Nhà sản xuất

Novartis Pharma

Nhà tiếp thị

Sandoz

Thành phần

Mỗi 100 mL: Acid zoledronic (khan) 5 mg (tương ứng 5,330 mg acid zoledronic monohydrat).

Dược lý

DƯỢC LỰC HỌC
Cơ chế tác dụng
Acid zoledronic thuộc nhóm các bisphosphonate chứa nitơ và tác động chủ yếu trên xương. Nó là chất ức chế sự tiêu xương qua trung gian của hủy cốt bào.
Tác dụng có chọn lọc của bisphosphonate trên xương dựa vào ái lực cao của nhóm thuốc này đối với chất khoáng của xương. Acid zoledronic dùng đường tĩnh mạch được phân bố nhanh vào xương và cũng như các bisphosphonate khác, khu trú trước hết vào các vị trí có sự luân chuyển xương cao. Đích phân tử chính của acid zoledronic trong hủy cốt bào là enzyme farmesyl pyrophosphat synthetase, nhưng không loại trừ các cơ chế khác. Thời gian tác động tương đối dài của acid zoledronic có thể quy cho là do ái lực cao của chất này đối với vị trí hoạt động của farnesyl pyrophosphat (FPP) synthase và ái lực gắn kết mạnh của nó với chất khoáng của xương.
Loãng xương
Việc điều trị bằng Aclasta làm giảm nhanh tốc độ luân chuyển xương từ các mức tăng cao sau mãn kinh, với điểm thấp nhất chỉ thị sự tiêu xương quan sát được sau 7 ngày, và chỉ thị sự tạo xương quan sát được sau 12 tuần. Sau đó các chất chỉ thị về xương ổn định trong mức như trước khi mãn kinh. Không có sự giảm liên tục chất chỉ thị sự luân chuyển xương khi tiêm liều lặp lại hàng năm.
Trong các nghiên cứu dài ngày trên động vật, acid zoledronic ức chế sự tiêu xương mà không tác dụng ngược lên sự tạo xương, sự khoáng hóa hoặc các tính chất cơ học của xương. Các dữ liệu về đo hình thái mô khi thử nghiệm dài ngày trên chuột cống và khỉ cho thấy đáp ứng điển hình của xương với thuốc chống tiêu xương qua sự giảm hoạt tính của hủy cốt bào phụ thuộc liều dùng và tần suất hoạt hóa các vị trí tu sửa mới bộ xương ở cả xương bó và xương Havers. Đã quan sát thấy có sự tiếp tục tu sửa bộ xương ở các mẫu xương của tất cả động vật được điều trị với liều acid zoledronic với liều dùng trong lâm sàng. Chưa thấy bằng chứng về giảm khoáng hóa xương, sai lạc về tích lũy dạng xương và chưa thấy dạng xương kết dính ở các động vật dùng thuốc.
DƯỢC ĐỘNG HỌC
Ở 64 bệnh nhân ung thư có di căn xương có các dữ liệu dược động học dưới đây, khi truyền acid zoledronic liều đơn và đa liều trong thời gian 5 phút và 15 phút với các liều 2,4,8 và 16 mg, đã ghi nhận các dữ liệu này không phụ thuộc vào liều dùng. Chưa có dữ liệu dược động học ở các bệnh nhân loãng xương và bệnh Paget xương.
Sau khi khởi đầu truyền acid zoledronic, nồng độ của hoạt chất này trong huyết tương tăng nhanh, đạt nồng độ đỉnh khi kết thúc thời gian truyền, tiếp theo là giảm nhanh xuống <10% nồng độ đỉnh sau 4 giờ và <1% nồng độ đỉnh sau 24 giờ, sau đó là thời kỳ kéo dài với các nồng độ rất thấp không quá 0,1% nồng độ đỉnh.
Khi truyền tĩnh mạch, acid zoledronic được đào thải theo quá trình 3 pha: biến mất khỏi tuần hoàn toàn thân nhờ quá trình 2 pha nhanh, với thời gian bán thải t1/2 alpha là 0,24 giờ và t½ beta là 1,87 giờ, tiếp theo là pha đào thải kéo dài với thời gian bán thải cuối t1/2 gamma là 146 giờ. Không có sự tích lũy hoạt chất này trong huyết tương sau khi tiêm nhiều liều mỗi 28 ngày. Các pha đầu tiên (alpha và beta, với các trị số t1/2 ở trên) có thể biểu thị sự thu nhận nhanh vào xương và bài tiết qua thận.
Acid zoledronic không được chuyển hóa trong cơ thể và đào thải dưới dạng không đổi qua thận. Sau 24 giờ đầu tiên, 39 ± 16% liều dùng được phát hiện trong nước tiểu, trong khi số còn lại chủ yếu gắn vào mô xương. Từ mô xương thuốc được phóng thích rất chậm vào tuần hoàn toàn thân và được đào thải qua thận. Độ thanh thải tổng cộng khỏi cơ thể là 5,04 ± 2,5 L/giờ, không phụ thuộc liều dùng, không bị ảnh hưởng bởi giới, tuổi, chủng tộc hoặc thể trọng. Sự thay đổi giữa các cá thể là 36% và trong từng cá thể là 34% về độ thanh thải của acid zoledronic trong huyết tương. Tăng thời gian truyền từ 5 đến 15 phút làm giảm 30% nồng độ acid zoledronic vào lúc kết thúc truyền, nhưng không có tác dụng đến diện tích dưới đường cong nồng độ-thời gian trong huyết tương.
Tương tác thuốc-thuốc
Chưa có nghiên cứu được tiến hành về tương thuốc đặc hiệu với acid zoledronic. Vì acid zoledronic không được chuyển hóa ở người và chất này được biết là có ít hoặc không có khả năng là chất ức chế các enzyme P450 tác dụng trực tiếp và/hoặc phụ thuộc vào sự chuyển hóa không thuận nghịch, không chắc là acid zoledronic làm giảm độ thanh thải chuyển hóa của các chất được chuyển hóa qua hệ enzyme cytochrom P450. Acid zoledronic không gắn kết mạnh với protein huyết tương (gắn khoảng 23-40%) và sự gắn kết này không phụ thuộc vào nồng độ. Vì vậy, không chắc có tương tác do chiếm chỗ các thuốc gắn mạnh với protein huyết tương.
Những đối tượng đặc biệt (xem phần Liều lượng và cách dùng)
Suy thận: Độ thanh thải qua thận của acid zoledronic có tương quan với độ thanh thải creatinine, độ thanh thải qua thận tương ứng với 75 ± 33% độ thanh thải creatinine, cho thấy mức thanh thải trung bình là 84 ± 29 mL/phút (trong mức 22 - 143 mL/phút) ở 64 bệnh nhân được nghiên cứu. Sự tăng nhẹ diện tích dưới đường cong AUC (0-24 giờ) đã quan sát được vào khoảng 30 - 40% trong suy thận nhẹ đến trung bình, so với một bệnh nhân có chức năng thận bình thường, và sự kém tích lũy thuốc khi dùng đa liều bất kể tình trạng chức năng thận cho thấy không cần điều chỉnh liều acid zoledronic khi suy thận nhẹ (độ thanh thải creatinine Clcr = 50 - 80 mL/phút) và trung bình (Clcr = 30 - 50 mL/phút). Chống chỉ định dùng Aclasta cho những bệnh nhân có độ thanh thải creatinine <35 mL/phút do gia tăng nguy cơ suy thận ở những bệnh nhân này (xem phần Chống chỉ định). Không cần điều chỉnh liều ở bệnh nhân có độ thanh thải creatinine ≥35 mL/phút.
CÁC NGHIÊN CỨU LÂM SÀNG
Kết quả từ thử nghiệm lâm sàng trong điều trị loãng xương sau mãn kinh
Nghiên cứu chính (HORIZON –PFT): trong một thử nghiệm ngẫu nhiên, mù đôi, đối chứng với giả dược, Aclasta làm giảm có ý nghĩa nguy cơ của 1 hay nhiều hơn các trường hợp gãy mới của cột sống/gãy cột sống nặng hơn sau một năm là 58%, sau 2 năm (68%), sau 3 năm (67%) (P đều <0,0001) và giảm có ý nghĩa nguy cơ của ít nhất 1 trường hợp gãy cột sống mới mức độ trung bình hoặc nặng sau 1 năm (60%), 2 năm (71%), 3 năm (70%) (p đều <0,0001). Điều trị với Aclasta cũng làm giảm nguy cơ gãy xương hông tới 40% sau 3 năm (p=0,003). Hơn nữa, điều trị với Aclasta có tác dụng có lợi trên tất cả các gãy xương lâm sàng, mật độ xương, mô học của xương, các chất đánh dấu sinh học luân chuyển xương, chiều cao và tình trạng khuyết tật.
Nghiên cứu mở rộng: Trong một nghiên cứu kéo dài 3 năm, trong đó các bệnh nhân ban đầu được truyền Aclasta 3 lần, được phân ngẫu nhiên vào nhóm Aclasta hoặc nhóm giả dược. So với giả dược, truyền thêm 3 lần Aclasta hàng năm giảm có ý nghĩa thống kê (p<0,05) nguy cơ gãy xương cột sống hình thái mới (3,0% so với 6,2%) và nguy cơ gãy xương cột sống hình thái mới/nặng hơn (3,4% so với 7,0%).
Kết quả từ thử nghiệm lâm sàng trong phòng ngừa gãy xương lâm sàng sau gãy xương hông: Ở những bệnh nhân nam và nữ mới có chấn thương gãy xương hông thấp, điều trị với Aclasta giảm có ý nghĩa tỉ lệ gãy xương trên lâm sàng bất kỳ tới 35%; giảm 46% nguy cơ gãy xương cột sống trên lâm sàng, giảm 27% nguy cơ gãy xương ngoài xương cột sống và giảm 30% nguy cơ gãy xương hông sau này. Điều trị với Aclasta giúp tăng đáng kể mật độ xương hông và cổ xương đùi, so với giả dược (thời điểm 12, 24 và 36 tháng).
Kết quả từ thử nghiệm lâm sàng trong điều trị loãng xương ở nam giới: Trong một nghiên cứu ngẫu nhiên, đối chứng với hoạt chất, truyền Aclasta hàng năm tương tự như alendronate hàng tuần trên sự thay đổi về tỉ lệ phần trăm mật độ xương cột sống thắt lưng ở tháng thứ 12 và không thua kém ở tháng thứ 24, so với ban đầu. Ở một nghiên cứu ngẫu nhiên thứ hai, đối chứng với giả dược, Aclasta giảm có ý nghĩa nguy cơ gãy xương cột sống hình thái mới đến 63% và vượt trội so với giả dược trong việc tăng hoặc duy trì mật độ xương ở cột sống thắt lưng, toàn bộ hông và cổ xương đùi trong 24 tháng (p đều <0,05).
Kết quả từ thử nghiệm lâm sàng trong điều trị và phòng ngừa loãng xương do glucocorticoid: Trong một thử nghiệm ngẫu nhiên, đối chứng với hoạt chất ở bệnh nhân loãng xương do glucocorticoid, điều trị với Aclasta làm tăng hơn đáng kể mật độ xương, ở tất cả các vị trí, bao gồm cột sống thắt lưng, cổ xương đùi, toàn bộ hông, mấu chuyển và xương quay (cổ tay) sau 12 tháng, so với risedronate 5 mg dùng hàng ngày (p đều <0,03).
Bệnh Paget xương: Trong hai thử nghiệm lâm sàng so sánh ngẫu nhiên, kiểm soát tốt trên bệnh nhân bị bệnh Paget, Aclasta cho thấy sự vượt trội hơn và đáp ứng nhanh hơn nồng độ alkaline phosphate huyết thanh, so với risedronate. Ngoài ra, các chất chỉ điểm sinh hóa về sự tạo xương và sự tiêu xương đã chứng tỏ có sự bình thường hóa sự luân chuyển xương ở nhiều bệnh nhân được điều trị bằng Aclasta so với bệnh nhân được điều trị bằng risedronate.
CÁC DỮ LIỆU AN TOÀN PHI LÂM SÀNG
Các nghiên cứu về độc tính
Trong các nghiên cứu tiêm cả liều (bolus), acid zoledronic được dung nạp tốt khi tiêm dưới da cho chuột cống và tiêm tĩnh mạch cho chó với các liều đến 0,02 mg/kg/ngày trong 4 tuần. Tiêm dưới da 0,001 mg/kg/ngày cho chuột cống và tiêm tĩnh mạch 0,005 mg/kg một lần mỗi 2-3 ngày cho chó cho đến 52 tuần cũng được dung nạp tốt.
Thận được xác định là cơ quan lớn đối với độc tính trong các nghiên cứu tiêm acid zoledronic. Trong các nghiên cứu truyền tĩnh mạch, khả năng dung nạp thận đã được quan sát thấy ở chuột với liều lên đến 0,6 mg/kg và ở chó với liều 0,5 mg/kg nhưng khoảng cách liều là khác nhau.
Dấu hiệu thường gặp nhất trong các nghiên cứu dùng liều lặp lại bao gồm tăng thể xốp của hành xương của các xương dài ở động vật đang phát triển gần như với tất cả liều, là dấu hiệu phản ánh hoạt tính dược lý chống tiêu xương của hợp chất này.
Độc tính trên sự sinh sản
Các nghiên cứu về quái thai học được thực hiện ở 2 loài, cả hai đều qua đường tiêm dưới da acid zoledronic. Đã quan sát thấy sinh quái thai ở chuột cống với liều ≥ 0,2 mg/kg/ngày và biểu hiện bằng dị dạng bên ngoài, nội tạng và bộ xương. Sinh khó đã được ghi nhận tại liều thấp nhất (0,01 mg/kg /ngày) khi thử nghiệm trên chuột cống.
Không thấy tác dụng gây quái thai hoặc trên phôi/thai thỏ mặc dù độc tính rõ ở vật mẹ với liều 0,1 mg/kg/ngày. Các tác động bất lợi lên vật mẹ có liên quan đến và có thể được gây ra bởi tình trạng hạ calci máu do thuốc.
Độc tính gây biến dị: Acid zoledronic không gây biến dị gen trong các thử nghiệm gây biến dị in vitro và in vivo.
Độc tính gây ung thư: Trong các nghiên cứu dùng đường uống về độc tính gây ung thư ở động vật gặm nhấm, acid zoledronic cho thấy không có khả năng gây ung thư.

Chỉ định/Công dụng

Điều trị loãng xương ở phụ nữ sau mãn kinh để làm giảm tỷ lệ gãy xương hông, gãy xương đốt sống và gãy xương không phải đốt sống và để làm tăng mật độ chất khoáng của xương.
Phòng ngừa gãy xương lâm sàng sau gãy xương hông ở nam giới và phụ nữ.
Điều trị loãng xương ở nam giới.
Điều trị và phòng ngừa loãng xương do glucocorticoid.
Điều trị bệnh Paget xương.

Liều lượng & Cách dùng

Chung
Tỷ lệ các triệu chứng sau khi điều trị Aclasta xảy ra trong vòng 3 ngày đầu (như sốt, các triệu chứng giống cúm, đau cơ, đau khớp, đau đầu, nôn và tiêu chảy) có thể giảm đi khi sử dụng paracetamol hoặc ibuprofen sớm sau khi dùng Aclasta (xem phần Tác dụng ngoại ý).
Điều trị loãng xương sau mãn kinh
Để điều trị loãng xương sau mãn kinh, liều khuyến cáo là truyền tĩnh mạch một liều đơn 5 mg Aclasta 1 lần trong 1 năm.
Bổ sung đầy đủ calci và vitamin D là điều quan trọng đối với phụ nữ bị loãng xương nếu sự thu nhận qua chế độ ăn không đầy đủ (xem phần Cảnh báo).
Phòng ngừa gãy xương lâm sàng sau gãy xương hông
Để phòng ngừa gãy xương lâm sàng sau gãy xương hông do chấn thương nhẹ, liều khuyến cáo là truyền tĩnh mạch một liều đơn 5 mg Aclasta 1 lần trong 1 năm.
Đối với những bệnh nhân mới bị gãy xương hông do chấn thương nhẹ, khuyến cáo dùng liều tấn công 50.000 đến 125.000 IU vitamin D đường uống hoặc tiêm bắp trước khi truyền dung dịch Aclasta lần đầu tiên.
Khuyến cáo bổ sung calci và vitamin D cho bệnh nhân được điều trị để phòng ngừa gãy xương lâm sàng sau gãy xương hông do chấn thương nhẹ (xem phần Cảnh báo).
Điều trị loãng xương ở nam giới
Để điều trị loãng xương ở nam giới, liều khuyến cáo truyền tĩnh mạch một liều đơn 5 mg Aclasta 1 lần trong năm.
Bổ sung đầy đủ calci và vitamin D là điều quan trọng đối với nam giới bị loãng xương nếu sự thu nhận qua chế độ ăn không đầy đủ (xem phần Cảnh báo).
Điều trị và phòng ngừa loãng xương do glucocorticoid
Để điều trị và phòng ngừa loãng xương do glucocorticoid, liều khuyến cáo truyền tĩnh mạch một liều đơn 5 mg Aclasta 1 lần trong năm.
Bổ sung đầy đủ calci và vitamin D là điều quan trọng đối với những bệnh nhân bị loãng xương nếu sự thu nhận qua chế độ ăn không đầy đủ (xem phần Cảnh báo).
Điều trị bệnh Paget xương
Để điều trị bệnh Paget, Aclasta chỉ nên được kê đơn bởi các bác sĩ có kinh nghiệm trong việc điều trị bệnh Paget xương. Liều khuyến cáo là truyền tĩnh mạch một liều đơn 5 mg Aclasta.
Tái điều trị bệnh Paget: Sau khi điều trị bệnh Paget bằng liều khởi đầu Aclasta, đã quan sát thấy giai đoạn thuyên giảm kéo dài trung bình 7,7 năm ở những bệnh nhân đáp ứng. Khi bệnh Paget xương là một bệnh suốt đời, tái điều trị có thể là điều cần thiết. Tái điều trị bệnh Paget xương bao gồm truyền tĩnh mạch bổ sung Aclasta 5mg sau một khoảng thời gian một năm hoặc lâu hơn kể từ khi khởi đầu điều trị. Định kỳ đánh giá mức độ phosphatase kiềm trong huyết thanh của bệnh nhân, ví dụ mỗi 6 đến 12 tháng và đánh giá đáp ứng lâm sàng để điều trị, cũng nên hướng dẫn các quyết định khi điều trị lại xảy ra trên từng cá thể.
Trong trường hợp không thấy có các triệu chứng lâm sàng xấu đi (ví dụ đau xương hoặc các triệu chứng nền) và/hoặc quét xương phù hợp với tái phát bệnh Paget xương, lần truyền tĩnh mạch thứ hai của Aclasta không nên được sử dụng sớm hơn 12 tháng sau lần khởi đầu điều trị (xem mục Các nghiên cứu lâm sàng).
Ở bệnh nhân bị bệnh Paget, khuyến cáo bổ sung vitamin D đầy đủ khi dùng Aclasta. Ngoài ra, đặc biệt khuyến cáo bệnh nhân bị bệnh Paget phải bảo đảm bổ sung đầy đủ lượng calci tương ứng với ít nhất 500 mg calci nguyên tố, 2 lần/ngày ít nhất trong 10 ngày sau khi dùng Aclasta (xem phần Cảnh báo).
Các nhóm bệnh nhân đặc biệt
Bệnh nhân suy thận: Chống chỉ định dùng Aclasta cho bệnh nhân có hệ số thanh thải creatinine <35 mL/phút (xem phần Chống chỉ định và Cảnh báo). Không cần điều chỉnh liều ở bệnh nhân có hệ số thanh thải creatinine ≥35 mL/phút.
Bệnh nhân suy gan: Không cần điều chỉnh liều (xem phần Dược động học).
Bệnh nhân cao tuổi (Từ 65 tuổi trở lên): Không cần điều chỉnh liều vì sinh khả dụng, sự phân bố và thải trừ giống nhau giữa bệnh nhân cao tuổi và người trẻ tuổi.
Bệnh nhân trẻ em: Không khuyến cáo dùng Aclasta cho trẻ em và thiếu niên dưới 18 tuổi do thiếu dữ liệu về  độ an toàn và hiệu quả.
Cách dùng
Aclasta (5 mg trong 100 mL có sẵn cho dung dịch truyền) được dùng đường tĩnh mạch qua một dây truyền mở lỗ thông với tốc độ truyền hằng định. Thời gian truyền không được dưới 15 phút.
Bệnh nhân phải được bù nước thích hợp trước khi dùng Aclasta. Điều này đặc biệt quan trọng ở người cao tuổi và đối với những bệnh nhân đang dùng thuốc lợi tiểu (xem phần Cảnh báo).
Hướng dẫn sử dụng và thao tác
Không được pha trộn Aclasta hoặc dùng đường tĩnh mạch với bất kỳ thuốc nào khác và phải truyền thuốc qua một dây truyền riêng có mở lỗ thông với tốc độ truyền không đổi. Nếu giữ ở tủ lạnh, cần để dung dịch lạnh trở về nhiệt độ phòng trước khi dùng. Phải tuân thủ các kỹ thuật vô khuẩn trong suốt thời gian chuẩn bị truyền.

Cảnh báo

Thuốc này chỉ dùng theo sự kê đơn của bác sĩ.
Thận trọng chung
Liều acid zoledronic 5 mg phải được truyền trong thời gian ít nhất 15 phút.
Aclasta có cùng hoạt chất với Zometa (acid zoledronic) thường dùng trong các chỉ định về ung thư, bệnh nhân đang điều trị bằng Zometa không được dùng Aclasta.
Bệnh nhân phải được bù nước thích hợp trước khi dùng Aclasta. Điều này đặc biệt quan trọng ở người cao tuổi và đối với bệnh nhân đang dùng thuốc lợi tiểu.
Phải điều trị hạ calci máu có từ trước bằng cách bổ sung đầy đủ calci và vitamin D trước khi bắt đầu điều trị bằng Aclasta (xem phần Chống chỉ định). Các rối loạn khác về chuyển hóa chất khoáng cũng phải được điều trị hữu hiệu (ví dụ giảm dự trữ hormone tuyến cận giáp, kém hấp thu calci ở ruột). Thầy thuốc cần cân nhắc để theo dõi lâm sàng những bệnh nhân này.
Suy thận
Chống chỉ định dùng Aclasta ở bệnh nhân suy thận nặng (độ thanh thải creatinin <35 mL/phút) là do làm tăng nguy cơ suy thận trong nhóm bệnh nhân này.
Đã quan sát thấy suy thận sau khi sử dụng Aclasta (xem phần Tác dụng ngoại ý, các báo cáo hậu mãi tự phát), đặc biệt ở những bệnh nhân bị tổn thương thận trước đó hoặc có các yếu tố nguy cơ khác bao gồm người cao tuổi, sử dụng đồng thời các thuốc gây độc cho thận, các thuốc lợi tiểu (xem phần Tương tác), hoặc mất nước xảy ra sau khi sử dụng Aclasta. Suy thận đã được ghi nhận ở những bệnh nhân sau khi dùng liều duy nhất. Suy thận cần phải thẩm tách máu hoặc gây tử vong hiếm khi xảy ra ở những bệnh nhân đang bị suy yếu chức năng thận hoặc có bất cứ nguy cơ nào như được mô tả phía trên.
Cần lưu ý đến những thận trọng sau đây để làm giảm thiểu nguy cơ các phản ứng phụ xảy ra cho thận:
- Cần tính toán độ thanh thải creatinin (ví dụ như theo công thức Cockcroft-Gault) trước mỗi lần dùng thuốc Aclasta. Tăng thoáng qua lượng creatinin huyết thanh có thể cao hơn ở những bệnh nhân đang bị suy chức năng thận, cần xem xét theo dõi tạm thời lượng creatinin huyết thanh ở những bệnh nhân có nguy cơ.
- Cần thận trọng khi sử dụng đồng thời Aclasta với các thuốc khác ảnh hưởng đến chức năng thận (xem phần Tương tác).
- Các bệnh nhân, đặc biệt đối với người già và những bệnh nhân đang điều trị với thuốc lợi tiểu, nên được truyền nước thích hợp trước khi dùng Aclasta.
- Một liều đơn Aclasta không nên vượt quá 5 mg và thời gian truyền thuốc không dưới 15 phút (xem phần Liều lượng và Cách dùng).
Bổ sung calci và vitamin D
Điều trị loãng xương
Bổ sung đầy đủ calci và vitamin D là điều quan trọng đối với nam giới và phụ nữ bị loãng xương nếu sự thu nhận qua chế độ ăn không đầy đủ.
Phòng ngừa gãy xương lâm sàng sau gãy xương hông
Khuyến cáo bổ sung calci và vitamin D cho bệnh nhân được điều trị để phòng ngừa gãy xương lâm sàng sau gãy xương hông.
Điều trị bệnh Paget xương
Tăng sự luân chuyển xương là đặc điểm của bệnh Paget xương. Do acid zoledronic có khởi phát tác dụng nhanh trên sự luân chuyển xương, có thể có hạ calci máu thoáng qua, đôi khi có triệu chứng và thường tối đa trong vòng 10 ngày đầu sau khi truyền Aclasta (xem phần Tác dụng ngoại ý). Khuyến cáo bổ sung vitamin D đầy đủ khi dùng Aclasta. Ngoài ra, đặc biệt khuyến cáo bệnh nhân bị bệnh Paget phải bảo đảm bổ sung đầy đủ lượng calci tương ứng với ít nhất 500 mg calci nguyên tố, 2 lần/ngày ít nhất trong 10 ngày sau khi dùng Aclasta. Bệnh nhân phải được thông báo về các triệu chứng hạ calci máu. Thầy thuốc cần xem xét theo dõi lâm sàng những bệnh nhân có nguy cơ.
Đau cơ xương
Thỉnh thoảng đã có báo cáo về đau xương, khớp và/hoặc cơ dữ dội và đôi khi mất chức năng ở bệnh nhân dùng bisphosphonate, bao gồm cả Aclasta.
Hoại tử xương hàm
Hoại tử xương hàm đã được ghi nhận trên những bệnh nhân sử dụng acid zoledronic để điều trị loãng xương (xem thêm mục Tác dụng ngoại ý). Việc bắt đầu điều trị bằng acid zoledronic hoăc bắt đầu một đợt điều trị mới cho bệnh nhân nên được trì hoãn trên những bệnh nhân có vết thương mô mềm hở chưa lành tại vùng miệng. Bệnh nhân có các yếu tố nguy cơ được khuyến cáo kiểm tra để phòng ngừa các vấn đề răng miệng và đánh giá lợi ích – nguy cơ trước khi điều trị bằng acid zoledronic.
Khi đánh giá nguy cơ hoại tử xương hàm trên bệnh nhân, cán bộ y tế cần cân nhắc những yếu tố sau:
- Hiệu lực của chế phẩm thuốc gây ức chế tiêu xương (vì nguy cơ tăng theo hoạt lực của thuốc), đường dùng (nguy cơ cao hơn khi dùng thuốc đường tiêm) và sự tích lũy thuốc.
- Ung thư, các bệnh mắc kèm (ví dụ: thiếu máu, rối loạn đông máu, nhiễm khuẩn) và hút thuốc.
- Thuốc dùng đồng thời: corticosteroid, hóa trị liệu, các chất ức chế tạo mạch và xạ trị vùng đầu cổ.
- Vệ sinh răng miệng kém, bệnh nha chu, răng giả không khớp, tiền sử bệnh răng miệng hoặc tiến hành thủ thuật nha khoa xâm lấn như nhổ răng.
Tất cả bệnh nhân được khuyến khích duy trì vệ sinh răng miệng, kiểm tra sức khỏe răng miệng định kỳ và thông báo ngay khi gặp phải những vấn đề về răng miệng như xô lệch răng, đau hoặc sưng răng, chảy mủ không lành trong quá trình điều trị bằng acid zoledronic. Việc tiến hành các thủ thuật nha khoa xâm lấn trên bệnh nhân đang điều trị bằng acid zoledronic cần được tiền hành một cách thận trọng và cách xa thời điểm bệnh nhân đang điều trị.
Trên bệnh nhân có hoại tử xương hàm do sử dụng acid zoledronic, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa bác sỹ điều trị và nha sỹ hoặc bác sỹ phẫu thuật răng miệng có chuyên môn về hoại tử xương hàm. Nếu có thể, xem xét việc tạm ngừng điều trị cho bệnh nhân đến khi tình trạng hoại tử xương hàm cải thiện và các yếu tố nguy cơ giảm nhẹ.
Các hoại tử xương khác
Các trường hợp hoại tử xương khác (bao gồm cả xương đùi, hông, đầu gối và xương cánh tay) cũng đã được báo cáo; tuy nhiên, mối quan hệ nhân quả chưa được xác định trong quần thể được điều trị bằng Aclasta.
Gãy xương đùi thể không điển hình
Gãy xương đùi thể không điển hình ở vị trí dưới mấu chuyển và thân xương đã được báo cáo trong liệu pháp kết hợp với bisphosphonate, chủ yếu ở những bệnh nhân được điều trị loãng xương lâu dài. Gãy ngang hoặc gãy chéo ngắn thân xương có thể xảy ra bất cứ nơi nào dọc theo xương đùi từ ngay dưới mấu chuyển nhỏ đến ngay phía trên lồi cầu. Gãy xương xảy ra sau một chấn thương nhỏ hoặc không và một vài bệnh nhân bị đau ở vùng đùi hoặc vùng háng từ vài tuần đến vài tháng trước khi có gãy xương đùi. Gãy xương thường đối xứng, do đó ở những bệnh nhân được điều trị bằng bisphosphonate bị gãy thân xương đùi cần phải thăm khám xương đùi đối bên. Hiện tượng liền xương kém cũng đã được báo cáo. Ngưng điều trị bisphosphonate ở bệnh nhân nghi ngờ có gãy xương đùi không điển hình nên được xem xét trong khi chờ lượng giá bệnh nhân, dựa trên việc đánh giá giữa nguy cơ và lợi ích của từng người bệnh. Quan hệ nhân quả chưa được xác lập khi mà các dạng gãy xương này cũng xảy ra ở những bệnh nhân loãng xương không được điều trị bằng bisphosphonate. Trong quá trình sử dụng bisphosphonate, bao gồm cả Aclasta, bệnh nhân cần được tư vấn để báo cáo bất kỳ các triệu chứng đau đùi, hông hoặc háng và với các triệu chứng như vậy bệnh nhân nên được lượng giá về khả năng gãy xương đùi.
Tác động của thuốc khi lái xe và vận hành máy móc: Tác dụng không mong muốn bao gồm và chóng mặt có thể ảnh hưởng đến khả năng lái xe và vận hành máy móc. Vì vậy cần lưu ý khi lái xe và vận hành máy móc.

Quá Liều

Kinh nghiệm về quá liều cấp tính trên lâm sàng còn hạn chế. Những bệnh nhân được cho dùng liều cao hơn liều được khuyến cáo cần được theo dõi cẩn thận. Trong trường hợp quá liều dẫn đến hạ calci máu có ý nghĩa lâm sàng, có thể phục hồi được bằng cách bổ sung calci uống hoặc/và truyền calci gluconate.

Chống chỉ định

Hạ calci máu (xem phần Cảnh báo).
Suy thận nặng với độ thanh thải creatinin <35 mL/phút (xem phần Cảnh báo).
Phụ nữ có thai và cho con bú (xem phần Sử dụng ở phụ nữ có thai và cho con bú).
Quá mẫn cảm với hoạt chất hoặc với bất kỳ thành phần nào của tá dược hoặc với mọi bisphosphonate.

Sử dụng ở phụ nữ có thai và cho con bú

Phụ nữ có khả năng mang thai: Phụ nữ có khả năng mang thai nên được khuyên tránh có thai trong khi dùng Aclasta. Có một nguy cơ lý thuyết về tác hại trên thai nhi (ví dụ như xương và các bất thường khác) nếu người phụ nữ có thai trong khi điều trị với biphosphonat. Tác động của các yếu tố như thời gian từ khi ngưng dùng biphosphonat đến khi thụ thai, thuốc biphosphonat cụ thể đã dùng, và đường dùng lên nguy cơ này chưa được xác định (xem phụ mục Có thai bên dưới, cũng như phần Chống chỉ định và phần Các dữ liệu an toàn phi lâm sàng).
Phụ nữ có thai: Chống chỉ định dùng Aclasta trong thai kỳ. Chưa có dữ liệu về việc sử dụng acid zoledronic ở phụ nữ có thai. Các nghiên cứu trên chuột cho thấy có độc tính trên sự sinh sản (xem phần Các dữ liệu an toàn phi lâm sàng). Chưa rõ nguy cơ có thể có đối với người.
Cho con bú: Chống chỉ định dùng Aclasta ở phụ nữ cho con bú (xem phần Chống chỉ định).
Khả năng sinh sản: Khả năng sinh sản ở chuột giảm khi dùng liều tiêm dưới da 0,1 mg/kg/ngày acid zoledronic. Không có dữ liệu về khả năng sinh sản ở người.

Tương tác

Chưa có nghiên cứu được tiến hành về tương tác thuốc đặc hiệu với acid zoledronic. Acid zoledronic không được chuyển hóa toàn thân và không ảnh hưởng đến các enzyme cytochrome P450 ở người in vitro (xem phần Dược động học). Acid zoledronic không gắn mạnh với protein huyết tương (gắn khoảng 23-40%) và vì vậy không chắc có tương tác do chiếm chỗ các thuốc gắn mạnh với protein huyết tương. Acid zoledronic được thải trừ qua sự bài tiết ở thận.
Những thuốc có ảnh hưởng đến chức năng thận: Cần thận trọng khi dùng phối hợp Aclasta với các thuốc có ảnh hưởng đáng kể đến chức năng thận (ví dụ các aminoglycoside hoặc các thuốc lợi tiểu có thể gây mất nước)
Những thuốc được bài tiết chủ yếu qua thận: Ở những bệnh nhân suy thận, có thể gia tăng ảnh hưởng toàn thân đối với các thuốc dùng phối hợp được bài tiết chủ yếu qua thận.

Tương kỵ

Dung dịch truyền Aclasta không được cho phép tiếp xúc với bất kỳ dung dịch nào chứa calci hoặc cation hóa trị II.

Tác dụng ngoại ý

Tóm tắt các dữ liệu về độ an toàn
Các phản ứng phụ được trình bày trong phần này xuất phát từ các nghiên cứu khác nhau trong chương trình lâm sàng (xem phần Các nghiên cứu lâm sàng).
Aclasta được nghiên cứu đối với:
- Những trường hợp loãng xương sau mãn kinh trong một nghiên cứu then chốt về gãy xương, 1 nghiên cứu đa quốc gia, ngẫu nhiên, mù đôi, có kiểm chứng bằng giả dược (HORIZON – PFT) bao gồm 7736 phụ nữ và nghiên cứu mở rộng của nghiên cứu trên bao gồm 2456 phụ nữ.
- Đối với bệnh Paget trong hai thử nghiệm mù đôi, ngẫu nhiên về tính an toàn và hiệu quả của thuốc bao gồm 357 bệnh nhân;
- Phòng ngừa gãy xương trên lâm sàng ở những bệnh nhân vừa mới bị gãy xương hông do chấn thương nhẹ đã được chứng minh trong một nghiên cứu kết cục lâm sàng đa quốc gia, ngẫu nhiên, mù đôi, có kiểm chứng bằng giả dược (HORIZON – PFT) trên 2127 nam giới và phụ nữ.
- Điều trị và phòng ngừa loãng xương do sử dụng glucocorticoid trong một nghiên cứu được kiểm soát chủ động, phân tầng, mù đôi, ngẫu nhiên, đa trung tâm ở 833 nam giới và phụ nữ.
- Nam giới bị loãng xương hoặc loãng xương chủ yếu thứ phát do giảm chức năng tuyến sinh dục trong một nghiên cứu kiểm soát chủ động, mù đôi, đa trung tâm, ngẫu nhiên trên 302 nam giới.
- Phòng ngừa mất xương trên 581 phụ nữ sau mãn kinh bị thiếu xương trong một nghiên cứu có kiểm chứng với giả dược, mù đôi, đa trung tâm, ngẫu nhiên kéo dài 2 năm.
Điều trị loãng xương sau mãn kinh, loãng xương ở nam giới, phòng ngừa gãy xương trên lâm sàng sau gãy xương hông do chấn thương nhẹ, điều trị và phòng ngừa loãng xương do sử dụng glucocorticoid và bệnh Paget xương
Trong các nghiên cứu để chứng minh các chỉ định điều trị loãng xương ở nam giới và phụ nữ sau mãn kinh, phòng ngừa gãy xương trên lâm sàng sau gãy xương hông do chấn thương nhẹ, điều trị và phòng ngừa loãng xương do sử dụng glucocorticoid và bệnh Paget xương, không có sự khác biệt đáng kể nào về tỷ lệ chung mắc phải các phản ứng phụ nghiêm trọng so với giả dược hoặc thuốc so sánh và hầu hết các phản ứng phụ từ nhẹ đến trung bình. Aclasta được chỉ định dùng một lần trong năm trong tất cả các nghiên cứu đã được đề cập ở trên.
Cũng như các bisphosphonate dùng đường tĩnh mạch, Aclasta thường liên quan nhiều nhất với các triệu chứng sau đây sau khi dùng thuốc (các tần số được rút ra từ các nghiên cứu trong điều trị loãng xương sau mãn kinh: sốt (18,1%), đau cơ (9,4%), triệu chứng giống cúm (7,8%), đau khớp (6,8%) và nhức đầu (6,5%), đa số triệu chứng này xảy ra trong vòng 3 ngày đầu sau khi sử dụng Aclasta. Đa số các triệu chứng này về bản chất từ nhẹ đến trung bình và qua khỏi trong vòng 3 ngày khởi phát triệu chứng. Tỷ lệ các triệu chứng này giảm rõ rệt khi dùng Aclasta liều kế tiếp.
Tỷ lệ các triệu chứng sau khi dùng thuốc xảy ra trong vòng 3 ngày đầu sau khi dùng Aclasta có thể giảm khoảng 50% khi dùng paracetamol hoặc ibuprofen sớm sau khi dùng Aclasta.
Tóm tắt thành bảng các phản ứng bất lợi của thuốc từ các thử nghiệm lâm sàng
Các phản ứng bất lợi từ các thử nghiệm lâm sàng (Bảng 1) được liệt kê theo sự phân loại các cơ quan hệ thống trong MedDRA. Đây là những tác dụng phụ nghi ngờ do Aclasta (theo đánh giá của nhà nghiên cứu) trong các nghiên cứu chung chứng minh cho các chỉ định: điều trị loãng xương ở nam giới và phụ nữ sau mãn kinh, phòng ngừa gãy xương trên lâm sàng sau gãy xương hông do chấn thương nhẹ, điều trị và phòng ngừa loãng xương do glucocorticoid và bệnh Paget xương. Trong mỗi nhóm các cơ quan, các phản ứng bất lợi được sắp xếp theo tần số đầu tiên là các phản ứng hay gặp nhất. Các tần số tương ứng sử dụng qui ước sau (CIOMS III) cho mỗi phản ứng phụ: rất hay gặp (≥1/10), hay gặp (≥1/100, <1/10), ít gặp (≥1/1.000, <1/100), hiếm gặp (≥1/10.000, <1/1.000), rất hiếm gặp (<1/10.000), bao gồm các báo cáo lẻ tẻ.
- xem Bảng 1.

Các phản ứng bất lợi thêm vào được báo cáo trong các nghiên cứu đơn lẻ không bao gồm trong Bảng 6 (do có tần suất thấp hơn ở nhóm dùng Aclasta so với ở nhóm giả dược từ các dữ liệu gộp lại) bao gồm:
Rối loạn tim mạch: rung nhĩ*, đánh trống ngực
Rối loạn về mắt: sung huyết mắt
Rối loạn tiêu hóa: viêm dạ dày, đau răng
Rối loạn toàn thân và tình trạng tại chỗ dùng thuốc: phản ứng tại vị trí truyền
Xét nghiệm: tăng protein C phản ứng lại.
Rối loạn chuyển hóa và dinh dưỡng: hạ calci máu
Rối loạn hệ thần kinh: loạn vị giác
*Xem tiểu mục “Rung nhĩ” trong mục “Mô tả các phản ứng bất lợi được lựa chọn” bên dưới
Mô tả các phản ứng bất lợi được lựa chọn
Phản ứng bất lợi của nhóm thuốc
Suy thận
Điều trị bằng các bisphosphonate đường tĩnh mạch, bao gồm cả acid zoledronic có liên quan với rối loạn chức năng thận, biểu hiện dưới dạng hủy hoại chức năng thận (tức là creatinine huyết thanh tăng) và trong trường hợp hiếm gặp có suy thận cấp. Rối loạn chức năng thận đã quan sát thấy sau khi dùng acid zoledronic, đặc biệt ở bệnh nhân bị suy yếu thận từ trước hoặc có thêm các yếu tố nguy cơ (ví dụ như người cao tuổi, bệnh nhân ung thư dùng hóa liệu pháp, thuốc dùng phối hợp có độc tính với thận, mất nước trầm trọng), với đa số bệnh nhân đang dùng 1 liều 4 mg mỗi 3-4 tuần, nhưng rối loạn chức năng thận cũng quan sát thấy ở bệnh nhân sau khi dùng 1 liều đơn.
Trong thử nghiệm HORIZON-PFT cốt lõi, sự thay đổi về hệ số thanh thải creatinine (được đo hàng năm trước khi dùng thuốc) và tỷ lệ suy thận giống nhau ở cả hai nhóm điều trị bằng Aclasta và điều trị bằng giả dược trong 3 năm. Đã quan sát thấy tăng creatinine huyết thanh thoáng qua trong vòng 10 ngày ở 1,8% bệnh nhân được điều trị bằng Aclasta so với 0,8% bệnh nhân được điều trị bằng giả dược.
Trong thử nghiệm HORIZON-PFT mở rộng kéo dài 3 năm, 2,9% số bệnh nhân tiếp tục dùng Aclasta (tức là sử dụng Aclasta trong tổng số 6 năm) so với 0,65% số bệnh nhân không tiếp tục dùng (tức là sử dụng Aclasta 3 năm trong thử nghiệm chính sau đó là 3 năm dùng giả dược trong thử nghiệm mở rộng) có tăng thoáng qua creatinin huyết thanh. Tuy nhiên thay đổi trung vị so với creatinin huyết thanh lúc ban đầu theo thời gian là <0,5 μmol/L ở cả hai nhóm điều trị, vào thời điểm kết thúc nghiên cứu (+0,4% và – 0,26% ở hai nhóm điều trị, theo thứ tự tương ứng).
Trong các thử nghiệm chứng minh cho các chỉ định phòng ngừa gãy xương trên lâm sàng sau gãy xương hông ở nam giới và phụ nữ, điều trị loãng xương ở nam giới, điều trị và phòng ngừa loãng xương do glucocorticoid, sự thay đổi về hệ số thanh thải creatinine (được đo hàng năm trước khi dùng thuốc) và tỷ lệ suy thận được so sánh ở hai nhóm điều trị bằng Aclasta và điều trị bằng giả dược hoặc thuốc so sánh.
Hạ calci máu
Trong thử nghiệm HORIZON-PFT, khoảng 0,2% bệnh nhân giảm đáng kể nồng độ calci huyết thanh (dưới 1,87 mmol/L) sau khi dùng Aclasta. Không quan sát thấy các trường hợp hạ calci máu triệu chứng.
Trong thử nghiệm HORIZON-PFT mở rộng, 0,4% bệnh nhân dùng giả dược trong thử nghiệm chính và dùng Aclasta trong thử nghiệm mở rộng có xuất hiện các biến cố về hạ calci máu (xem phần Các nghiên cứu lâm sàng). Không có biến cố hạ calci máu nào được xác nhận ở các nhóm khác. Tất cả các trường hợp đều không xuất hiện triệu chứng lâm sàng, không yêu cầu điều trị hay can thiệp.
Trong thử nghiệm HORIZON-RFT về điều trị loãng xương ở nam giới và điều trị và phòng ngừa loãng xương do glucocorticoid, không có bệnh nhân nào phải điều trị khẩn cấp do hạ mức calci huyết thanh dưới 1,87 mmol/L.
Trong các thử nghiệm về bệnh Paget, đã quan sát thấy hạ calci máu triệu chứng trong khoảng 1% bệnh nhân, tất cả số bệnh nhân này đã qua khỏi.
Phản ứng tại chỗ
Trong thử nghiệm HORIZON-PFT, đã có báo cáo về các phản ứng tại chỗ truyền như đỏ, sưng và/hoặc đau (0,7%) sau khi truyền acid zoledronic.
Trong thử nghiệm HORIZON-RFT, tỷ lệ các phản ứng phụ như nhau ở cả hai nhóm điều trị bằng Aclasta và điều trị bằng giả dược.
Trong thử nghiệm điều trị loãng xương ở nam giới, tỷ lệ gặp phải biến cố là 2,6% ở nhóm điều trị acid zoledronic và 1,4% ở nhóm điều trị alendronate.
Trong thử nghiệm điều trị và phòng ngừa loãng xương do glucocorticoid, không có phản ứng tại chỗ nào được báo cáo.
Hoại tử xương hàm
Các trường hợp hoại tử xương hàm đã được ghi nhận, chủ yếu trên bệnh nhân ung thư được điều trị bằng các chế phẩm thuốc gây ức chế tiêu xương, trong đó có acid zoledronic (xem thêm mục Cảnh báo). Trong một thử nghiệm lâm sàng lớn tiến hành trên 7736 bệnh nhân, biến cố hoại tử xương hàm được báo cáo trên một bệnh nhân trong nhóm điều trị bằng Aclasta (acid zoledronic) và một bệnh nhân trong nhóm điều trị bằng giả dược. Các trường hợp hoại tử xương hàm liên quan đến việc sử dụng acid zoledronic đã được ghi nhận.
Nhiều bệnh nhân trong số này có dấu hiệu nhiễm khuẩn tại chỗ bao gồm cả viêm xương tủy, và đa số báo cáo đề cập đến bệnh nhân ung thư sau khi nhổ răng hoặc các phẫu thuật khác về răng. Hoại tử xương hàm có nhiều yếu tố nguy cơ đã được biết rõ bao gồm có chẩn đoán về ung thư, điều trị đồng thời (ví dụ hóa liệu pháp, thuốc chống tạo mạch, liệu pháp phóng xạ, corticosteroid) và tình trạng bệnh phối hợp (ví dụ thiếu máu, bệnh đông máu, nhiễm khuẩn, bệnh về răng có từ trước). Mặc dù chưa có xác định quan hệ nhân quả, cần thận trọng tránh phẫu thuật răng vì sự hồi phục có thể bị kéo dài (xem phần Cảnh báo).
Trong thử nghiệm HORIZON-PFT mở rộng ở 2456 bệnh nhân ITT, đã xác nhận hai trường hợp hoại tử xương hàm, một ở nhóm dùng Aclasta trong cả thử nghiệm chính và mở rộng (tức là dùng Aclasta trong tổng số 6 năm), một ở nhóm bệnh nhân dùng giả dược trong thử nghiệm chính và dùng Aclasta trong thử nghiệm mở rộng (tức là dùng Aclasta trong 3 năm). Cả hai bệnh nhân đều có tiền sử vệ sinh răng miệng kém và đều đã phục hồi.
Trong thử nghiệm HORIZON-RFT, điều trị loãng xương ở nam giới và điều trị và phòng ngừa loãng xương do glucocorticoid không có trường hợp nào về hoại tử xương hàm.
Rung nhĩ
Trong một thử nghiệm 3 năm trên phụ nữ mãn kinh bị loãng xương (Horizon PFT), tỉ lệ mới mắc chung của tất cả các biến cố bất lợi rung nhĩ là 2,5% (96 trên 3862 bệnh nhân) ở nhóm dùng Aclasta, so với 1,9% (75 trên 3852 bệnh nhân) ở nhóm dùng giả dược. Tỉ lệ biến cố bất lợi rung nhĩ nghiêm trọng là 1,3% (51 trên 3862 bệnh nhân) ở nhóm dùng Aclasta, so với 0,6% (22 trên 3852 bệnh nhân) ở nhóm dùng giả dược. Cơ chế của sự tăng tỉ lệ rung nhĩ chưa được biết. Sự mất cân bằng được quan sát thấy ở thử nghiệm này chưa được quan sát thấy ở các thử nghiệm lâm sàng khác với acid zoledronic.
Trong thử nghiệm HORIZON-PFT mở rộng, tỉ lệ mới mắc biến cố bất lợi rung nhĩ là 3,4% (21 trên 613 bệnh nhân) ở nhóm bệnh nhân dùng Aclasta ở cả thử nghiệm chính và mở rộng (tức là dùng Aclasta trong tổng số 6 năm), so với 2,1% (13 trên 616 bệnh nhân) ở nhóm dùng Aclasta trong thử nghiệm chính (nghĩa là dùng Aclasta 3 năm) và dùng giả dược trong thử nghiệm mở rộng. Tỉ lệ biến cố bất lợi rung nhĩ nghiêm trọng là 2% (12 trên 613 bệnh nhân) ở nhóm bệnh nhân dùng Aclasta 6 năm, so với 1,1% (7 trên 616 bệnh nhân) ở nhóm dùng Aclasta trong 3 năm, sau đó dùng giả dược 3 năm tiếp theo. Sự mất cân bằng này không có ý nghĩa thống kê.
Các phản ứng bất lợi từ các báo cáo hậu mãi tự phát
Các phản ứng bất lợi sau được bắt nguồn từ kinh nghiệm hậu mãi với Aclasta, thông qua các báo cáo trường hợp tự phát và các trường hợp trong y văn. Vì các phản ứng này được báo cáo một cách tình nguyện từ quần thể không rõ kích cỡ, nó không thể ước tính chính xác tần suất, do đó được phân loại là “Không rõ tần suất”. Các phản ứng bất lợi được liệt kê dựa trên hệ thống phân loại cơ quan MedDRA. Trong mỗi nhóm cơ quan, các phản ứng bất lợi được liệt kê theo thứ tự mức độ nghiêm trọng giảm dần.
Rối loạn về mắt: viêm củng mạc, viêm ổ mắt
Rối loạn hệ miễn dịch: phản ứng quá mẫn bao gồm phản ứng phản vệ, sốc phản vệ, phù mạch, co thắt phế quản, mày đay.
Rối loạn chuyển hóa và dinh dưỡng: mất nước thứ phát sau khi bị các triệu chứng sau dùng thuốc như sốt, nôn mửa và tiêu chảy; tụt huyết áp ở bệnh nhân có yếu tố nguy cơ tiềm ẩn.
Rối loạn cơ xương và mô liên kết: hoại tử xương hàm (xem phần Cảnh báo).
Rối loạn thận và tiết niệu: suy thận cần lọc máu hoặc tử vong*, suy giảm chức năng thận (xem phần Cảnh báo).
*Đặc biệt ở các bệnh nhân có vấn đề về thận từ trước hoặc các yếu tố nguy cơ khác như tuổi cao, dùng đồng thời các thuốc độc với thận, dùng đồng thời thuốc lợi tiểu, hoặc mất nước trong thời kỳ hậu truyền.

Bảo quản

Chai chưa mở: Không bảo quản trên 30oC.
Sau khi mở, dung dịch ổn định về lý hóa ít nhất trong 24 giờ ở 2-8oC.
Theo quan điểm vi sinh học, cần dùng thuốc ngay lập tức. Nếu không dùng ngay thì thời gian bảo quản khi đang sử dụng và tình trạng trước khi sử dụng là trách nhiệm của người dùng thuốc và thông thường thì không nên để quá 24 giờ ở 2-8oC.

Phân loại ATC

M05BA08 - zoledronic acid 

Trình bày/Đóng gói

Dung dịch tiêm truyền: hộp 1 chai 100 mL.

A