Nhà sản xuất

Agimexpharm

Thành phần

Ribatagin 400 Mỗi viên: Ribavirin 400mg,
Ribatagin 500 Mỗi viên: Ribavirin 500mg.

Mô tả

Ribatagin 500 Viên nén bao phim màu hồng, hai mặt trơn, kích thước 8 mm x 17,5 mm.

Dược lực học

Ribavirin là thuốc chống virus có hoạt phổ rộng và độc tính thấp. Chất này tỏ ra có tác dụng in vitro chống lại ít nhất 20 loại virus ARN và ADN khác nhau.
Các bằng chứng in vivo đã chứng tỏ về phổ tác dụng rộng chống lại cả hai loại virus ARN và ADN. Đánh giá lâm sàng đã chứng minh hiệu quả của thuốc khi dùng qua các đường khác nhau và công thức khác nhau (uống, ngoài da, phun mù, tiêm tĩnh mạch) chống lại các bệnh viêm gan siêu vi A, viêm gan siêu vi B, viêm gan siêu vi C, sởi, thủy đậu, Herpes simplex loại I và II, Herpes zoster, cúm A và B, virus hợp bào hô hấp (RSV) và nhiều loại virus gây sốt xuất huyết.
Cơ chế tác dụng:
+ Ribavirin là một nucleosid tổng hợp có cấu trúc giống guanosin. Cơ chế tác dụng của ribavirin còn chưa biết đầy đủ. Thuốc có tác dụng kìm virus bằng cách cản trở tổng hợp ARN và ADN, cuối cùng là ức chế tổng hợp protein và sao chép virus. Tác dụng kháng virus của thuốc chủ yếu ở trong tế bào nhiễm virus nhạy cảm.
+ Ribavirin được vận chuyển nhanh vào trong tế bào và nhanh chóng được chuyển đổi thành ribavirin khử ribose (deribosylated ribavirin) và phosphoryl hóa thành ribavirin-5'-monophosphat, -diphosphat và -triphosphat nhờ xúc tác của adenosin kinase và các enzym khác. Phosphoryl hóa chủ yếu xảy ra ở trong tế bào nhiễm virus, nhưng cũng có ở tế bào không nhiễm, tỷ lệ các dẫn chất tạo thành khác nhau tùy từng trường hợp. Do vậy, hiệu quả chống virus của ribavirin có thể bị thay đổi trên từng cá thể. Tác dụng chống virus chủ yếu được cho là bởi dẫn chất -mono và -triphosphat. Ribavirin triphosphat (RTP) là chất ức chế cạnh tranh mạnh của inosin monophosphat (IMP) dehydrogenase, ARN polymerase của virus influenza, và ARNm guanylyl transferase và methyltransferase (các enzym sau cần thiết cho sự gắn thêm guanosin triphosphat vào 5' cuối chóp của ARNm của virus). Sự cạnh tranh giữa ribavirin-5'-triphosphat với adenosin-5'-triphosphat và guanosin-5'-triphosphat, cơ chất của polymerase virus RNA đã gây ức chế tổng hợp protein của virus, làm giảm khả năng sao chép. Tất cả các tác dụng khác nhau đó đã làm giảm nhiều dự trữ guanosin triphosphat nội bào và làm ức chế tổng hợp protein và ARN của virus. Cuối cùng, sao chép virus và lan truyền virus tới các tế bào khác bị ngăn chặn hoặc ức chế mạnh.
+ Ngoài ra, ribavirin không kích thích sản xuất interferon, tác dụng không đáng kể đến đáp ứng miễn dịch và kháng u (ở vật chủ).
+ Tác động gây độc cho tế bào thường chỉ xảy ra ở nồng độ cao hơn 100-200 lần nồng độ cần thiết để ức chế tổng hợp DNA của virus.
Phổ tác dụng:
+ Virus ARN: Tác dụng in vitro: Virus hợp bào hô hấp (RSV), nhiều chủng influenza A và B; virus sởi, quai bị, enterovirus 72 (trước đây là virus viêm gan A) sốt vàng, sốt Lassa, rotavirus. Nhưng in vivo, một số virus bao gồm arbovirus, rhinovirus và rotavirus lại không bị ức chế.
+ Virus ADN: Tác dụng in vitroHerpes simplex virus typ 1 và 2; cytomegalovirus ở người, vaccinia virus, adenovirus ở người. Nhưng in vivo, cytomegalovirus có thể không nhạy cảm.
+ Virus kháng thuốc: Poliovirus, ebolavirus, marburgvirus, coxsackie.
Kháng thuốc:
Chưa đánh giá được đầy đủ tình trạng phát triển kháng thuốc in vitro và in vivo. Khác với một số thuốc kháng virus như acyclovir, amantadin ..., chưa thấy kháng ribavirin khi phải dùng thuốc nhiều lần để điều trị các virus nhạy cảm nhất, có thể do ribavirin có nhiều cơ chế tác dụng kháng virus. Cũng chưa thấy có kháng chéo với các thuốc kháng virus khác.

Dược động học

Hấp thu:
Sau khi uống, thuốc được hấp thu nhanh, nồng độ đỉnh huyết tương đạt được trong vòng 1-2 giờ sau khi uống. Thuốc qua chuyển hóa bước đầu ở gan nên sinh khả dụng đường uống đạt khoảng 45-65%. Sau khi uống 600 mg x 2 lần/ngày, nồng độ thuốc trung bình trong huyết tương ở trạng thái ổn định là 2,2 mg/mL. Nếu uống cùng với thức ăn, nhất là khi có nhiều dầu mỡ, sinh khả dụng có thể tăng tới 70%. Trạng thái cân bằng đạt được khoảng 4 tuần khi uống thuốc 2 lần trong ngày, với nồng độ đỉnh trong huyết tương đạt được cao hơn nhiều (khoảng 4 lần) so với khi uống liều đơn.
Phân bố:
Thuốc phân bố vào huyết tương, các chất tiết đường hô hấp và hồng cầu, thuốc tích lũy trong hồng cầu rất cao.
Uống 1 liều duy nhất 3 mg/kg/liều, nồng độ đỉnh trong hồng cầu đạt được trong vòng 4 ngày, cao hơn khoảng 100 lần nồng độ thuốc trong huyết tương cùng thời gian (4 ngày), và sau đó giảm dần với nửa đời vào khoảng 40 ngày.
Ribavirin phân bố chậm vào dịch não tủy. Khi uống kéo dài (4-7 tuần) ở người có hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải (AIDS) hoặc liên quan tới AIDS (ARC), nồng độ thuốc ở dịch não tủy xấp xỉ 70% nồng độ thuốc ở huyết tương cùng thời điểm. Chưa biết ribavirin có qua nhau thai hoặc vào sữa mẹ hay không. Thuốc gắn vào protein huyết tương rất ít.
Chuyển hóa:
Có thể ở gan; ribavirin được phosphoryl hóa có hồi phục trong tế bào thành mono-, di-, và tri-phosphat; dạng mono- và tri-phosphat có hoạt tính mạnh hơn; thuốc cũng được chuyển hóa thành 1,2,4-triazol carboxamid; một đường chuyển hóa phụ liên quan đến thuỷ phân amid thành acid tricarboxylic, khử ribose (deribosylation) và phá vỡ vòng triazol.
Nửa đời thải trừ khi uống (1 liều) là 0,5-2 giờ, trong hồng cầu là 40 ngày.
Nửa đời tận cùng (terminal half-life) của thuốc khi uống (liều đơn) là 27-36 giờ; ở trạng thái ổn định là khoảng 151 giờ.
Thải trừ:
Uống: Khoảng 7% thuốc đào thải dưới dạng không đổi trong 24 giờ; khoảng 10% đào thải dưới dạng không đổi trong 48 giờ. Ở người lớn có chức năng thận bình thường khoảng 53% liều đơn được thải trừ qua nước tiểu trong vòng 72-80 giờ, một phần nhỏ qua phân.
Thẩm tách: Ribavirin bị loại bỏ rất ít qua lọc máu.

Chỉ định/Công dụng

Ribavirin được chỉ định trong bệnh viêm gan siêu vi C mạn tính ở người có bệnh gan còn bù (chưa suy) chưa điều trị với interferon hoặc tái phát sau điều trị interferon alpha-2b.
Phải phối hợp với interferon alpha-2b hoặc peginterferon alpha-2b, dùng riêng ribavirin không có tác dụng. Phác đồ này có hiệu quả với cả trường hợp viêm gan C có đồng nhiễm HIV.

Liều lượng & Cách dùng

• Liều dùng
Viêm gan C mạn tính: Phối hợp ribavirin uống với interferon (3-5 triệu đơn vị quốc tế/lần, tiêm 3 lần/tuần) hoặc peginterferon liều 1,5 microgam/kg/lần (tiêm 1 lần/tuần).
Liều ribavirin được cho uống, thường từ 800-1.200 mg chia làm hai lần mỗi ngày và được xác định theo trọng lượng cơ thể bệnh nhân.
Liều tham khảo dùng cho người lớn trên 18 tuổi:
Điều trị phối hợp ribavirin uống với peginterferon alpha-2b:
Uống: 800 mg/ngày, chia làm 2 lần (sáng, chiều).
Điều trị phối hợp ribavirin uống với interferon alpha-2b:
Uống:
- Người lớn có trọng lượng ≤ 75 kg: Viên nang: 800 mg/ngày, chia làm 2 lần (sáng, chiều); Viên nén: 500 mg/ngày x 2 lần/ngày.
- Người lớn có trọng lượng > 75 kg: Viên nang: 1.200 mg hàng ngày, chia làm 2 lần (400 mg buổi sáng, 800 mg buổi chiều).
Thời gian điều trị:
Thời gian điều trị, kể cả liều, có thể bị ảnh hưởng bởi các kiểu gen của virus viêm gan C và tùy thuộc trước đó người bệnh đã hoặc chưa điều trị với interferon. Điều chỉnh liều có thể là cần thiết nếu tác dụng phụ về huyết học xuất hiện.
Nhiễm virus viêm gan C (mono) loại kiểu gen 1,4: 48 tuần; loại 2 và 3: 24 tuần; loại 5 và 6 chưa có kinh nghiệm. Trường hợp đồng nhiễm HIV, điều trị trong 48 tuần, không phân biệt loại di truyền nào.
Người bệnh tái phát sau khi đã được điều trị interferon alpha-2b: 24 tuần (6 tháng).
Hiệu quả và độ an toàn của phối hợp này chưa được xác định khi điều trị kéo dài trên 6 tháng.
Đến tuần 24, kiểm tra xem điều trị có đáp ứng không: Đo nồng độ ARN HCV huyết thanh. Nếu không có đáp ứng, ngừng thuốc vì điều trị thêm có nhiều khả năng không đạt kết quả.
Người bệnh chưa điều trị interferon alpha-2b: 24-48 tuần (6-12 tháng).
Thay đổi liều dùng
Đối với bệnh nhân cần thay đổi liều dùng do các phản ứng phụ hoặc do suy thận, bác sỹ sẽ chỉ định dùng các thuốc ribavirin có dạng bào chế phù hợp theo liều và theo các hướng dẫn dưới đây:
Thay đổi liều dùng do các phản ứng phụ:
Thay đổi liều ribavirin phụ thuộc vào các thuốc đang được dùng kết hợp.
Nếu bệnh nhân có phản ứng phụ nghiêm trọng có khả năng liên quan đến ribavirin, liều ribavirin nên được thay đổi hoặc ngưng, nếu thích hợp, cho đến khi phản ứng phụ giảm bớt hoặc giảm mức độ nghiêm trọng.
Ribavirin nên được dùng thận trọng với những bệnh nhân có tiền sử bệnh tim. Bệnh nhân cần được đánh giá trước khi bắt đầu điều trị và cần được theo dõi thích hợp trong suốt quá trình điều trị. Nếu có bất kỳ tình trạng tim mạch xấu đi, nên ngưng điều trị (xem Thận trọng).
Bảng 1 cung cấp hướng dẫn cho việc điều chỉnh liều và ngưng dùng dựa trên nồng độ hemoglobin và tình trạng tim của bệnh nhân.
- xem Bảng 1

Tham khảo hướng dẫn sử dụng của peginterferon alpha hoặc interferon alpha để điều chỉnh liều và/hoặc ngưng dùng trong trường hợp phản ứng bất lợi nghiêm trọng có thể liên quan đến các thuốc này.
Sử dụng cho bệnh nhân suy thận:
Các chế độ dùng liều khuyến cáo ribavirin (được điều chỉnh theo trọng lượng cơ thể 75 kg) làm tăng đáng kể nồng độ ribavirin trong huyết tương ở bệnh nhân bị suy thận. Cần giảm liều ribavirin hàng ngày đối với bệnh nhân có độ thanh thải creatinin nhỏ hơn hoặc bằng 50 mL/phút như trong Bảng 2.
- xem Bảng 2

Điều trị cần được bắt đầu (hoặc tiếp tục nếu suy thận phát triển trong khi điều trị) với sự thận trọng rất cao và cần giám sát chặt chẽ nồng độ hemoglobin, điều chỉnh liều khi cần thiết, các việc này nên được thực hiện trong suốt thời gian điều trị.
Nếu xảy ra các phản ứng phụ nghiêm trọng hoặc xét nghiệm bất thường, nên ngưng sử dụng ribavirin, nếu thích hợp, cho đến khi các phản ứng phụ giảm hoặc giảm mức độ nghiêm trọng. Nếu không dung nạp được thuốc sau khi dùng lại ribavirin, nên ngưng điều trị với ribavirin. Không có dữ liệu cho các đối tượng trẻ bị suy thận.
Sử dụng cho bệnh nhân suy gan:
Chức năng gan không ảnh hưởng đến dược động học của ribavirin, do đó, không điều chỉnh liều ribavirin ở bệnh nhân bị suy gan.
Ngừng dùng thuốc
Cần cân nhắc ngưng điều trị phối hợp peginterferon alpha-2a/Ribavirin nếu bệnh nhân đã không thể chứng minh được giảm ARN HCV ít nhất là 2log10 so với mức ban đầu khi điều trị bằng liệu pháp 12 tuần, hoặc không thể phát hiện được ARN HCV sau 24 tuần.
Không nên dùng thuốc peginterferon alpha-2a/Ribavirin ở những bệnh nhân suy giảm chức năng gan trong quá trình điều trị.
• Cách dùng
Uống thuốc ngày 2 lần, không cần để ý đến bữa ăn, nhưng thuốc được hấp thu tốt hơn nếu uống thuốc sau bữa ăn nhiều chất béo.

Quá Liều

Quá liều:
Rất ít thông báo về trường hợp ngộ độc do quá liều. Đã có báo cáo trường hợp dùng tới 20 g ribavirin dưới dạng viên nang, có thấy tăng tỷ lệ và mức độ các phản ứng bất lợi thường gặp.
Xử trí:
Không có thuốc đối kháng để có thể dùng điều trị đặc hiệu cho trường hợp ngộ độc quá liều. Nếu có xảy ra điều trị theo triệu chứng và hỗ trợ.
Thẩm tách máu và thẩm phân màng bụng không có hiệu quả.

Chống chỉ định

Mẫn cảm với ribavirin hoặc với một trong các thành phần của thuốc.
Phụ nữ mang thai và bạn tình nam của phụ nữ mang thai.
Phụ nữ đang cho con bú.
Không dùng thuốc cho bệnh nhân có tiền sử bệnh tim không ổn định, thiếu máu cơ tim, bệnh tim nặng, bệnh tim chưa được kiểm soát hoặc chưa ổn định trong 6 tháng trở lại.
Tình trạng lâm sàng nặng, gồm cả các người bệnh bị suy thận mạn hoặc có độ thanh thải creatinin < 50 mL/phút hoặc người bệnh đang phải lọc máu.
Viêm gan tự miễn, suy gan nặng, xơ gan mất bù, xơ gan có nhiễm HCV mạn tính, xơ gan mất bù đồng nhiễm HIV trước và trong khi điều trị.
Thiếu máu, bệnh về hemoglobin (bệnh hồng cầu liềm, bệnh thiếu máu Địa trung hải).
Có tiền sử tâm thần hoặc rối loạn tâm thần nặng, nhất là trầm cảm nặng, có ý tưởng tự sát hoặc toan tính tự sát.

Sử dụng ở phụ nữ có thai và cho con bú

Thời kỳ mang thai:
Ribavirin độc với thai và gây quái thai. Không được dùng cho phụ nữ mang thai. Trước khi cho phụ nữ dùng thuốc phải xét nghiệm chắc chắn không mang thai.
Thời kỳ cho con bú:
Chưa rõ thuốc có được bài tiết trong sữa hay không. Để tránh tác dụng phụ của thuốc lên trẻ đang bú, không dùng cho phụ nữ cho con bú. Nếu đang cho con bú thì phải thôi không cho bú trước khi bắt đầu dùng thuốc.

Tương tác

Ribavirin không ức chế và bị chuyển hóa bởi hệ enzym cytochrom P450. Do vậy, không có khả năng tương tác với các thuốc cảm ứng hoặc bị chuyển hóa bởi hệ men này.
Với các thuốc antacid: Uống ribavirin cùng với một thuốc kháng acid có chứa magnesi, nhôm và simethicon làm giảm diện tích dưới đường cong của ribavirin.
Với interferon: Ribavirin có thể gây tăng nguy cơ giảm bạch cầu trung tính của interferon, phải thận trọng khi phối hợp. Chưa có bằng chứng về tương tác dược động học của 2 thuốc.
Với các chất ức chế phiên mã ngược nucleosid (NRTI) như stavudin, zidovudin, lamivudin: Dùng đồng thời ribavirin với các chất này có thể gây tăng nguy cơ các phản ứng bất lợi liên quan tới rối loạn ty thể như suy gan có thể tử vong, bệnh thần kinh ngoại biên, viêm tụy, nhiễm độc acid lactic. Do vậy tránh dùng đồng thời với các thuốc này.
Ribavirin kết hợp với stavudin làm tăng ADR, tăng độc tính lên ty thể. Không dùng kết hợp 2 thuốc này.
Ribavirin ức chế sự phosphoryl hóa của zidovudin và stavudin, sự ức chế tác dụng lẫn nhau in vitro này cũng có thể làm cho số lượng HIV trong máu tăng.
Ribavirin kết hợp với zidovudin ức chế sự phosphoryl hóa của zidovudin thành dạng có hoạt tính làm tăng ADR, không kết hợp 2 thuốc này.
Bệnh nhân đồng nhiễm HIV-HCV:
Không thấy có bằng chứng rõ ràng về tương tác thuốc ở 47 bệnh nhân đồng nhiễm HIV-HCV sau một nghiên cứu dược động học 12 tuần để kiểm tra tác dụng của ribavirin đối với sự phosphoryl hóa nội bào của một số thuốc ức chế phiên mã ngược nucleosid (lamivudin và zidovudin hoặc stavudin). Tuy nhiên, do khoảng biến thiên lớn, khoảng tin cậy khá rộng. Huyết tương chứa ribavirin dường như không bị ảnh hưởng bởi việc sử dụng đồng thời thuốc ức chế phiên mã ngược nucleosid (NRTI).
Sự trầm trọng của thiếu máu do ribavirin đã được báo cáo khi zidovudin là một phần của phác đồ dùng điều trị HIV, mặc dù cơ chế chính xác vẫn cần được làm sáng tỏ. Không nên dùng đồng thời ribavirin với zidovudin do tăng nguy cơ thiếu máu. Cần xem xét để thay thế zidovudin bằng phác đồ phối hợp ART nếu có nguy cơ này. Điều này đặc biệt quan trọng đối với bệnh nhân có tiền sử thiếu máu do zidovudin.
Ribavirin có thể làm tăng các dẫn xuất phosphoryl hóa của các nucleosid thuộc typ purin (didanosin, abacavir) nên có thể làm tăng nguy cơ bị nhiễm acid lactic do các thuốc này gây ra. Tác dụng này có thể kéo dài do thời gian nửa đời của ribavirin dài.
Ribavirin kết hợp với didanosin: Làm tăng nồng độ didanosin trong tế bào, tăng độc tính lên ty thể. Chống chỉ định dùng đồng thời vì có thể xảy ra phản ứng bất lợi nghiêm trọng.
Ribavirin kết hợp với primaquin: Làm tăng ADR.
Ribavirin kết hợp với amphotericin: Làm tăng ADR, tăng độc tính lên máu.
Ribavirin kết hợp với flucytosin, ganciclovir, hydroxyure, pentamidin, pyrimethanin hoặc sulfadiazin, trimetrexat: Làm tăng các ADR, tăng độc tính lên máu.
Uống ribavirin cùng với một thuốc kháng acid có chứa magnesi, nhôm và simethicon làm giảm diện tích dưới đường cong của ribavirin.

Tác dụng ngoại ý

Qua đường uống, tác dụng không mong muốn chủ yếu khi phối hợp ribavirin với interferon alpha-2b để điều trị viêm gan C mạn tính. Tuy phối hợp này được dung nạp tốt, khoảng 19% người chưa điều trị interferon alpha-2b và 6% người đã được điều trị nhưng bị tái phát phải điều trị bằng phối hợp đó đã phải ngừng điều trị do tác dụng không mong muốn. Nhiễm độc huyết học (như thiếu máu huyết tán) là một trong những tác dụng không mong muốn chính và khoảng 10% người điều trị bằng phối hợp thuốc đã có các tai biến về tim và hô hấp do thiếu máu.
Thường gặp: ADR> 1/100
Toàn thân: Nhức đầu, mệt mỏi, run, sốt, triệu chứng giả cúm, nhược cơ, giảm cân, đau ngực, khó chịu, hôn mê, nóng bừng, khát.
Máu: Giảm hemoglobin, thiếu máu, giảm bạch cầu trung tính, giảm tiểu cầu, sưng hạch.
Tiêu hóa: Buồn nôn, chán ăn, tiêu chảy, đau bụng, nôn, khô miệng, táo bón, trướng bụng, chảy máu lợi, viêm loét miệng, viêm tụy, khó tiêu, khó nuốt, viêm lưỡi.
Tuần hoàn: Nhịp tim nhanh, đánh trống ngực, huyết áp tăng hoặc hạ, phù nề ngoại biên, đỏ bừng.
Cơ xương: Đau cơ, đau khớp, đau cơ vân, đau lưng, đau xương, đau cổ, vọp bẻ.
Thần kinh: Loạn cảm, cơn bốc hỏa, lú lẫn, tăng cảm giác chóng mặt, suy giảm trí nhớ, đãng trí, ngất, suy nhược, đau nửa đầu, tăng hoặc giảm cảm giác, run rẩy, cơn ác mộng, buồn ngủ.
Tâm thần: Trầm cảm, dễ bị kích thích, mất ngủ, lo âu, giảm tập trung, dễ xúc cảm, thay đổi tâm trạng.
Da, lông: Rụng tóc, ngứa, da khô, nổi mẩn, nổi ban, tăng tiết mồ hôi, vẩy nến, chàm, phản ứng nhạy cảm với ánh sáng, đổ mồ hôi ban đêm.
Hô hấp: Viêm họng, viêm mũi, xoang, ho, khó thở, đau ngực, chảu máu cam, nghẹt mũi.
Giác quan: Rối loạn vị giác và thị giác, ù tai, giảm thính lực, chóng mặt.
Nội tiết, sinh dục: Rối loạn kinh nguyệt, thiểu năng hoặc cường năng giáp, giảm ham muốn tình dục, liệt dương.
Nhiễm trùng và nhiễm ký sinh trùng: Nhiễm trùng đường hô hấp trên, viêm phế quản, nấm candida miệng, herpes simplex.
Rối loạn mắt: Tầm nhìn mờ, đau mắt, viêm mắt, bệnh khô mắt.
Khác: Đãng trí.
Ít gặp: 1/1.000 < ADR < 1/100
Nhiễm trùng và nhiễm ký sinh trùng: Nhiễm trùng đường hô hấp dưới, viêm phổi, nhiễm trùng đường tiểu, nhiễm trùng da.
Rối loạn hệ thống miễn dịch: Sarcoidosis, viêm tuyến giáp.
Rối loạn nội tiết: Bệnh tiểu đường.
Rối loạn dinh dưỡng và trao đổi chất: Mất nước.
Rối loạn tâm thần: Trầm cảm, ý muốn tự sát, ảo giác, tức giận.
Rối loạn thần kinh: Bệnh lý thần kinh ngoại biên.
Rối loạn mắt: Xuất huyết võng mạc.
Rối loạn tai và mê cung: Mất thính lực.
Rối loạn mạch máu: Cao huyết áp.
Rối loạn hô hấp, lồng ngực và trung thất: Khò khè.
Rối loạn tiêu hóa: Xuất huyết tiêu hoá, viêm môi, viêm nướu.
Rối loạn gan mật: Rối loạn chức năng gan.
Hiếm gặp: ADR < 1/1.000
Nhiễm trùng và nhiễm ký sinh trùng: Viêm nội tâm mạc, viêm tai giữa.
Rối loạn máu và hệ bạch huyết: Thiếu máu tan huyết.
Rối loạn hệ thống miễn dịch: Phản ứng quá mẫn, lupus ban đỏ toàn thân, viêm khớp dạng thấp.
Rối loạn tâm thần: Tự sát, loạn thần kinh.
Rối loạn thần kinh: Hôn mê, co giật, liệt mặt.
Rối loạn mắt: Viêm màng tiếp hợp, bệnh thần kinh thị giác, rối loạn mạch máu võng mạc, bệnh võng mạc, loét giác mạc.
Rối loạn nhịp tim: Nhồi máu cơ tim, suy tim sung huyết, đau thắt ngực, loạn nhịp tim nhanh, rung tâm nhĩ, viêm màng ngoài tim.
Rối loạn mạch máu: Xuất huyết não, viêm mạch máu.
Rối loạn hô hấp, lồng ngực và trung thất: Co thắt phế quản (ở người có tiền sử hen, bị hội chứng thông khí tắc nghẽn dùng thuốc dạng khí dung), viêm phổi kẽ tiến triển nặng, nghẽn mạch phổi.
Rối loạn tiêu hóa: Loét dạ dày, viêm tụy.
Rối loạn gan mật: Suy gan, viêm đường mật, gan nhiễm mỡ.
Rối loạn cơ xương và mô liên kết: Viêm cơ kèm theo co giật.
Rất hiếm gặp: ADR < 1/10.000
Rối loạn máu và hệ bạch huyết: Thiếu máu bất sản.
Rối loạn hệ thống miễn dịch: Ban xuất huyết giảm tiểu cầu tự phát.
Rối loạn thần kinh: Thiếu máu não cục bộ.
Rối loạn mắt: Mất thị lực.
Rối loạn da và mô dưới da: Hoại tử biểu bì nhiễm độc, hội chứng Stevens-Johnson, phù mạch, hồng ban đa dạng.

Thận trọng

Các tình trạng cần thận trọng
Thận trọng khi dùng thuốc cho người dưới 18 tuổi nhất là khi phối hợp với interferon alpha-2b vì chưa rõ tác dụng và an toàn của thuốc ở lứa tuổi này.
Không dùng đơn trị liệu ribavirin do không hiệu quả trong điều trị viêm gan siêu vi C.
Thận trọng khi dùng ribavirin cho những người có chứng xơ gan lan tỏa hay suy thận.
Không nên dùng thuốc cho người vẫn tiếp tục dùng ma túy theo đường tiêm (nguy cơ bị tái nhiễm cao) và người nghiện rượu nặng (nguy cơ làm tăng tổn thương ở gan).
Phối hợp điều trị ribavirin với (peg)interferon alpha:
Có một số phản ứng phụ nghiêm trọng liên quan đến liệu pháp phối hợp ribavirin với (peg)interferon alpha. Các phản ứng phụ bao gồm:
- Các ảnh hưởng thần kinh tâm thần và thần kinh trung ương nghiêm trọng (như trầm cảm, ý tưởng tự sát, tự sát và hành vi hung hăng, v.v..).
- Rối loạn mắt nghiêm trọng.
- Rối loạn răng và nha chu.
- Ức chế tăng trưởng ở trẻ em và thanh thiếu niên có thể không hồi phục ở một số bệnh nhân.
Nên tham khảo hướng dẫn sử dụng của (peg)interferon alpha để biết chi tiết các khuyến cáo về theo dõi và quản lý các phản ứng phụ này trước khi bắt đầu điều trị.
Nguy cơ gây quái thai:
Phụ nữ trong lứa tuổi sinh đẻ: Phải chắc chắn đang không mang thai hoặc không có ý định mang thai trong thời gian điều trị và nhiều tháng sau thời gian điều trị vì thuốc có tiềm năng gây quái thai.
Trước khi bắt đầu điều trị với ribavirin, bác sỹ phải thông báo đầy đủ cho bệnh nhân về nguy cơ gây quái thai của ribavirin, sự cần thiết phải tránh thai hiệu quả và liên tục, khả năng các phương pháp ngừa thai có thể thất bại và hậu quả có thể xảy ra khi mang thai trong thời gian điều trị bằng ribavirin. Nên kiểm tra xác nhận chắc chắn không có thai trước khi dùng thuốc.
Gây ung thư:
Ribavirin gây đột biến ở một số thí nghiệm độc tính di truyền in vivo và in vitro. Không thể loại trừ hiệu quả gây ung thư của ribavirin.
Thiếu máu tan huyết và hệ tim mạch:
Ribavirin uống gây thiếu máu tan huyết có thể làm trầm trọng bệnh về tim (nhồi máu cơ tim). Trước khi dùng thuốc uống, phải theo dõi thiếu máu có thể xuất hiện, phải xét nghiệm máu (đếm tế bào, công thức bạch cầu, tiểu cầu, thời gian máu đông). Làm lại vào tuần điều trị thứ 2 và thứ 4; sau đó được làm định kỳ tùy theo tình trạng lâm sàng.
Mức giảm hemoglobin xuống < 10 g/dL đã được quan sát thấy ở 15% bệnh nhân được điều trị trong 48 tuần với ribavirin 1000/1200 mg điều trị kết hợp với peginterferon alpha-2a và lên đến 19% bệnh nhân điều trị kết hợp với interferon alpha-2a. Khi ribavirin 800 mg được kết hợp với peginterferon alpha-2a trong 24 tuần, 3% bệnh nhân có mức giảm hemoglobin xuống < 10 g/dL. Nguy cơ mắc bệnh thiếu máu cao hơn ở phụ nữ. Mặc dù ribavirin không có ảnh hưởng trực tiếp đến tim mạch, nhưng thiếu máu liên quan đến ribavirin có thể dẫn đến suy giảm chức năng tim, hoặc trầm trọng hơn các triệu chứng của bệnh mạch vành, hoặc cả hai. Do đó, ribavirin phải được dùng thận trọng với những bệnh nhân có tiền sử bệnh tim.
Tình trạng tim cần được đánh giá trước khi bắt đầu điều trị và theo dõi lâm sàng trong suốt quá trình điều trị. Nếu xảy ra bất kỳ tình trạng xấu nào, ngừng điều trị. Bệnh nhân có tiền sử suy tim sung huyết, nhồi máu cơ tim, và/hoặc rối loạn nhịp tim trước hoặc hiện tại phải được theo dõi chặt chẽ. Đối với những bệnh nhân có tiền sử tim bất thường nên đo điện tâm đồ trước và trong quá trình điều trị. Rối loạn nhịp tim (chủ yếu là tâm thất trên) thường đáp ứng với liệu pháp thông thường nhưng có thể cần ngưng điều trị.
Thiếu máu bất sản và suy tủy xương đã được ghi nhận trong y văn xảy ra trong vòng 3 đến 7 tuần sau khi dùng ribavirin và peginterferon đồng thời với azathioprin. Độc tính trên tủy xương này có thể phục hồi trong vòng 4 đến 6 tuần sau khi ngừng điều trị phối hợp kháng virus HCV và azathioprin và không tái phát sau khi dùng lại cả hai phương pháp điều trị đơn độc.
Việc sử dụng liệu pháp phối hợp ribavirin và peginterferon alpha-2a ở những bệnh nhân viêm gan C mãn tính đã thất bại trong điều trị trước đó vẫn chưa được nghiên cứu đầy đủ ở những bệnh nhân trước kia đã ngưng điều trị do các tác dụng phụ về huyết học. Các bác sỹ đang điều trị ở những bệnh nhân này cần cân nhắc cẩn thận những rủi ro so với lợi ích của việc điều trị lại.
Quá mẫn cấp tính:
Nếu xảy ra phản ứng quá mẫn cấp tính (ví dụ nổi mày đay, phù mạch, co thắt phế quản, phản vệ), phải ngưng ribavirin ngay lập tức và dùng liệu pháp điều trị phù hợp. Phát ban thoáng qua không cần phải gián đoạn điều trị.
Chức năng gan:
Ở những bệnh nhân xuất hiện dấu hiệu của bệnh gan mất bù trong quá trình điều trị, ribavirin dùng kết hợp với các thuốc khác nên ngưng. Khi mức ALT tăng lên và có ý nghĩa về mặt lâm sàng, mặc dù giảm liều, hoặc đi kèm với tăng bilirubin trực tiếp, nên ngưng dùng thuốc.
Suy thận:
Dược động học của ribavirin bị thay đổi ở bệnh nhân rối loạn chức năng thận do giảm sự thanh thải rõ ràng ở những bệnh nhân này. Do đó, khuyến cáo nên đánh giá chức năng thận ở tất cả các bệnh nhân trước khi bắt đầu dùng ribavirin, tốt hơn là đánh giá độ thanh thải creatinin của bệnh nhân. Nồng độ ribavirin trong huyết tương tăng đáng kể ở những bệnh nhân có creatinin > 2 mg/dL hoặc có độ thanh thải creatinin < 50 mL/phút, vì vậy nên điều chỉnh liều ribavirin ở những bệnh nhân này.
Nồng độ hemoglobin nên được theo dõi chặt chẽ trong thời gian điều trị và phải thực hiện điều chỉnh liều khi cần thiết.
Cấy ghép:
Chưa xác định được sự an toàn và hiệu quả của điều trị bằng peginterferon-alpha-2a và ribavirin ở những bệnh nhân ghép gan và ghép các cơ quan khác. Gan và thận bị thải ghép đã được báo cáo với peginterferon-alpha-2a, dùng một mình hoặc kết hợp với ribavirin.
Đồng nhiễm HIV/HCV:
Nên tham khảo Tóm tắt đặc điểm sản phẩm của các sản phẩm thuốc kháng virus được dùng đồng thời với liệu pháp HCV để nhận thức và quản lý độc tính cụ thể của  từng sản phẩm và tiềm năng chồng chéo các độc tính của ribavirin và các thuốc khác. Trong nghiên cứu NR15961, bệnh nhân điều trị bằng stavudin và interferon có hoặc không có ribavirin, tỷ lệ mắc viêm tụy và/hoặc nhiễm acid lactic là 3% (12/398).
Các bệnh nhân viêm gan C mạn tính có đồng nhiễm HIV và đang được điều trị kháng retrovirus hoạt tính cao (HAART) có thể tăng nguy cơ bị các tác dụng phụ nghiêm trọng (như nhiễm acid lactic, bệnh lý thần kinh ngoại vi, viêm tụy).
Những bệnh nhân đồng nhiễm xơ gan nhận HAART cũng có thể tăng nguy cơ bệnh gan mất bù và có thể tử vong nếu điều trị kết hợp ribavirin với interferon. Các biến đổi cơ bản ở những bệnh nhân đồng nhiễm xơ gan có thể liên quan đến bệnh gan mất bù bao gồm: Tăng bilirubin huyết thanh, giảm hemoglobin, tăng alkalin phosphatase hoặc giảm tiểu cầu, và điều trị với didanosin (ddI). Do đó nên thận trọng khi dùng thêm peginterferon alpha-2a và ribavirin cho người đang điều trị với HAART.
Không nên dùng đồng thời ribavirin với zidovudin do tăng nguy cơ thiếu máu.
Trong thời gian điều trị, bệnh nhân đồng nhiễm nên được theo dõi chặt chẽ các dấu hiệu và triệu chứng bệnh gan mất bù (bao gồm cổ trướng, bệnh não, xuất huyết do giãn tĩnh mạch, suy giảm chức năng gan, ví dụ điểm số Child-Pugh từ 7 trở lên). Kết quả Child-Pugh có thể bị ảnh hưởng bởi các yếu tố liên quan đến điều trị (tăng bilirubin máu gián tiếp, giảm albumin) và không nhất thiết là do bệnh gan mất bù. Cần ngừng ngay điều trị bằng ribavirin kết hợp với các thuốc khác ở bệnh nhân bị bệnh gan mất bù.
Dùng phối hợp ribavirin và didanosin không được khuyến cáo do nguy cơ nhiễm độc ty thể. Hơn nữa, tránh dùng phối hợp đồng thời ribavirin với stavudin để hạn chế nguy cơ cùng gây độc tính ty thể.
Các xét nghiệm:
Các xét nghiệm huyết học và các xét nghiệm máu (đếm công thức máu toàn phần, đếm số lượng tiểu cầu, chất điện giải, glucose, creatinin huyết thanh, xét nghiệm chức năng gan, acid uric) phải được tiến hành ở tất cả các bệnh nhân trước khi bắt đầu điều trị. Các giá trị cơ bản nhận được có thể coi là một hướng dẫn trước khi bắt đầu điều trị với ribavirin: Hemoglobin ≥ 12 g/dL (nữ); ≥ 13 g/dL (nam).
Ở những bệnh nhân đồng nhiễm HIV-HCV, dữ liệu về tính hiệu quả và độ an toàn còn hạn chế đối với những bệnh nhân có lượng tế bào CD4 nhỏ hơn 200 tế bào/μL. Do đó thận trọng khi điều trị cho bệnh nhân có lượng tế bào CD4 thấp.
Đánh giá các xét nghiệm sẽ được tiến hành ở tuần thứ 2 và thứ 4 của liệu pháp, và định kỳ sau đó tùy theo tình trạng lâm sàng.
Đối với phụ nữ có khả năng mang thai:
Bệnh nhân nữ phải được thử thai định kỳ hàng tháng thực hiện trong thời gian điều trị và 4 tháng sau đó. Các bạn tình nữ của bệnh nhân nam phải được kiểm tra thai định kỳ hàng tháng trong thời gian điều trị và trong 7 tháng sau đó.
Acid uric có thể tăng lên cùng với ribavirin do sự tan huyết và do đó những bệnh nhân này nên được theo dõi cẩn thận sự phát triển bệnh gout. 
Thuốc này chứa lactose:
Bệnh nhân có vấn đề di truyền hiếm gặp về không dung nạp galactose, thiếu enzym Lapp lactase hoặc kém hấp thu glucose-galactose không nên dùng thuốc này.
Tác dụng của thuốc khi lái xe và vận hành máy móc
Chưa ghi nhận thuốc có ảnh hưởng tới người lái xe và vận hành máy móc, tuy nhiên cần lưu ý thuốc có thể gây tình trạng nhức đầu, mệt mỏi, chóng mặt, giảm tập trung.

Bảo quản

Để ở nhiệt độ dưới 30oC, tránh ẩm và ánh sáng.

Phân loại ATC

J05AP01 - ribavirin

Trình bày/Đóng gói

Ribatagin 400 Viên nang cứng: hộp 2 vỉ x 10 viên,
Ribatagin 500 Viên nén bao phim: hộp 2 vỉ x 10 viên.

A