Ung thư cổ tử cung

05/04/2020 12:55 GMT+7

Ung thư cổ tử cung là ung thư của cổ tử cung. Đây là ung thư phụ nữ thường gặp, đứng hàng thứ 2 sau ung thư vú. Tại Việt Nam, ước tính cứ 100.000 phụ nữ thì có 20 trường hợp mắc bệnh ung thư cổ tử cung và 11 trường hợp tử vong. Với những tiến bộ của y khoa hiện đại, bệnh này được chữa khỏi gần 100% các trường hợp nếu bệnh được phát hiện sớm. Tuy nhiên, nếu không được phát hiện sớm, ung thư cổ tử cung lại rất khó chữa.

UNG THƯ CỔ TỬ CUNG

Cổ tử cung là một phần của cơ quan sinh dục nữ, tiếp nối giữa âm đạo và thân tử cung.

Tử cung & phần phụ

Ung thư cổ tử cung là bệnh lý ác tính của biểu mô lát (biểu mô vảy) hoặc biểu mô tuyến cổ tử cung. Bệnh xảy ra khi các tế bào phát triển bất thường, nhân lên vô kiểm soát, xâm lấn khu vực xung quanh cũng như di căn tới các bộ phận khác của cơ thể.

Nữ giới mắc ung thư cổ tử cung thường ở độ tuổi sinh hoạt tình dục (30-45 tuổi), người dưới 20 tuổi hiếm khi mắc bệnh, trong khi đó những trường hợp trên 65 tuổi phát hiện bệnh thường do tầm soát không tốt ở độ tuổi trước đó.

NGUYÊN NHÂN UNG THƯ CỔ TỬ CUNG

Đa số các trường hợp mắc ung thư cổ tử cung có nguyên nhân từ nhiễm Human Papillomavirus (HPV) nguy cơ cao.

Human Papillomavirus (HPV) là một nhóm gồm hơn 200 virus liên quan, một phần trong số đó lan truyền qua đường sinh dục. HPV được phân loại thành HPV nguy cơ thấp và HPV nguy cơ cao. Có khoảng 14 typ HPV nguy cơ cao, trong đó HPV16 và HPV18 đã được xác định là nguyên nhân ung thư cổ tử cung chủ yếu.

Hầu như tất cả mọi người trong độ tuổi sinh hoạt tình dục đều nhiễm HPV ít nhất một lần trong đời, và trong số đó, có khoảng 50% trường hợp nhiễm HPV nguy cơ cao. Khi bị nhiễm HPV, hệ thống miễn dịch của cơ thể sẽ được kích hoạt để chống lại sự lây nhiễm này. Tuy nhiên, không phải lúc nào cơ thể cũng phòng vệ thành công, trong trường hợp bị nhiễm HPV nguy cơ cao, chúng ta sẽ có khả năng bị ung thư trong tương lai.

Bên cạnh Human Papillomavirus (HPV), một số yếu tố nguy cơ khác có thể tăng khả năng mắc bệnh ung thư cổ tử cung bao gồm:

Hút thuốc lá: phụ nữ hút thuốc lá có nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung tăng gấp đôi so với những phụ nữ không hút thuốc. Các chất độc hại có trong thuốc lá đã được chứng minh là nguyên nhân gây nhiều loại ung thư khác nhau, trong đó có ung thư cổ tử cung.

Quan hệ tình dục sớm, quan hệ tình dục với nhiều người, quan hệ tình dục không an toàn.

Sinh đẻ nhiều lần (có trên 5 đứa con).

Sinh con khi còn quá trẻ (< 17 tuổi).

Vệ sinh sinh dục không đúng cách.

Viêm cổ tử cung mãn tính.

Suy giảm miễn dịch: trên cơ thể suy giảm miễn dịch, nguy cơ nhiễm HPV nguy cơ cao tăng lên, dẫn tới tăng khả năng bị ung thư cổ tử cung.

Sử dụng thuốc tránh thai đường uống kéo dài trên 5 năm.

CÁC DẤU HIỆU UNG THƯ CỔ TỬ CUNG

Ở giai đoạn đầu, bệnh hầu như không biểu hiện triệu chứng, khiến bệnh nhân chủ quan không tầm soát, trong khi ở giai đoạn này các phương pháp điều trị mang lại hiệu quả rất lớn.

Giai đoạn muộn hơn khi bệnh đã tiến triển sẽ xuất hiện một vài triệu chứng, lúc này điều trị cho kết quả hạn chế, thời gian sống còn lại của bệnh nhân bị rút ngắn, chi phí điều trị cao, chất lượng cuộc sống suy giảm, tạo ra gánh nặng rất lớn cho bệnh nhân, gia đình và xã hội.

Các giai đoạn ung thư cổ tử cung

Khi gặp một trong các dấu hiệu ung thư cổ tử cung sau, nên thăm khám bác sĩ chuyên khoa càng sớm càng tốt:

Chảy máu bất thường sau giao hợp, giữa các kì kinh hoặc sau mãn kinh.

Âm đạo tăng tiết dịch bất thường, hoặc có mùi khó chịu.

Đau vùng chậu không liên quan tới kinh nguyệt.

Đau khi giao hợp.

Tăng số lần đi tiểu.

Đau khi đi tiểu.

AI CÓ NGUY CƠ CAO MẮC UNG THƯ CỔ TỬ CUNG?

Vi-rút HPV là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến ung thư cổ tử cung. Các yếu tố sau đây có thể làm tăng nguy cơ bị nhiễm vi-rút HPV:

Nhiều đối tác tình dục

Bạn tình quan hệ tình dục với nhiều người khác.

Quan hệ tình dục ở tuổi vị thành niên (dưới 18 tuổi)

Cá nhân có tiền sử bị loạn sản cổ tử cung

Gia đình có tiền sử bị ung thư cổ tử cung

Hút thuốc

Bị mắc một số bệnh lây truyền qua đường tình dục (STIs), chẳng hạn như chlamydia

Mắc các vấn đề về hệ thống miễn dịch

Con sinh ra có nguy cơ bị nhiễm HPV nếu người mẹ đã sử dụng thuốc diethylstilbestrol (DES- thuốc nội tiết tố dùng để ngăn ngừa sảy thai) trong khi mang thai.

TẦM SOÁT VÀ CHẨN ĐOÁN UNG THƯ CỔ TỬ CUNG

Ung thư cổ tử cung là bệnh có thể chữa khỏi nếu được phát hiện sớm và điều trị ở giai đoạn đầu. Việc phát hiện sớm ung thư cổ tử cung là rất cần thiết cho điều trị căn bệnh này, đem lại hiệu quả điều trị và chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân.

Phát hiện sớm ung thư cổ tử cung sẽ giúp tiết kiệm chi phí, giảm thời gian điều trị, giảm thiểu rủi ro. Chi phí cho một lần đi khám sàng lọc ung thư sớm là rất nhỏ so với số tiền bạn phải bỏ ra để điều trị bệnh lâu dài khi phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn.

Việc tầm soát ung thư cổ tử cung sẽ thực hiện với các bước: 

- Khám phụ khoa (hình)

- Thực hiện xét nghiệm PAP (PAP Smear): Đây là một xét nghiệm rất đơn giản, lấy tế bào bong niêm mạc cổ tử cung, tiến hành nhuộm rồi soi bằng kính hiển vi để tìm các tế bào tổn thương ở các mức độ như bình thường, loạn sản, tiền ung thư, ung thư… Khi xét nghiệm PAP bình thường, có nghĩa là chưa bị ung thư cổ tử cung. Khi xét nghiệm PAP bất thường, có thể bị viêm hoặc ung thư, khi đó phải soi hoặc/và sinh thiết cổ tử cung để chẩn đoán mô bệnh học.

Người ta ghi nhận diễn tiến từ loạn sản cổ tử cung đến ung thư cần 10-15 năm và xét nghiệm PAP có thể âm tính giả nên đề ra khuyến cáo người phụ nữ đã có quan hệ tình dục nên làm PAP thời gian đầu 6 tháng đến 1 năm 1 lần. Sau 3 năm nếu kếu quả đều âm tính thì làm PAP 2 năm 1 lần cho tới tuồi 60.

- Soi cổ tử cung có thể kèm theo chấm acid acetic hoặc dung dịch Lugol đẻ giúp phát hiện tổn thương sớm bất thường tại cổ tử cung. Soi cổ tử cung là một biện pháp được áp dụng để phát hiện sớm ung thư cổ tử cung, được tiến hành khi thấy cổ tử cung có tổn thương bất thường hoặc với những phụ nữ trên 40 tuổi. Khi soi người ta sử dụng bằng máy soi có độ phóng đại từ 10-30 lần, có thể nối với tivi để xem, nối với máy vi tính để lưu hình ảnh và in ra thành bức ảnh để làm bằng chứng cho bệnh nhân thấy hoặc được lưu lại để theo dõi sau này.

- Xét nghiệm HPV: rất có giá trị trong sàng lọc ung thư cổ tử cung. 

- Sinh thiết cổ tử cung: Khi phát hiện dấu hiệu bất thường qua soi cổ tử cung hoặc xét nghiệm PAP có tế bào bất thường. Sinh thiết là phương tiện sau cùng và cho kết quả chính xác hơn cả, người ta tiến hành bằng cách lấy mô tại nơi soi cổ tử cung có tổn thương nghi ngờ rồi soi qua kính hiển vi để tìm tế bào ác tính.

 - Các xét nghiệm khác: siêu âm ổ bụng, xét nghiệm máu… 

Những điều cần lưu ý khi tầm soát ung thư cổ tử cung

- Phụ nữ thăm khám, làm xét nghiệm này trong lúc không có kinh nguyệt. 

- Không bôi kem hay đăt thuốc vào âm đạo và không nên sinh hoạt tình dục trong vòng 48 giờ trước khi xét nghiệm Pap.

Khi đã chẩn đoán được người bệnh bị mắc ung thư cổ tử cung, bác sĩ sẽ đánh giá kích thước của ung thư và mức độ lan rộng của bệnh. Quá trình này có thể bao gồm các xét nghiệm sau:

Khám phụ khoa (có thể bao gồm khám trực tràng): kiểm tra tử cung, buồng trứng và các cơ quan khác gần cổ tử cung

Nội soi bàng quang: Sử dụng ống soi bàng quang để nhìn vào bên trong bàng quang và niệu đạo.

Nội soi đại tràng: toàn bộ đại tràng được kiểm tra bằng dụng cụ nội soi

Hầu hết các loại ung thư đều có giai đoạn từ I đến IV. Con số càng thấp, ung thư càng lan rộng. Ung thư cổ tử cung ở giai đoạn 0 còn được gọi là ung thư biểu mô tại chỗ (CIS). Trong giai đoạn 0, các tế bào ung thư chỉ hiện diện ở lớp trên cùng của cổ tử cung. Chúng không đi sâu vào các lớp của mô cổ tử cung hoặc các cơ quan khác. Các giai đoạn còn lại được gọi là ung thư xâm lấn. Trong các giai đoạn này, ung thư đã xâm lấn vào các lớp sâu hơn của cổ tử cung.

CÁC LOẠI UNG THƯ CỔ TỬ CUNG

Tùy thuộc vào loại tế bào ung thư (hình):

 

Ung thư tế bào vảy (Squamous cell carcinoma): Tế bào vảy là tế bào nằm ở lớp ngoài của cổ tử cung, n61i liền với âm đạo. Loại ung thư này chiếm 90% các trường hợp ung thư cổ tử cung. 

Ung thư tế bào tuyến (Adenocarcinoma): Tế bào tuyến là loại tế bào lót bên trong lòng cổ tử cung, tiết ra chất nhày ở cổ tử cung.

Ung thư hỗn hợp: Là loại ung thư bao gồm cả 2 loại tế bào trên

ĐIÊU TRỊ UNG THƯ CỔ TỬ CUNG

Phương pháp điều trị được quyết định sau khi đánh giá kết quả của phiến đồ âm đạo, soi cổ tử cung và sinh thiết tế bào.

Dị sản và ung thư tại chỗ: Điều trị dễ dàng và tỷ lệ được điều trị khỏi là 100%. Các tế bào bất thường được đốt điện hoặc đốt bằng laser hay đông lạnh, đôi khi phẫu thuật khoét chóp cổ tử cung. Các phương pháp điều trị trên không làm ảnh hưởng tới hứng thú tình dục hoặc khả năng sinh đẻ về sau. 

Phẫu thuật cắt tử cung chỉ đôi khi được tiến hành khi có kèm theo các triệu chứng bệnh lý khác.

Ung thư thể xâm lấn: Đòi hỏi điều trị rộng hơn. Điều trị những giai đoạn sớm bằng phẫu thuật triệt để cắt bỏ tử cung và các tổ chức lân cận, bao gồm cả các hạch trong khung chậu. 

Đôi khi xạ trị phối hợp với phẫu thuật, hoặc xạ trị đơn thuần, trong một số trường hợp cần thiết điều trị bằng hoá chất. Những hình thức điều trị này đều có thể có các tác dụng phụ và nên chú ý tới từ lúc bắt đầu điều trị.

Tỷ lệ điều trị khỏi ung thư cổ tử cung ở giai đoạn sớm là 90%, nhưng tỉ lệ chữa khỏi chung cho mọi giai đoạn ung thư cổ tử cung chỉ đạt được 60%. Phẫu thuật cắt tử cung không ảnh hưởng lớn đến người phụ nữ và quan hệ tình dục. Mặc dù sự hứng thú tình dục không thường xuyên bị ảnh hưởng, nhưng khi cắt tử cung thì sẽ không còn khả năng sinh con

PHÁT HIỆN UNG THƯ CỔ TỬ CUNG TRONG LÚC MANG THAI

HIếm khi ung thư cổ tử cung được phát hiện và chẩn đoán trong thời kỳ mang thai, nhưng điều này vẫn có khả năng xảy ra. Hầu hết các trường hợp ung thư cổ tử cung ở phụ nữ đang mang thai được phát hiện ở giai đoạn đầu.

Điều trị ung thư cổ tử cung trong lúc đang mang thai có thể phức tạp. Bác sĩ có thể giúp bạn quyết định phương pháp điều trị dựa trên giai đoạn ung thư và thời gian mang thai.

Nếu ung thư ở giai đoạn rất sớm, có thể chờ đợi đến khi sinh xong rồi mới bắt đầu điều trị. Đối với trường hợp ung thư đã tiến triển muộn và cần điều trị cắt bỏ tử cung hoặc xạ trị, thì khi đó sẽ phải quyết định có nên tiếp tục mang thai hay không.

Các bác sĩ sẽ cố gắng sinh em bé ngay khi bé có thể sống bên ngoài tử cung.

CÁCH NGĂN NGỪA BỆNH UNG THƯ CỔ TỬ CUNG

Để giảm tỷ lệ mắc bệnh ung thư chỉ có một cách duy nhất đó là tiêm vắcxin HPV phòng ngừa. Vắc-xin được đánh giá là an toàn và có thể chống lại các tác nhân gây ra ung thư, tiền ung thư và mụn cóc sinh dục. Các bác sĩ khuyến cáo, độ tuổi an toàn để tiêm vắcxin đạt hiệu quả cao nhất là từ 9 đến 26 tuổi.

Phát hiện sớm ung thư cổ tử cung sẽ giúp cho quá trình điều trị đạt hiệu quả tối đa. Vì vậy việc phòng và phát hiện sớm bệnh ung thư cổ tử cung phải luôn được đặt lên hàng đầu. Chị em phụ nữ nên quan tâm đển những biểu hiện bất thường, theo dõi chặt chẽ sức khỏe của mình, thường xuyên thăm khám phụ khoa để không phải lo lắng về căn bệnh nguy hiểm này. Hãy khám và tầm soát sớm ung thư cổ tử cung để bảo vệ sức khoẻ của bạn.

 

Ban Biên tập Y khoa Việt Nam

---------------------------------------------

Nguồn: 

https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/cervical-cancer/symptoms-causes/syc-20352501

https://www.webmd.com/cancer/cervical-cancer/cervical-cancer#1

https://www.healthline.com/health/cervical-cancer#and-pregnancy

http://www.tudu.com.vn/vn/y-hoc-thuong-thuc/suc-khoe-phu-nu/benh-phu-khoa/ung-thu-co-tu-cung-nhung-dieu-nen-biet/

https://www.vinmec.com/vi/tin-tuc/thong-tin-suc-khoe/nguyen-nhan-gay-ra-benh-ung-thu-co-tu-cung-la-gi/

https://benhvienvanhanh.com/phat-hien-som-ung-thu-co-tu-cung-/sp-181lvi.html