Nhà sản xuất

Sanofi-Aventis

Thành phần

Mỗi mL: Insulin glulisine 100 đơn vị.

Mô tả

Dung dịch tiêm Apidra SoloStar 100 đơn vị/mL trong bút tiêm nạp sẵn là một dung dịch trong suốt, không màu, không có các hạt li ti nhìn thấy được.
Apidra SoloStar là loại dung dịch tiêm trong suốt, không màu, chứa insulin glulisine. Insulin glulisine được sản xuất bằng công nghệ sinh học.
Insulin glulisine có khởi phát tác động nhanh và thời gian tác động ngắn.

Dược lực học

Nhóm dược lý-trị liệu: insulin và chất tương đồng, tác dụng nhanh.
Mã số ATC: A10AB06.
Insulin glulisine là chất tương đồng insulin người được tái tổ hợp có hoạt lực tương đương insulin người thông thường. Insulin glulisine có khởi phát tác động nhanh hơn và thời gian tác động ngắn hơn insulin người thông thường.
Hoạt tính chủ yếu của insulin và các chất tương đồng insulin, kể cả insulin glulisine, là điều hòa chuyển hóa glucose. Insulin hạ thấp nồng độ glucose trong máu bằng cách kích thích sự thu nạp glucose ở ngoại biên, đặc biệt là ở cơ vân và mỡ, và ức chế sự sản xuất glucose ở gan. Insulin ức chế sự phân giải lipid trong tế bào mỡ, ức chế sự phân giải protein và tăng cường tổng hợp protein.
Những nghiên cứu trên người tình nguyện khỏe mạnh và bệnh nhân đái tháo đường chứng minh rằng insulin glulisine có khởi phát tác động nhanh hơn và thời gian tác động ngắn hơn insulin người thông thường khi được tiêm dưới da. Khi được tiêm dưới da, hoạt tính hạ nồng độ glucose của insulin glulisine sẽ bắt đầu trong vòng 10-20 phút. Tác dụng hạ nồng độ glucose của insulin glulisine và insulin người thông thường tương đương nhau khi tiêm đường tĩnh mạch. Một đơn vị insulin glulisine có cùng một hoạt tính hạ nồng độ glucose như một đơn vị insulin người thông thường.
Tính chất tỉ lệ với liều dùng
Trong một nghiên cứu trên 18 đối tượng nam giới bị đái tháo đường týp 1 từ 21 đến 50 tuổi, insulin glulisine cho thấy tác dụng hạ thấp glucose tỉ lệ với liều dùng trong khoảng liều có ý nghĩa trị liệu từ 0,075 đến 0,15 đơn vị/kg, và tác dụng hạ thấp glucose tăng ít tỉ lệ hơn với liều 0,3 đơn vị/kg hoặc cao hơn, giống như insulin người.
Insulin glulisine phát huy tác dụng nhanh hơn insulin người thông thường khoảng hai lần và chấm dứt tác dụng hạ thấp glucose sớm hơn insulin người thông thường khoảng 2 giờ.
Một nghiên cứu giai đoạn I trên bệnh nhân đái tháo đường týp 1 đã đánh giá đặc tính hạ nồng độ glucose của insulin glulisine và insulin người thông thường được tiêm dưới da với liều 0,15 đơn vị/kg, vào những thời gian khác nhau so với một bữa ăn tiêu chuẩn 15 phút. Số liệu cho thấy insulin glulisine được tiêm trước bữa ăn 2 phút có tác dụng kiểm soát đường huyết sau bữa ăn tương tự như insulin người thông thường được tiêm trước bữa ăn 30 phút. Khi được tiêm trước bữa ăn 2 phút, insulin glulisine kiểm soát đường huyết sau bữa ăn tốt hơn so với insulin người thông thường được tiêm trước bữa ăn 2 phút. Insulin glulisine tiêm 15 phút sau khi bắt đầu bữa ăn có tác dụng kiểm soát đường huyết tương tự như insulin người thông thường được tiêm trước bữa ăn 2 phút.
Béo phì
Một nghiên cứu giai đoạn I đã được thực hiện với insulin glulisine, lispro và insulin người thông thường trên một quần thể người béo phì chứng minh rằng insulin glulisine vẫn duy trì tính chất tác động nhanh của nó. Trong nghiên cứu này, thời gian đến lúc đạt 20% AUC toàn phần và AUC (0-2 giờ), mô tả cho hoạt tính hạ nồng độ glucose sớm, theo thứ tự là 114 phút và 427 mg.kg-1 đối với insulin glulisine, 121 phút và 354 mg.kg-1 đối với lispro, 150 phút và 197 mg.kg-1 đối với insulin người thông thường.
Trị số trung bình của GIR AUC từ 0-1 giờ là 102±75 mg/kg và 158±100 mg/kg, theo thứ tự với liều 0,2 và 0,4 đơn vị/kg insulin glulisine, và là 83,1±72,8 mg/kg và 112,3±70,8 mg/kg, theo thứ tự, với liều 0,2 và 0,4 U/kg insulin lispro.
Một nghiên cứu giai đoạn I trên 18 bệnh nhân đái tháo đường týp 2 béo phì (BMI từ 35 đến 40 kg/m2) với insulin glulisine và insulin lispro [Khoảng tin cậy 90%: 0,81, 0,95 (p≤0,01)] cho thấy insulin glulisine kiểm soát một cách hữu hiệu nồng độ glucose trong máu sau bữa ăn vào ban ngày.
Chủng tộc và Giới tính
Trong các nghiên cứu lâm sàng có đối chứng trên người lớn, insulin glulisine không cho thấy bất cứ sự khác biệt nào về độ an toàn và hiệu quả trong các phân tích phân nhóm theo chủng tộc và giới tính.

Dược động học

Trong insulin glulisine, sự thay thế acid amin asparagin ở vị trí B3 của insulin người bằng lysin, và thay lysin ở vị trí B29 bằng acid glutamic đã tạo điều kiện cho sự hấp thu nhanh hơn.
Trong một nghiên cứu ở 18 đối tượng nam giới bị đái tháo đường týp 1, từ 21 đến 50 tuổi, insulin glulisine thể hiện tính chất tỉ lệ liều dùng khi phơi nhiễm sớm, tối đa và hoàn toàn trong khoảng liều từ 0,075 đến 0,4 đơn vị/kg.
Hấp thu và sinh khả dụng
Các đặc tính dược động học trên người tình nguyện khỏe mạnh và bệnh nhân đái tháo đường (týp 1 hoặc 2) chứng minh rằng sự hấp thu insulin glulisine nhanh gần gấp đôi với nồng độ đỉnh cao xấp xỉ gấp đôi so với insulin người thông thường.
Trong một nghiên cứu trên bệnh nhân đái tháo đường týp 1 sau khi tiêm dưới da 0,15 đơn vị/kg, đối với insulin glulisine các trị số Tmax là 55 phút và Cmax là 82±1,3 μU/mL so với Tmax = 82 phút và Cmax = 46±1,3 μU/mL của insulin người thông thường. Thời gian lưu trung bình của insulin glulisine ngắn hơn (98 phút) so với insulin người thông thường (161 phút).
Trong một nghiên cứu trên bệnh nhân đái tháo đường týp 2 sau khi tiêm dưới da 0,2 đơn vị/kg insulin glulisine, nồng độ tối đa Cmax là 91 μU/mL với khoảng liên tứ phân vị từ 78 đến 104 μU/mL.
Khi insulin glulisine được tiêm dưới da vào thành bụng, vai và đùi, diễn biến nồng độ theo thời gian đều tương tự nhau, với sự hấp thu khi tiêm ở bụng hơi nhanh hơn so với tiêm ở đùi, còn sự hấp thu khi tiêm ở vai nằm trong khoảng giữa. Sinh khả dụng tuyệt đối (70%) của insulin glulisine tương tự nhau giữa các vị trí tiêm và có độ biến thiên thấp trong cùng một đối tượng (hệ số biến thiên 11%).
Béo phì
Một nghiên cứu giai đoạn I khác với insulin glulisine và insulin lispro trên một quần thể không đái tháo đường, với 80 đối tượng có chỉ số thân khối biến thiên khá rộng (18-46 kg/m2), chứng minh rằng sự hấp thu nhanh và tổng phơi nhiễm nói chung được giữ vững trong một phạm vi rộng của chỉ số thân khối.
Thời gian đến lúc đạt 10% tổng phơi nhiễm insulin sớm hơn khoảng 5-6 phút với insulin glulisine.
Phân bố và thải trừ
Sự phân bố và thải trừ của insulin glulisine và insulin người thông thường sau khi tiêm tĩnh mạch tương tự nhau, với thể tích phân bố theo thứ tự là 13 lít và 22 lít và thời gian bán thải là 13 và 18 phút.
Sau khi tiêm dưới da, insulin glulisine được thải trừ nhanh hơn insulin người thông thường, với thời gian bán thải biểu kiến là 42 phút so với 86 phút. Trong một phân tích nghiên cứu cắt ngang về insulin glulisine trên các đối tượng khỏe mạnh hoặc đối tượng đái tháo đường týp 1 hoặc týp 2, thời gian bán thải biểu kiến thay đổi từ 37 đến 75 phút (khoảng liên tứ phân vị).
Insulin glulisine ít gắn với protein huyết tương, tương tự như insulin người.
Các quần thể đặc biệt
Suy thận
Trong một nghiên cứu lâm sàng được thực hiện trên các đối tượng không đái tháo đường có chức năng thận ở những mức độ khác nhau (CrCl > 80mL/phút, 30-50mL/phút, < 30mL/phút), tính chất tác động nhanh của insulin glulisine nói chung vẫn được giữ vững. Tuy nhiên, nhu cầu insulin có thể giảm khi có suy thận.
Suy gan
Tính chất dược động học chưa được khảo sát trên bệnh nhân suy chức năng gan.
Người già
Có rất ít số liệu dược động học đối với bệnh nhân cao tuổi bị đái tháo đường.
Trẻ em và thiếu niên
Các tính chất dược động học và dược lực học của insulin glulisine đã được khảo sát trên trẻ em (7-11 tuổi) và thiếu niên (12-16 tuổi) bị đái tháo đường týp 1. Insulin glulisine được hấp thu nhanh ở cả hai nhóm tuổi này, với Tmax và Cmax tương tự như ở người lớn. Khi được tiêm ngay trước một bữa ăn, insulin glulisine đem lại sự kiểm soát đường huyết sau bữa ăn tốt hơn insulin người thông thường, như ở người lớn. Diễn biến nồng độ glucose theo thời gian (AUC0-6giờ) là 641 mg.giờ.dL-1 đối với insulin glulisine và 801 mg.giờ.dL-1 đối với insulin người thông thường.

Chỉ định/Công dụng

Apidra SoloStar là thuốc trị đái tháo đường, dùng để làm giảm nồng độ cao của đường trong máu bệnh nhân đái tháo đường; thuốc có thể dùng cho người lớn, thiếu niên và trẻ em từ 6 tuổi trở lên. Đái tháo đường là bệnh mà cơ thể không sản xuất đủ insulin để kiểm soát nồng độ đường trong máu.

Liều lượng & Cách dùng

Dựa trên lối sống, kết quả xét nghiệm đường huyết và việc sử dụng insulin trước đó của bệnh nhân, bác sĩ sẽ xác định bệnh nhân cần bao nhiêu Apidra Solostar.
Apidra SoloStar là một insulin tác dụng ngắn. Bác sĩ có thể sẽ bảo bệnh nhân dùng nó phối hợp với một insulin tác dụng dài, trung bình, insulin nền hoặc với thuốc viên trị đái tháo đường.
Nếu chuyển từ một insulin khác sang dùng insulin glulisine, có thể bác sĩ sẽ phải điều chỉnh liều dùng cho bệnh nhân.
Nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng đến mức đường huyết. Bệnh nhân cần biết những yếu tố này để có thể phản ứng thích hợp với những thay đổi nồng độ đường huyết và ngăn chặn nó tăng quá cao hoặc hạ quá thấp.
Thời điểm dùng thuốc
Nên dùng Apidra SoloStar (0-15 phút) ngay trước hoặc sau bữa ăn.
Cách dùng
Apidra SoloStar được tiêm dưới da.
Bác sĩ sẽ chỉ cho bệnh nhân nên tiêm Apidra SoloStar ở vùng da nào. Có thể tiêm Apidra SoloStar ở thành bụng, đùi hoặc cánh tay hoặc bơm liên tục dưới da ở thành bụng. Tác dụng sẽ nhanh hơn chút ít nếu insulin được tiêm ở bụng. Như tất cả các loại insulin khác, phải luân phiên quay vòng các vị trí tiêm hoặc vị trí bơm truyền thuốc ở mỗi vùng tiêm (bụng, đùi hoặc cánh tay).
Cách thao tác với Apidra SoloStar
Apidra SoloStar là bút tiêm nạp sẵn chứa insulin glulisine.
Nên đọc kỹ "Hướng dẫn sử dụng''. Bút tiêm phải được sử dụng đúng như mô tả trong Hướng dẫn sử dụng.
Để đề phòng lây truyền bệnh nhiễm khuẩn, mỗi bút tiêm chỉ được sử dụng cho một bệnh nhân.
Trước khi sử dụng, luôn luôn gắn một kim tiêm mới và làm test an toàn. Chỉ sử dụng loại kim tiêm tương thích với Apidra SoloStar (xem "Hướng dẫn sử dụng'').
Trước khi dùng bút tiêm, cần xem kỹ ngăn chứa thuốc. Chỉ sử dụng nếu dung dịch thuốc trong, không màu và không thấy những hạt li ti trong đó. Không lắc hoặc trộn chung thuốc trước khi dùng.
Phải luôn luôn dùng một bút tiêm mới nếu bệnh nhân để ý thấy việc kiểm soát đường huyết diễn biến xấu ngoài dự kiến.

Thận trọng lúc dùng

Tuân thủ chặt chẽ những hướng dẫn về liều dùng, cách theo dõi (xét nghiệm máu), chế độ ăn và hoạt động thể lực (lao động chân tay và tập thể dục), mà bác sĩ đã dặn.
Những nhóm bệnh nhân đặc biệt
Nếu bệnh nhân có các vấn đề về gan hoặc thận, có thể cần dùng liều thấp hơn.
Không có đủ thông tin lâm sàng về việc sử dụng Apidra SoloStar ở trẻ em dưới 6 tuổi.
Khi ra nước ngoài
Trước khi đi, bệnh nhân nên hỏi ý kiến bác sĩ về:
- khả năng kiếm được loại insulin đang dùng ở nước đến thăm,
- nguồn cung ứng insulin, bơm tiêm,...
- cất giữ insulin đúng cách trong khi đi xa,
- ấn định giờ ăn và giờ tiêm thuốc trong khi đi,
- những ảnh hưởng có thể có của việc thay đổi múi giờ,
- những nguy cơ sức khỏe mới có thể gặp ở nước đến thăm,
- những gì phải làm trong các tình huống khẩn cấp khi thấy không khỏe hoặc bị bệnh.
Đau ốm và chấn thương
Trong những tình huống sau đây, việc điều trị đái tháo đường phải thật cẩn thận:
- Khi bị ốm hoặc chấn thương nặng, đường huyết của bệnh nhân có thể tăng cao (tăng đường huyết).
- Nếu bệnh nhân ăn uống không đầy đủ, đường huyết có thể giảm quá thấp (hạ đường huyết).
Trong đa số trường hợp, bệnh nhân sẽ cần đến bác sĩ. Cần bảo đảm là phải liên hệ sớm với bác sĩ.
Nếu bệnh nhân bị đái tháo đường týp 1 (đái tháo đường lệ thuộc insulin), đừng ngưng dùng insulin và hãy ăn đủ carbohydrat. Luôn luôn phải báo cho người đang chăm sóc hoặc điều trị bệnh nhân biết rằng bệnh nhân cần insulin.
Lái xe và sử dụng máy móc
Khả năng tập trung và phản ứng của bệnh nhân có thể suy giảm nếu:
- bệnh nhân bị hạ đường huyết (nồng độ đường trong máu thấp),
- bệnh nhân bị tăng đường huyết (nồng độ đường trong máu cao).
Hãy lưu ý đến vấn đề này trong tất cả những tình huống mà bệnh nhân có thể gây nguy hiểm cho bản thân hoặc cho người khác (ví dụ lái xe hoặc vận hành máy). Bệnh nhân nên hỏi ý kiến bác sĩ về việc lái xe nếu:
- hay có các đợt hạ đường huyết,
- giảm hoặc không có dấu hiệu báo động của hạ đường huyết.

Quá Liều

Nếu đã tiêm quá nhiều Apidra SoloStar, nồng độ đường huyết của bệnh nhân có thể trở nên rất thấp (hạ đường huyết). Hãy thường xuyên kiểm tra đường huyết. Nói chung, để đề phòng hạ đường huyết, cần ăn nhiều đồ ăn hơn và theo dõi đường huyết. Để biết thông tin và điều trị hạ đường huyết, xem bảng - mục ''Thận trọng lúc dùng''.
Nếu bỏ sót một liều Apidra SoloStar hoặc không tiêm đủ liều insulin, mức đường huyết của bệnh nhân có thể tăng quá cao (tăng đường huyết). Hãy thường xuyên kiểm tra đường huyết. Xem thông tin về điều trị tăng đường huyết trong bảng - mục ''Thận trọng lúc dùng''.
Không nên tiêm liều gấp đôi để bù vào liều bị bỏ sót.
Nếu ngưng dùng Apidra SoloStar, việc này có thể dẫn đến tăng đường huyết nặng (nồng độ đường trong máu rất cao) và nhiễm toan-keton (tích tụ acid trong máu vì cơ thể tiêu thụ mỡ thay cho đường). Bệnh nhân không nên tự ý ngưng dùng Apidra SoloStar.

Chống chỉ định

Không được dùng Apidra SoloStar
- Nếu bị dị ứng (tăng mẫn cảm) với insulin glulisine hoặc với bất cứ thành phần nào của Apidra SoloStar.
- Nếu đường huyết quá thấp (hạ đường huyết).

Sử dụng ở phụ nữ có thai và cho con bú

Nếu bệnh nhân dự định mang thai hoặc đang có thai, liều lượng insulin cần được thay đổi trong khi mang thai và sau khi sinh con. Đặc biệt, việc kiểm soát cẩn thận bệnh đái tháo đường và đề phòng hạ đường huyết là điều quan trọng đối với sức khỏe của em bé.
Không có đủ số liệu về việc sử dụng Apidra SoloStar ở phụ nữ có thai.
Nếu bệnh nhân cho con bú mẹ, có thể cần điều chỉnh liều lượng insulin và chế độ ăn.

Tương tác

Một số thuốc có thể làm thay đổi nồng độ đường trong máu (giảm, tăng hoặc cả hai tùy theo tình huống). Trong mỗi trường hợp, cần điều chỉnh liều lượng insulin để tránh tình trạng đường huyết quá thấp hoặc quá cao. Phải thận trọng không những khi bắt đầu dùng một loại thuốc mà cả khi ngưng dùng thuốc ấy.
Trước khi dùng một loại thuốc, kể cả những thuốc mua không cần toa, bệnh nhân nên hỏi bác sĩ xem nó có thể ảnh hưởng đến đường huyết hay không và nếu có thì phải làm gì.
Những loại thuốc có thể làm giảm đường huyết bao gồm
- tất cả những thuốc trị đái tháo đường khác,
- thuốc ức chế men chuyển angiotensin (được dùng để chữa một số bệnh tim hoặc tăng huyết áp),
- disopyramid (được dùng để chữa một số bệnh tim),
- fluoxetin (được dùng để chữa trầm cảm),
- fibrat (được dùng để hạ thấp nồng độ lipid cao trong máu),
- thuốc ức chế monoamine oxidase (MAO) (được dùng để chữa trầm cảm),
- pentoxifyllin, propoxyphen, salicylat (như aspirin, được dùng để giảm đau và hạ sốt),
- các kháng sinh sulfonamid.
Những loại thuốc có thể làm tăng đường huyết bao gồm
- corticoid (như ''cortisone'' được dùng để chữa viêm),
- danazol (thuốc tác động trên sự rụng trứng),
- diazoxid (được dùng để chữa tăng huyết áp),
- thuốc lợi tiểu (được dùng để chữa cao huyết áp hoặc giữ nước quá nhiều),
- glucagon (hormone tuyến tụy được dùng để chữa hạ đường huyết nặng),
- isoniazid (được dùng để chữa bệnh lao),
- các estrogen và progestogen (như thuốc viên tránh thai dùng trong kiểm soát sinh đẻ),
- các dẫn chất phenothiazin (được dùng để chữa các rối loạn tâm thần),
- somatropin (hormone tăng trưởng),
- thuốc cường giao cảm (như epinephrine [adrenalin] hoặc salbutamol, terbutalin được dùng để chữa hen suyễn),
- các hormone tuyến giáp (được dùng để chữa các rối loạn tuyến giáp),
- thuốc ức chế protease (được dùng để chữa HIV),
- các thuốc chống loạn thần không điển hình (như olanzapin và clozapin).
Nồng độ đường huyết có thể tăng hoặc giảm nếu bệnh nhân đang dùng
- thuốc chẹn bêta (được dùng để chữa tăng huyết áp),
- clonidin (được dùng để chữa tăng huyết áp),
- muối lithium (được dùng để chữa các rối loạn tâm thần).
Pentamidin (được dùng để chữa một số bệnh nhiễm ký sinh trùng) có thể gây hạ đường huyết và đôi khi tiếp theo đó là tăng đường huyết.
Thuốc chẹn bêta, cũng như các thuốc liệt giao cảm khác (ví dụ clonidin, guanethidin và reserpin) có thể làm lu mờ hoặc ức chế hoàn toàn các triệu chứng báo động của phản ứng hạ đường huyết.
Dùng Apidra SoloStar khi ăn uống
Nồng độ đường trong máu có thể tăng hoặc giảm nếu bệnh nhân uống rượu.
Thông tin quan trọng về một số tá dược của Apidra SoloStar
Thuốc này chứa dưới 1 mmol (23 mg) natri trong mỗi liều, tức là cơ bản ''không có natri''.

Tác dụng ngoại ý

Như tất cả những thuốc khác, Apidra SoloStar có thể gây ra tác dụng phụ, nhưng không phải ai cũng có.
Hạ đường huyết (nồng độ đường huyết thấp) có thể rất nghiêm trọng
Nếu nồng độ đường huyết giảm quá nhiều, bệnh nhân có thể bị mất tri giác. Hạ đường huyết nghiêm trọng có thể gây hư tổn não và có thể đe dọa tính mạng. Nếu bệnh nhân có triệu chứng của hạ đường huyết, hãy hành động để tăng nồng độ đường trong máu của bệnh nhân ngay lập tức.
Nếu bệnh nhân có những triệu chứng sau đây, hãy liên hệ với bác sĩ ngay
phản ứng lan rộng trên da (nổi mẫn và ngứa toàn thân), da và niêm mạc phù nề nặng (phù mạch), khó thở, tụt huyết áp kèm tim đập nhanh và vã mồ hôi. Đây có thể là các triệu chứng của dị ứng toàn thân với insulin, kể cả phản ứng phản vệ, có thể đe dọa tính mạng.
Các tác dụng ngoại ý rất hay được báo cáo (xảy ra ở >1/10 số bệnh nhân)

- Hạ đường huyết
Hạ đường huyết nghĩa là không có đủ đường trong máu.

Xem thêm các thông tin quan trọng về hạ đường huyết và cách điều trị trong bảng - mục ''Thận trọng lúc dùng''.
Các tác dụng ngoại ý hay gặp (xảy ra ở >1/100 nhưng <1/10 số bệnh nhân).
Phản ứng da và dị ứng
Có thể xảy ra phản ứng tại chỗ tiêm (như đỏ, đau khác thường tại chỗ tiêm, ngứa, nổi mề đay, sưng hoặc viêm). Phản ứng cũng có thể lan rộng chung quanh chỗ tiêm. Phần lớn các phản ứng nhẹ với insulin thường tự khỏi sau vài ngày đến vài tuần.
Các tác dụng ngoại ý ít gặp (xảy ra ở >1/1.000 nhưng <1/100 số bệnh nhân)
Phản ứng dị ứng toàn thân
Dị ứng toàn thân với insulin. Các triệu chứng kết hợp có thể gồm các phản ứng lan rộng trên da (nổi mẫn và ngứa toàn thân), da và niêm mạc phù nề nặng (phù mạch), khó thở, tụt huyết áp kèm tim đập nhanh và vã mồ hôi. Các trường hợp phản ứng toàn thân nặng, bao gồm phản ứng phản vệ, có thể đe dọa tính mạng.
Các tác dụng ngoại ý hiếm gặp (xảy ra ở >1/10.000 nhưng <1/1.000 số bệnh nhân)
Thay đổi trên da ở chỗ tiêm (loạn dưỡng mỡ)
Nếu tiêm insulin quá nhiều lần ở cùng một vị trí trên da, mô mỡ dưới da ở vị trí này có thể bị teo lại hoặc dày lên. Insulin được tiêm vào một vị trí như thế sẽ không có tác dụng tốt. Thay đổi vị trí tiêm ở mỗi lần tiêm sẽ giúp đề phòng những thay đổi này trên da.
Các tác dụng ngoại ý khác gồm có:
Tăng đường huyết nghĩa là có quá nhiều đường trong máu.
Nếu nồng độ đường huyết của bệnh nhân quá cao có nghĩa là bệnh nhân cần insulin nhiều hơn lượng đã tiêm. Xem thêm các thông tin về tăng đường huyết trong bảng - mục ''Thận trọng lúc dùng''.
Phản ứng ở mắt
Một sự thay đổi rõ rệt (cải thiện hoặc diễn biến xấu hơn) trong việc kiểm soát nồng độ đường huyết có thể tạm thời gây rối loạn thị giác. Nếu bệnh nhân có bệnh võng mạc tăng sinh (một bệnh mắt có liên quan với đái tháo đường) thì các cơn hạ đường huyết nặng có thể gây mất thị lực tạm thời.

Bảo quản

Bút tiêm Apidra SoloStar chưa sử dụng
Bảo quản trong tủ lạnh (2oC-8oC). Không được để đông lạnh.
Không đặt Apidra SoloStar gần ngăn đá hoặc vỉ đá trong tủ lạnh.
Giữ nguyên bút tiêm trong hộp để tránh ánh sáng.
Bút tiêm Apidra SoloStar đang sử dụng
Bút tiêm nạp sẵn đang sử dụng (hoặc được mang theo để dự trữ) có thể bảo quản tối đa 4 tuần ở nhiệt độ không quá 25oC, tránh sức nóng và ánh sáng trực tiếp.
Bút tiêm đang sử dụng không được bảo quản trong tủ lạnh. Đừng dùng bút tiêm sau khoảng thời gian nói trên. Không dùng thuốc nếu dung dịch thuốc không trong suốt.

Phân loại ATC

A10AB06 - insulin glulisine

Trình bày/Đóng gói

Dung dịch tiêm: hộp 5 bút tiêm nạp sẵn x 3mL.

A