MRI

31/05/2020 23:43 GMT+7

Chụp cộng hưởng từ (MRI: Magnetic Resonance Imaging) là một trong những phương pháp chẩn đoán hình ảnh cận lâm sàng hiện đại và hiệu quả, mang đến hình ảnh rõ nét và chẩn đoán chính xác tình hình bệnh. Chụp cộng hưởng từ giúp chẩn đoán nhiều bệnh lý hiệu quả hơn các phương pháp cận lâm sàng khác. Vậy chụp cộng hưởng từ MRI là gì và có ý nghĩa cụ thể như thế nào trong chẩn đoán bệnh?

Lịch sử hình thành và phát triển kỹ thuật chụp MRI

- Felix Block và Edward Purcell đã phát hiện ra hiện tượng cộng hưởng từ hạt nhân (NMR: nuclear magnetic resonance) vào năm 1946, sau đó đoạt giải Nobel vật lý vào năm 1952.

- Năm 1971, Bác sĩ Raymond Damadian nhận thấy hiện tượng cộng hưởng từ hạt nhân của tế bào ung thư và tế bào bình thường khác nhau do tế bào ung thư chứa nhiều nước hơn, do đó có nhiều nguyên tử hydrô hơn. Khám phá này mở đường cho các nhà khoa học tiếp tục sử dụng cộng hưởng từ để nghiên cứu bệnh tật.

- Năm 1977, máy MRI đầu tiên ra đời.

- Năm 1987, kỹ thuật tạo ảnh nhanh dùng để khảo sát hoạt động tim

- Năm 1993, cộng hưởng từ được ứng dụng cho việc chẩn đoán chức năng và hoạt động của não.

 - Năm 2003, Lauterbur và Mansfield được trao giải Nobel Y học trong nghiên cứu và phát triển kỹ thuật cộng hưởng từ để áp dựng như một công cụ chẩn đoán.

 - Đến nay, MRI đã trở nên phổ biến và được ưa chuộng trong chẩn đoán hình ảnh bởi tính chính xác và độ an toàn. Nó đã thay thế được một số phương pháp chẩn đoán xâm nhập, do đó tránh được nhiều rủi ro cũng như giảm sự đau đớn cho người bệnh.

Cơ chế hoạt động của chụp Cộng hưởng từ MRI

Cộng hưởng từ MRI là một kỹ thuật tạo hình cắt lớp sử dụng từ trường và sóng radio. Khi các nguyên tử hydrô trong cơ thể người dưới tác động của từ trường và sóng radio, sẽ hấp thụ và phóng thích năng lượng RF. Quá trình phóng thích này được máy thu nhận, xử lý và chuyển đổi các tín hiệu thành hình ảnh.

MRI

Chụp cộng hưởng từ MRI là phương pháp cận lâm sàng hiện đại, có thể chụp hầu hết các cơ quan trong cơ thể.

Hình ảnh cộng hưởng từ MRI có độ tương phản cao, sắc nét và rõ ràng, chi tiết, giải phẫu tốt và có khả năng tái tạo 3D mang lại hiệu quả chẩn đoán cho bác sĩ đối với bệnh lý của bệnh nhân. Trong rất nhiều trường hợp, hiệu quả chẩn đoán của MRI tốt hơn rất nhiều so với siêu âm, chụp X-quang hay chụp cắt lớp CT...

Bên cạnh đó cộng hưởng từ MRI không sử dụng tia xạ, rất an toàn, nên được các bác sĩ chuyên môn đánh giá cao trong chỉ định chụp và chẩn đoán bệnh.

Cấu tạo của một máy chụp MRI 

Nam châm

Các nam châm trong máy MRI dùng để tạo ra từ trường. Có các loại nam châm được sử dụngtrong máy cộng hưởng từ gồm: nam châm vĩnh cữu, nam châm điện, nam châm siêu dẫn.

  • Nam châm vĩnh cửu (permanent magnet): Sử dụng các hợp kim có tính sắt từ. Loại này thường nặng, tạo từ trường thấp (thường 0.2 T) và không đồng nhất.
  • Nam châm điện (electromagnet): Từ trường tạo ra nhờ dòng điện mạnh đi qua cuộn kim loại. Từ trường tạo ra thường trung bình, không ổn định. Có hạn chế là tỏa nhiệt lớn.
  • Nam châm siêu dẫn (superconducting magnet): hiện nay được sử dụng rộng rãi. Các cuộn kim loại được đặt trong helium lỏng (-269oC hay 4oK). Với nhiệt độ thấp như vậy, dòng điện đi qua không có điện trở (siêu dẫn). Từ trường tạo ra ở loại này thường cao và đồng nhất. Nhưng có hạn chế là chi phí dùng Helium làm lạnh hệ thống khá cao.

Các cuộn chênh từ: Là hệ thống các cuộn (coils) lắp đặt trong máy, tạo ra độ chênh từ (chênh lệch về từ trường) cần thiết theo các hướng trong không gian.

Bộ phận phát sóng: Là bộ phận phát sóng RF (radiofrequency) với tần số thích hợp, nhằm kích thích hạt nhân ở các vị trí cần thiết trong vùng cơ thể cần khảo sát.

Bộ phận thu nhận tín hiệu: Là bộ phận ghi nhận, phát hiện với độ nhạy rất cao các tín hiệu phát ra từ vùng khảo sát.

Hệ thống xử lý dữ liệu: Đây là hệ thống xử lý các tín hiệu thu nhận được để tạo hình, lưu trữ.

Cấu tạo máy chụp ảnh cộng hưởng từ MRI

Cấu tạo máy chụp MRI. Ảnh: chanorthopaedics.com.sg

Chụp cộng hưởng từ MRI được chỉ định cho bộ phận nào của cơ thể?

Chụp sọ não để phát hiện các bệnh u não, u dây thần kinh sọ não, tai biến mạch máu não, chảy máu não nhồi máu não, dị dạng mạch máu não, chấn thương sọ não, động kinh, bệnh lý thoái hóa chất trắng, bệnh lý viêm não, màng não, các dị tật bẩm sinh của não...

Chụp hốc mắt để phát hiện các tổn thương thuộc nhãn cầu, dây thần kinh thị giác...

Chụp vùng cổ để phát hiện các bệnh lý tổn thương như các khối u, viêm, hạch bạch huyết vùng cổ. Đặc biệt cộng hưởng từ vùng cổ phát hiện sớm, chẩn đoán chính xác tổn thương ở đám rối thần kinh cánh tay.

Cột sống: MRI chẩn đoán chính xác các bệnh lý cột sống, đĩa đệm, dây chằng như thoái hóa, thoát vị đĩa đệm, gãy lún đốt sống, viêm nhiễm đĩa đệm và phần mềm cạnh sống. Các bệnh lý tủy sống như viêm, u tủy sống, chấn thương, ...

Chụp vùng bụng - chậu để phát hiện các bệnh lý gan, đường mật như u gan, u đường mật, sỏi mật... Các bệnh lý tuyến tụy, lá lách, thận, tuyến thượng thận. Các bệnh lý vùng tiểu khung như ung thư đại trực tràng, ung thư tiền liệt tuyến, u tử cung, sa âm đạo, các khối U buồng trứng. Đặc biệt đánh giá chính xác giai đoạn của ung thư nội mạc tử cung, ung thư cổ tử cung, ung thư tiền liệt tuyến ......

Cơ xương khớp: MRI cho hình ảnh rõ nét các cấu trúc ổ khớp, sụn khớp, xương, gân cơ và dây chằng. Phát hiện ngay từ giai đoạn sớm của bệnh lý như viêm nhiễm, thoái hóa, chấn thương rách dây chằng, tràn dịch ổ khớp.

MRI tuyến vú cho chẩn đoán sớm và chính xác các tổn thương ở tuyến vú như u lành tính, ác tính và các viêm nhiễm tại vú

MRI là một trong những phương pháp có giá trị cao trong chẩn đoán bất thường thai nhi, các dị tật bẩm sinh phức tạp của thai nhi. Các bác sĩ thường cho chỉ định trong các trường hợp khó khăn khi thăm khám bằng siêu âm như mẹ bầu bị béo phì, thai thiểu ối, vô ối, đánh giá các cử động của thai.

MRI còn được dùng để chẩn đoán trong các bệnh lý tim, mạch máu như: nhồi máu cơ tim, hẹp tắc mạch máu, bệnh lý hệ bạch huyết ...

Những trường hợp nào không được chụp MRI (Chống chỉ định)?

Chống chỉ định trong các trường hợp sau:

Đang đặt máy tạo nhịp (pacemaker) hay máy khử rung

Đã mổ thay van tim nhân tạo (do đó có thành phần kim loại).

Mang trong người các vật liệu ghép có từ tính ở bất cứ vùng nào trong cơ thể như lọc tĩnh mạch, mảnh đạn ở vùng nguy hiểm, một số bộ phận cấy ghép trong ốc tai, vd máy trợ thính…)

Mang vật có kim loại trong vùng cần khảo sát như đinh nội tủy, nẹp vít kim loại, khớp háng nhân tạo

Máy kích thích thần kinh.

Máy bơm tiêm tự động cấy trong người (VD bơm insulin, thuốc giảm đau)

Dị vật trong nhãn cầu (trong những trường hợp nghi ngờ thì phải chụp điện quang và yêu cầu khám chuyên khoa)

Cặp mạch máu trong sọ.

Đặt vòng tránh thai bằng kim loại trong tử cung

Không sử dụng với các bệnh nhân mang thai ở quý đầu. Đây không phải là chống chỉ định tuyệt đối, nhưng chỉ nên chụp cộng hưởng từ khi thật cần thiết.

Các trường hợp không thể nằm lâu được do tình trạng suy tim, suy hô hấp, chứng khó thở khi nằm.

Không thể nằm yên được (trẻ em, rối loạn tâm thần)

MRI có chống chỉ định tương đối ở các bệnh nhân bị Claustrophobia (sợ nhốt kín), đối với các bệnh nhân này có thể khảo sát ở các máy từ trường mở (Open MRI), hoặc các máy MRI có buồng khảo sát lớn.

Đối với các trường hợp có chỉ định thuốc đối quang từ (Gadolinium) thì sẽ không dùng thuốc này nếu bệnh nhân bị dị ứng với thuốc đối quang từ, suy thận nặng.

Phụ nữ cho con bú: Không ảnh hưởng, nhưng khi có tiêm thuốc đối quang từ không nên cho trẻ bú trong vòng 24-48 giờ sau tiêm thuốc.

Các trường hợp chống chỉ định khác cần phải đánh giá nhờ chụp phim:

Có ống dẫn lưu bằng kim loại trong các hốc trong cơ thể.

Clips mạch máu

Vật liệu hàn răng cố định.

Máy trợ thính gắn liền trong ốc nhĩ.

Khớp nhân tạo và các vật liệu kết xương (vít, nẹp...) không có chống chỉ định nhưng có thể làm hỏng trường từ và sẽ không thể chuyển thành hình ảnh được.

Các bước tiến hành chụp cộng hưởng từ MRI

Chuẩn bị

Sau khi được chỉ định chụp cộng hưởng từ MRI từ bác sĩ, bệnh nhân di chuyển đến khoa chẩn đoán hình ảnh sẽ được nhân viên phòng cộng hưởng từ tiếp đón và hướng dẫn thay đồ, tháo các vật dụng bằng kim loại trên người để đảm bảo an toàn trong khi chụp cộng hưởng từ. Khi vào phòng chụp được nhân viên hướng dẫn nằm ở tư thế thoải mái phù hợp với bộ phận chụp, giường sẽ tự động di chuyển đến vùng chụp.

Tiến hành

Kỹ thuật viên sẽ đặt bệnh nhân nằm vào trong máy MRI. Thông thường bệnh nhân sẽ nằm trong máy không mặc quần áo, răng giả, máy trợ thính, kính, đồ trang sức, cặp tóc, giầy, thắt lưng, tất cả những gì kim loại có ở trong túi (đồng tiền, bút, điện thoại di động, thẻ ATM…) sẽ được yêu cầu bỏ ra ngoài.

Tùy vào vùng cần chụp mà thời gian chụp cộng hưởng tử sẽ dao động từ 15- 60 phút mà không hề khó chịu. Trong thời gian chụp, máy sẽ phát ra các loại âm thanh, tuy nhiên với máy MRI công nghệ càng cao thì tiếng ồn này càng giảm, không gây sự khó chịu cho người chụp. Bệnh nhân cần cố gắng nằm yên một tư thế để cho hình ảnh chụp rõ ràng, sắc nét nhất.

Ở một vài tư thế và vùng cần chụp, người bệnh có thể được yêu cầu nín thở. Thời gian chụp kết thúc nhanh chóng mà không gây ra khó chịu gì hay áp lực cho người chụp.

Trong một vài trường hợp cần tiêm thuốc tương phản từ nhân viên phòng cộng hưởng từ sẽ đặt một kim nhỏ vào tĩnh mạch ở vùng khuỷu tay và sẽ rút kim khi kết thúc chụp.

Trong trường hợp chụp cho các em bé, bác sĩ chuyên khoa gây mê sẽ cho em bé nằm ngủ trong suốt quá trình chụp và sẽ tỉnh ngay khi kết thúc chụp. Lưu ý là các bé cần nhịn ăn khoảng 6 tiếng trước khi chụp, sau chụp trẻ lại ăn uống bình thường.

Ưu điểm và nhược điểm của chụp cộng hưởng từ MRI?

Ưu điểm:

Bệnh nhân không bị ảnh hưởng bởi tia xạ

Bệnh nhân không bị ảnh hưởng về mặt sinh học

Hình ảnh chụp được đa mặt phẳng, dễ dàng trong chẩn đoán

Độ phân giải khi chụp mô mềm cao, hiển thị hình ảnh tốt hơn so với chụp cắt lớp vi tính (chụp CT)

Chất tương phản hầu như không có tác dụng phụ

Là kỹ thuật cận lâm sàng hiệu quả và hiện đại nhất hiện nay

Thời gian chụp nhanh, giảm tiếng ồn tối đa

Chụp mạch không cần tiêm thuốc cản quang

Nhược điểm:

Giá thành còn cao.

Không dùng được nếu bệnh nhân bị chứng sợ nơi chật hẹp hay đóng kín, hội chứng sợ lồng kính (Claustrophobia)

Thời gian chụp lâu: Gặp khó khăn nếu bệnh nhân nặng hay không hợp tác

Vỏ xương và tổn thương có calci khảo sát không tốt bằng chụp X quang hay CT

Không thể chụp bệnh nhân với máy tạo nhịp tim, các clip phẫu thuật, mô cấy ở mắt hay tai, …

Không thể mang theo thiết bị hồi sức vào phòng chụp.

Những điều cần lưu ý khi thực hiện kỹ thuật này

Bệnh nhân cần tuân theo sự hướng dẫn của nhân viên phòng chụp MRI.

Không mang các vật dụng có kim loại như đồ trang sức, đồng hồ, kẹp tóc, máy tính, máy điện thoại di động, thẻ tín dụng v.v… vào phòng chụp MRI.

Để có chất lượng hình ảnh tốt, bệnh nhân không cử động trong lúc chụp MRI.

Trong lúc chụp MRI, nếu có bất cứ yêu cầu nào, bệnh nhân có thể trao đổi trực tiếp với nhân viên điều khiển máy.

 

Ban Biên tập Y khoa Việt Nam

-------------------------------------------

Nguồn:

https://my.clevelandclinic.org/health/diagnostics/4876-magnetic-resonance-imaging-mri

https://www.radiologyinfo.org/en/info.cfm?pg=safety-mr

https://www.mayoclinic.org/tests-procedures/mri/about/pac-20384768

https://www.vinmec.com/vi/ky-thuat-chan-doan/chup-cong-huong-tu-mri-56/