Nhà sản xuất

Janssen-Cilag

Nhà phân phối

DKSH

Thành phần

Mỗi ống 0,5mL: Epoetin alfa 1.000IU hoặc 2.000IU, 0,3mL: Epoetin alfa 3.000IU, 0,4mL: Epoetin alfa 4.000IU, 1mL: Epoetin alfa 10.000IU.v

Mô tả

Epoetin alfa là một glycoprotein được sản xuất bằng kỹ thuật tái tổ hợp ADN.
Epoetin alfa có công thức với 0,03% polysorbate 80 và 0,5% glycine đựng trong ống tiêm chứa sẵn thuốc, có chia vạch.
EPREX là dung dịch đệm, vô trùng, trong suốt, không màu dùng để tiêm tĩnh mạch hoặc tiêm dưới da.
Epoetin alfa có độ tinh khiết cao nhất theo công bố về kỹ nghệ hiện tại. Tại nồng độ thành phần hoạt chất dùng cho người, không phát hiện thấy tế bào tồn dư đã dùng trong sản xuất.

Dược lực học

Nhóm dược trị liệu: chống thiếu máu, mã ATC: B03XA01.
Cơ chế tác động
Erythropoietin (EPO) là một hormone glycoprotein được sản xuất chủ yếu bởi thận để đáp ứng với tình trạng giảm oxy mô, đóng vai trò chính điều hòa quá trình sản sinh hồng cầu. EPO liên quan tới mọi giai đoạn phát triển của hồng cầu, và có tác động chủ yếu lên các giai đoạn phát triển tiền hồng cầu. Sau khi gắn kết vào các thụ thể trên bề mặt tế bào, EPO hoạt hóa các đường dẫn truyền tín hiệu can thiệp vào quá trình chết tế bào theo lập trình (apoptosis) và kích thích tăng sinh tế bào hồng cầu. EPO người tái tổ hợp (epoetin alfa), được thể hiện trong những tế bào buồng trứng chuột Hamster Trung quốc, gồm 165 acid amino có trình tự giống như EPO đường niệu ở người; cả 2 loại EPO này không thể phân biệt được dựa trên các xét nghiệm phân tích chức năng. Trọng lượng phân tử biểu kiến của erythropoietin từ 32000 đến 40000 dalton.
Hiệu quả dược lực học
Trong các đáp ứng dược lực học đối với epoetin alfa không chứa HSA (albumin huyết thanh người), sự thay đổi theo phần trăm tỷ lệ hồng cầu lưới, hemoglobin, và tổng số hồng cầu đếm cũng như diện tích dưới đường cong (AUC) của các thông số dược lực học này là tương tự nhau giữa hai phác đồ liều (150 IU/kg tiêm dưới da ba lần một tuần đến 40000 IU tiêm dưới da một lần mỗi tuần).
ESAs là những yếu tố tăng trưởng chủ yếu kích thích sự tạo thành hồng cầu. Các thụ thể của erythropoietin có thể được thể hiện trên bề mặt của nhiều loại tế bào khối u.
Người tình nguyện khỏe mạnh
Sau khi dùng liều đơn (20000 đến 160000 IU tiêm dưới da) của epoetin alfa, đã quan sát thấy đáp ứng phụ thuộc liều của các chỉ thị dược lực học được nghiên cứu bao gồm: tế bào lưới, tổng số tế bào hồng cầu và hemoglobin. Dữ liệu về thời gian-nồng độ được xác định với nồng độ đạt đỉnh và trở về nồng độ ban đầu được quan sát thấy khi phần trăm hồng cầu lưới thay đổi. Dữ liệu xác định ít hơn được quan sát thấy đối với số tế bào hồng cầu và hemoglobin. Nhìn chung, tất cả các chỉ thị dược lực học tăng tuyến tính theo liều và đạt đến đáp ứng cực đại ở mức liều cao nhất.
Các nghiên cứu dược lực học được tiến hành thêm để thăm dò liều 40000 IU/lần/tuần so với liều 150 IU/kg x 3 lần/tuần. Mặc dù có sự khác biệt trong các dữ liệu thời gian-nồng độ, đáp ứng dược lực học (được đo bởi sự thay đổi phần trăm hồng cầu lưới, hemoglobin và tổng số tế bào hồng cầu) của các chế độ liều này là tương tự nhau. Các nghiên cứu bổ sung so sánh chế độ liều 40000 IU epoetin alfa 1 lần/tuần với chế độ liều 2 tuần 1 lần từ 80000 đến 120000 IU tiêm dưới da. Nhìn chung, dựa trên các kết quả nghiên cứu dược lực học ở đối tượng người khỏe mạnh, chế độ liều 40000 IU/lần/tuần dường như hiệu quả trong việc sản xuất các tế bào hồng cầu hơn là chế độ 2 tuần 1 lần mặc dù việc sản xuất hồng cầu lưới ở cả hai chế độ 1 lần/tuần và 2 tuần 1 lần được quan sát là tương tự nhau.
Suy thận mạn
Epoetin alfa đã được cho thấy kích thích tạo hồng cầu ở các đối tượng suy thận mạn bị thiếu máu bao gồm các đối tượng thẩm phân và tiền thẩm phân. Bằng chứng đầu tiên về đáp ứng với epoetin alfa là sự tăng số hồng cầu lưới trong vòng 10 ngày, theo sau đó là tăng số tế bào hồng cầu, hemoglobin và hematocrit, thường trong vòng 2 đến 6 tuần. Đáp ứng hemoglobin khác nhau giữa các đối tượng và có thể bị ảnh hưởng bởi việc dự trữ sắt và sự xuất hiện của các vấn đề y tế đồng thời.
Thiếu máu do hóa trị
Epoetin alfa được dùng 3 lần/tuần hoặc 1 lần/tuần đã cho thấy tăng hemoglobin và giảm nhu cầu truyền máu sau tháng đầu tiên điều trị ở các bệnh nhân ung thư thiếu máu đang hóa trị.
Trong một nghiên cứu so sánh chế độ liều 150 IU/kg x 3 lần/tuần và 40000 IU/lần/tuần ở những đối tượng khỏe mạnh và những đối tượng ung thư thiếu máu, dữ liệu thời gian thay đổi phần trăm hồng cầu lưới, hemoglobin và tổng số tế bào hồng cầu là tương tự nhau giữa hai chế độ liều trong cả đối tượng khỏe mạnh và đối tượng ung thư thiếu máu. Các diện tích dưới đường cong (AUC) của các thông số dược lực học tương ứng là tương tự nhau giữa các chế độ liều 150 IU/kg x 3 lần/tuần và 40000 IU/lần/tuần ở cả đối tượng khỏe mạnh và đối tượng ung thư thiếu máu.
Bệnh nhân người lớn phẫu thuật trong chương trình tiền hiến máu tự thân
Epoetin alfa được cho thấy kích thích sản xuất tế bào hồng cầu để tăng tập hợp máu tự thân, và để hạn chế sự suy giảm hemoglobin ở những bệnh nhân người lớn đã được lên chương trình phẫu thuật lớn mà không thể dự trữ máu trước cho nhu cầu máu trong suốt thời gian phẫu thuật của họ.
Điều trị cho bệnh nhân người lớn đã được lên chương trình phẫu thuật chỉnh hình lớn
Ở những bệnh nhân được lên chương trình phẫu thuật chỉnh hình lớn đã được điều trị trước đó với hemoglobin >10 và ≤13 g/dL, epoetin alfa đã cho thấy giảm nguy cơ nhận truyền máu dị sinh và đẩy nhanh việc hồi phục tế bào dòng hồng cầu (tăng mức hemoglobin, mức hematocrit và số lượng hồng cầu lưới).
Các nghiên cứu lâm sàng
Suy thận mạn
Epoetin alfa đã được nghiên cứu trong các thử nghiệm lâm sàng để điều trị thiếu máu và duy trì hematocrit trong khoảng 30-36% ở những bệnh nhân người lớn suy thận mạn thiếu máu, bao gồm những bệnh nhân lọc máu và chưa lọc máu.
Trong những thử nghiệm lâm sàng với liều khởi đầu từ 50-150 IU/kg ba lần một tuần, khoảng 95% bệnh nhân có đáp ứng với mức tăng hematocrit có ý nghĩa về mặt lâm sàng. Sau khoảng hai tháng điều trị, hầu như tất cả bệnh nhân không còn phụ thuộc vào truyền máu. Một khi đạt được khoảng nồng độ hematocrit nêu trên, liều duy trì được điều chỉnh cụ thể theo từng bệnh nhân.
Trong ba thử nghiệm lâm sàng lớn nhất đã được thực hiện trên những bệnh nhân người lớn đang lọc máu, liều duy trì trung vị cần thiết để giữ mức hematocrit ở khoảng 30-36% là khoảng 75 IU/kg ba lần một tuần.
Trong một nghiên cứu về chất lượng cuộc sống, mù đôi, đa trung tâm, có đối chứng với giả dược, thực hiện ở những bệnh nhân suy thận mạn đang lọc máu, sự cải thiện khi đánh giá về độ mệt mỏi, các triệu chứng thực thể, các mối quan hệ và tính trầm cảm (Bảng câu hỏi Bệnh Thận) có ý nghĩa cả về thống kê và lâm sàng đã được ghi nhận trên những bệnh nhân điều trị với epoetin alfa so với nhóm giả dược sau sáu tháng điều trị. Những bệnh nhân từ nhóm được điều trị với epoetin alfa cũng được đưa vào một nghiên cứu nhãn mở, mở rộng và đã chứng tỏ có sự cải thiện về chất lượng cuộc sống được duy trì thêm 12 tháng.
Bệnh nhân người lớn suy thận chưa lọc máu
Trong những thử nghiệm lâm sàng được thực hiện trên những bệnh nhân suy thận mạn chưa lọc máu được điều trị với epoetin alfa, thời gian điều trị trung bình gần 5 tháng. Những bệnh nhân này có đáp ứng với epoetin alfa tương tự như các quan sát thấy trên những bệnh nhân có lọc máu. Những bệnh nhân suy thận mạn không lọc máu chứng tỏ có sự tăng hematocrit duy trì theo liều khi epoetin alfa được tiêm tĩnh mạch hoặc tiêm dưới da. Tỷ lệ tăng hematocrit tương tự đã được ghi nhận khi sử dụng epoetin alfa bằng một trong hai đường dùng nêu trên. Hơn nữa, các liều epoetin alfa 75-150 IU/kg một tuần đã duy trì hematocrit trong khoảng 36-38% lên đến 6 tháng.
Trong một nghiên cứu kéo dài khoảng cách liều duy trì của epoetin alfa (1 lần 1 tuần, 1 lần mỗi 2 tuần và 1 lần mỗi 4 tuần), một vài bệnh nhân với khoảng thời gian giữa các liều dài hơn không duy trì đủ nồng độ hemoglobin và đã đạt tiêu chuẩn rút lui do hemoglobin theo định nghĩa của đề cương nghiên cứu (0% cho nhóm 1 lần 1 tuần, 3,7% cho nhóm 1 lần mỗi 2 tuần và 3,3% cho nhóm 1 lần mỗi 4 tuần).
Một thử nghiệm tiến cứu, phân bố ngẫu nhiên (CHOIR) đã đánh giá 1432 bệnh nhân suy thận mạn có thiếu máu mà không lọc máu. Những bệnh nhân được phân bố điều trị với epoetin alfa nhằm đạt mức hemoglobin duy trì 13,5 g/dL (cao hơn mức hemoglobin mục tiêu được khuyến cáo) hoặc 11,3 g/dL. Biến cố tim mạch chính (tử vong, nhồi máu cơ tim, đột quỵ hoặc nhập viện vì suy tim sung huyết) xảy ra ở 125 (18%) trên 715 bệnh nhân trong nhóm hemoglobin ngưỡng cao hơn so với 97 (14%) trong số 717 bệnh trong nhóm hemoglobin ngưỡng thấp hơn (tỷ lệ nguy cơ [HR] 1,3; 95% CI: 1,0; 1,7; p=0,03).
Điều trị bệnh nhân thiếu máu do hoá trị liệu
Epoetin alfa đã được nghiên cứu trong các thử nghiệm lâm sàng ở bệnh nhân người lớn ung thư bị thiếu máu có các u dạng đặc và u lympho, và những bệnh nhân với các phác đồ hóa trị khác nhau, bao gồm các phác đồ có chứa platin và không chứa platin. Trong các thử nghiệm này, epoetin alfa được tiêm ba lần một tuần và một lần mỗi tuần đã cho thấy tăng hemoglobin và giảm nhu cầu truyền máu sau tháng đầu điều trị ở bệnh nhân ung thư thiếu máu. Trong một số nghiên cứu, giai đoạn mù đôi được nối tiếp bằng giai đoạn nhãn mở trong đó tất cả bệnh nhân đều dùng epoetin alfa và quan sát thấy có hiệu quả duy trì.
Các bằng chứng hiện có gợi ý rằng các đáp ứng sinh hồng cầu đối với việc điều trị bằng epoetin alfa là tương tự nhau giữa các bệnh nhân u hệ máu không thuộc dòng tủy và u dạng đặc và ở những bệnh nhân có hoặc không có thâm nhiễm u tủy xương. Trong các thử nghiệm ở bệnh nhân hóa trị, kết quả cho thấy epoetin alfa và các nhóm giả dược có vùng diện tích tương tự nhau ở dưới đường biểu diễn tế bào đa nhân trung tính theo thời gian cũng như tỷ lệ tương tự về số bệnh nhân có số lượng tế bào bạch cầu đa nhân trung tính giảm xuống dưới 1000 và 500 tế bào/mcL ở những nhóm bệnh nhân được điều trị với epoetin alfa và giả dược.
Trong một thử nghiệm tiến cứu, phân bố ngẫu nhiên, mù đôi, có đối chứng với giả dược đã được thực hiện ở 375 bệnh nhân thiếu máu với các bệnh lý ác tính không có nguồn gốc từ tủy xương đang được hóa trị với phác đồ không chứa platin, kết quả cho thấy có sự giảm đáng kể các hậu quả do thiếu máu (như mệt mỏi, giảm sinh lực và giảm các hoạt động), được đánh giá bởi các phương tiện và các bảng thang điểm câu hỏi như: Thang điểm đánh giá chung chức năng ở bệnh nhân điều trị ung thư có thiếu máu, thang điểm đánh giá sự mệt mỏi, và thang điểm đánh giá chất lượng cuộc sống ở bệnh nhân ung thư.
Một nghiên cứu đa trung tâm, nhãn mở, ngẫu nhiên đã được thực hiện trên 2098 bệnh nhân nữ bị thiếu máu do ung thư vú di căn đã dùng hoá trị liệu bước 1 hoặc bước 2. Đây là một nghiên cứu không kém hơn được thiết kế để loại bỏ việc tăng 15% nguy cơ tiến triển của khối u hoặc tử vong của epoetin alfa cộng với chăm sóc theo tiêu chuẩn (SOC) so sánh với chăm sóc theo tiêu chuẩn đơn thuần. Trung vị thời gian sống không bệnh tiến triển (PFS) theo đánh giá của nghiên cứu viên về sự tiến triển của bệnh là 7,4 tháng trên mỗi nhóm (HR 1,09; 95% CI: 0,99; 1,20), chỉ ra rằng mục tiêu của nghiên cứu đã không đạt. Trung vị PFS với sự tiến triển bệnh đã được đánh giá bởi Hội đồng Xem xét Độc lập là 7,6 tháng trên mỗi nhóm (HR 1,03; 95% CI: 0,92; 1,15). Tại điểm ngừng nghiên cứu lâm sàng, 1337 ca tử vong đã được báo cáo. Trung vị sống còn toàn bộ trên nhóm epoetin alfa cộng với SOC là 17,2 tháng so với 17,4 tháng trong nhóm SOC đơn thuần (HR 1,06; 95% CI: 0,95; 1,18). Trong nhóm epoetin alfa cộng với SOC số bệnh nhân đã được truyền RBC ít hơn hẳn (5,8% so với 11,4%); tuy nhiên, số lượng bệnh nhân có biến cố huyết khối nghẽn mạch trên nhóm epoetin alfa cộng với SOC nhiều hơn hẳn (2,8% so với 1,4%). Trong phân tích cuối cùng, đã ghi nhận 1653 trường hợp tử vong. Trung vị sống còn toàn bộ trong nhóm epoetin alfa cộng với SOC là 17,8 tháng so với 18,0 tháng trong nhóm SOC đơn thuần (HR 1,07; 95% CI: 0,97; 1,18). Trung vị thời gian tiến triển bệnh (TTP) theo đánh giá của nghiên cứu viên về tiến triển bệnh (PD) là 7,5 tháng trong nhóm epoetin alfa cộng với SOC và 7,5 tháng trong nhóm SOC đơn thuần (HR 1,099; 95% CI: 0,998; 1,210). Trung vị TTP theo đánh giá của IRC về tiến triển bệnh là 8,0 tháng trong nhóm epoetin alfa cộng với SOC và 8,3 tháng trong nhóm SOC đơn thuần (HR 1,033; 95% CI: 0,924; 1,156).
Toàn bộ các bằng chứng, bao gồm các kết quả phân tích gộp và kinh nghiệm lâm sàng từ những nghiên cứu có đối chứng của ESA trên những bệnh nhân ung thư, tiếp tục hỗ trợ việc khuyến khích sử dụng ESA khi đánh giá về nguy cơ-lợi ích ở những bệnh nhân thiếu máu do hóa trị, khi sử dụng thuốc theo thông tin kê toa. Trong các phân tích gộp của những nghiên cứu ở bệnh nhân đang được hóa trị, không có sự gia tăng có ý nghĩa về mặt thống kê về tỷ lệ tử vong hoặc tiến triển khối u. Các dấu hiệu trong những thử nghiệm riêng lẻ tiến hành không tuân theo các khuyến cáo của thông tin sản phẩm (hemoglobin mục tiêu trên 12 g/dL và/hoặc không có hóa trị) đã gây nên một số lo ngại (xem Cảnh báo - ''Bệnh nhân ung thư'').
Chương trình tiền hiến máu tự thân
Hiệu quả của epoetin alfa trong việc làm thuận lợi cho hiến máu tự thân ở bệnh nhân có mức hematocrit thấp (≤39% và không thiếu máu do thiếu sắt) đã được xếp lịch để phẫu thuật chỉnh hình quan trọng được đánh giá trong một nghiên cứu có đối chứng với giả dược, mù đôi trong 204 đối tượng, và một nghiên cứu có đối chứng với giả dược, mù đơn trong 55 đối tượng.
Trong nghiên cứu mù đôi, các đối tượng được điều trị epoetin alfa 600 IU/kg hoặc giả dược đường tĩnh mạch 1 lần/ngày mỗi 3 đến 4 ngày trong 3 tuần (tổng cộng 6 liều). Tính trung bình, các đối tượng được điều trị với epoetin alfa có thể dự trữ nhiều đơn vị máu hơn đáng kể (4,5 đơn vị) so với các đối tượng dùng giả dược (3,0 đơn vị).
Trong một nghiên cứu mà các đối tượng, bác sĩ phẫu thuật và bác sĩ gây mê bị làm mù, các đối tượng được điều trị epoetin alfa 300 IU/kg hoặc 600 IU/kg hoặc giả dược theo đường tĩnh mạch 1 lần/ngày mỗi 3 đến 4 ngày trong 3 tuần (tổng cộng 6 liều). Các đối tượng điều trị với epoetin alfa cũng có thể dự trữ nhiều đơn vị máu hơn đáng kể (epoetin alfa 300 IU/kg = 4,4 đơn vị; epoetin alfa 600 IU/kg = 4,7 đơn vị) so với các đối tượng dùng giả dược (2,9 đơn vị).
Điều trị với epoetin alfa làm giảm 50% nguy cơ phơi nhiễm với máu dị sinh so với các đối tượng không dùng epoetin alfa.
Phẫu thuật chỉnh hình không cấp thiết quan trọng
Hiệu quả của epoetin alfa (300 IU/kg hoặc 100 IU/kg) trong việc phơi nhiễm với truyền máu dị sinh được đánh giá trong một thử nghiệm lâm sàng mù đôi, có đối chứng với giả dược trên các đối tượng người lớn không thiếu sắt đã được xếp lịch phẫu thuật chỉnh hình đầu gối hoặc hông không cấp thiết quan trọng. Epoetin alfa được tiêm dưới da trong 10 ngày trước khi phẫu thuật, vào ngày phẫu thuật và 4 ngày sau phẫu thuật. Các đối tượng được phân tầng theo mức hemoglobin ban đầu của họ (≤10 g/dL, >10 đến ≤13 g/dL và >13 g/dL).
Điều trị với epoetin alfa liều 300 IU/kg làm giảm đáng kể nguy cơ truyền máu dị sinh ở các đối tượng có hemoglobin trước điều trị >10 đến ≤13 g/dL. 16% bệnh nhân dùng epoetin alfa 300 IU/kg, 23% bệnh nhân dùng epoetin alfa 100 IU/kg và 45% bệnh nhân dùng giả dược cần truyền máu.
Một thử nghiệm nhóm đồng thời, nhãn mở trên các đối tượng người lớn không thiếu sắt có hemoglobin trước điều trị ≥10 đến ≤13 g/dL mà đã được xếp lịch phẫu thuật chỉnh hình đầu gối hoặc hông quan trọng so sánh liều dùng epoetin alfa 300 IU/kg/ngày tiêm dưới da trong 10 ngày trước khi phẫu thuật, vào ngày phẫu thuật và 4 ngày sau phẫu thuật với liều dùng epoetin alfa 600 IU/kg tiêm dưới da 1 lần/tuần trong 3 tuần trước khi phẫu thuật và vào ngày phẫu thuật.
Từ tiền điều trị đến tiền phẫu thuật, mức tăng trung bình của hemoglobin trong nhóm 600 IU/kg hàng tuần (1,44 g/dL) gấp đôi so với nhóm 300 IU/kg hàng ngày (0,73 g/dL). Mức hemoglobin trung bình là tương tự nhau trong cả hai nhóm điều trị trong khoảng thời gian sau phẫu thuật.
Đáp ứng tạo hồng cầu được quan sát thấy trong cả hai nhóm điều trị, do đó tỷ lệ truyền máu tương tự nhau (16% trong nhóm liều 600 IU/kg hàng tuần và 20% trong nhóm liều 300 IU/kg hàng ngày).
Bệnh nhân người lớn bị hội chứng loạn sản tủy nhẹ hoặc trung bình nguy cơ độ 1
Một nghiên cứu đa trung tâm, đối chứng với giả dược, mù đôi, ngẫu nhiên đã đánh giá tính an toàn và hiệu quả của epoetin alfa trên người lớn thiếu máu kèm theo hội chứng loạn sản tủy nhẹ hoặc trung bình nguy cơ độ 1.
Đáp ứng hồng cầu xác định theo tiêu chuẩn IWG 2006 khi hemoglobin tăng ≥1,5 g/dL so với ban đầu hoặc giảm đơn vị RBC truyền với số lượng tuyệt đối ít nhất 4 đơn vị mỗi 8 tuần so với 8 tuần trước thời điểm ban đầu và có khoảng thời gian đáp ứng ít nhất 8 tuần.
Đáp ứng hồng cầu trong 24 tuần đầu của nghiên cứu thể hiện bởi 27/85 (31,8%) bệnh nhân trong nhóm epoetin alfa so với 2/45 (4,4%) bệnh nhân trong nhóm giả dược (p<0,001).
Trung vị thời gian từ thời điểm ban đầu tới lần truyền đầu tiên trong nhóm epoetin alfa dài hơn hẳn so với nhóm giả dược (49 so với 37 ngày; p=0,046). Sau 4 tuần điều trị, thời gian đến lần truyền đầu tiên tăng hơn nữa ở nhóm epoetin alfa (142 so với 50 ngày, p=0,007). Phần trăm bệnh nhân phải truyền trong nhóm epoetin alfa giảm từ 51,8% trong 8 tuần trước khi điều trị xuống còn 24,7% trong khoảng tuần 16 và 24, so với nhóm giả dược thì tỷ lệ truyền tăng từ 48,9% lên 54,1% trong cùng khoảng thời gian kể trên.
Đối tượng trẻ em
Suy thận mạn
Epoetin alfa được đánh giá trong một nghiên cứu lâm sàng 52 tuần, tăng liều, không ngẫu nhiên, nhãn mở trên các bệnh nhân nhi suy thận mạn đang thẩm phân máu. Tuổi trung vị của các đối tượng trong nghiên cứu là 11,6 tuổi (từ 0,5 đến 20,1 tuổi).
Epoetin alfa được dùng theo đường tĩnh mạch ở liều 75 IU/kg/tuần chia 2 hoặc 3 liều sau thẩm phân, được chuẩn liều bởi liều 75 IU/kg/tuần cách quãng 4 tuần (tối đa 300 IU/kg/tuần), để đạt được tăng hemoglobin 1 g/dL/tháng. Phạm vi nồng độ hemoglobin mong muốn là 9,6 đến 11,2 g/dL. 81% bệnh nhân đạt được nồng độ hemoglobin trong phạm vi mong muốn. Thời gian trung vị tới mục tiêu là 11 tuần và liều trung vị tại mục tiêu là 150 IU/kg/tuần. 90% bệnh nhân đạt mục tiêu có chế độ liều 3 lần/tuần.
Sau 52 tuần, 57% bệnh nhân còn lại trong nghiên cứu, đang dùng liều trung vị 200 IU/kg/tuần.
Dữ liệu lâm sàng khi dùng đường tiêm dưới da trên trẻ em còn hạn chế. Trong 5 nghiên cứu nhỏ không đối chứng, nhãn mở (số lượng bệnh nhân từ 9-22, tổng N=72), đã dùng epoetin tiêm dưới da cho trẻ với liều khởi đầu 100 IU/kg/tuần đến 150 IU/kg/tuần với khả năng tăng liều đến 300 IU/kg/tuần. Trong những nghiên cứu này, hầu hết là bệnh nhân trước lọc thận (N=44), 27 bệnh nhân thẩm phân phúc mạc và 2 bệnh nhân thẩm phân máu với tuổi từ 4 tháng đến 17 tuổi. Về tổng quan, những nghiên cứu này có hạn chế về phương pháp luận nhưng có xu hướng điều trị tích cực xét về nồng độ hemoglobin cao hơn. Không có báo cáo về tác dụng ngoại ý.
Thiếu máu do hóa trị liệu
Đã đánh giá epoetin alfa 600 IU/kg (tiêm tĩnh mạch hoặc tiêm dưới da một lần mỗi tuần) trong một nghiên cứu 16 tuần, đối chứng với giả dược, mù đôi, ngẫu nhiên và trong một nghiên cứu 20 tuần, nhãn mở, đối chứng, ngẫu nhiên trên trẻ dùng hóa trị liệu ức chế tủy để điều trị ung thư không do tủy thể trẻ em.
Trong nghiên cứu 16 tuần (N=222), không thấy có tác động có ý nghĩa thống kê lên Chỉ số chất lượng cuộc sống của trẻ (Pediatric Quality of Life Inventory) hoặc thang điểm đơn vị ung thư (Cancer Module scores) dựa trên báo cáo của bệnh nhân hoặc cha mẹ bệnh nhân trong nhóm điều trị bởi epoetin alfa so với nhóm giả dược (tiêu chí hiệu quả chính). Thêm vào đó, không có sự khác biệt về mặt thống kê về tỷ lệ bệnh nhân cần truyền RBC giữa nhóm epoetin alfa và giả dược.
Trong nghiên cứu 20 tuần (N=225), không quan sát thấy sự khác biệt đáng kể về tiêu chí hiệu quả chính; tỷ lệ bệnh nhân cần truyền RBC sau Ngày 28 (62% bệnh nhân dùng epoetin alfa so với 69% bệnh nhân dùng liệu pháp chuẩn).

Dược động học

Đường tiêm tĩnh mạch
Đo lường epoetin alfa sau khi tiêm tĩnh mạch liều 50-100 IU/kg đã cho thấy thời gian bán hủy khoảng 4 giờ ở những người khoẻ mạnh và thời gian bán hủy dài hơn ở những bệnh nhân suy thận, khoảng 5 giờ, sau những liều 50, 100, 150 IU/kg. Thời gian bán hủy khoảng 6 giờ được ghi nhận ở bệnh nhân trẻ em. Với ít nhất 4 ngày lấy mẫu máu dược động học, các ước lượng thời gian bán hủy trong khoảng từ 20,1 đến 33,0 giờ đã được quan sát thấy ở những bệnh nhân ung thư đang dùng liều epoetin alfa 667 và 1500 IU/kg tiêm tĩnh mạch.
Đường tiêm dưới da
Nồng độ huyết thanh khi tiêm dưới da thấp hơn tiêm tĩnh mạch. Nồng độ huyết thanh gia tăng chậm và đạt đỉnh 12-18 giờ sau khi tiêm dưới da. Nồng độ đỉnh tiêm dưới da luôn thấp hơn tiêm tĩnh mạch (khoảng 1/20 giá trị).
Không có tích lũy liều: Nồng độ huyết thanh vẫn không thay đổi cho dù những dữ liệu được thu thập 24 giờ sau liều đầu tiên hay 24 giờ sau liều cuối cùng. Dữ liệu về nồng độ theo thời gian của erythropoietin ở Tuần 1 và Tuần 4 là tương tự nhau khi dùng nhiều liều 600 IU/kg 1 lần mỗi tuần ở người khoẻ mạnh.
Dữ liệu về dược động học cho thấy không có sự khác biệt rõ về thời gian bán hủy giữa bệnh nhân người lớn trên hoặc dưới 65 tuổi.
Một nghiên cứu trên 7 trẻ sơ sinh non tháng rất nhẹ cân và 10 người lớn khoẻ mạnh sử dụng erythropoietin tiêm tĩnh mạch cho thấy thể tích phân bố ở trẻ sơ sinh non tháng cao hơn khoảng 1,5-2 lần ở người lớn khoẻ mạnh, và độ thanh thải ở trẻ sơ sinh non tháng cao hơn 3 lần so với người lớn khoẻ mạnh.
Thời gian bán hủy khi dùng đường tiêm dưới da là khoảng 24 giờ. Các giá trị thời gian bán hủy trung bình ở các đối tượng khỏe mạnh tương ứng là 19,4±8,1 với nhiều liều 150 IU/kg ba lần một tuần và 15,0±6,1 với liều 40000 IU một lần mỗi tuần.
Trong 1 nghiên cứu so sánh epoetin alfa có chứa HSA ở các chế độ liều 40000 IU tiêm dưới da một lần mỗi tuần với 150 IU/kg tiêm dưới da ba lần một tuần ở các đối tượng khỏe mạnh, các thông số sau đã được đánh giá bằng cách sử dụng các dữ liệu đã được hiệu chỉnh đối với nồng độ erythropoietin nội sinh trước khi tiêm thuốc trong Tuần 4:
- xem Bảng 1.

Dựa trên sự so sánh diện tích dưới đường cong (AUC), độ sinh khả dụng tương đối của epoetin alfa 40000 IU một lần mỗi tuần so với 150 IU/kg ba lần một tuần là 176%.
Trong 1 nghiên cứu so sánh 40000 IU tiêm dưới da một lần mỗi tuần so với 150 IU/kg tiêm dưới da ba lần một tuần của epoetin alfa không chứa HSA ở các đối tượng khỏe mạnh, các thông số sau đã được đánh giá bằng cách sử dụng các dữ liệu đã được hiệu chỉnh đối với nồng độ erythropoietin nội sinh trước khi tiêm thuốc trong Tuần 4:
- xem Bảng 2.

Dựa trên sự so sánh diện tích dưới đường cong (AUC), độ sinh khả dụng tương đối của epoetin alfa 40.000 IU một lần mỗi tuần so với 150 IU/kg ba lần một tuần là 239%.
Sinh khả dụng của epoetin alfa tiêm dưới da sau một liều 120 IU/kg thì thấp hơn nhiều sinh khả dụng của thuốc khi tiêm tĩnh mạch: khoảng 20%.
Các thông số dược động học đã được đánh giá khi dùng thuốc epoetin alfa có chứa HSA với liều 150 IU/kg ba lần một tuần hoặc với liều 40000 IU/mL một lần mỗi tuần ở các đối tượng nghiên cứu khỏe mạnh và các bệnh nhân ung thư bị thiếu máu đang được điều trị với các liệu trình hóa trị theo chu kỳ. Các thông số dược động học ở những bệnh nhân ung thư thiếu máu thì khác với những thông số được quan sát thấy ở những đối tượng nghiên cứu khỏe mạnh trong suốt Tuần 1 (khi các bệnh nhân ung thư thiếu máu đang hóa trị) nhưng tương tự trong suốt Tuần 3 (khi các bệnh nhân ung thư thiếu máu không đang hóa trị).
- xem Bảng 3.

Các đặc tính dược động học của epoetin alfa không chứa HSA ở các bệnh nhân ung thư bị thiếu máu và đang được hóa trị liệu theo chu kỳ đã được nghiên cứu sau khi cho dùng thuốc với các chế độ liều 150 IU/kg ba lần một tuần và 40000 IU một lần mỗi tuần. Nhìn chung, các thông số dược động học ở những bệnh nhân ung thư thiếu máu có mức độ biến thiên cao. Về tổng thể, các dữ liệu dược động học đầu tiên của epoetin alfa trong suốt Tuần 1 (khi các bệnh nhân ung thư thiếu máu đang hóa trị liệu) thể hiện nồng độ Cmax cao hơn, tăng thời gian bán hủy, và độ thanh thải thấp hơn bộ dữ liệu dược động học thứ hai trong suốt Tuần 3 hoặc 4 (khi các bệnh nhân ung thư thiếu máu không đang hóa trị liệu).
- xem Bảng 4.

An toàn tiền lâm sàng

Độc tính mạn
Trong các nghiên cứu về độc tính liều lặp lại ở chó và chuột cống, không nghiên cứu ở khỉ, cho thấy điều trị với epoetin alfa có liên quan với chứng xơ hóa tủy xương trên cận lâm sàng. Chứng xơ hóa tủy xương là một biến chứng được biết ở những người suy thận mạn; nó có thể liên quan tới cường tuyến cận giáp thứ phát hoặc những yếu tố không rõ. Trong một nghiên cứu, thấy không có sự khác biệt về tần suất bị xơ cứng tủy xương ở những bệnh nhân thẩm phân máu được điều trị với epoetin alfa trong 3 năm so với bệnh nhân thẩm phân máu không điều trị epoetin alfa.
Tính gây ung thư và tính gây đột biến
Tính gây ung thư
Những nghiên cứu lâu dài về tính gây ung thư chưa được thực hiện. Trong y văn có những báo cáo trái ngược liên quan đến ESA như là chất tăng sinh khối u. Dựa trên những in vitro từ những mẫu khối u của người thì ý nghĩa lâm sàng của những báo cáo này không được biết rõ.
Tính gây đột biến
Epoetin alfa không gây đột biến gen vi khuẩn (Ames Test), sai lệch nhiễm sắc thể ở những tế bào động vật có vú, vi nhân ở chuột nhắt, hoặc đột biến gen ở vị trí HGPRT.
Độc tính trên sinh sản
Các nghiên cứu tiền lâm sàng chứng tỏ không có tính gây quái thai ở chuột hoặc thỏ khi dùng liều tiêm tĩnh mạch lên đến 500 IU/kg/ngày. Tuy nhiên, tiêm tĩnh mạch epoetin alfa có thể gây giảm nhẹ khả năng sinh sản ở liều 500 IU/kg, tăng tỷ lệ mất phôi trước và sau khi làm tổ và giảm trọng lượng thai nhi ở liều 100 và 500 IU/kg/ngày và làm chậm sự hóa xương ở liều 20, 100 và 500 IU/kg/ngày nhưng không có ý nghĩa về mặt thống kê. Sự phát hiện giảm trọng lượng thai nhi và làm chậm sự hóa xương có liên quan tới giảm trọng lượng cơ thể người mẹ. Tiêm tĩnh mạch ở liều 500 IU/kg/ngày trên nhóm chuột cống đang cho con bú cho thấy có sự giảm tăng trọng lượng cơ thể, chậm mọc lông ở bụng và chậm mở mắt, và giảm số lượng đốt sống đuôi ở các bào thai thế hệ F1. Không có tác động liên quan của epoetin alfa trên các bào thai thế hệ F2.

Chỉ định/Công dụng

EPREX được chỉ định điều trị thiếu máu do suy thận mạn ở bệnh nhân nhi (1-18 tuổi) và người lớn thẩm phân máu và thẩm phân phúc mạc.
EPREX được chỉ định điều trị thiếu máu nặng có nguồn gốc thận, có biểu hiện triệu chứng trên lâm sàng ở bệnh nhân người lớn suy thận chưa từng thẩm phân máu.
EPREX được chỉ định điều trị thiếu máu và giảm nhu cầu truyền máu ở bệnh nhân người lớn ung thư không phải dạng tủy bào đang được hoá trị liệu.
EPREX được chỉ định điều trị thiếu máu ở các bệnh nhân người lớn nhiễm HIV đang được điều trị bằng zidovudine có mức erythropoietin nội sinh ≤500 mU/mL.
EPREX được chỉ định tạo thuận lợi cho việc lấy máu tự thân trong chương trình gửi máu trước và giảm nguy cơ của việc truyền máu dị thân ở những bệnh nhân người lớn thiếu máu mức độ trung bình (hematocrit 33-39%, hemoglobin 10-13 g/dL, [6,2-8,1 mmol/L], không bị thiếu sắt), những bệnh nhân này đã được lên chương trình cho một cuộc phẫu thuật lớn có chọn lọc và dự kiến cần nhiều máu hơn lượng máu mà họ có thể có được thông qua kỹ thuật lấy máu tự thân không sử dụng EPREX. Chỉ sử dụng EPREX cho bệnh nhân nếu thủ tục bù máu không có hoặc không đầy đủ khi cuộc phẫu thuật lớn có chọn lọc đã được lên chương trình cần lượng lớn máu (≥4 đơn vị máu cho nữ hoặc ≥5 đơn vị máu cho nam).
EPREX được chỉ định để tăng tạo hồng cầu trong khoảng thời gian trước khi phẫu thuật mục đích để giảm truyền máu dị thân và hiệu chỉnh thiếu máu sau phẫu thuật ở bệnh nhân người lớn không thiếu sắt trải qua cuộc phẫu thuật chỉnh hình lớn có chọn lọc. Hạn chế sử dụng thuốc cho bệnh nhân thiếu máu mức độ trung bình (ví dụ Hb 10-13 g/dL) không có chương trình tiền hiến máu tự thân với dự kiến mất máu trung bình (900 đến 1800 mL).
EPREX được chỉ định để điều trị thiếu máu (nồng độ hemoglobin ≤10 g/dL) ở bệnh nhân người lớn bị hội chứng loạn sản tủy nhẹ hoặc trung bình nguy cơ độ 1 với nồng độ erythropoietin huyết thanh thấp (<200 mU/mL).

Liều lượng & Cách dùng

EPREX có thể được chỉ định tiêm tĩnh mạch hoặc tiêm dưới da. Đối với bệnh nhân suy thận mạn bao gồm bệnh thận giai đoạn cuối, chỉ nên dùng đường tiêm tĩnh mạch.
Cũng như các thuốc dùng đường tiêm khác, dung dịch tiêm phải được kiểm tra về các tiểu phân và sự biến màu trước khi tiêm. Không được lắc, vì lắc có thể làm biến tính glycoprotein làm bất hoạt thuốc.
EPREX ở dạng ống tiêm sử dụng một lần không chứa chất bảo quản. Không được tái sử dụng ống tiêm. Bỏ phần không sử dụng.
Tiêm tĩnh mạch
EPREX nên được tiêm ít nhất trên một phút đến năm phút, tùy thuộc tổng liều.
Nên tiêm chậm trên bệnh nhân phản ứng với điều trị có triệu chứng giả cúm.
Ở bệnh nhân thẩm phân máu, nên tiêm thuốc một lần trong suốt quá trình thẩm phân thông qua cửa tĩnh mạch thích hợp trên đường thẩm phân. Hoặc, có thể tiêm qua kim truyền ngay khi kết thúc thẩm phân, sau đó dùng 10 mL nước muối đẳng trương để rửa ống và đảm bảo thuốc được tiêm hoàn toàn vào tuần hoàn.
EPREX không được chỉ định truyền tĩnh mạch hoặc pha trộn với các thuốc khác.
Tiêm dưới da
Thể tích tối đa tại nơi tiêm là 1 mL. Cần phải tiêm nhiều hơn một nơi nếu thể tích tiêm lớn hơn.
Nên tiêm ở chân tay hoặc thành bụng trước.
Liều dùng
Bệnh nhân suy thận mạn
Chỉ nên dùng đường tiêm tĩnh mạch cho bệnh nhân mắc bệnh thận mạn tính.
Nồng độ hemoglobin đích nên là 10-12 g/dL (6,2-7,5 mmol/L) ở người lớn và 9,5-11 g/dL (5,9-6,8 mmol/L) ở trẻ em.
Ở bệnh nhân suy thận mạn nên duy trì nồng độ hemoglobin không vượt quá giới hạn trên của khoảng nồng độ hemoglobin (xem Cảnh báo - ''Bệnh nhân suy thận'').
Khi thay đổi đường tiêm, nên khởi đầu cùng một liều và sau đó điều chỉnh để đạt nồng độ hemoglobin trong khoảng nồng độ giới hạn.
Trong giai đoạn chỉnh liều, nên tăng liều EPREX nếu hemoglobin không tăng ít nhất 1 g/dL (0,62 mmol/L) mỗi tháng.
Thông thường ghi nhận mức gia tăng hemoglobin có ý nghĩa lâm sàng sau hơn 2 tuần và có thể đến 6-10 tuần ở một vài bệnh nhân.
Khi nồng độ hemoglobin trong khoảng giới hạn, nên giảm liều 25 IU/kg/liều để tránh tình trạng vượt quá khoảng giới hạn. Nên giảm liều khi hemoglobin đạt được 12 g/dL.
Có thể giảm liều bằng cách bỏ qua một trong các liều trong mỗi tuần hoặc bằng cách giảm số lượng thuốc mỗi liều.
Bệnh nhân người lớn đang chạy thận nhân tạo
Ở những bệnh nhân chạy thận nhân tạo, chỉ nên sử dụng đường tiêm tĩnh mạch.
Việc điều trị được chia thành hai giai đoạn:
Giai đoạn điều chỉnh
50 IU/kg ba lần mỗi tuần.
Khi cần thiết, nên điều chỉnh liều bằng cách tăng 25 IU/kg ba lần mỗi tuần trong khoảng thời gian ít nhất 4 tuần cho đến khi đạt đến phạm vi nồng độ hemoglobin (10-12 g/dL [6,2-7,5 mmol/L]).
Giai đoạn duy trì
Điều chỉnh liều để duy trì các giá trị hemoglobin ở nồng độ mong muốn: Hb từ 10 đến 12 g/dL (6,2-7,5 mmol/L).
Liều duy trì nên được cá thể hóa cho mỗi bệnh nhân suy thận mạn. Tổng liều hàng tuần được đề nghị là từ 75 đến 300 IU/kg.
Dữ liệu hiện có cho thấy bệnh nhân có hemoglobin ban đầu (<6 g/dL hoặc <3,7 mmol/L) có thể cần dùng liều duy trì cao hơn so với những bệnh nhân có hemoglobin ban đầu (>8 g/dL hoặc >5 mmol/L).
Bệnh nhân nhi đang chạy thận nhân tạo
Việc điều trị được chia thành hai giai đoạn:
Giai đoạn điều chỉnh
50 IU/kg ba lần mỗi tuần bằng đường tĩnh mạch.
Khi cần thiết, nên điều chỉnh liều bằng cách tăng 25 IU/kg ba lần mỗi tuần trong khoảng thời gian ít nhất 4 tuần cho đến khi đạt được khoảng nồng độ hemoglobin (9,5-11 g/dL [5,9-6,8 mmol/L]).
Giai đoạn duy trì
Nên điều chỉnh liều dùng thích hợp để duy trì nồng độ hemoglobin trong phạm vi mong muốn giữa 9,5 g/dL đến 11 g/dL (5,9-6,8 mmol/L).
Nói chung, trẻ em dưới 30kg cần liều duy trì cao hơn so với trẻ em trên 30kg và người lớn. Ví dụ, liều duy trì sau đây đã được quan sát thấy trong các thử nghiệm lâm sàng sau 6 tháng điều trị.
- xem Bảng 5.

Dữ liệu có sẵn cho thấy bệnh nhân có hemoglobin ban đầu là rất thấp (hemoglobin <6,8 g/dL [4,2 mmol/L]) có thể cần dùng liều duy trì cao hơn so với bệnh nhân có hemoglobin ban đầu là cao hơn (hemoglobin >6,8 g/dL [4,2 mmol/L]).
Bệnh nhân người lớn thẩm phân phúc mạc
Ở những bệnh nhân thẩm phân phúc mạc, chỉ nên dùng đường tiêm tĩnh mạch.
Việc điều trị được chia thành hai giai đoạn:
Giai đoạn điều chỉnh
50 IU/kg hai lần mỗi tuần.
Khi cần thiết, điều chỉnh liều nên được thực hiện tăng 25 IU/kg hai lần mỗi tuần trong khoảng thời gian ít nhất 4 tuần cho đến khi đạt được phạm vi nồng độ hemoglobin (10-12 g/dL [6,2-7,5 mmol/L]).
Giai đoạn duy trì
Liều thông thường để duy trì phạm vi nồng độ hemoglobin (10-12 g/dL [6,2- 7,5 mmol/L]) là từ 25 đến 50 IU/kg hai lần mỗi tuần chia hai lần tiêm bằng nhau.
Bệnh nhân nhi thẩm phân phúc mạc
Việc điều trị được chia thành hai giai đoạn:
Giai đoạn điều chỉnh
50 IU/kg ba lần mỗi tuần bằng đường tiêm tĩnh mạch.
Khi cần thiết, nên điều chỉnh liều bằng cách tăng 25 IU/kg ba lần mỗi tuần trong khoảng thời gian ít nhất 4 tuần cho đến khi đạt được phạm vi nồng độ hemoglobin (9,5-11 g/dL [5,90-6,83 mmol/L]).
Giai đoạn duy trì
Nói chung, trẻ em <30kg cần liều duy trì cao hơn so với trẻ em >30kg và người lớn. Ví dụ, đã quan sát thấy liều duy trì sau đây trong các thử nghiệm lâm sàng sau 6 tháng điều trị.
- xem Bảng 6.

Dữ liệu có sẵn cho thấy bệnh nhân có hemoglobin ban đầu <6,8 g/dL (4,2 mmol/L) có thể đòi hỏi liều duy trì cao hơn so với bệnh nhân có hemoglobin ban đầu >6,8 g/dL (4,2 mmol/L).
Bệnh nhân người lớn trước lọc thận (Bệnh nhân người lớn suy thận giai đoạn cuối)
Ở bệnh nhân suy thận chưa lọc thận, chỉ nên dùng đường tiêm tĩnh mạch. Việc điều trị được chia thành hai giai đoạn:
Giai đoạn điều chỉnh
50 IU/kg ba lần mỗi tuần.
Khi cần thiết, nên điều chỉnh liều bằng cách tăng 25 IU/kg, ba lần mỗi tuần trong khoảng thời gian ít nhất 4 tuần cho đến khi đạt được phạm vi nồng độ hemoglobin (10-12 g/dL [6,2-7,5 mmol/L]).
Giai đoạn duy trì
Trong giai đoạn duy trì, EPREX được sử dụng 3 lần một tuần, và trong trường hợp tiêm dưới da, sử dụng 1 lần mỗi tuần hoặc 1 lần mỗi 2 tuần.
Nên điều chỉnh liều và khoảng liều thích hợp để duy trì các giá trị hemoglobin ở nồng độ mong muốn: Hb từ 10 đến 12 g/dL (6,2-7,5 mmol/L). Mở rộng khoảng liều có thể yêu cầu tăng liều.
Liều tối đa không được vượt quá 150 IU/kg 3 lần mỗi tuần, 240 IU/kg (đến tối đa là 20000 IU) một lần mỗi tuần, hoặc 480 IU/kg (lên đến tối đa là 40000 IU) mỗi 2 tuần một lần.
Bệnh nhân ung thư
Ở bệnh nhân ung thư người lớn
Nên dùng đường tiêm dưới da.
Khoảng nồng độ Hb nên là 10 đến 12 g/dL (7,5 mmol/L) ở nam và nữ và không nên vượt quá khoảng này.
Nên tiếp tục điều trị EPREX thêm một tháng sau khi kết thúc hóa trị liệu. Tuy nhiên, nhu cầu điều trị tiếp tục EPREX nên được tái đánh giá định kỳ.
Liều khởi đầu điều trị thiếu máu nên là 150 IU/kg 3 lần mỗi tuần.
EPREX cũng có thể được dùng với liều khởi đầu 40000 IU tiêm dưới da một lần mỗi tuần.
Nếu sau 4 tuần điều trị ở liều khởi đầu, hemoglobin tăng tối thiểu khoảng 1 g/dL (0,6 mmol/L) hoặc hồng cầu lưới tăng ≥40000 tế bào/mcL so với trước điều trị, liều điều trị nên được duy trì.
Nếu sau 4 tuần điều trị ở liều khởi đầu, hemoglobin không tăng ≥1 g/dL (0,6 mmol/L) và hồng cầu lưới không tăng ≥40000 tế bào/mcL so với trước điều trị, khi không thực hiện truyền hồng cầu, nên tăng liều đến 300 IU/kg, 3 lần một tuần hoặc 60000 IU mỗi tuần.
Nếu sau khi điều trị thêm 4 tuần với liều 300 IU/kg, 3 lần mỗi tuần hoặc 60000 IU mỗi tuần, hemoglobin tăng ≥1 g/dL (≥0,6 mmol/L), hoặc hồng cầu lưới tăng ≥40000 tế bào/mcL, liều nên được duy trì không đổi.
Nếu sau khi điều trị thêm 4 tuần với liều 300 IU/kg, 3 lần mỗi tuần hoặc 60000 IU mỗi tuần, hemoglobin tăng <1 g/dL (0,6 mmol/L) và hồng cầu lưới tăng <40000 tế bào/mcL so với trước điều trị thì có lẽ bệnh nhân không đáp ứng với thuốc và nên ngừng điều trị.
Phác đồ liều khuyến cáo được mô tả theo sơ đồ sau:
- xem Hình 1.

Nên tránh gia tăng hemoglobin trên 1 g/dL (0,6 mmol/L) mỗi 2 tuần hoặc trên 2 g/dL (1,25 mmol/L) mỗi tháng hoặc nồng độ hemoglobin >12 g/dL (>8,1 mmol/L). Nếu hemoglobin đang gia tăng >1 g/dL (0,6 mmol/L) mỗi 2 tuần hoặc >2 g/dL (1,25 mmol/L) mỗi tháng hoặc hemoglobin đạt khoảng 12 g/dL (7,5 mmol/L), thì nên giảm liều EPREX khoảng 25-50% dựa vào tốc độ tăng hemoglobin. Nếu hemoglobin vượt quá 12 g/dL (7,5 mmol/L), ngừng điều trị cho đến khi hemoglobin giảm dưới 12 g/dL (7,5 mmol/L) và sau đó bắt đầu lại với trị liệu bằng EPREX ở liều thấp hơn liều trước đó 25%.
Bệnh nhân nhiễm HIV, được điều trị zidovudine
Bệnh nhân người lớn nhiễm HIV, được điều trị zidovudine
Trước khi bắt đầu EPREX, nên xác định nồng độ erythropoietin nội sinh trong huyết thanh trước khi truyền. Dữ liệu hiện có cho thấy bệnh nhân có nồng độ erythropoietin nội sinh trong huyết thanh >500 mU/mL sẽ không đáp ứng với điều trị bằng EPREX.
Việc điều trị được chia làm 2 giai đoạn:
Giai đoạn điều chỉnh
100 IU/kg x 3 lần mỗi tuần trong 8 tuần bằng đường tiêm dưới da hoặc tiêm tĩnh mạch.
Nếu đáp ứng không như mong muốn (ví dụ như giảm nhu cầu cần truyền máu hoặc gia tăng hemoglobin) sau 8 tuần điều trị, thì có thể tăng liều EPREX, liều EPREX có thể tăng thêm 50-100 IU/kg x 3 lần mỗi tuần trong khoảng thời gian ít nhất 4 tuần. Nếu bệnh nhân vẫn không đáp ứng như mong muốn với EPREX ở liều 300 IU/kg x 3 lần mỗi tuần thì được xem như không đáp ứng ở liều cao hơn.
Giai đoạn duy trì
Sau khi đạt được đáp ứng mong muốn, nên điều chỉnh liều dùng để duy trì hematocrit giữa 30-35%, dựa trên các yếu tố như sự thay đổi liều zidovudine, sự hiện diện của nhiễm khuẩn tái phát hoặc các giai đoạn viêm nhiễm. Nếu hematocrit vượt quá 40%, nên tạm ngừng điều trị cho tới khi hematocrit giảm đến 36%. Khi bắt đầu điều trị lại, nên giảm 25% liều và sau đó chỉnh liều để duy trì mức hematocrit mong muốn.
Ở bệnh nhân nhiễm HIV điều trị bằng zidovudine, nồng độ hemoglobin không nên vượt quá 12 g/dL (7,5 mmol/L).
Bệnh nhân người lớn phẫu thuật trong chương trình tiền hiến máu tự thân
Nên sử dụng bằng đường tiêm tĩnh mạch. Nên sử dụng EPREX sau khi hoàn tất mỗi kỳ lấy máu tự thân.
Các bệnh nhân thiếu máu nhẹ (có hematocrit 33-39% và/hoặc hemoglobin 10-13 g/dL (6,2-8,1 mmol/L) cần dự trữ ≥4 đơn vị máu thì liều EPREX sử dụng là 600 IU/kg, 2 lần mỗi tuần trong vòng 3 tuần trước khi phẫu thuật.
Đối với những bệnh nhân có nhu cầu kích thích tạo máu ở mức độ ít hơn, liều sử dụng 150-300 IU/kg, hai lần mỗi tuần cho thấy làm tăng hiệu quả tiền hiến máu tự thân và làm giảm sự sụt giảm hematocrit sau đó.
Bệnh nhân người lớn trong giai đoạn chu phẫu (không hiến máu tự thân)
Nên sử dụng bằng đường tiêm dưới da.
Chế độ liều dùng khuyến cáo của EPREX là 600 IU/kg mỗi tuần, trong 3 tuần (vào các ngày 21, 14 và 7) trước phẫu thuật và vào ngày phẫu thuật.
Trong những trường hợp cần giảm thời gian trước khi phẫu thuật xuống dưới ba tuần, chế độ liều dùng khuyến cáo là 300 IU/kg trong 10 ngày liên tiếp trước phẫu thuật, vào ngày phẫu thuật và tiếp tục lên đến 4 ngày sau phẫu thuật. Khuyến cáo dùng liều 300 IU/kg/ngày nếu mức hemoglobin ≤13 g/dL (8,1 mmol/L). Nếu mức hemoglobin đạt 15g/dL hoặc cao hơn, phải ngừng sử dụng EPREX và ngừng cả các liều tiếp theo.
Bệnh nhân người lớn bị hội chứng loạn sản tủy nhẹ hoặc trung bình nguy cơ độ 1
Nên sử dụng bằng đường tiêm dưới da.
Nên dùng EPREX cho bệnh nhân bị hội chứng loạn sản tủy nhẹ hoặc trung bình nguy cơ độ 1 đi kèm thiếu máu [ví dụ nồng độ hemoglobin ≤10 g/dL (6,2 mmol/L)].
Liều khởi đầu khuyến cáo là EPREX 450 IU/kg (tổng liều tối đa là 40000 IU), tiêm tĩnh mạch một lần mỗi tuần.
Khuyến cáo nên đánh giá đáp ứng ở tuần 8. Cần tăng liều từ 450 IU/kg một lần mỗi tuần lên 1050 IU/kg một lần mỗi tuần (liều tối đa 80000 IU mỗi tuần), nếu không đạt được đáp ứng hồng cầu sau 8 tuần theo như tiêu chuẩn IWG 2006 (xem Dược lực học – ''Các nghiên cứu lâm sàng'') và nồng độ hemoglobin <11 g/dL (6,8 mmol/L).
Cần điều chỉnh liều để duy trì nồng độ hemoglobin trong phạm vi đích là 10 g/dL đến 12 g/dL (6,2 đến 7,5 mmol/L). Xem sơ đồ ở Hình 2 để biết hướng dẫn điều chỉnh liều theo từng bước. Nên ngừng dùng EPREX hoặc giảm liều khi nồng độ hemoglobin vượt quá 12 g/dL (7,5 mmol/L). Khi giảm liều, nếu nồng độ hemoglobin giảm ≥1 g/dL thì cần tăng liều trở lại.
- xem Hình 2.

Nên tránh nồng độ hemoglobin duy trì trên 12 g/dL (7,5 mmol/L).
Các đối tượng đặc biệt
Trẻ em (≤17 tuổi)
Điều trị cho bệnh nhân nhi thiếu máu do hóa trị
Tính an toàn và hiệu quả của EPREX khi dùng cho bệnh nhân nhi đang hóa trị chưa được thiết lập.
Điều trị cho bệnh nhân nhi nhiễm HIV đang dùng zidovudine
Tính an toàn và hiệu quả của EPREX khi dùng cho bệnh nhân nhi nhiễm HIV đang dùng zidovudine chưa được thiết lập.
Điều trị cho bệnh nhân nhi phẫu thuật trong chương trình tiền hiến máu tự thân
Tính an toàn và hiệu quả của EPREX khi dùng cho bệnh nhân nhi trong chương trình tiền hiến máu tự thân chưa được thiết lập.
Điều trị cho bệnh nhân nhi đã lên chương trình phẫu thuật chỉnh hình lớn có chọn lọc
Tính an toàn và hiệu quả của EPREX khi dùng cho bệnh nhân nhi đã lên chương trình phẫu thuật chỉnh hình lớn có chọn lọc chưa được thiết lập.
Người cao tuổi (≥65 tuổi)
Việc chọn liều và điều chỉnh liều cho bệnh nhân cao tuổi nên được tiến hành theo từng cá thể để đạt và duy trì được khoảng nồng độ hemoglobin.
HƯỚNG DẪN SỬ DỤNG
Sản phẩm chỉ sử dụng một lần.
Sản phẩm không nên dùng và phải loại bỏ nếu:
· Niêm phong bị rách,
· Dung dịch có màu hoặc
· Dung dịch có cặn,
· Bị đông lạnh, hoặc
· Tủ lạnh không hoạt động.
Những phần thuốc không dùng hoặc vật liệu thải nên được tiêu hủy theo quy định của địa phương.
Tiêm EPREX
Nếu tiêm dưới da EPREX, một lần tiêm thường không quá 1 mL ở một vị trí tiêm.
EPREX chỉ dùng một mình và không được trộn lẫn với các dung dịch khác để tiêm.
Không lắc bơm tiêm có chứa thuốc EPREX. Việc lắc mạnh và kéo dài có thể làm hỏng sản phẩm.
Không sử dụng nếu sản phẩm đã bị lắc mạnh.
Cách tiêm với ống tiêm chứa sẵn thuốc
Ống tiêm chứa sẵn thuốc được lắp dụng cụ bảo vệ kim tiêm PROTECS giúp ngăn ngừa bị thương do kim đâm sau khi sử dụng. Thông tin này được ghi trên vỏ hộp.
- xem Hình 3.

· Lấy ống tiêm ra khỏi tủ lạnh. Dung dịch cần để đến nhiệt độ phòng. Điều này thường mất khoảng 15-30 phút. Không tháo nắp phủ trên kim tiêm trong khi để nó đạt tới nhiệt độ phòng.
· Kiểm tra ống tiêm, để đảm bảo đúng liều, không hết hạn sử dụng, không bị hư hại và dung dịch trong suốt, không bị đông.
· Chọn vị trí tiêm. Các vị trí tiêm tốt là mặt trên của đùi và quanh bụng nhưng tránh xa vùng rốn. Thay đổi vị trí tiêm mỗi ngày.
· Rửa sạch tay. Sử dụng bông sát trùng vị trí tiêm, để tránh nhiễm trùng.
· Giữ ống tiêm chứa sẵn thuốc bằng thân ống tiêm cùng với kim tiêm có nút phủ hướng lên phía trên.
· Không giữ đầu pittông, pittông, cánh bảo vệ kim tiêm hoặc nút phủ kim tiêm.
· Không kéo ngược pittông bất kể khi nào.
· Không tháo nút phủ kim tiêm từ ống tiêm chứa sẵn thuốc cho tới khi bạn sẵn sàng tiêm EPREX.
· Tháo vỏ ống tiêm bằng cách giữ thân ống và kéo vỏ ống tiêm cẩn thận và không vặn xoắn. Không đẩy pittông, chạm vào kim tiêm hay lắc ống tiêm.
· Không chạm vào các kẹp hoạt hoá kim tiêm (như đã chỉ ra bởi dấu hoa thị * trong Hình 3) để phòng tránh sự phủ kim tiêm sớm.
· Tạo nếp gấp da giữa ngón tay cái và ngón trỏ. Không siết chặt nếp gấp này.
· Ấn đầu kim tiêm sâu vào da.
· Dùng ngón cái đẩy pittông cho đến khi bơm hết dung dịch. Giữ vùng nếp gấp da đã kẹp, đẩy pittông chậm và đều đặn. Ống bảo vệ kim tiêm PROTECS sẽ không hoạt động ngoại trừ thuốc được tiêm hoàn toàn. Có thể nghe tiếng cạch khi kim tiêm có nút bảo vệ PROTECS được hoạt hóa.
· Khi pittông được đẩy hết, rút kim tiêm ra và thả lỏng vùng nếp gấp da.
· Thả chậm ngón cái ra khỏi pittông. Cho phép ống tiêm di chuyển lên cho đến khi toàn bộ kim tiêm được bao phủ bởi ống bảo vệ kim tiêm.
· Khi kim tiêm đã được kéo ra khỏi da, có thể có một chút máu tại nơi tiêm. Điều này là bình thường. Sau khi tiêm, có thể ấn mạnh bông sát khuẩn lên vị trí tiêm trong vài giây.
· Bỏ ống tiêm đã sử dụng vào thùng chứa an toàn.
· Chỉ dùng một liều EPREX từ mỗi ống tiêm. Nếu vẫn còn dung dịch trong ống sau khi tiêm, ống tiêm nên được hủy bỏ một cách thích hợp, không tái sử dụng.
Nên làm gì nếu quên một liều EPREX?
Tiêm liều EPREX tiếp theo ngay khi nhớ. Nếu nhớ ra trong cùng một ngày với liều kế tiếp, bỏ qua liều đã quên và tiếp tục tiêm theo liệu trình bình thường. Không tiêm gấp đôi liều.

Cảnh báo

Tăng huyết áp
Tất cả bệnh nhân dùng EPREX cần được theo dõi và kiểm soát huyết áp chặt chẽ. Ở bệnh nhân tăng huyết áp không điều trị, điều trị không đầy đủ hay kiểm soát kém thì cần phải thận trọng khi sử dụng EPREX.
Có thể cần thiết để bắt đầu hoặc tăng cường điều trị tăng huyết áp trong khi dùng liệu pháp EPREX. Nếu không kiểm soát được huyết áp, nên ngừng sử dụng EPREX.
Trong suốt thời gian điều trị với EPREX ở bệnh nhân có huyết áp bình thường hoặc thấp trước đó, đã xuất hiện cơn tăng huyết áp đi kèm với bệnh não và các cơn co giật, cần phải được thăm khám và chăm sóc y tế ngay lập tức. Cần phải đặc biệt chú ý tới những cơn đau nhói đầu và đột ngột giống như đau nửa đầu, mà được xem như một tín hiệu cảnh báo tiềm tàng (xem Tác dụng ngoại ý).
Bất sản nguyên hồng cầu
Chứng bất sản hồng cầu đơn thuần (PRCA) qua trung gian kháng thể đã được ghi nhận sau khi điều trị tiêm dưới da với epoetin.
Các trường hợp này cũng được ghi nhận là hiếm xảy ra khi sử dụng đồng thời các thuốc kích thích sinh hồng cầu (ESAs) ở bệnh nhân viêm gan C được điều trị với interferon và ribavirin. ESA không được phê duyệt trong việc điều trị thiếu máu đi kèm với viêm gan C.
Ở những bệnh nhân suy thận mạn có sự giảm hiệu quả đột ngột, được định nghĩa bởi sự giảm hemoglobin (1 đến 2 g/dL mỗi tháng) cùng với sự tăng nhu cầu truyền máu, cần đếm số lượng hồng cầu lưới và cần đánh giá các nguyên nhân đặc thù của không đáp ứng (ví dụ thiếu hụt sắt folate hoặc vitamin B12, nhiễm độc nhôm, nhiễm khuẩn hoặc viêm, mất máu, tan máu và xơ hóa tủy xương do bất kỳ nguồn gốc nào). Nếu số lượng hồng cầu lưới phù hợp với thiếu máu (ví dụ chỉ số hồng cầu lưới) thấp (<20000/mm3 hoặc <20000/mcL hoặc <0,5%) số lượng tiểu cầu và bạch cầu bình thường, và nếu không tìm thấy nguyên nhân khác dẫn đến mất hiệu quả thuốc, cần xác định kháng thể kháng erythropoietin và cần cân nhắc xét nghiệm tủy xương để chẩn đoán PRCA.
Nếu nghi ngờ bất sản hồng cầu đơn thuần qua trung gian kháng thể kháng erythropoietin, nên ngừng ngay điều trị bằng EPREX. Không nên chuyển sang điều trị bằng ESA khác vì nguy cơ phản ứng chéo. Có thể điều trị thích hợp như truyền máu khi được chỉ định.
Tổng quát
Thận trọng khi sử dụng EPREX đối với bệnh nhân động kinh, có tiền sử co giật, hoặc các tình trạng y khoa có thể làm bệnh nhân dễ bị co giật như nhiễm trùng hệ thần kinh trung ương và di căn não.
EPREX nên được dùng thận trọng ở bệnh nhân suy gan mạn. Tính an toàn của EPREX chưa được chứng minh ở những bệnh nhân có rối loạn chức năng gan. Do bị giảm chuyển hóa, những bệnh nhân rối loạn chức năng gan có thể có gia tăng sự tổng hợp hồng cầu khi dùng EPREX.
Đã quan sát thấy tăng tần suất của các biến cố huyết khối mạch máu ở những bệnh nhân dùng các tác nhân kích thích sinh hồng cầu (ESAs: erythropoiesis-stimulating agents) (xem Tác dụng ngoại ý). Các biến cố này bao gồm huyết khối và thuyên tắc động mạch và tĩnh mạch (kể cả một số biến cố với kết cục tử vong), như huyết khối tĩnh mạch sâu, thuyên tắc phổi, huyết khối võng mạc, và nhồi máu cơ tim. Ngoài ra, cũng đã có báo cáo các tai biến mạch máu não (bao gồm nhồi máu não, xuất huyết não và cơn thiếu máu não thoáng qua).
Phải thận trọng cân nhắc giữa các nguy cơ bị biến cố huyết khối mạch máu đã được báo cáo với các lợi ích từ việc điều trị với EPREX, đặc biệt là ở những bệnh nhân có sẵn các yếu tố nguy cơ.
Ở tất cả các bệnh nhân, nên theo dõi chặt chẽ nồng độ hemoglobin do nguy cơ cao về huyết khối nghẽn mạch và kết cục có thể gây tử vong khi bệnh nhân được điều trị ở nồng độ hemoglobin vượt quá phạm vi cho phép chỉ định điều trị.
Độ an toàn và hiệu quả của EPREX không được chứng minh ở những bệnh nhân đang có bệnh về máu (như thiếu máu huyết tán, thiếu máu hồng cầu liềm, thalassemia).
Trong khi điều trị với EPREX có thể có sự gia tăng vừa phải số lượng tiểu cầu phụ thuộc vào liều dùng, trong giới hạn bình thường. Tình trạng này sẽ thoái lui trong suốt đợt trị liệu. Thêm vào đó, đã ghi nhận sự tăng tạo tiểu cầu trên mức giới hạn bình thường. Nên theo dõi thường xuyên số lượng tiểu cầu trong suốt 8 tuần đầu điều trị.
Nên đánh giá và điều trị các nguyên nhân khác của thiếu máu (thiếu sắt, thiếu folate hay vitamin B12, nhiễm độc nhôm, nhiễm khuẩn hoặc viêm, mất máu, tán huyết và xơ hóa tủy xương do bất kỳ nguyên nhân nào) trước khi khởi đầu điều trị với EPREX và khi quyết định tăng liều. Trong hầu hết các trường hợp, các nồng độ ferritin trong huyết thanh giảm đồng thời với sự gia tăng tỷ lệ hồng cầu trong máu toàn phần. Để đảm bảo đáp ứng tối ưu với EPREX, phải đảm bảo dự trữ sắt đầy đủ và nên bổ sung sắt nếu cần thiết:
• Đối với bệnh nhân suy thận mạn, khuyến cáo bổ sung sắt (sắt nguyên tố 200-300 mg/ngày đường uống cho người lớn và 100-200 mg/ngày đường uống cho trẻ em) nếu nồng độ ferritin huyết thanh dưới 100 ng/mL.
• Đối với bệnh nhân ung thư, khuyến cáo bổ sung sắt (sắt nguyên tố 200-300 mg/ngày đường uống) nếu độ bão hòa transferrin dưới 20%.
• Đối với bệnh nhân trong chương trình tiền hiến máu tự thân, nên bổ sung sắt (sắt nguyên tố 200 mg/ngày đường uống) nhiều tuần trước khi thực hiện tiền hiến máu tự thân để đạt được nồng độ sắt dự trữ cao trước khi bắt đầu điều trị với EPREX và trong suốt quá trình điều trị với EPREX.
• Đối với những bệnh nhân đã lên chương trình phẫu thuật chỉnh hình lớn có chọn lọc, nên bổ sung sắt (sắt nguyên tố 200 mg/ngày đường uống) trong suốt quá trình điều trị với EPREX. Nếu có thể, nên bổ sung sắt trước khi điều trị với EPREX để đạt được nồng độ sắt dự trữ thích hợp.
Rất hiếm gặp trường hợp rối loạn chuyển hóa porphyrin thể hiện từ đầu hay đợt kịch phát ở những bệnh nhân điều trị với EPREX. Nên dùng thận trọng EPREX ở những bệnh nhân rối loạn chuyển hóa porphyrin.
Phản ứng bong tróc da và phồng rộp da bao gồm hồng ban đa dạng và hội chứng Stevens-Johnson (SJS)/hoại tử thượng bì nhiễm độc (TEN) đã được báo cáo ở số lượng nhỏ bệnh nhân điều trị với EPREX. Ngừng điều trị EPREX ngay lập tức nếu nghi ngờ có phản ứng trên da nghiêm trọng như (SJS/TEN).
Các thuốc kích thích sinh hồng cầu (ESA) không nhất thiết tương đương nhau. Do đó, cần lưu ý với bệnh nhân chỉ nên chuyển từ thuốc ESA này (ví dụ như EPREX) sang một thuốc ESA khác khi có sự cho phép của bác sỹ điều trị.
Sử dụng trong lão khoa
Trong số 1051 bệnh nhân đưa vào 5 nghiên cứu lâm sàng của EPREX để giảm việc truyền máu dị thân ở những bệnh nhân đang được phẫu thuật chọn lọc, 745 bệnh nhân sử dụng EPREX và 306 sử dụng giả dược. Trong số 745 bệnh nhân sử dụng EPREX, 432 bệnh nhân (58%) ở tuổi ≥65, trong đó 175 bệnh nhân (23%) ở tuổi ≥75. Nhìn chung không có sự khác biệt về độ an toàn hoặc hiệu quả được quan sát thấy giữa những bệnh nhân lớn tuổi và bệnh nhân trẻ hơn. Liều chỉ định của EPREX ở bệnh nhân lớn tuổi và bệnh nhân trẻ hơn trong 4 nghiên cứu đang dùng thuốc theo chương trình ba lần mỗi tuần là tương tự nhau. Không có đủ bệnh nhân được chọn vào nghiên cứu dùng chế độ liều hàng tuần để xác định liệu các nhu cầu về liều có khác nhau đối với chế độ điều trị này không.
Trong số 882 bệnh nhân được đưa vào trong 3 nghiên cứu ở bệnh nhân suy thận mạn đang lọc máu, 757 bệnh nhân sử dụng EPREX và 125 bệnh nhân sử dụng giả dược. Trong 757 bệnh nhân sử dụng EPREX, 361 bệnh nhân (47%) ở tuổi ≥65, trong đó 100 (13%) bệnh nhân ở tuổi ≥75. Không có sự khác biệt về độ an toàn hoặc hiệu quả giữa những bệnh nhân lớn tuổi và những bệnh nhân trẻ tuổi hơn. Chọn và điều chỉnh liều ở bệnh nhân lớn tuổi nên tùy theo từng người để đạt và duy trì mức giới hạn nồng độ hemoglobin (xem Liều lượng và Cách dùng).
Không đủ số lượng bệnh nhân tuổi ≥65 được đưa vào các nghiên cứu lâm sàng trong điều trị thiếu máu do suy thận mạn trước chạy thận, hóa trị liệu trong ung thư, và điều trị nhiễm HIV bằng zidovudine để xác định có hay không sự đáp ứng khác nhau giữa người lớn tuổi và người trẻ hơn.
Bệnh nhân suy thận
Điều trị thiếu máu có triệu chứng ở bệnh nhân người lớn và trẻ em suy thận mạn:
Ở những bệnh nhân suy thận mạn sử dụng EPREX, nên đo nồng độ hemoglobin đều đặn đến khi đạt mức ổn định và sau đó theo dõi định kỳ.
Ở những bệnh nhân suy thận mạn, để giảm tối thiểu nguy cơ tăng huyết áp, nên khống chế tốc độ tăng hemoglobin khoảng 1 g/dL (0,62 mmol/L)/tháng và không nên vượt quá 2 g/dL (1,2 mmol/L)/tháng. Nên giảm liều khi hemoglobin đạt đến 12 g/dL.
Đối với bệnh nhân suy thận mạn, nồng độ hemoglobin duy trì không nên vượt quá giới hạn trên của khoảng nồng độ hemoglobin được nêu trong phần Liều lượng và Cách dùng. Nồng độ đích hemoglobin 13 g/dL hay cao hơn có thể kết hợp với nguy cơ cao của các biến cố về tim mạch, bao gồm tử vong.
Trên một số bệnh nhân khi kéo dài khoảng cách liều (lớn hơn một lần mỗi tuần) của EPREX có thể không duy trì đủ nồng độ hemoglobin (xem Dược lực học) và có thể đòi hỏi tăng liều EPREX. Nồng độ hemoglobin cần phải được theo dõi thường xuyên.
Những bệnh nhân suy thận mạn và đáp ứng hemoglobin không đủ khi điều trị với ESA có thể thậm chí có nguy cơ cao hơn về các biến cố tim mạch và tỷ lệ tử vong so với những bệnh nhân khác.
Dựa trên các thông tin có được đến thời điểm này, việc dùng EPREX không làm tăng tiến triển của suy thận ở bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối chưa lọc máu.
Đã xảy ra huyết khối ống dẫn ở những bệnh nhân lọc máu, đặc biệt ở những người có khuynh hướng hạ huyết áp hoặc những người có biến chứng rò động tĩnh mạch (như hẹp, phình mạch, v.v.). Khuyến cáo sửa chữa ống dẫn sớm và dự phòng huyết khối (ví dụ bằng acid acetylsalicylic) ở những bệnh nhân này.
Đã quan sát thấy tăng kali máu ở một số ca riêng lẻ, mặc dù không xác định được nguyên nhân. Nên theo dõi nồng độ các chất điện giải trong huyết thanh ở bệnh nhân suy thận mạn. Nếu phát hiện tăng nồng độ kali huyết thanh, thì bên cạnh việc điều trị thích hợp cho tăng kali máu, nên cân nhắc ngừng dùng EPREX cho đến khi nồng độ kali huyết thanh đã được điều chỉnh.
Do tăng thể tích hồng cầu, bệnh nhân thẩm phân máu điều trị EPREX thường cần tăng liều heparin trong khi thẩm phân. Nếu quá trình kháng đông không tối ưu, có thể xảy ra tắc nghẽn hệ thống lọc máu.
Ở một số bệnh nhân nữ suy thận mạn, khi dùng EPREX có thể gây có kinh nguyệt lại, do đó cần thảo luận về khả năng có thể có thai và đánh giá nhu cầu ngừa thai.
Bệnh nhân ung thư
Bệnh nhân ung thư điều trị bằng EPREX nên đo lường mức độ hemoglobin định kỳ cho đến khi đạt được mức ổn định và sau đó tiếp tục theo dõi định kỳ.
ESA là những yếu tố tăng trưởng mà chủ yếu kích thích sự tạo thành hồng cầu. Các thụ thể erythropoietin có thể được thể hiện trên bề mặt của nhiều loại tế bào khối u. Như với tất cả các yếu tố tăng trưởng, có mối lo ngại là ESA có thể kích thích sự phát triển của các khối u.
Trong các thử nghiệm lâm sàng có kiểm chứng, việc dùng EPREX và những ESA khác đã cho thấy:
• giảm kiểm soát tại chỗ/vùng ở những bệnh nhân ung thư đầu và cổ tiến triển đang xạ trị khi dùng thuốc ESA để đạt mức nồng độ hemoglobin lớn hơn 14 g/dL (8,7 mmol/L),
• làm giảm thời gian sống nói chung và tăng tử vong do bệnh tiến triển sau 4 tháng ở những bệnh nhân ung thư vú di căn đang hóa trị liệu, khi dùng thuốc ESA để đạt mức nồng độ hemoglobin 12 đến 14 g/dL (7,5 đến 8,7 mmol/L),
• một thuốc ESA khác (darbepoietin alfa) làm tăng nguy cơ tử vong khi dùng để đạt mức nồng độ hemoglobin 12 g/dL (7,5 mmol/L) ở những bệnh nhân có bệnh lý ác tính thể hoạt động không đang hóa trị hoặc xạ trị. Các ESA không được chỉ định dùng ở những bệnh nhân này.
Với các thông tin trên, việc quyết định cho điều trị với erythropoietin tái tổ hợp nên dựa trên đánh giá lợi ích-nguy cơ với sự tham gia của từng bệnh nhân, và nên lưu ý đến bối cảnh lâm sàng chuyên biệt. Các yếu tố để xem xét khi đánh giá bao gồm: loại khối u và phân độ; mức độ thiếu máu; tuổi thọ trung bình; môi trường điều trị của bệnh nhân; và ý muốn của bệnh nhân (xem Dược lực học).
Ở những bệnh nhân ung thư đang hóa trị, nên tính đến sự trì hoãn 2-3 tuần giữa thời gian sử dụng ESA và sự xuất hiện tế bào hồng cầu tạo ra do erythropoietin để đánh giá liệu điều trị bằng EPREX có thích hợp hay không (đặc biệt ở những bệnh nhân có nguy cơ truyền máu).
Bệnh nhân nhiễm HIV
Nên xem xét và đánh giá các nguyên nhân gây thiếu máu khác như thiếu máu do thiếu sắt nếu bệnh nhân nhiễm HIV kém đáp ứng hoặc kém duy trì đáp ứng với EPREX.
Bệnh nhân người lớn phẫu thuật trong chương trình tiền hiến máu tự thân
Tất cả các cảnh báo và thận trọng đặc biệt của chương trình hiến máu tự thân, đặc biệt là sự thay thế thể tích máu thường quy nên được tuân thủ đối với bệnh nhân dùng EPREX.
Bệnh nhân người lớn trong giai đoạn chu phẫu (không hiến máu tự thân)
Nên thường xuyên dùng Thực hành quản lý máu tốt trong giai đoạn chu phẫu.
Những bệnh nhân đã được lên lịch phẫu thuật chỉnh hình lớn có chọn lọc nên được điều trị dự phòng chống huyết khối một cách đầy đủ vì các biến cố huyết khối và mạch máu có thể xảy ra ở bệnh nhân phẫu thuật, đặc biệt đối với các bệnh nhân đã có sẵn bệnh tim mạch. Ngoài ra, cần phải đặc biệt thận trọng ở những bệnh nhân có nguy cơ gây huyết khối tĩnh mạch sâu. Hơn nữa, ở những bệnh nhân có hemoglobin ban đầu >13 g/dL (8,1 mmol/L), không thể loại trừ khả năng liệu pháp EPREX có thể làm tăng nguy cơ biến cố mạch máu/huyết khối hậu phẫu. Vì vậy không nên dùng cho bệnh nhân có hemoglobin ban đầu >13 g/dL (8,1 mmol/L).
Không khuyến cáo dùng EPREX ở bệnh nhân chu phẫu có hemoglobin ban đầu >13 g/dL (8,1 mmol/L).
Ảnh hưởng của thuốc lên khả năng lái xe, vận hành máy móc
Chưa có nghiên cứu nào về ảnh hưởng của EPREX lên khả năng vận hành máy móc, lái tàu xe, người làm việc trên cao và các trường hợp khác.

Quá Liều

Giới hạn trị liệu của EPREX rất rộng. Sử dụng quá liều EPREX có thể gây nên những tác động làm gia tăng tác động dược lý của nội tiết tố. Có thể phải thực hiện trích máu tĩnh mạch nếu nồng độ hemoglobin cao quá mức. Sử dụng các biện pháp hỗ trợ khác khi cần thiết.

Chống chỉ định

Bệnh nhân đã có tiến triển chứng bất sản nguyên hồng cầu đơn thuần (PRCA) sau khi điều trị bằng các chế phẩm chứa erythropoietin (xem Cảnh báo và Tác dụng ngoại ý).
Tăng huyết áp không kiểm soát được.
Quá mẫn cảm với hoạt chất hoặc với bất cứ tá dược nào.
Phải tôn trọng các chống chỉ định của chương trình tiền hiến máu tự thân ở những bệnh nhân đang được điều trị hỗ trợ với EPREX.
Chống chỉ định dùng EPREX cho những bệnh nhân trong chương trình phẫu thuật chỉnh hình lớn có chọn lọc và không đang tham gia chương trình tiền hiến máu tự thân mà bị bệnh mạch vành trầm trọng, bệnh động mạch ngoại vi, bệnh động mạch cảnh, hoặc bệnh mạch máu não, bao gồm những bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim hoặc tai biến mạch máu não gần đây.
Bệnh nhân phẫu thuật không được phòng ngừa chống huyết khối đầy đủ với bất cứ lý do gì.

Sử dụng ở phụ nữ có thai và cho con bú

Phụ nữ có thai
Trong các nghiên cứu trên động vật, với liều dùng hàng tuần cao gấp 20 lần liều khuyến cáo hàng tuần trên người, epoetin alfa làm giảm trọng lượng thai, làm chậm sự cốt hoá xương và làm tăng tỷ lệ bào thai tử vong. Những thay đổi này được giải thích là thứ phát do sự giảm cân của mẹ.
Không có các nghiên cứu được kiểm soát và đầy đủ ở phụ nữ mang thai.
EPREX chỉ nên dùng trong thai kỳ nếu lợi ích có thể có vượt trội nguy cơ tiềm tàng đối với bào thai (xem An toàn tiền lâm sàng - ''Độc tính trên sinh sản'').
Phụ nữ cho con bú
Erythropoietin có hiện diện trong sữa người. Tuy nhiên, vẫn chưa biết liệu EPREX có được phân bố trong sữa người hay không. Thận trọng khi dùng EPREX đối với phụ nữ cho con bú.
Không khuyến cáo dùng EPREX ở bệnh nhân phẫu thuật đang có thai hay cho con bú tham gia chương trình tiền hiến máu tự thân.
Khả năng sinh sản
Ảnh hưởng của EPREX lên khả năng sinh sản của người chưa được nghiên cứu (xem An toàn tiền lâm sàng - ''Độc tính trên sinh sản'').

Tương tác

Không có bằng chứng cho thấy điều trị với EPREX làm thay đổi sự chuyển hoá của các thuốc khác. Các thuốc làm giảm sự tạo hồng cầu có thể làm giảm đáp ứng với EPREX.
Vì cyclosporine được gắn kết với hồng cầu nên có thể có tương tác thuốc. Nếu EPREX được dùng đồng thời với cyclosporine thì cần theo dõi nồng độ cyclosporine trong máu để điều chỉnh liều cyclosporine khi hematocrit tăng.
Không có bằng chứng cho thấy có tương tác giữa EPREX và G-CSF hoặc GM-CSF khi xét về sự biệt hóa của các tế bào máu hoặc sự tăng sinh của các tế bào khối u từ các mẫu sinh thiết in vitro.
Tác động của EPREX có thể tăng thêm khi điều trị đồng thời với một thuốc bổ máu, như sắt sulphate, khi có tình trạng thiếu sắt.
Ở những bệnh nhân ung thư vú di căn, tiêm dưới da EPREX 40000 IU đồng thời với trastuzumab (6 mg/kg) đã không ảnh hưởng đến dược động học của trastuzumab.

Tương kỵ

Không pha loãng hay chuyển sang bất kỳ vật chứa nào khác. Không được chỉ định truyền tĩnh mạch hoặc kết hợp với các dung dịch thuốc khác.

Tác dụng ngoại ý

Các phản ứng bất lợi được trình bày trong phần này. Các phản ứng bất lợi là những biến cố bất lợi được cho là có liên quan đến sử dụng EPREX dựa trên những đánh giá toàn diện về các thông tin biến cố bất lợi có sẵn. Không thể xác định mối quan hệ nhân quả với EPREX một cách đáng tin cậy dựa vào các trường hợp riêng lẻ. Hơn nữa, do thử nghiệm lâm sàng được tiến hành dưới những điều kiện rất khác nhau, tỷ lệ phản ứng bất lợi quan sát thấy trong các thử nghiệm lâm sàng của một thuốc không thể so sánh trực tiếp với tỷ lệ trong các thử nghiệm lâm sàng của thuốc khác và có thể không phản ánh tỷ lệ quan sát thấy trên thực hành lâm sàng.
Tóm tắt dữ liệu về tính an toàn
Phản ứng bất lợi của thuốc thường gặp nhất trong khi điều trị bằng EPREX là gây tăng huyết áp phụ thuộc liều hoặc làm nặng thêm tình trạng tăng huyết áp hiện có. Nên theo dõi huyết áp, đặc biệt là khi bắt đầu điều trị.
Những phản ứng bất lợi thường xảy ra nhất được quan sát trong các thử nghiệm lâm sàng của EPREX là tiêu chảy, buồn nôn, nôn, sốt và đau đầu. Chứng bệnh giả cúm có thể xảy ra đặc biệt là khi bắt đầu điều trị.
Đã có báo cáo sung huyết gây tắc nghẽn đường hô hấp, trong đó bao gồm sung huyết gây tắc nghẽn đường hô hấp trên, nghẹt mũi và viêm mũi họng trong các nghiên cứu với kéo dài khoảng cách liều ở bệnh nhân người lớn bị suy thận chưa chạy thận nhân tạo.
Đã quan sát thấy tăng tần suất các biến cố huyết khối mạch máu ở những bệnh nhân dùng ESA (xem Cảnh báo).
Đã ghi nhận các phản ứng quá mẫn, bao gồm các trường hợp nổi mẩn (bao gồm mày đay), phản ứng phản vệ và phù mạch.
Trong quá trình điều trị bằng EPREX ở những bệnh nhân có huyết áp thấp hoặc bình thường trước đó, cũng đã từng xảy ra cơn tăng huyết áp kịch phát với bệnh lý não và co giật mà cần được bác sỹ quan tâm và điều trị tích cực ngay lập tức. Cần lưu ý đặc biệt đến những cơn đau đầu kiểu đau nửa đầu xuất hiện thình lình dữ dội vì đó có thể là dấu hiệu cảnh báo.
Kinh nghiệm thử nghiệm lâm sàng
Trong số tổng cộng 3714 bệnh nhân trong 29 nghiên cứu mù đôi, phân bố ngẫu nhiên, có đối chứng với giả dược hoặc chăm sóc chuẩn (Standard of care – SOC), dữ liệu an toàn tổng thể của EPREX đã được đánh giá trên 2238 bệnh nhân thiếu máu. Bao gồm trong đó là 228 bệnh nhân suy thận mạn được điều trị với EPREX trong 4 nghiên cứu ở bệnh suy thận mạn (2 nghiên cứu trong giai đoạn tiền lọc máu N=131 bệnh nhân suy thận mạn đã dùng thuốc nhưng chưa được thẩm phân máu và 2 nghiên cứu trong giai đoạn lọc máu N=97 bệnh nhân suy thận mạn đã dùng thuốc đang được thẩm phân máu); 1.404 bệnh nhân ung thư đã dùng thuốc trong 16 nghiên cứu về thiếu máu do hóa trị liệu; 144 bệnh nhân đã dùng thuốc trong 4 thử nghiệm ở bệnh nhân nhiễm HIV; 147 bệnh nhân đã dùng thuốc trong 2 thử nghiệm ở bệnh nhân hiến máu tự thân; và 213 bệnh nhân đã dùng thuốc trong 1 nghiên cứu ở bệnh nhân chu phẫu, và 102 bệnh nhân trong 2 nghiên cứu về hội chứng loạn sản tủy. Bảng 7 tóm tắt các phản ứng bất lợi của thuốc được báo cáo ở ≥1% các bệnh nhân được điều trị với EPREX trong những thử nghiệm lâm sàng này:
Tần suất quy ước: Rất thường gặp (≥1/10), Thường gặp (≥1/100 đến <1/10), Ít gặp (≥1/1000 đến <1/100), Hiếm gặp (≥1/10000 đến <1/1000), Rất hiếm gặp (<1/10000), Không rõ  (không thể dự đoán được từ dữ liệu có sẵn).
- xem Bảng 7.

Dữ liệu sau khi lưu hành
Các phản ứng bất lợi được ghi nhận sau khi lưu hành epoetin alfa được ghi trong Bảng 8. Trong bảng này, các tần suất được đưa ra theo quy ước sau: Rất thường gặp ≥1/10,Thường gặp ≥1/100 và <1/10, Ít gặp ≥1/1000 và <1/100, Hiếm gặp ≥1/10000, <1/1000, Rất hiếm gặp <1/10000, bao gồm những báo cáo riêng biệt.
Chứng bất sản hồng cầu đơn thuần (PRCA) sau nhiều tháng đến nhiều năm điều trị bằng erythropoietin đã được ghi nhận với tỷ lệ rất hiếm gặp (<1/10.000 trường hợp/bệnh nhân/năm) (xem Cảnh báo).
- xem Bảng 8.

Bảo quản

Tuân thủ chặt chẽ các điều kiện bảo quản: Ống tiêm EPREX được bảo quản ở nhiệt độ từ 2oC đến 8oC trong tủ lạnh trong bao bì đóng gói ban đầu, không để ngăn đá. Không để đông lạnh hoặc rung lắc. Giữ nguyên ống tiêm trong hộp thuốc để tránh ánh sáng. Ống tiêm EPREX đang dùng hoặc dự định dùng có thể được giữ ở nhiệt độ phòng (không quá 25oC) trong thời gian tối đa 7 ngày.
Lưu ý trường hợp bệnh nhân tự dùng thuốc tại nhà
Cán bộ y tế cần thông tin cho bệnh nhân biết về cách bảo quản chế phẩm EPREX để đảm bảo việc tuân thủ đúng điều kiện bảo quản như khuyến cáo nêu trên.

Phân loại ATC

B03XA01 - erythropoietin

Trình bày/Đóng gói

Dung dịch tiêm: hộp 6 ống tiêm (sử dụng một lần, chứa sẵn thuốc) x 0,3mL, 0,4mL0,5mL hoặc 1mL.

A