Nhà sản xuất

Eli Lilly

Phân loại ATC: A10AF01

Thành phần

Mỗi mL: Insulin người 100 IU (được sản xuất trên E.coli K12 bằng phương pháp tái tổ hợp DNA).

Mô tả

Humulin R là dung dịch vô khuẩn, trong, không màu của insulin người.

Dược lực học

Nhóm dược lý - điều trị: A10A B01, là dạng insulin tác dụng nhanh.
Hoạt tính đầu tiên của insulin là điều hòa chuyển hóa glucose. Hơn nữa, insulin còn có nhiều tác dụng đồng hóa và chống dị hóa ở các mô khác nhau. Trong mô cơ, điều này bao gồm tăng tổng hợp glycogen, acid béo, glycerol và protein và thu nhận acid amin, nhưng lại làm giảm sự hủy glycogen, giảm tân tạo glucose, tạo ceton, tiêu lipid, dị hóa protein và sản xuất acid amin.
Dáng dấp hoạt tính điển hình (đường cong biểu diễn sự sử dụng glucose) sau khi tiêm dưới da được trình bày dưới đây ở đường kẻ đậm. Những sự thay đổi mà bệnh nhân có thể gặp phải về thời gian và/hoặc cường độ của hoạt tính insulin được ghi ở vùng tối. Những sự thay đổi của từng cá thể sẽ tùy thuộc vào các yếu tố như cỡ liều lượng, nơi tiêm, thân nhiệt và sự hoạt động thể lực của bệnh nhân.

Dược động học

Dược động học của insulin không phản ánh tác dụng chuyển hóa của hormon này. Vì vậy, sẽ thích hợp hơn nếu quan sát các biểu đồ biểu diễn sự sử dụng glucose (như đã bàn luận trên kia) khi cân nhắc hoạt tính của insulin.

Chỉ định/Công dụng

Để điều trị bệnh nhân đái tháo đường đòi hỏi insulin để duy trì ổn định nội môi glucose.

Liều lượng & Cách dùng

Liệu pháp insulin được thực hiện tại bệnh viện giai đoạn đầu. Liều lượng được bác sĩ xác định tùy theo nhu cầu của từng bệnh nhân và phải được điều chỉnh theo kết quả giám sát đều đặn nồng độ glucose máu. Liều khởi đầu thông thường ở người lớn vào khoảng 20-40 IU/ngày, tăng dần khoảng 2 IU/ngày, cho đến khi đạt được nồng độ glucose máu mong muốn. Tổ chức y tế thế giới khuyến cáo nồng độ glucose trong máu tĩnh mạch toàn phần lúc đói phải giữ trong khoảng 3.3 đến 5.6 mmol/lít (60-100 mg/dl) và không được thấp dưới 3 mmol/lít (55 mg/dl). Tổng liều mỗi ngày vượt quá 80 IU là bất thường và có thể nghĩ đến kháng insulin.
Tiêm dưới da thì nên vào các tay trên, bắp đùi, mông hoặc bụng. Cần thay đổi luân lưu vị trí tiêm, sao cho một nơi tiêm chỉ được nhắc lại sau hơn một tháng.
Cần thận trọng khi tiêm bất kỳ chế phẩm insulin Humulin nào để tránh không chọc vào mạch máu. Sau khi tiêm, không được xoa bóp nơi tiêm. Phải huấn luyện các bệnh nhân để sử dụng thành thạo các kỹ thuật tiêm thích đáng.
Tiêm dưới da, tuy chưa khuyến cáo, cũng có thể được tiêm bắp. Công thức này cũng có thể dùng để tiêm đường tĩnh mạch.
Có thể dùng kết hợp Humulin N (dạng insulin tác dụng trung bình) với Humulin R (dạng insulin tác dụng nhanh).
HƯỚNG DẪN SỬ DỤNG
Luôn luôn kiểm tra lọ insulin trước khi sử dụng, nếu thấy có bất kỳ bất thường nào hoặc thấy nhu cầu insulin của cơ thể có thay đổi đáng kể, nên tham khảo ý kiến bác sĩ.
Humulin R là chất lỏng trong, không màu, có bề ngoài và độ lỏng giống như nước. Không dùng để tiêm nếu thấy lọ thuốc trở nên đục, đặc, hoặc hơi có màu hoặc có những hạt nhỏ.
HƯỚNG DẪN TIÊM THUỐC
* Dùng đúng loại bơm tiêm
Những liều insulin được tính bằng đơn vị. Mỗi loại insulin có 2 hàm lượng: 40 đơn vị/mL và 100 đơn vị/mL. Điều quan trọng là phải hiểu quy ước cách đánh dấu trên loại bơm tiêm, bởi vì thể tích insulin tiêm phụ thuộc vào hàm lượng, đó là số lượng đơn vị/mL. Vì lý do này, phải luôn luôn dùng loại bơm tiêm dành cho loại hàm lượng insulin cần tiêm. Dùng bơm tiêm không phù hợp có thể sẽ dẫn đến nhầm lẫn về liều lượng thuốc, gây nên những hậu quả nghiêm trọng, như mức glucose trong máu quá thấp hoặc quá cao.
* Sử dụng bơm tiêm
Để tránh nhiễm bẩn và nhiễm khuẩn, cần theo đúng những hướng dẫn sau đây.
Đối với loại bơm tiêm và kim tiêm chỉ sử dụng một lần, nên vất bỏ sau khi đã sử dụng.
Không được dùng chung kim tiêm và bơm tiêm
Đối với loại bơm tiêm và kim tiêm có thể dùng lại, nên tiệt khuẩn trước mỗi khi tiêm.
* Nên tuân theo các hướng dẫn kèm theo với bơm tiêm.
Sau đây là 2 phương pháp để tiệt khuẩn:
+ Đun sôi
1. Đặt bơm tiêm, pittông và kim tiêm trong cái rây, cho vào nồi đun và đổ ngập nước. Đun sôi trong 5 phút. 
2. Lấy các vật trên ra khỏi nước. Khi đã nguội, tra pittông vào bơm tiêm, và gắn kim vào bơm tiêm bằng cách xoay nhẹ.
3. Đẩy pittông vào và ra vài lần cho đến khi trong bơm tiêm hoàn toàn hết nước.
+ Dùng cồn isopropyl
Nếu không có điều kiện để đun sôi bơm tiêm, pittông, kim tiêm như khi đang đi du lịch, có thể tiệt khuẩn bằng cách ngâm tất cả các dụng cụ trên vào cồn isopropyl 91% ít nhất trong 5 phút. Không được dùng loại cồn rửa, cồn xoa bóp, hoặc cồn thuốc để tiệt khuẩn theo cách này. Nếu tiệt khuẩn bơm tiêm bằng cồn, phải để thật khô trước khi sử dụng.
* Chuẩn bị thuốc để sử dụng 
1. Rửa tay.
2. Kiểm tra insulin
+ Humulin R phải trong, không màu. Không nên dùng nếu thấy thuốc đục, đặc lại, hoặc hơi có màu hoặc có những hạt nhỏ.
+ Không nên sử dụng nếu thấy bề ngoài có bất kỳ điều gì không bình thường.     
3. Nếu dùng lọ mới, gỡ nút nhựa bảo vệ ở đầu lọ nhưng không mở nút cao su, và lau nắp lọ bằng miếng gạc tẩm cồn.
4. Nếu cần trộn các loại insulin với nhau, xem hướng dẫn cách trộn dưới đây trong phần “Trộn Humulin”.
5. Rút không khí vào bơm tiêm với số lượng bằng với liều insulin cần. Chọc kim tiêm qua nắp cao su và bơm không khí vào trong lọ.
6. Dốc ngược lọ và bơm tiêm lên. Cầm chắc lọ và bơm tiêm bằng một tay.
7. Lưu ý nên để đầu kim tiêm trong dung dịch insulin, rút chính xác liều insulin vào trong bơm tiêm.
8. Trước khi rút kim tiêm ra khỏi lọ thuốc, kiểm tra xem có bọt khí trong bơm tiêm không, vì bọt khí làm thiếu hụt lượng insulin cần thiết. Nếu có bọt khí, giữ bơm tiêm thẳng đứng và vỗ nhẹ vào thành bơm tiêm cho đến khi các bọt khí nổi lên trên. Đẩy bọt khí ra ngoài bằng pittông và rút thêm thuốc cho đủ liều.
9. Rút kim tiêm ra khỏi lọ và đặt bơm tiêm xuống sao cho kim tiêm không chạm vào bất cứ vật gì.
* Trộn Humulin
1. Chỉ nên trộn chung với insulin người có thời gian tác dụng dài hơn khi có hướng dẫn của bác sĩ.
2. Rút không khí vào bơm tiêm bằng với số đơn vị insulin có thời gian tác dụng dài.
Đâm kim tiêm vào lọ insulin có thời gian tác dụng dài hơn và bơm không khí vào lọ. Rút kim tiêm ra.
3. Bơm không khí vào lọ insulin người tác dụng nhanh theo cách tương tự, nhưng không rút kim tiêm ra.
4. Dốc ngược lọ và bơm tiêm lên.
5. Lưu ý nên để đầu kim tiêm trong dung dịch insulin, rút đúng lượng insulin tác dụng nhanh cần thiết vào bơm tiêm.
6. Trước khi rút kim tiêm ra khỏi lọ, kiểm tra xem có bọt khí trong ống tiêm không vì bọt khí làm thiếu hụt lượng insulin cần thiết. Nếu có bọt khí, giữ bơm tiêm thẳng đứng và vỗ nhẹ vào thành ống tiêm cho đến khi các bọt khí nổi lên trên. Bơm phần có khí này ra ngoài bằng pittông và rút thêm thuốc cho đủ liều.
7. Rút kim tiêm ra khỏi lọ insulin tác dụng nhanh và lại đâm kim tiêm vào lọ insulin có thời gian tác dụng dài hơn. Dốc ngược lọ và bơm tiêm lên. Giữ chắc lọ và bơm tiêm bằng một tay và lắc nhẹ. Để đầu kim tiêm trong dung dịch insulin, rút đủ liều insulin có thời gian tác dụng dài hơn.
8. Rút kim tiêm ra khỏi lọ và đặt bơm tiêm xuống sao cho kim tiêm không chạm vào bất cứ vật gì.
Nên tuân theo sự chỉ dẫn của bác sĩ để trộn insulin hoặc để dùng sau này hoặc ngay trước khi tiêm. Điều quan trọng là nên duy trì sử dụng một phương pháp thôi.
Ống tiêm của những nhà sản xuất khác nhau ở chỗ khoảng trống giữa đường đáy và kim tiêm khác nhau. Vì vậy, không nên thay đổi:
+ Thứ tự trộn thuốc
+ Loại và nhãn hiệu của bơm tiêm và kim tiêm mà bác sĩ đã kê đơn.
* Cách tiêm
Lau sạch da nơi cần tiêm bằng cồn. Cố định da bằng cách kéo căng da ra hoặc véo da trên một vùng lớn. Đâm kim theo như chỉ dẫn của bác sĩ. Ấn pittông đến hết mức có thể được. Rút kim ra và ấn nhẹ lên nơi tiêm trong vài giây.
* Không chà xát vùng tiêm. Để tránh gây tổn thương mô, nên tiêm cách nơi tiêm lần trước ít nhất 2cm.

Cảnh báo

Thuốc này chỉ dùng theo đơn của bác sĩ.
Chuyển bệnh nhân sang loại hoặc sản phẩm khác chứa insulin phải dưới sự giám sát chặt chẽ của bác sĩ. Thay đổi về nồng độ, loại hàng (nhà sản xuất), loại (R, N, 70/30), loài (động vật, người, chất tương tự insulin người) và/hoặc về phương pháp sản xuất (DNA tái tổ hợp so với insulin nguồn gốc động vật) có thể kéo theo nhu cầu thay đổi về liều lượng.
Một số bệnh nhân đang dùng insulin người có thể đòi hỏi phải thay đổi về liều lượng từ liều dùng với các insulin nguồn gốc động vật. Khi phải điều chỉnh liều, có thể xảy ra với liều đầu tiên hoặc trong vài tuần đầu hoặc vài tháng đầu.
Một số ít bệnh nhân có gặp các phản ứng hạ glucose-máu sau khi chuyển sang dùng insulin người đã cho thấy sớm có những triệu chứng cảnh báo ít rõ rệt hoặc ít khác biệt với những triệu chứng mà họ đã dùng insulin nguồn gốc từ động vật trước đó. Những bệnh nhân mà có glucose-máu được cải thiện mạnh, ví dụ khi điều trị insulin tăng cường, có thể bị mất một số hoặc tất cả các triệu chứng cảnh báo về hạ glucose-máu và do đó cần được căn dặn kỹ càng. Những điều kiện khác khiến cho những triệu chứng cảnh báo sớm về hạ glucose-máu khác biệt hoặc ít rõ rệt bao gồm bệnh đái tháo đường kéo dài quá lâu, bệnh thần kinh của đái tháo đường hoặc dùng cùng các thuốc như thuốc chẹn beta. Các phản ứng hạ glucose-máu và tăng glucose-máu không được hiệu chỉnh sẽ có thể làm mất ý thức, hôn mê hoặc tử vong.
Sử dụng các liều chưa đầy đủ hoặc ngừng điều trị, đặc biệt ở người đái tháo đường phụ thuộc insulin có thể dẫn tới tăng glucose-máu và nhiễm acid-ceton do đái tháo đường, là những trạng thái có tiềm năng gây đe dọa tính mạng.
Điều trị với insulin người có thể tạo kháng thể, nhưng chuẩn độ kháng thể sẽ thấp hơn là kháng thể từ insulin nguồn gốc từ động vật tinh chế.
Nhu cầu insulin có thể thay đổi rõ rệt trong các bệnh về tuyến thượng thận, tuyến yên hoặc giáp trạng và khi có suy gan hoặc suy thận. Nhu cầu insulin cũng có thể tăng lên khi ốm đau hoặc có rối loạn về cảm xúc.
Điều chỉnh liều lượng insulin cũng có thể cần thiết khi bệnh nhân thay đổi mức hoạt động thể lực hoặc thay đổi chế độ dinh dưỡng thường dùng.
Ảnh hưởng đến khả năng lái xe và vận hành máy móc
Khả năng của bệnh nhân tập trung và phản ứng có thể bị suy yếu do hậu quả của hạ glucose-máu. Có thể đó là nguy cơ trong những tình huống mà khả năng trên đặc biệt quan trọng (ví dụ khi lái xe hoặc vận hành máy móc).
Bệnh nhân cần được căn dặn phải thận trọng tránh hạ glucose-máu trong khi lái xe, điều này đặc biệt quan trọng với người có giảm hoặc mất nhận thức về các dấu hiệu hạ glucose-máu. Trong những tình huống đó, nên cân nhắc tính thích hợp của lái xe.

Quá Liều

Insulin không có các định nghĩa đặc hiệu về quá liều, vì rằng nồng độ glucose trong huyết thanh là kết quả các tương tác phức tạp giữa hàm lượng insulin, tính có ích của glucose cũng như với các quá trình chuyển hóa khác. Có thể gặp hạ glucose-máu như hậu quả của sự dư thừa insulin có liên quan với lượng thức ăn mang vào và sự tiêu hao năng lượng.
Hạ glucose-máu có thể kéo theo lú lẫn, tính lơ đãng, đánh trống ngực, nhức đầu, đổ mồ hôi và nôn.
Những đoạn hạ glucose-máu nhẹ sẽ đáp ứng với uống glucose hoặc kẹo bánh có đường.
Hiệu chỉnh hạ glucose-máu tương đối nghiêm trọng có thể đạt được bằng tiêm bắp hoặc tiêm dưới da glucagon, tiếp theo là ăn uống hydrat carbon khi bệnh nhân đủ hồi phục. Bệnh nhân nào không đáp ứng được với glucagon thì phải được dùng dung dịch glucose đường tĩnh mạch.
Nếu bệnh nhân bị hôn mê, cần tiêm bắp hoặc tiêm dưới da glucagon. Tuy nhiên, phải tiêm tĩnh mạch dung dịch glucose, khi glucagon không tỏ ra có ích hoặc nếu bệnh nhân không đáp ứng với glucagon. Bệnh nhân cần được ăn càng sớm càng tốt khi ý thức đã được phục hồi.
Cần phải theo dõi lượng hydrat carbon đưa vào hàng ngày bởi vì hạ glucose-máu có thể xảy ra sau khi hồi phục các biểu hiện lâm sàng.

Chống chỉ định

Hạ glucose-máu.
Quá mẫn cảm với insulin người và mọi thành phần của chế phẩm, trừ khi dùng trong chương trình giải mẫn cảm.

Sử dụng ở phụ nữ có thai và cho con bú

Cần thiết phải giữ vững sự kiểm tra chặt ở bệnh nhân dùng insulin trong thai kỳ (đái tháo đường phụ thuộc insulin hoặc đái tháo đường khi mang thai). Nhu cầu insulin thường giảm trong quý đầu của thai kỳ và tăng lên trong các quý 2 và 3. Bệnh nhân đái tháo đường cần được căn dặn thông báo cho bác sĩ biết mình đang mang thai hoặc muốn có thai.
Theo dõi cẩn thận về glucose-máu cũng như về sức khỏe chung là điều thiết yếu đối với người mang thai mà bị bệnh đái tháo đường.
Bệnh nhân đái tháo đường trong thời kỳ cho con bú có thể cần điều chỉnh liều insulin và/hoặc chế độ dinh dưỡng.

Tương tác

Một số chế phẩm thuốc được biết có tương tác với chuyển hóa glucose. Bác sĩ cần tính đến khả năng tương tác và hỏi kỹ xem bệnh nhân đã và đang dùng thuốc gì trong khi dùng insulin người.
Nhu cầu insulin có thể tăng lên khi dùng các chất có hoạt tính làm tăng glucose-máu, như glucocorticoid, hormon giáp trạng, hormon tăng trưởng, danazol, thuốc giống giao cảm β2 (như ritodrine, salbutamol, terbutaline) và thiazid.
Nhu cầu insulin cũng có thể giảm khi có mặt những thuốc có tác dụng làm hạ glucose-máu, như thuốc uống hạ glucose huyết (OHA), các salicylate (như acid acetylsalicylic), một số thuốc chống trầm cảm (thuốc ức chế monoamino-oxydase), một số thuốc ức chế enzym chuyển dạng angiotensin (ACE) (captopril, enalapril), các chất ức chế thụ thể angiotensin II, thuốc chẹn beta không chọn lọc và rượu.
Các chất tương tự như somatostatin (như octreotide, lanreotide) có thể làm tăng hoặc giảm nhu cầu insulin.

Tương kỵ

Không nên trộn Humulin với các insulin người được sản xuất bởi các nhà máy khác hoặc với các chế phẩm insulin nguồn gốc từ động vật.

Tác dụng ngoại ý

Hạ glucose-máu là tác dụng không mong muốn thường gặp nhất khi dùng insulin mà bệnh nhân đái tháo đường phải chịu đựng. Hạ glucose-máu nghiêm trọng có thể dẫn tới mất ý thức và trong trường hợp tồi tệ nhất, có thể tử vong.
Không có số liệu về tần suất xuất hiện cụ thể của giảm đường huyết vì giảm đường huyết là kết quả của cả liều dùng insulin và các yếu tố khác như chế độ ăn kiêng của bệnh nhân và chế độ luyện tập.
Dị ứng tại chỗ ở bệnh nhân phổ biến (từ 1/100 đến < 1/10): Đỏ da, sưng và ngứa có thể xảy ra ở vị trí tiêm insulin. Tình trạng này thường xuyên giảm trong vài ngày tới vài tuần. Trong một số trường hợp, có thể có liên quan tới những yếu tố khác khác với insulin, như thuốc làm sạch da nhưng gây kích ứng hoặc kỹ thuật tiêm còn sai sót.
Dị ứng toàn thân, rất hiếm gặp (< 1/10.000) nhưng có tiềm năng nghiêm trọng hơn, là dị ứng lan tỏa với insulin. Có thể gây phát ban toàn thân, thở ngắn, thở khò khè, hạ huyết áp, mạch nhanh hoặc đổ mồ hôi. Những trường hợp nghiêm trọng của dị ứng lan tỏa có thể đe dọa tính mạng. Trong hiện tượng hiếm mà có dị ứng nghiêm trọng với Humulin, cần phải điều trị ngay lập tức. Có thể đòi hỏi thay insulin hoặc giải mẫn cảm.
Có thể xảy ra loạn dưỡng mỡ tại nơi tiêm (từ 1/1.000 đến < 1/100).
 

Bảo quản

Bảo quản từ 20C-80C. Không được làm đông lạnh. Không để thuốc nơi quá nóng hoặc tránh ánh sáng trực tiếp. Các lọ Humulin đang sử dụng không nên để trong tủ lạnh, nhưng để nơi mát nhất có thể được (dưới 300C).
Bảo quản lọ thuốc trong hộp carton.
Ống thuốc đã mở phải dùng trong 28 ngày.

Trình bày/Đóng gói

Dung dịch thuốc tiêm: hộp 1 lọ 10ml.

A