Phaco

02/08/2019 12:00 GMT+7

Phẫu thuật Phaco (phacoemulsification): Hay còn được gọi là Phương pháp tán nhuyễn thủy tinh thể bằng siêu âm. Đây là phương pháp phẫu thuật phổ biến nhất hiện nay để điều trị bệnh Đục thủy tinh thể.

Bản chất là phẫu thuật ngoài bao (của thủy tinh thể), nhưng phẫu thuật được tiến hành qua một đường rạch nhỏ, tiền phòng luôn được khép kín nên an toàn hơn, vết mổ làm sẹo nhanh, giảm được loạn thị sau mổ vì vậy, thị lực phục hồi rất sớm và rất tốt và ổn định. Có thể rạch vào tiền phòng qua đường hầm củng mạc hoặc đường hầm giác mạc. Kích thước đường rạch lúc đầu là 2,8mm đủ để đưa đầu ống phaco vào tiền phòng.

Nguyên tắc chung của phương pháp này là sự rung động của đầu ống Phaco gây ra những khe nứt vỡ của thể thuỷ tinh ở gần đầu tip rồi hút lấy đi những phần đã bị cắt và rạn nứt qua ống nhỏ này (xem ảnh).

Minh họa Phẫu thuật Phaco. Ảnh: Mayo Clinic

Quá trình rửa hút chất thể thuỷ tinh được tiến hành nhờ hệ thống bơm tự động trong máy. Do phẫu thuật được tiến hành trong một nhãn cầu được coi như là khép kín, độ sâu tiền phòng luôn ổn định và chất thể thuỷ tinh đã được tách ra khỏi bao thể thuỷ tinh vì vậy quá trình phẫu thuật dễ dàng và an toàn hơn. Thể thuỷ tinh nhân tạo mềm hoặc cứng sẽ được đặt an toàn vào trong túi thể thuỷ tinh. Vết mổ sẽ được khép kín, không cần khâu hoặc chỉ cần một mũi chỉ để kết thúc phẫu thuật.

Một số trường hợp không thể đặt kính nội nhãn vì đang có bệnh mắt khác hoặc có tai biến khi phẫu thuật. Trường hợp này có thể đeo kính sát tròng hoặc đeo kính gọng sau mổ.

Có mấy loại kính nội nhãn (thủy tinh thể nhân tạo)?

Hiện nay có nhiều loại kính nội nhãn đặt vào trong mắt sau phẫu thuật lấy thuỷ tinh thể như

- Kính nội nhãn đơn tiêu: Giúp mắt nhìn rõ một cự ly nhất định

- Kính nội nhãn đa tiêu: Giúp mắt nhìn rõ cả cự ly xa và gần

- Kính nội nhãn toric: Giúp điều chỉnh loạn thị của mắt

Tuỳ theo tình trạng mắt, tính chất nghề nghiệp, khả năng tài chính của bệnh nhân, Bác sĩ sẽ tư vấn để đặt kính nội nhãn thích hợp giúp hồi phục thị lực cho người bệnh một cách tốt nhất.

Cần làm gì trước phẫu thuật?

Trước phẫu thuật, bác sĩ sẽ làm một số xét nghiệm. Những xét nghiệm này bao gồm đo độ cong giác mạc, kích thước và hình dạng nhãn cầu để chọn loại kính nội nhãn thích hợp, xét nghiệm máu (người bệnh nhịn ăn sáng) và khám nội khoa để đảm bảo thể trạng người bệnh cho phép tiến hành phẫu thuật.

Chuyện gì xảy ra trong khi phẫu thuật?

Khi vào bệnh viện, bạn được nhỏ thuốc dãn đồng tử, thuốc rửa mắt.

Cuộc phẫu thuật kéo dài không quá 30 phút và hầu như không đau. Hầu hết bệnh nhân được vô cảm tại chỗ (nhỏ thuốc tê và / hoặc tiêm tê) để làm mất cảm giác đau. Do đó bệnh nhân vẫn tỉnh táo trong suốt quá trình phẫu thuật.

Sau phẫu thuật, bệnh nhân được băng mắt và nằm nghỉ. Bác sĩ khám và theo dõi có biến chứng sau phẫu thuật không. Hầu hết bệnh nhân có thể về ngay trong ngày. Bệnh nhân không tự lái xe được ngay nên cần có người thân đi kèm.

Cần lưu ý gì sau phẫu thuật?

Sau phẫu thuật bệnh nhân thường có cảm giác ngứa và xốn nhẹ một thời gian ngắn. Cũng có thể chảy nước mắt, mắt đỏ nhẹ hoặc cảm thấy chói sáng và nhạy đau. Tuy nhiên cảm giác này sẽ qua trong vài ngày sau phẫu thuật. Đa số trường hợp mắt sẽ lành trong khoảng 6 tuần.

Khi xuất hiện các triệu chứng sau, bệnh nhân cần phải quay lại bệnh viện kiểm tra ngay:

- Đau nhức

- Nhìn mờ nhanh

- Đỏ mắt nhiều.

- Thấy chớp sáng hoặc nhiều ruồi muỗi bay trước mắt

Bệnh nhân cần phải tuân thủ các điều sau đây:

Giữ gìn vệ sinh tay, vệ sinh mắt sạch sẽ, tuân thủ lời dặn của bác sĩ.

Sử dụng đúng thuốc theo y lệnh của bác sĩ, trước khi tra thuốc cần phải rửa tay sạch sẽ.

Các loại thuốc nước nên nhỏ cách nhau 5 phút và tra thuốc mỡ cuối cùng. Sau khi nhỏ thuốc cần đậy nắp thuốc ngay để phòng chống nhiễm bẩn lọ thuốc.

Trong vài ngày đầu sau phẫu thuật, cần tránh để xà phòng vào mắt, do đó không nên gội đầu.

Bệnh nhân có thể tắm dưới cổ sau một ngày, tắm toàn thân dưới vòi hoa sen hoặc trong bồn tắm sau một vài tuần. Không bơi trong 1 tháng.

Bệnh nhân có thể ăn uống đồ ăn mềm, không nên ăn đồ quá cứng, tránh nhai nhiều và mạnh.

Tuyệt đối không được day dụi hay gãi mắt.

Cần băng mắt hoặc dùng kính bảo vệ mắt tránh dụi mắt vô thức trong lúc ngủ.

Bệnh nhân không nên mang vác nặng hoặc khom hay cúi đầu nhiều vì sẽ làm tăng áp lực nội nhãn.

Có thể xem tivi như bình thường.

Bệnh nhân có thể quay về công việc như thường sau một tháng.

Khi nào thị lực trở về bình thường?

Bạn có thể nhanh chóng trở về hoạt động thường ngày nhưng mắt có thể còn mờ. Cần có thời gian để mắt điều chỉnh phù hợp với mắt còn lại, nhất là khi mắt đó cũng bị đục thủy tinh thể. Nếu có đặt kính nội nhãn thì bạn sẽ cảm thấy màu có vẻ sáng hoặc hơi xanh. Khi có ánh sáng mặt trời nhiều có thể bạn cũng cảm thấy mọi vật hơi có màu đỏ trong vài giờ. Nếu bạn thấy hiện tượng này có nghĩa là kính nội nhãn trong suốt. Những cảm giác này sẽ hết sau vài tháng. Khi mắt đã lành có thể bạn cũng cần đeo kính thêm.

Các biến chứng trong và sau phẫu thuật lấy thể thủy tinh?

- Phù giác mạc: Ở một vài ngày đầu sau mổ, có thể có viêm khía giác mạc do chấn thương của phẫu thuật gây ra. Dấu hiệu này thường mất đi rất nhanh bằng tra thuốc chống viêm tại mắt.

- Xuất huyết tiền phòng: Xuất huyết tiền phòng sau mổ bắt nguồn từ vết mổ hoặc mống mắt, thường nhẹ và tự tiêu đi sau một vài ngày. Máu có thể chậm tiêu hơn nếu lẫn trong dịch kính.Trong trường hợp này cần cho bệnh nhân hạn chế vận động, uống nhiều nước và dùng các thuốc chống viêm, tiêu huyết.

- Phản ứng viêm: thường nhẹ và sẽ mất đi nhanh chóng với thuốc điều trị chống viêm tại chỗ.

- Đục bao sau thể thuỷ tinh: Đây là biến chứng hay gặp nhất sau khi mổ lấy thể thuỷ tinh, thường do sự xâm lấn của các tế bào biểu mô từ xích đạo tiến vào trung tâm của bao thể thuỷ tinh. Khi tình trạng đục thứ phát của bao sau thể thuỷ tinh gây ảnh hưởng nhiều đến thị lực của người bệnh thì cần phải can thiệp bằng Laser YAG hoặc phẫu thuật rạch bao sau.

- Lệch thể thuỷ tinh nhân tạo: là một biến chứng thường gặp, trong đó chủ yếu là lệch ở mức độ nhẹ thường không gây ảnh hưởng nhiều đến chức năng thị giác.

-  Xơ hoá, co kéo vòng xé bao: Trong giai đoạn hậu phẫu, các tế bào biểu mô thể thuỷ tinh ở phần sau của bao trước sẽ tăng sản xơ gây co kéo. Trong những trường hợp bệnh lý làm cho hệ thống dây treo thể thuỷ tinh yếu đặc biệt như trong hội chứng giả bong bao, sau chấn thương hoặc viêm võng mạc sắc tố …

Biến chứng này thường xuất hiện nhiều hơn và xuất hiện sớm sau mổ. Trong giai đoạn sớm, có thể điều trị bằng Laser YAG để cắt đứt bờ của vòng xé bao trước ở 3 hoặc 4 điểm cách đều nhau.

Có thể tham khảo thêm bệnh Đục thủy tinh thể.

 

Ban Biên tập Y khoa Việt Nam

-----------------------------------------

Nguồn: 

https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/cataracts/symptoms-causes/syc-20353790

https://www.aao.org/eye-health/diseases/what-is-cataract-surgery

https://www.matsaigon.com/benh-duc-thuy-tinh-the.html

https://www.benhvien103.vn/vietnamese/bai-giang-chuyen-nganh/mat/benh-hoc-the-thuy-tinh/968/

https://www.webmd.com/eye-health/cataracts/ss/slideshow-cataracts