Đo thính lực

18/09/2021 11:10 GMT+7

Thính giác là một trong năm giác quan của cơ thể người, là bộ phận quan trọng giúp tiếp thu âm thanh bằng cách phát hiện các dao động qua tai trong. Một khi bộ phận này bị thương tổn thì có thể gây điếc nặng, điếc đặc, điếc hoàn toàn. Đo thính lực là một trong những phương pháp giúp kiểm tra tình trạng tiếp nhận âm thanh hiệu quả và an toàn nhất.

1. Tìm hiểu về bộ máy thính giác

Thính giác ở mỗi người có sự khác nhau rõ rệt. Để đánh giá tình trạng thính giác thì các bác sĩ thường lấy chỉ số bình quân đo thính lực ở những người không bị bệnh tai mũi họng là chuẩn mực.

Theo đánh giá của các bác sĩ chuyên khoa, tiếng nói của con người nằm trong vùng nhạy cảm nhất của trường nghe, trong khoảng tần số 250 - 4.000 Hz. Về cường độ, tiếng nói thông thường sẽ trong khoảng 30 - 70 dB. Do đó, khi có những sự suy giảm thính lực trong vùng tiếng nói thì sẽ được chú ý nhiều hơn là sự giảm sút thính giác ở các vùng khác.

Thông thường, khi sự giảm sút sức nghe xuống còn 30dB mới được chú ý. Cũng có nhiều trường hợp bị giảm sút 25 dB nhưng cũng không hề cảm thấy khó khăn gì trong việc tiếp nhận âm thanh, cho đến khi gặp vấn đề gì đó về sức khỏe khiến cho sức nghe giảm thêm 5 dB thì mới biết mình nghe kém.

Ở người bình thường, các bộ phận của bộ máy thính giác bao gồm:

  • Tai ngoài: gồm vành tai có nhiệm vụ thu nhận và hướng dẫn âm thanh và ống tai ngoài nối từ vành tai đến màng nhĩ. Màng nhĩ là vách phân chia giữa tai ngoài và tai giữa
  • Tai giữa: Bao gồm hòm nhĩ các xương con và các phần phụ thuộc. Tai giữa có nhiệm vụ truyền dẫn âm thanh và biến đổi năng lượng âm để bù trừ vào chỗ hao hụt ở phần sau;
  • Tai trong: Là cơ quan tiền đình, ốc tai bao gồm các tế bào giác quan và dây thần kinh thính giác, thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận âm thanh và truyền lên não.

Bộ máy thính giác

2. Đo thính lực là gì?

Cùng với sự phát triển của xã hội thì các ngành khoa học hiện đại cũng có những sự tiến bộ vượt bậc trong việc chẩn đoán tình trạng bệnh lý ở người bệnh. Đối với lĩnh vực tai mũi họng, có rất nhiều máy móc hiện đại được sáng chế để giúp bác sĩ có thể hiểu biết một cách tường tận về đường dẫn truyền của thính giác và chẩn đoán các bệnh liên quan đến thính lực một cách chính xác.

Đo thính lực được hiểu một cách đơn giản là trình bày biểu đồ minh họa khả năng nghe của một người và mức độ nghe kém (nếu có) ở mỗi bên tai. Biểu đồ thính lực sẽ dao động trong khoảng từ 125 đến 8000 Hz.

Để đo thính lực, bác sĩ sẽ mở một âm thanh với một tần số thích hợp với từng người tại cùng một thời điểm. Âm thanh nhỏ nhất mà người đo có thể nghe được ở mỗi tần số khác nhau sẽ được đánh dấu trên biểu đồ thính lực cùng với cường độ.

3. Vì sao cần phải đo thính lực?

Theo thống kê, cứ 3 trong số 1000 trẻ sinh ra sẽ gặp vấn đề về thính giác và bị nghe kém ở mức độ nhẹ hay nặng hơn. Do vậy, thay vì bỏ nhiều thời gian để chờ đợi, phỏng đoán và hoài nghi về khả năng nghe của trẻ thì việc đưa trẻ đến các cơ sở y tế chuyên khoa để đo thính lực sẽ giúp mang lại kết quả nhanh hơn và chính xác hơn.

Mặt khác, nghe kém, thính lực giảm sút không chỉ ảnh hưởng tới khả năng tiếp nhận âm thanh mà còn có thể dẫn đến chậm nói và chậm phát triển ngôn ngữ. Can thiệp và phát hiện sớm chính là cách bảo vệ thính giác luôn khỏe mạnh.

Các bậc phụ huynh nên đưa trẻ đi đo thính lực trong các trường hợp sau:

  • Trẻ không có phản ứng với tiếng gọi hay tiếng động lớn;
  • Không có biểu hiện bập bẹ hay cố gắng bắt chước âm thanh;
  • Trẻ 12 tháng tuổi nhưng vẫn không thể hiểu được các cụm từ đơn giản;
  • Không thể xác định vị trí nơi âm thanh được phát ra;
  • Không bắt chước giọng nói hoặc sử dụng những từ đơn giản;
  • Không nghe được âm thanh của tivi ở mức bình thường;
  • Nói chuyện quá lớn;
  • Thường xem tivi và nghe nhạc ở âm lượng cao bất thường;
  • Trẻ chậm nói, nói không rõ.

Không chỉ đối với trẻ em mà ngay cả người lớn nếu cảm thấy sức nghe giảm sút, thường không nghe thấy tiếng gọi hay tiếng động xung quanh thì việc kiểm tra, đo thính lực là rất cần thiết.

4. Quy trình đo thính lực

Mỗi bộ phận của bộ máy thính giác đều có nhiệm vụ riêng biệt để giúp con người tiếp nhận âm thanh một cách đầy đủ. Tai trong tiếp nhận âm thanh được truyền từ môi trường không khí, những thương tổn ở bộ phận này có thể gây ra điếc nặng, điếc đặc, thậm chí là điếc hoàn toàn. Tai giữa có nhiệm vụ dẫn truyền âm thanh, nếu như người bệnh có tổn thương ở bộ phận này thì có thể gây ra tình trạng điếc dẫn truyền, tuy nhiên, sự giảm sút thính lực sẽ không vượt quá 60 dB và loại điếc này có thể chữa khỏi, kể cả bằng phương pháp phẫu thuật.

Thực tế, có rất nhiều trường hợp người bệnh bị thương tổn cả ở tai giữa và tai trong và gây ra tình trạng điếc hỗn hợp (vừa có tính dẫn truyền, vừa có tính tiếp nhận).

Quy trình đo thính lực gồm:

4.1 Đo sức nghe chủ quan

Các bác sĩ sẽ tiến hành đo sức nghe thông qua tiếng nói, âm thoa và đo bằng máy đo sức nghe, cụ thể:

Đo bằng tiếng nói:

Là cách đơn giản nhất và có thể sử dụng ngay tiếng nói của bác sĩ. Chỉ với 1 số câu từ đơn giản và thông thường được thực hiện trong 1 buồng hay hành lang có chiều dài ít nhất là 5m, không gian yên tĩnh. Trước tiên bác sĩ sẽ đo thính lực của người bệnh bằng tiếng nói thầm, nếu bệnh nhân có giảm nghe rõ sẽ tiến hành đo tiếp bằng tiếng nói thường.

Một điều lưu ý khi thực hiện phương pháp này chính là người bệnh không được nhìn miệng của thầy thuốc, đứng vuông góc và hướng bên tai cần khám về phía bác sĩ và tai không khám phải được bịt lại.

Đo bằng âm mẫu

Thông thường, để đo thính lực thì bác sĩ sẽ dùng 1 âm mẫu 128 hay 256 Hz. Có thể đo đường khí (để 2 ngành âm mẫu dọc trước lỗ tai ngoài, cách độ 2cm), hoặc đo đường xương (ấn nhẹ cán âm mẫu lên mặt xương chũm và tính thời gian từ khi gõ âm mẫu đến khi không nghe được, theo đơn vị giây). Đồng thời sử dụng các nghiệm pháp như: nghiệm pháp Weber, nghiệm pháp Schwabach, nghiệm pháp Rinner..

Trường hợp bệnh nhân điếc hỗn hợp thì có thể dùng thêm các âm thoa 128, 256, 512, 1024, 2048, 4096.

Nghiệm pháp Weber

Đo bằng dụng cụ đơn giản

Trường hợp bệnh nhân là người bị giảm thính lực nặng hoặc đo thính lực cho trẻ nhỏ thì thường sử dụng các dụng cụ phát âm đã được chuẩn hoá tương đối như trống, còi, mõ, chuông... hoặc các máy đơn giản phát được vài âm tần hay tiếng đơn giản như tiếng tàu xe, tiếng súc vật.... ở một vài cường độ lớn nhất định để xem có nghe được và có phản xạ, phản ứng hay không.

Dùng máy đo sức nghe - thính lực kế (audiometer).

Ở phương pháp này, âm sẽ được phát ra theo đường khí hoặc qua đường xương tới từng tai. Yêu cầu bắt buộc là phải tiến hành đo trong buồng cách âm. Khi nối các điểm ngưỡng nghe ở các tần số sẽ tạo thành một biểu đồ thính lực hay còn gọi là thính lực đồ.

4.2 Đo sức nghe khách quan

Dựa theo kết quả thu được trực tiếp của cơ quan nghe ở tai giữa và tai trong (loa đạo) hay thần kinh trung ương (não).Có thể áp dụng phương pháp đo trở kháng hoặc đo điện ốc tai và điện não thính giác.Dựa vào kết quả đo thính giác hoặc biểu đồ thính lực mà bác sĩ có thể đánh giá khả năng nghe của người bệnh ở mức độ khác biệt so với mức bình thường là bao nhiêu. Mặt khác, kết quả đo thính lực có thể xác định người bệnh sẽ gặp khó khăn ở những môi trường âm thanh nào trong cuộc sống hàng ngày, có cần sử dụng các thiết bị hỗ trợ như máy trợ thính hay không.Hiện nay Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec đang áp dụng phương pháp đo thính lực đơn âm và đo nhĩ lượng trong chẩn đoán nghe kém, điếc đột ngột và các bệnh lý về tai. Kỹ thuật này có các ưu điểm sau:

Giúp đánh giá độ nhạy và hoạt động của chuỗi xương con;

Kiểm tra độ thông của vòi nhĩ, đánh giá được tình trạng màng nhĩ;

Xác định ngưỡng nghe và mức độ nghe kém, từ đó sẽ có phương pháp điều trị và lựa chọn dòng máy trợ thính phù hợp, đáp ứng đủ nhu cầu nghe;

Phép đo an toàn và không gây đau đớn, sử dụng được trong trường hợp bệnh nhân không hợp tác, đặc biệt là trẻ nhỏ.

5. Kết quả kiểm tra thính lực

Kết quả kiểm tra thính lực sẽ được thể hiện trên biểu đồ. Cho phép người khiếm thính hiểu rõ mức độ, nguyên nhân và sức nghe tự nhiên hiện tại của tai trái và tai phải. Mất thính lực ở các tần số khác nhau cũng là căn cứ để chuyên viên thính lực đưa ra lời khuyên về loại sản phẩm trợ thính phù hợp.

Thính lực đồ

Trục ngang trên biểu đồ thể hiện các tần số nghe khác nhau, sắp xếp từ tần số thấp 125 (Hz) đến tần số cao 8000 (Hz). Trục dọc thể hiện các mức cường độ âm thanh decibels (dB). Thính lực đồ thể hiện bằng những đường đồ thị. Đường đồ thị càng thấp bên dưới thì mức độ mất thính lực càng nặng và ngược lại, đường đồ thị ở trên cao thì mức độ mất thính lực nhẹ hơn.

Thính lực đồ

Biểu đồ thính lực (thính lưc đồ) có thông số về cường độ âm thanh (dB) và tần số âm thanh (Hz). Ảnh: easyhear.com.vn

Các mức độ mất thính lực

Sau khi đã có kết quả đo thính lực, bạn có thể tham khảo bảng dưới đây để biết mức độ mất thính lực của mình. Mất thính lực có thể chia làm các mức độ: nhẹ, trung bình, nặng & sâu.

Các mức độ mất thính lực

-----------------------------

Nguồn:

https://houseofhearing.ca/blog/how-to-interpret-hearing-test-results/. Truy cập ngày 18/9/2021

https://easyhear.com.vn/do-thinh-luc/. Truy cập ngày 18/9/2021

https://www.vinmec.com/vi/tin-tuc/thong-tin-suc-khoe/huong-dan-do-thinh-luc/?link_type=related_posts. Truy cập ngày 18/9/2021