chích ngừa dị ứng") để tránh phản ứng tương tự trong trường hợp bạn bị đốt trở lại.

Cách xử trí khi bị ong đốt

Theo các chuyên gia chống độc, nếu bị ong đốt nhiều nốt hoặc bị đốt ở các vị trí như đầu, mặt, cổ: bị dị ứng với nọc ong, bị sốc hoặc bị nhiễm độc… có thể nguy hiểm đến tính mạng. Vì vậy bên cạnh việc phòng ngừa chúng ta cần biết cách xử trí đúng cách khi bị ong đốt để xử lý kịp thời những dấu hiệu nguy hiểm.

1. Dấu hiệu của một phản ứng dị ứng toàn thân (phản ứng dị ứng nặng):

Các triệu chứng thường khởi phát rất nhanh và có thể bao gồm

  • Các phản ứng trên da, bao gồm phát ban và ngứa toàn thân
  • Khó thở, thở khò khè
  • Sưng môi và lưỡi
  • Mạch yếu, nhanh
  • Buồn nôn, nôn mửa hoặc tiêu chảy
  • Chóng mặt hoặc ngất xỉu
  • Mất ý thức

Bất cứ ai có bất kỳ triệu chứng nào trong số này nên được đưa đến phòng cấp cứu ngay lập tức.

Sưng môi là một trong những dấu hiệu nặng do ong đốt. Ảnh: Medicinenet.com

Những người đã từng có phản ứng dị ứng toàn thân rất có thể sẽ bị lại lần nữa. Tuy nhiên, cũng có trường hợp có người chưa từng có phản ứng dị ứng với lần bị ong đốt trước đó nhưng ở lần ong đốt này lại bị phản ứng dị ứng toàn thân. Cũng may mắn là phản ứng đầu tiên này ít khi gây tử vong.

2. Nếu không có dấu hiệu của phản ứng dị ứng toàn thân, hãy làm theo các bước sau:

  • Nhanh chóng ra khỏi khu vực có ong.
  • Sau khi bị ong đốt, cần loại bỏ ngòi càng nhanh càng tốt. Trong nhiều trường hợp (ví dụ như ong mật đốt), con ong còn để lại bao nọc độc, nó tiếp tục bơm nọc độc miễn là nó vẫn còn nguyên vẹn. Do đó cần lấy ngòi của ong ra bằng các vật cùn như thẻ tín dụng, nhẹ nhàng cạo qua vùng da bị chích là cách tốt nhất để loại bỏ ngòi. Tránh dùng nhíp hoặc vật dụng sắc nhọn vì có thể làm thủng hoặc bóp vào bao nọc độc và làm cho các triệu chứng trầm trọng hơn.

  • Rửa sạch vùng da bị đốt bằng xà phòng và nước ấm. Không được gãi.
  • Chườm lạnh vào chỗ da bị đồt có thể giúp giảm nhẹ các triệu chứng. Chườm đá trong 20 phút mỗi giờ một lần nếu cần. Quấn đá vào một chiếc khăn hoặc giữ một miếng vải giữa đá và da để tránh làm lạnh da.
  • Có thể bôi kem hydrocortisone lên vết đốt có thể giúp giảm mẩn đỏ, ngứa và sưng tấy. 
  • Có thể uống thuốc giảm đau như acetaminophen, ibuprofen để giảm đau nếu bị đau nhiều.
  • Uống nhiều nước để loại thải độc tố.

Sau khi xử trí như trên người bị ong đốt cần được chăm sóc và theo dõi cẩn thận và đưa nạn nhân đến cơ sở y tế để kiểm tra lại khi cần.

Phòng tránh bị ong đốt

Tai nạn bị ong đốt mặc dù thường gặp nhưng khá nguy hiểm nên người dân không nên chủ quan. Cách tốt nhất là phòng tránh đừng bị ong đốt bằng các biện pháp sau:

  • Tránh xa những khu vực có nhiều tổ ong sinh sống.
  • Không dùng gậy, que chọc phá tổ ong, cần đặc biệt căn dặn điều này với trẻ em.
  • Tránh đi vào các khu vực nhiều cây cối vào ban đêm vì lúc này thường khó quan sát và hạn chế phát hiện các tổ ong lớn làm tổ ở vị trí thấp.
  • Đối với những người nuôi ong lấy mật, cần đảm bảo tốt công tác mang áo quần phòng hộ, tránh để lộ phần da bên ngoài.
  • Nếu muốn phá hoặc xua đuổi đàn ong, có thể sử dụng khói hoặc lửa thay vì dùng que hay gậy chọc trực tiếp vào tổ của chúng.
  • Vệ sinh, chặt bỏ các nhánh cây um tùm, không tạo điều kiện cho ong làm tổ quanh nhà.
  • Không nên chạy khi bị ong đuổi theo.
  • Lựa chọn các loại nước hoa, sữa dưỡng thể cần lưu ý tránh các mùi hương ngọt, vì có thể thu hút các loài ong.
  • Khi đi vào rừng, cần chọn lựa trang phục che chắn tay chân, thân mình, đội mũ có màng che mặt, đi giày kín và mang găng tay.

 

Ban Biên tập Y khoa Việt Nam

---------------------------

Nguồn:

https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/bee-stings/symptoms-causes/syc-20353869. Truy cập ngày 8/9/2021

https://www.msdmanuals.com/home/news/editorial/2018/05/15/14/05/bee-stings. Truy cập ngày 8/9/2021

https://www.webmd.com/first-aid/bee-and-wasp-stings-treatment. Truy cập ngày 8/9/2021

https://www.medicinenet.com/bee_and_wasp_sting/article.htm.Truy cập ngày 8/9/2021

http://bachmai.gov.vn/tin-tuc-va-su-kien/y-hoc-thuong-thuc-menuleft-32/4663-chuyen-gia-chong-doc-chi-cach-xu-tri-khi-bi-ong-dot.html. Truy cập ngày 8/9/2021

https://www.vinmec.com/vi/tin-tuc/thong-tin-suc-khoe/suc-khoe-tong-quat/cach-xu-tri-khi-bi-ong-dot. Truy cập ngày 8/9/2021