Amylase máu và nước tiểu

28/05/2020 18:02 GMT+7

Tổng quát về xét nghiệm amylase 

Amylase là một enzyme (men) được sản xuất chủ yếu ở tụy và các tuyến nước bọt. Các cơ quan khác như ruột non, buồng trứng, vòi trứng, nhau thai, gan cũng có thể sản xuất amylase nhưng với số lượng không nhiều.

Amylase thuộc nhóm các eznyme thủy phân, tham gia vào quá trình tiêu hóa các carbohydrate (còn gọi là tinh bột hay chất bột đường) phức tạp thành các phân tử đường dễ hấp thu có cấu trúc đơn giản hơn.

Amylase hiện diện trong máu, nước tiểu và các dịch sinh học khác của cơ thể như nước bọt, dịch phúc mạc (màng bụng). Trong lâm sàng, xét nghiệm amylase máu, amylase nước tiểu có giá trị chẩn đoán các bệnh lý của tuyến tụy và tuyến nước bọt, và cũng giúp chẩn đoán phân biệt với các bệnh lý nội khoa khác.

Xét nghiệm amylase dùng để đo hoạt độ enzyme amylase trong mẫu máu lấy từ tĩnh mạch hoặc trong mẫu nước tiểu.

Bình thường chỉ có một số lượng ít amylase được tìm thấy trong máu hoặc nước tiểu. Nhưng nếu có bệnh lý tại tuyến tụy hoặc tuyến nước bọt (ví dụ như bị tổn thương hoặc bị tắc nghẽn…), thì amylase thường được phóng thích nhiều hơn vào máu và nước tiểu.

Nồng độ amylase trong máu thường chỉ tăng lên trong một thời gian ngắn. Nhưng nồng amylase trong nước tiểu có thể còn duy trì cao trong khoảng vài ngày sau đó.

Các trường hợp tăng amylase

Viêm tụy cấp hay đợt cấp của viêm tụy mạn tính. Trong viêm tụy cấp, hoạt độ amylase trong máu thường tăng lên gấp 4-6 lần so với giá trị tham khảo và thường cao song song với nồng độ lipase (cũng là một enzyme do tụy tiết ra giúp tiêu hóa chất béo trong thức ăn).

Tắc nghẽn ống tụy và ung thư tuyến tụy.

Mức tăng của amylase trong dịch phúc mạc có thể xảy ra trong viêm tụy cấp nhưng cũng có thể xảy ra trong các bệnh lý khác trong ổ bụng, như tắc ruột hoặc giảm lưu lượng máu đến ruột (nhồi máu), thủng ruột non hay thủng ổ loét dạ dày tá tràng.

Viêm tụy cấp do thuốc (corticosteroid, dexamethasone, mercaptopurin, furosemide...).

Ngộ độc rượu cấp.

Bệnh lý đường mật: Sỏi ống mật chủ, viêm túi mật cấp, tắc mật...

Suy thận giai đoạn cuối.

Bệnh lý tuyến nước bọt: Viêm tuyến nước bọt cấp hay mạn tính, tắc nghẽn ống dẫn nước bọt, bệnh quai bị.

Nhiễm toan ceton do bệnh lý đái tháo đường.

Cường giáp (cường chức năng tuyến giáp).

Ngoài ra ở một số người bình thường nhưng có tình trạng tăng amylase máu được biết đến dưới tên macroamylasemia (macroamylase trong máu). Macroamylase là amylase có kích thước lớn nên không thể thải trừ hoặc thải trừ rất chậm qua thận. Tình trạng này được xác định khi bệnh nhân chỉ có tăng amylase máu nhưng amylase niệu thì bình thường và không có tình trạng suy thận.

Mặc dù tình trạng macroamylasemia không hẳn là một bệnh lý nhưng có thể có liên quan đến một số bệnh lý như u lympho (hay ung thư hạch bạch huyết), bệnh Celiac, nhiễm HIV, viêm khớp dạng thấp, viêm loét đại tràng.

Viêm tụy cấp

Trong viêm tụy cấp, amylase trong máu thường tăng lên gấp 4-6 lần so với giá trị tham khảo. Ảnh: alale.co

Các trường hợp giảm amylase

Nồng độ amylase máu giảm ở một người có các triệu chứng viêm tụy có thể cho biết là các tế bào sản xuất amylase của tuyến tụy bị tổn thương vĩnh viễn, như viêm tụy mạn tính.

Tổn thương gan nặng: Viêm gan nhiễm độc, xơ gan

Nhiễm độc thai nghén (tiền sản giật gây tăng huyết áp trong thai kỳ) 

Bỏng nặng

Nhiễm độc giáp nặng

Xét nghiệm amylase trong nước tiểu (amylase niệu)

Amylase thải trừ qua nước tiểu, do vậy xét nghiệm đo hoạt độ amylase niệu có thể được chỉ định cùng hoặc sau xét nghiệm amylase máu khi cần đánh giá hiệu quả điều trị và xác định mức độ amylase tăng hoặc giảm theo thời gian. Hoạt độ amylase niệu tăng cao trong vòng 7-10 ngày sau viêm tụy cấp, do đó xét nghiệm amylase niệu rất hữu ích để chứng minh có tình trạng viêm tụy cấp sau khi hoạt độ amylase máu đã trở về bình thường.

Khi nào chỉ định xét nghiệm amylase?

Xét nghiệm amylase máu được chỉ định cùng với xét nghiệm lipase máu, để giúp chẩn đoán và theo dõi viêm tụy cấp tính hoặc mãn tính và các bệnh lý tụy khác. Xét nghiệm lipase máu có thể giúp chẩn đoán chính xác hơn bệnh lý viêm tụy, đặc biệt là viêm tụy do nghiện rượu.

Thăm dò, chẩn đoán các tình trạng viêm trong ổ bụng.

Chẩn đoán và theo dõi viêm, tắc tuyến nước bọt.

Trị số bình thường trong máu: 22-80U/L.

Trị số bình thường trong nước tiểu: 42-321U/L.

Cần lưu ý là các trị số bình thường có thể khác nhau giữa các phòng lab xét nghiệm do sự khác nhau về máy móc, thiết bị xét nghiệm.

Cách lấy mẫu bệnh phẩm làm xét nghiệm

Xét nghiệm amylase máu được thực hiện trên huyết thanh. Người bệnh cần nhịn ăn trước khi lấy máu.

Nước tiểu: Thu bệnh phẩm nước tiểu 24h. Nước tiểu được bảo quản trong tủ mát hoặc trong đá lạnh

Các bước thực hiện

Xét nghiệm amylase máu:

  • Quấn một băng thun xung quanh cánh tay để ngăn chặn dòng chảy của máu. Như vậy thì các tĩnh mạch nông phía dưới băng sẽ căng ra và lớn hơn, điều dưỡng lấy mẫu có thể đâm kim vào tĩnh mạch dễ dàng hơn
  • Sát trùng nơi tiêm với alcohol
  • Đâm kim vào tĩnh mạch: Có thể phải đâm kim trong nhiều lần (khi người bệnh khó lấy máu, ví dụ trong trường hợp tĩnh mạch không nổi lên rõ)
  • Rút máu vào ống tiêm
  • Gỡ bỏ băng thun ở cánh tay khi đã lấy đủ máu
  • Đặt một miếng gạc hoặc bông cotton lên chỗ đâm kim khi kim được rút ra
  • Đè vào nơi tiêm và sau đó băng lại

Xét nghiệm amylase nước tiểu: Amylase có thể được đo bằng hai cách, trong mẫu nước tiểu 24 giờ hoặc 2 giờ. Mẫu nước tiểu 24 giờ là tổng lượng nước tiểu trong khoảng thời gian 24 giờ, quy trình như sau:

  • Bắt đầu lấy nước tiểu vào buổi sáng nhưng không nên lấy đợt nước tiểu đầu tiên ngay sau khi thức dậy. Nên ghi chú lại để đánh dấu thời gian bắt đầu lấy nước tiểu 24 giờ
  • Lấy tất cả nước tiểu trong 24 giờ tiếp theo. Bác sĩ sẽ cung cấp một bình chứa lớn dung tích khoảng 4 lít, có một lượng nhỏ chất bảo quản nước tiểu bên trong. Đi tiểu vào một lọ nhỏ, sạch, sau đó đổ nước tiểu vào bình chứa lớn, không chạm các ngón tay vào bên trong bình chứa.
  • Giữ bình chứa lớn trong tủ lạnh trong vòng 24 giờ
  • Nên làm trống bàng quang lần cuối cùng lúc hoặc ngay trước khi kết thúc thời hạn 24 giờ, thêm nước tiểu này vào bình chứa lớn và ghi lại thời gian. Hãy nhớ rằng không được để giấy vệ sinh, lông mu, phân, máu kinh nguyệt hoặc các tạp chất khác vào trong mẫu nước tiểu.

Cần chuẩn bị gì trước khi xét nghiệm amylase máu?

  • Nhịn ăn
  • Tránh uống rượu bia trước khi xét nghiệm.
  • Nên nói với bác sĩ các loại thuốc đang dùng vì một số loại thuốc có thể ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm amylase máu. Bác sĩ có thể yêu cầu ngưng dùng hay thay đổi liều tạm thời đối với các thuốc có thể gây ảnh hưởng kết quả.

Một số loại thuốc có thể ảnh hưởng đến nồng độ amylase trong máu:

  • Aspirin
  • Thuốc tránh thai
  • Thuốc tác động hệ cholinergic
  • Thuốc có chứa hoạt chất là axit ethacrynic
  • Methyldopa
  • Thuốc phiện, như codein, meperidine và morphin
  • Thuốc lợi tiểu thiazide, như chlorothiazide, indapamide và metolazone

Các lợi ích của xét nghiệm amylase máu và nước tiểu

Đây là xét nghiệm không thể thiếu đối với tất cả các trường hợp đau bụng bị nghi vấn do nguồn gốc tụy và các trường hợp vàng da không rõ nguồn gốc.

Đo hoạt độ amylase huyết thanh thường được thực hiện để chẩn đoán phân biệt tình trạng đau bụng do viêm tụy cấp với đau bụng cần điều trị ngoại khoa do các nguyên nhân khác. Hoạt độ amylase huyết thanh bắt đầu tăng lên từ 3 – 6h sau khi xảy ra tình trạng viêm tụy cấp và đạt giá trị đỉnh vào khoảng giờ thứ 24. Hoạt độ này trở lại giá trị bình thường sau đó 2 – 3 ngày. Hoạt độ amylase niệu tăng cao trong vòng 7 – 10 ngày, vì vậy xét nghiệm hoạt độ amylase niệu là một xét nghiệm hữu ích để chứng minh có tình trạng viêm tụy cấp sau khi hoạt độ amylase huyết thanh đã trở về bình thường.

Cũng có thể định lượng hoạt độ amylase trong dịch cổ chướng hay dịch màng phổi. Tăng hoạt độ amylase trong các dịch này (lớn hơn 1000U/l) gợi ý tràn dịch có nguồn gốc từ tụy.

Đánh giá cả hoạt độ amylase huyết thanh đối với các trường hợp nghi ngờ viêm tụy cấp.

Các vấn đề lưu ý sau khi thực hiện xét nghiệm amylase

Rất ít vấn đề xảy ra từ việc lấy mẫu máu tĩnh mạch. Bạn có thể có một vết bầm nhỏ tại nơi lấy máu. Tuy nhiên, bạn có thể giảm bớt nguy cơ bị bầm tím bằng cách đè tại chỗ trong vài phút.

Trong một số trường hợp hiếm gặp, tĩnh mạch có thể sưng lên sau khi lấy máu. Vấn đề này được gọi là viêm tĩnh mạch. Bạn nên sử dụng một miếng gạc ấm vài lần trong ngày để giải quyết tình trạng này.

Nếu bị rối loạn đông máu, bạn có thể bị chảy máu liên tục. Một số loại thuốc chống kết tập tiểu cầu như aspirin, các thuốc kháng đông như warfarin (Coumadin®) và các loại thuốc kháng đông khác có thể làm tăng nguy cơ chảy máu liên tục. Nếu bạn bị chảy máu, hoặc gặp các vấn đề về đông máu hoặc đang dùng thuốc kháng đông, hãy cho bác sĩ biết trước khi lấy máu.

 

Ban Biên tập Y khoa Việt Nam

-----------------------------------------

Nguồn:

https://www.mayocliniclabs.com/test-catalog/Clinical+and+Interpretive/8352

https://www.healthline.com/health/amylase-blood

https://medlineplus.gov/lab-tests/amylase-test/

https://www.vinmec.com/vi/tin-tuc/thong-tin-suc-khoe/tim-hieu-ve-xet-nghiem-amylase/

https://medlineplus.gov/ency/article/001216.htm