Nhà sản xuất

Fresenius Kabi

Thành phần

Mỗi mL: Propofol 10mg.

Dược lực học

Nhóm dược lý trị liệu: Thuốc gây mê
Mã ATC: N01AX10
Propofol (2,6-diisopropylphenol) là thuốc mê tác động ngắn với tác dụng khởi mê nhanh. Tùy vào tốc độ tiêm, thời gian khởi mê là từ 30-40 giây. Thời gian tác động sau khi tiêm liều gây mê ngắn và thường kéo dài từ 4-6 phút tùy thuộc vào chuyển hóa và đào thải. Dưới điều kiện duy trì mê bình thường, không có sự tích lũy propofol sau khi sử dụng tiêm từng mũi hoặc tiêm truyền liên tục. Bệnh nhân phục hồi nhận thức nhanh chóng.
Chậm nhịp tim và hạ huyết áp đã được báo cáo xảy ra trong khi khởi mê và điều này có thể do tác động tăng trương lực phế vị hoặc do ức chế hoạt tính giao cảm. Tuy nhiên huyết động học sẽ trở về bình thường trong quá trình duy trì mê.
Một số ít nghiên cứu về thời gian gây mê dựa trên propofol ở trẻ em cho thấy tính an toàn và hiệu quả của thuốc không thay đổi cho đến 4 giờ. Các bằng chứng trên các tài liệu sử dụng cho trẻ em trong các qui trình kéo dài cũng không làm thay đổi tính an toàn và hiệu quả của propofol.

Dược động học

98% propofol gắn với protein huyết tương. Sau khi tiêm tĩnh mạch, dược động học của propofol thể hiện theo mô hình 3 ngăn.
Propofol được phân bố rộng và thanh thải nhanh khỏi cơ thể (tổng thanh thải cơ thể: 1,5-2 lít/phút).
Sự thanh thải xảy ra nhờ các quá trình chuyển hóa, chủ yếu là ở gan và lệ thuộc vào lưu lượng máu, để tạo các dạng liên hợp không có hoạt tính của propofol và các dẫn chất quinol tương ứng bài tiết trong nước tiểu.
Sau khi sử dụng một liều đơn 3 mg/kg tiêm tĩnh mạch, sự thanh thải propofol/kg thể trọng tăng theo độ tuổi như sau: độ thanh thải trung bình giảm đáng kể ở trẻ sơ sinh <1 tháng tuổi (n=25) (20 mL/kg/phút) so với trẻ có số tháng tuổi cao hơn (n=36, độ tuổi từ 4 tháng-7 tuổi). Ngoài ra, sự biến thiên giữa các cá thể cũng cao hơn ở trẻ sơ sinh <1 tháng tuổi (dao động từ 3,7-78 mL/kg/phút). Do dữ liệu thử nghiệm lâm sàng còn hạn chế và độ biến thiên cao, không có chế độ liều khuyến cáo cho nhóm đối tượng này.
Độ thanh thải propofol trung bình sau khi sử dụng một liều đơn 3 mg/kg tiêm tĩnh mạch là 37,5 mL/phút/kg (4-24 tháng) (n=8); 38,7 mL/phút/kg (11-43 tháng) (n=6); 48 mL/phút/kg (1-3 tuổi) (n=12); 28,2 mL/phút/kg (4-7 tuổi) (n=10) so với 23,6 mL/phút/kg ở người lớn (n=6).

Chỉ định/Công dụng

Fresofol 1% MCT/LCT là thuốc gây mê toàn thân, có tác dụng ngắn, sử dụng qua đường tĩnh mạch, được chỉ định trong:
- Khởi mê và duy trì mê cho người lớn và trẻ em trên 1 tháng tuổi.
- An thần trong các qui trình chẩn đoán và phẫu thuật, sử dụng đơn trị liệu hoặc phối hợp với các thuốc gây tê tại chỗ hoặc gây tê vùng cho người lớn và trẻ em trên 1 tháng tuổi.
- An thần cho bệnh nhân thông khí (trên 16 tuổi) trong điều trị tích cực.

Liều lượng & Cách dùng

Chỉ sử dụng Fresofol 1% MCT/LCT trong bệnh viện hoặc các cơ sở điều trị được trang bị đầy đủ phương tiện, bởi các bác sĩ thuộc chuyên khoa gây mê hoặc khoa điều trị tích cực.
Cần thường xuyên theo dõi chức năng tuần hoàn và hô hấp của bệnh nhân (ví dụ như điện tâm đồ, theo dõi mạch, ôxy); và các phương tiện duy trì thông khí cho bệnh nhân, thở máy và các phương tiện hồi sức cần được chuẩn bị sẵn sàng.
Khi sử dụng Fresofol 1% MCT/LCT để an thần trong các qui trình chẩn đoán và phẫu thuật, bác sĩ chẩn đoán hoặc phẫu thuật không nên đồng thời là người trực tiếp truyền Fresofol 1% MCT/LCT cho bệnh nhân.
Cần điều chỉnh liều lượng nhũ tương Fresofol 1% MCT/LCT theo từng bệnh nhân, dựa trên đáp ứng của bệnh nhân và các thuốc tiền mê đã sử dụng.
Các thuốc giảm đau thường được sử dụng để hỗ trợ cho Fresofol 1% MCT/LCT.
Liều dùng
Gây mê toàn thân ở người lớn

Khởi mê:
Để khởi mê, cần dò chỉnh liều Fresofol 1% MCT/LCT (khoảng 20-40 mg propofol mỗi 10 giây) theo đáp ứng của bệnh nhân đến khi có các dấu hiệu lâm sàng cho thấy bệnh nhân đã bắt đầu mê.
Phần lớn các bệnh nhân tuổi dưới 55 cần liều từ 1,5-2,5 mg propofol/kg thể trọng.
Ở các bệnh nhân trên độ tuổi này (>55 tuổi) và các bệnh nhân có chỉ số ASA độ III hoặc IV, đặc biệt các bệnh nhân suy giảm chức năng tim, liều sử dụng thường thấp hơn và liều Fresofol MCT/LCT có thể giảm đến mức tối thiểu 1mg propofol/kg thể trọng. Tốc độ truyền Fresofol 1% MCT/LCT cũng nên giảm đi [khoảng 2mL (20mg propofol) mỗi 10 giây].
Duy trì mê:
Việc gây mê có thể được duy trì bằng cách truyền Fresofol 1% MCT/LCT liên tục hoặc tiêm từng mũi.
Để duy trì mê, liều sử dụng thông thường là 4-12 mg propofol/kg thể trọng/giờ. Có thể giảm liều duy trì mê đến khoảng 4mg propofol/kg thể trọng/giờ trong các ca phẫu thuật ít nghiêm trọng cũng như các qui trình phẫu thuật ít xâm lấn.
Ở những bệnh nhân cao tuổi, bệnh nhân nói chung có tình trạng không ổn định, bệnh nhân có chức năng tim suy giảm hoặc bệnh nhân bị giảm thể tích tuần hoàn và các bệnh nhân có chỉ số ASA độ III hoặc IV, có thể giảm liều Fresofol 1% MCT/LCT thấp hơn nữa, tùy thuộc vào tình trạng bệnh nhân và kỹ thuật gây mê sử dụng.
Để duy trì mê bằng cách tiêm từng mũi, tăng liều từ 25 đến 50mg propofol (tương ứng với 2,5-5 mL Fresofol 1% MCT/LCT) tùy theo yêu cầu lâm sàng.
Không tiêm quá nhanh (một lần hoặc nhiều lần) cho các bệnh nhân cao tuổi do có thể dẫn đến tình trạng trụy tim-phổi.
Gây mê ở trẻ em trên 1 tháng tuổi
Khởi mê:
Khi tiến hành khởi mê, cần dò chỉnh liều Fresofol 1% MCT/LCT từ từ cho đến khi có các dấu hiệu lâm sàng cho thấy bệnh nhân bắt đầu mê. Liều dùng cần được điều chỉnh theo độ tuổi và/hoặc cân nặng. Phần lớn trẻ em trên 8 tuổi cần liều Fresofol 1% MCT/LCT khoảng 2,5 mg/kg thể trọng để khởi mê. Ở trẻ em nhỏ tuổi hơn, đặc biệt ở trẻ từ 1 tháng đến 3 tuổi, liều sử dụng có thể cao hơn (2,5-4 mg/kg thể trọng).
Duy trì mê:
Có thể sử dụng Fresofol 1% MCT/LCT để duy trì mê bằng cách tiêm truyền liên tục hoặc tiêm từng mũi để duy trì độ sâu gây mê mong muốn. Tốc độ tiêm thay đổi đáng kể giữa từng bệnh nhân nhưng tốc độ trong khoảng 9-15 mg/kg/giờ thường đạt được tác động gây mê mong muốn. Ở trẻ em nhỏ tuổi hơn, đặc biệt từ 1 tháng đến 3 tuổi, liều sử dụng có thể cao hơn.
Đối với các bệnh nhân có chỉ số ASA độ III và IV, khuyến cáo sử dụng liều thấp hơn (xem mục Cảnh báo).
An thần trong các qui trình phẫu thuật và chẩn đoán ở người lớn
Để an thần trong các qui trình phẫu thuật hoặc chẩn đoán ở người lớn, liều lượng và tốc độ sử dụng cần điều chỉnh cho phù hợp với các đáp ứng lâm sàng. Phần lớn các bệnh nhân cần liều khoảng 0,5-1 mg propofol/kg thể trọng trong 1-5 phút để khởi phát tác dụng an thần. Duy trì tác dụng an thần có thể được thực hiện bằng cách dò chỉnh liều Fresofol 1% MCT/LCT để đạt được hiệu quả mong muốn. Phần lớn các bệnh nhân cần liều từ 1,5-4,5 mg propofol/kg thể trọng/giờ. Khi cần mức độ an thần sâu hơn, có thể tiêm bổ sung 10-20 mg propofol (1-2 mL Fresofol 1% MCT/LCT).
Ở các bệnh nhân trên 55 tuổi và bệnh nhân có chỉ số ASA mức độ III và IV, liều lượng Fresofol 1% MCT/LCT sử dụng có thể thấp hơn và có thể giảm tốc độ tiêm truyền.
An thần trong các qui trình phẫu thuật và chẩn đoán ở trẻ em trên 1 tháng tuổi
Liều lượng và tốc độ sử dụng cần được điều chỉnh theo yêu cầu về mức độ an thần và đáp ứng lâm sàng. Phần lớn các bệnh nhi cần liều khoảng 1-2 mg/kg thể trọng để khởi phát tác dụng an thần. Duy trì tác dụng an thần bằng cách chỉnh liều tiêm truyền Fresofol 1% MCT/LCT cho đến khi đạt trạng thái an thần mong muốn. Phần lớn các bệnh nhân sử dụng liều 1,5-9 mg/kg/giờ. Khi cần mức độ an thần sâu và nhanh, có thể tiêm bổ sung một liều propofol 1 mg/kg thể trọng trong khi tiêm truyền.
Ở bệnh nhân có chỉ số ASA mức độ III và IV, liều sử dụng có thể thấp hơn.
An thần cho các bệnh nhân trên 16 tuổi trong điều trị tích cực
Khi sử dụng để an thần cho bệnh nhân thở máy trong điều trị tích cực, Fresofol 1% MCT/LCT được khuyến cáo sử dụng qua đường tiêm truyền liên tục. Cần điều chỉnh liều theo mức độ an thần yêu cầu. Tác dụng an thần thường đạt được với liều trong khoảng 0,3-0,4 mg propofol/kg thể trọng/giờ. Không khuyến cáo sử dụng tốc độ truyền trên 4,0mg propofol/kg thể trọng/giờ (xem mục Cảnh báo).
Không khuyến cáo sử dụng Fresofol 1% MCT/LCT bằng hệ thống truyền có kiểm soát theo đích (TCI-target controlled infusion-system) để an thần trong điều trị tích cực.
Cách dùng
Sử dụng qua đường tĩnh mạch.
Fresofol 1% MCT/LCT có thể sử dụng để tiêm truyền ở dạng không pha loãng hoặc pha loãng với dung dịch tiêm truyền glucose 5%, hoặc NaCl 0,9%, trong chai dịch truyền bằng thủy tinh.
Khi sử dụng Fresofol 1% MCT/LCT tiêm truyền ở dạng không pha loãng, hệ thống truyền phải có ống định mức (burette), bộ phận đếm giọt, bơm truyền để kiểm soát tốc độ truyền.
Lắc kỹ ống/lọ chứa thuốc trước khi sử dụng.
Chỉ sử dụng khi nhũ tương còn đồng nhất và ống/lọ chứa thuốc không bị hư hại.
Trước khi sử dụng, cần lau sạch ống thuốc hoặc mặt nút cao su bằng gạc xịt cồn hoặc nhúng cồn. Sau khi sử dụng, loại bỏ ống/lọ chứa thuốc.
Fresofol 1% MCT/LCT là nhũ tương không chứa chất bảo quản và do đó có thể là môi trường thuận tiện cho vi sinh vật phát triển nhanh.
Nhũ tương cần được rút vào ống tiêm hoặc hệ thống truyền trong điều kiện vô khuẩn ngay sau khi mở ống/lọ thuốc và cần sử dụng ngay.
Cần đảm bảo điều kiện vô khuẩn cho cả Fresofol 1% MCT/LCT và các dụng cụ hoặc thiết bị truyền dịch trong suốt quá trình tiêm truyền. Việc sử dụng đồng thời các thuốc khác hoặc các loại dịch truyền khác trên cùng đường truyền với propofol cần được thực hiện gần vị trí đặt kim tiêm truyền và nên sử dụng kim chữ Y hoặc sử dụng van khóa 3 chiều.
Không pha trộn Fresofol 1% MCT/LCT với các dung dịch tiêm truyền hoặc dung dịch tiêm khác. Tuy nhiên, có thể sử dụng Fresofol cùng với các dung dịch tiêm truyền như glucose 5%, NaCl 0,9%, NaCl 0,18% và glucose 4% thông qua bộ nối gần vị trí đặt kim tiêm truyền.
Không được tiêm truyền Fresofol 1% MCT/LCT qua bộ lọc vô sinh.
Fresofol 1% MCT/LCT và dụng cụ truyền dịch chứa Fresofol 1% MCT/LCT chỉ được sử dụng 1 lần và cho một bệnh nhân. Phải loại bỏ phần thuốc thừa sau khi sử dụng.
Tiêm truyền Fresofol 1% MCT/LCT không pha loãng:
Tương tự như các nhũ tương chứa chất béo khác, thời gian tiêm truyền Fresofol 1% MCT/LCT qua 1 hệ thống truyền không được kéo dài quá 12 giờ. Sau 12 giờ, cần loại bỏ hệ thống dụng cụ truyền hoặc bình chứa propofol hoặc phải thay bộ mới.
Tiêm truyền Fresofol 1% MCT/LCT dạng pha loãng:
Để tiêm truyền nhũ tương Fresofol 1% MCT/LCT đã pha loãng, cần có ống định mức (burette), bộ phận đếm giọt, bơm truyền để kiểm soát tốc độ truyền và tránh xảy ra các nguy cơ khi truyền một thể tích lớn nhũ tương Fresofol 1% MCT/LCT. Cần cân nhắc đến nguy cơ này khi pha loãng tối đa nhũ tương trong ống định mức.
Độ pha loãng tối đa không được vượt quá tỷ lệ: 1 phần Fresofol 1% MCT/LCT với 4 phần dung dịch glucose 5% hoặc NaCl 0,9% (nồng độ tối thiểu tương ứng là 2 mg propofol trong mỗi ml). Pha chế hỗn hợp phải thực hiện trong điều kiện vô khuẩn (phải kiểm soát và thẩm định môi trường vô khuẩn) ngay trước khi truyền và hỗn hợp phải sử dụng trong vòng 6 giờ sau khi pha chế.
Không pha trộn Fresofol 1% MCT/LCT với các dung dịch tiêm truyền hoặc dung dịch tiêm khác. Tuy nhiên, có thể sử dụng cùng các dung dịch tiêm truyền như glucose 5%, NaCl 0,9%, NaCl 0,18% và glucose 4% thông qua bộ nối chữ Y gần vị trí đặt kim tiêm truyền.
Để giảm đau ở vị trí tiêm truyền, có thể tiêm lidocain ngay trước khi sử dụng Fresofol 1% MCT/LCT (xem mục Cảnh báo). Mặt khác, có thể pha trộn Fresofol 1% MCT/LCT với lidocain không chứa chất bảo quản ngay trước khi sử dụng (20 phần Fresofol 1% MCT/LCT với tối đa 1 phần dung dịch tiêm lidocain 1%) trong điều kiện vô khuẩn. Hỗn hợp phải được sử dụng ngay trong vòng 6 giờ sau khi pha chế.
Chỉ sử dụng các thuốc giãn cơ như atracurium và mivacurium nếu có đỏ tấy ở vùng da đặt kim tiêm truyền Fresofol 1% MCT/LCT.
Thời gian sử dụng
Thời gian sử dụng không được vượt quá 7 ngày.

Cảnh báo

Tương tự như các thuốc mê đường tĩnh mạch khác, cần thận trọng khi sử dụng propofol cho bệnh nhân suy tim, suy hô hấp, suy thận, suy gan, bệnh nhân giảm thể tích tuần hoàn hoặc suy nhược. Sự thanh thải propofol lệ thuộc vào lưu lượng máu, vì thế các thuốc sử dụng đồng thời có tác dụng làm giảm cung lượng tim sẽ làm giảm thanh thải propofol.
Bệnh nhân suy tim, suy tuần hoàn hoặc suy hô hấp và bệnh nhân bị giảm thể tích tuần hoàn cần được điều trị ổn định trước khi sử dụng Fresofol 1% MCT/LCT.
Trước khi gây mê cho bệnh nhân động kinh, cần phải kiểm tra liệu bệnh nhân có đang được điều trị chống động kinh. Mặc dù một số nghiên cứu đã chứng minh hiệu quả trong điều trị động kinh, việc sử dụng propofol có thể gây nguy cơ xảy ra cơn động kinh.
Không sử dụng Fresofol 1% MCT/LCT cho bệnh nhân suy tim tiến triển hoặc các dạng bệnh tim nặng khác trừ khi người bệnh được theo dõi nghiêm ngặt và chú ý đặc biệt.
Nguy cơ tăng trương lực thần kinh phế vị có thể tăng lên do propofol không có tác dụng ức chế thần kinh phế vị. Đã có những báo cáo ghi nhận xảy ra chậm nhịp tim (thỉnh thoảng ở mức độ nặng) và mất tâm thu. Cần cân nhắc khi truyền tĩnh mạch các thuốc kháng cholinergic trước khi khởi mê hoặc duy trì mê bằng Fresofol 1% MCT/LCT, đặc biệt trương lực phế vị có thể tăng lên khi sử dụng Fresofol 1% MCT/LCT với những thuốc khác có tác động gây chậm nhịp tim.
Không khuyến cáo sử dụng Fresofol 1% MCT/LCT trong liệu pháp sốc điện.
Tương tự như các thuốc an thần khác, khi sử dụng propofol để an thần trong các qui trình phẫu thuật, cử động tự phát của bệnh nhân có thể xảy ra. Trong các qui trình yêu cầu bất động, những cử động này có thể gây nguy hại cho vị trí phẫu thuật.
Cần lưu ý đặc biệt đối với bệnh nhân có rối loạn chuyển hóa chất béo hoặc cần thận trọng khi sử dụng các nhũ tương lipid. Nếu bệnh nhân được nuôi dưỡng qua đường tĩnh mạch, cần lưu ý lượng lipid trong nhũ tương Fresofol 1% MCT/LCT: 1,0mL Fresofol 1% MCT/LCT chứa 0,1 gram chất béo.
Cần theo dõi mức lipid máu trong điều trị tích cực 2 ngày một lần.
Ở các bệnh nhân thừa cân nặng, cần sử dụng liều lượng cao hơn, do vậy nên cân nhắc đến nguy cơ ảnh hưởng về huyết động học trên hệ tim-mạch.
Cần thận trọng ở các bệnh nhân tăng áp suất nội sọ và có huyết áp động mạch trung bình thấp do có các nguy cơ giảm đáng kể áp lực tưới máu nội sọ.
Để giảm đau ở vị trí tiêm khi khởi mê bằng Fresofol 1% MCT/LCT, có thể tiêm lidocain trước khi sử dụng propofol. Không sử dụng lidocain trên những bệnh nhân có rối loạn chuyển hóa porphyrin có tính di truyền.
Không khuyến cáo sử dụng Fresofol 1% MCT/LCT để gây mê cho trẻ dưới 1 tháng tuổi.
Không khuyến cáo sử dụng Fresofol 1% MCT/LCT bằng hệ thống truyền có kiểm soát theo đích để gây mê cho trẻ em.
Trong bất cứ trường hợp nào cũng cần thận trọng khi sử dụng propofol để gây mê cho trẻ dưới 3 tuổi, mặc dù những dữ liệu hiện có không cho thấy sự khác biệt có ý nghĩa về mặt an toàn khi so sánh với trẻ trên 3 tuổi.
Tính an toàn của propofol khi sử dụng làm thuốc an thần trong điều trị tích cực cho trẻ em và thiếu niên dưới 16 tuổi chưa được chứng minh.
Mặc dù không có nguyên nhân liên quan nào được xác lập, các tác dụng không mong muốn khi sử dụng propofol làm thuốc an thần cho trẻ em dưới 16 tuổi (kể cả các trường hợp nguy hiểm đến tính mạng) đã được ghi nhận trong các trường hợp không được phép sử dụng. Đặc biệt, những tác dụng phụ này có liên quan đến nhiễm toan chuyển hóa, mỡ máu tăng, tiêu cơ, suy thận và/hoặc suy tim. Những tác dụng phụ này thường xảy ra ở trẻ em bị nhiễm trùng đường hô hấp và được sử dụng liều cao hơn liều khuyến cáo sử dụng cho người lớn để an thần trong điều trị tích cực.
Tương tự, rất hiếm trường hợp nhiễm toan chuyển hóa, tiêu cơ, tăng kali huyết, loạn nhịp tim và/hoặc suy tim tiến triển nhanh (một vài trường hợp nguy hiểm đến tính mạng) ở người lớn được điều trị trên 48 giờ với liều vượt quá 5 mg/kg thể trọng/giờ.
Liều này vượt quá ngưỡng liều tối đa 4 mg/kg thể trọng/giờ hiện được khuyến cáo để sử dụng an thần trong điều trị tích cực. Gặp biến chứng này thường là các bệnh nhân (nhưng không hạn chế) bị chấn thương nghiêm trọng ở đầu và có sự gia tăng áp lực nội sọ. Suy tim xảy ra trong những trường hợp này thường không đáp ứng với trị liệu hỗ trợ co bóp cơ tim.
Bác sĩ điều trị tránh sử dụng liều vượt quá 4 mg/kg thể trọng/giờ. Các bác sĩ kê đơn cần lưu ý về những tác dụng không mong muốn và xem xét giảm liều propofol hoặc thay thế bằng thuốc an thần khác khi thấy có dấu hiệu đầu tiên của các triệu chứng nói trên. Bệnh nhân bị tăng áp lực nội sọ cần được điều trị thích hợp để hỗ trợ áp lực tưới máu não trong quá trình thay đổi trị liệu.
Không khuyến cáo sử dụng Fresofol 1% MCT/LCT ở trẻ sơ sinh do chưa có đủ dữ liệu nghiên cứu. Các thông số về dược động học cho thấy sự thanh thải thuốc giảm đáng kể ở trẻ sơ sinh và dao động lớn trên từng cá thể. Có thể xảy ra quá liều ở trẻ sơ sinh khi sử dụng liều lượng khuyến cáo cho trẻ có số tháng tuổi cao hơn và có thể gây suy tim-mạch nghiêm trọng.
Trong một số trường hợp cá biệt, có thể xảy ra pha mất nhận thức sau khi phẫu thuật, kèm theo tăng trương lực cơ. Sự xuất hiện tình trạng này không phụ thuộc bệnh nhân đã hồi tỉnh hay còn mê. Mặc dù nhận thức có thể tự phục hồi, cần theo dõi đặc biệt các bệnh nhân bị mất nhận thức.
Sự hồi tỉnh sau khi gây mê toàn thân phải được xác nhận trước khi xuất viện.
Sản phẩm này chứa không quá 1mmol (23mg) Na trong 100mL, và được xem như “không chứa muối”.
Ảnh hưởng đến khả năng lái xe và vận hành máy
Sau khi sử dụng Fresofol 1% MCT/LCT, cần theo dõi bệnh nhân trong một khoảng thời gian thích hợp. Cần hướng dẫn bệnh nhân không nên lái xe, vận hành máy móc hoặc làm việc trong điều kiện nguy hiểm. Bệnh nhân không được về nhà mà không có người đi kèm và khuyên bệnh nhân tránh uống rượu.

Quá Liều

Quá liều có thể gây suy hô hấp và tim mạch. Suy hô hấp cần được điều trị bằng thông khí. Suy tim mạch có thể phải hạ thấp đầu của bệnh nhân và sử dụng các dung dịch thay thế huyết tương và các thuốc gây co mạch.

Chống chỉ định

Không được sử dụng Fresofol 1% MCT/LCT cho:
- Bệnh nhân quá mẫn với propofol, đậu nành, lạc hoặc bất cứ thành phần tá dược nào của nhũ tương.
- Bệnh nhân dị ứng với đậu nành, lạc.
- Bệnh nhân từ 16 tuổi trở xuống với mục đích an thần trong điều trị tích cực.

Sử dụng ở phụ nữ có thai và cho con bú

Chưa xác định được tính an toàn của propofol trong thời kỳ mang thai. Vì thế tránh sử dụng propofol ở phụ nữ mang thai, trừ trường hợp thật sự cần thiết. Propofol đi qua hàng rào nhau thai và có thể gây suy thai. Tránh sử dụng liều cao (trên 2,5mg propofol/kg thể trọng dùng cho khởi mê hoặc 6mg propofol/kg thể trọng dùng trong duy trì mê).
Những nghiên cứu trên phụ nữ cho con bú cho thấy có một lượng nhỏ propofol ở trong sữa. Do đó, người mẹ nên ngừng cho bú và vắt bỏ sữa có trong vòng 24 giờ sau khi sử dụng propofol.

Tương tác

Có thể sử dụng Fresofol 1% MCT/LCT phối hợp với các thuốc khác trong gây mê (thuốc tiền mê, thuốc mê qua đường hô hấp, thuốc giảm đau, thuốc giãn cơ, thuốc gây tê tại chỗ). Các tương tác thuốc nghiêm trọng với các thuốc này đã được ghi nhận. Một số thuốc tác động trên trung ương có thể gây ức chế tuần hoàn và hô hấp, vì thế những tác động này có thể tăng khi sử dụng đồng thời với Fresofol 1% MCT/LCT.
Có thể sử dụng propofol liều thấp hơn khi gây mê toàn thân kết hợp với gây tê tại chỗ.
Sử dụng đồng thời với các thuốc nhóm benzodiazepin, thuốc liệt đối giao cảm hoặc các thuốc mê đường hô hấp có thể kéo dài thời gian mê và giảm nhịp thở.
Sau khi bổ sung tiền mê bằng thuốc có opiat, tác dụng an thần của propofol gia tăng và kéo dài có thể gây tăng tỷ lệ ngưng thở và kéo dài thời gian ngưng thở.
Cần cân nhắc khi sử dụng propofol cùng với các thuốc tiền mê, các thuốc gây mê bốc hơi hoặc các thuốc giảm đau vì có thể làm mạnh thêm tác dụng gây mê và các tác dụng phụ trên hệ tim mạch. Sử dụng đồng thời các chất ức chế hệ thần kinh trung ương như rượu, các thuốc gây mê toàn thân, các chất giảm đau gây nghiện sẽ làm tăng thêm tác dụng an thần. Khi Fresofol 1% MCT/LCT kết hợp với các thuốc ức chế thần kinh trung ương được truyền tĩnh mạch, có thể xảy ra tình trạng suy hô hấp và suy tim mạch nghiêm trọng.
Sau khi điều trị bằng fentanyl, nồng độ propofol trong máu có thể tăng tạm thời và tăng tỷ lệ ngưng thở.
Chậm nhịp tim và ngưng tim có thể xảy ra sau khi trị liệu với suxamethonium hoặc neostigmin.
Bệnh viêm não trắng (Leucoencephalopathy) đã được ghi nhận khi sử dụng nhũ tương lipid như propofol ở các bệnh nhân đang được điều trị bằng cyclosporin.

Tác dụng ngoại ý

Các tác dụng phụ thường gặp khi sử dụng propofol là hạ huyết áp và suy hô hấp. Những tác dụng phụ này phụ thuộc vào liều lượng propofol sử dụng và vào việc sử dụng đồng thời thuốc tiền mê và các thuốc khác. Các tác dụng không mong muốn được xác định như sau:
Rất thường xảy ra (≥1/10)
Thường xảy ra (≥1/100 đến <1/10)
Ít khi xảy ra (≥1/1.000 đến <1/100)
Hiếm khi xảy ra (≥1/10.000 đến <1/1.000)
Rất hiếm khi xảy ra (<1/10.000); không xác định (không thể ước tính từ các dữ liệu được cung cấp).
Trong mỗi nhóm tần suất, các tác dụng không mong muốn được trình bày theo thứ tự mức độ trầm trọng giảm dần.
Rối loạn hệ miễn dịch:
Hiếm khi xảy ra: Các đặc điểm lâm sàng của phản vệ, có thể bao gồm phù mạch, co thắt phế quản, nổi ban đỏ và hạ huyết áp.
Rất hiếm khi xảy ra: Các phản ứng dị ứng gây bởi dầu đậu nành.
Các rối loạn chuyển hóa và dinh dưỡng:
Thường xảy ra: Tăng triglycerid huyết.
Rối loạn tâm thần:
Hiếm khi xảy ra: Trạng thái đê mê, mơ màng, hưng phấn tình dục trong giai đoạn hồi tỉnh.
Rối loạn hệ thần kinh:
Thường xảy ra: Các cử động tự phát, co giật cơ và kích thích nhẹ có thể xảy ra trong quá trình khởi mê.
Hiếm khi xảy ra: Nhức đầu, hoa mắt, rùng mình và có cảm giác ớn lạnh trong giai đoạn hồi tỉnh.
Co giật kiểu động kinh bao gồm cả cơn co giật và duỗi cứng.
Rất hiếm khi xảy ra: Cơn động kinh chậm xảy ra sau khoảng vài giờ đến vài ngày.
Nguy cơ xảy ra co giật ở bệnh nhân động kinh sau khi sử dụng propofol.
Một số trường hợp gây mất nhận thức sau phẫu thuật.
Rối loạn tim/rối loạn mạch:
Thường xảy ra: Chậm nhịp tim, hạ huyết áp, nhanh nhịp tim, đỏ bừng mặt có thể xảy ra khi khởi mê.
Ít khi xảy ra: Hạ huyết áp khó phát hiện. Điều này đòi hỏi phải giảm tốc độ truyền Fresofol 1% MCT/LCT và/hoặc trị liệu thay thế thể tích, nếu cần phải sử dụng thuốc co mạch. Cần thận trọng về khả năng xảy ra hạ huyết áp nghiêm trọng ở bệnh nhân suy giảm tưới máu mạch vành hay mạch não hoặc ở bệnh nhân có suy giảm thể tích tuần hoàn.
Chậm nhịp tim khi gây mê với mức độ tiến triển nặng (ngưng tâm thu). Cần cân nhắc sử dụng thuốc kháng cholinergic trước khi khởi mê hoặc duy trì mê (xem mục Cảnh báo).
Hiếm khi xảy ra: Loạn nhịp tim trong quá trình hồi tỉnh.
Huyết khối và viêm tĩnh mạch.
Rối loạn hô hấp, lồng ngực và trung thất:
Thường xảy ra: Thông khí quá mức, ngưng thở tạm thời, ho, nấc xảy ra khi khởi mê.
Ít khi xảy ra: Ho xảy ra trong quá trình duy trì mê.
Hiếm khi xảy ra: Ho xảy ra trong quá trình hồi tỉnh.
Rất hiếm khi xảy ra: Phù phổi.
Rối loạn tiêu hóa:
Hiếm khi xảy ra: Buồn nôn và nôn mửa trong quá trình hồi tỉnh.
Rất hiếm khi xảy ra: Viêm tụy đã được ghi nhận sau khi sử dụng propofol, tuy nhiên chưa rõ nguyên nhân.
Rối loạn da và mô dưới da:
Rất hiếm khi xảy ra: Đáp ứng mô nặng sau khi lỡ tiêm cận tĩnh mạch.
Rối loạn thận và tiết niệu:
Hiếm khi xảy ra: Mất màu nước tiểu sau một thời gian dài sử dụng propofol.
Rối loạn chung và tình trạng tại vị trí tiêm:
Rất thường xảy ra: Đau tại chỗ tiêm khi bắt đầu tiêm. Xem mục dự phòng và điều trị dưới đây:
Để giảm đau tại chỗ tiêm khi bắt đầu tiêm Fresofol 1% MCT/LCT có thể dùng đồng thời với lidocain (xem Cách dùngTiêm truyền Fresofol 1% MCT/LCT dạng pha loãng) bằng cách tiêm hoặc truyền vào tĩnh mạch lớn trên cánh tay và hố trước khuỷu tay.
Khi sử dụng đồng thời với lidocain, các tác dụng không mong muốn sau có thể xảy ra ở mức độ hiếm (≥1/10.000 đến <1/1.000): choáng váng, nôn mửa, buồn ngủ, co giật, chậm nhịp tim, loạn nhịp tim và sốc.
Hiếm khi xảy ra: Một số trường hợp gây sốt sau phẫu thuật.
Rất hiếm khi xảy ra: Đã có một số ca cá biệt xảy ra các tác dụng không mong muốn ở mức độ nghiêm trọng, thể hiện ở dạng phức hợp các triệu chứng như: tiêu cơ, nhiễm toan chuyển hóa, tăng kali huyết và suy tim, đôi khi có thể gây nguy hiểm tính mạng. Phần lớn các tác động này được ghi nhận trên các bệnh nhân chăm sóc đặc biệt với liều sử dụng vượt quá 4 mg/kg thể trọng/giờ. Để biết thêm chi tiết, xem Cảnh báo.

Thận trọng

Trước khi sử dụng, không pha trộn Fresofol 1% MCT/LCT với các dung dịch tiêm, dung dịch tiêm truyền khác trừ các dung dịch glucose 5%, NaCl 0,9%, lidocain 1% không chứa chất bảo quản (xem mục Liều lượng và Cách dùng). Nồng độ propofol sau cùng không được thấp hơn 2 mg/mL.
Thuốc chỉ sử dụng 1 lần. Loại bỏ phần thuốc thừa sau khi sử dụng.
Lắc kỹ ống/lọ thuốc trước khi dùng. Không sử dụng nếu thấy nhũ tương bị phân lớp sau khi lắc kỹ. Chỉ sử dụng nếu nhũ tương còn đồng nhất và ống hoặc lọ thuốc không bị hư hại.
Trước khi sử dụng, cần lau sạch ống thuốc hoặc mặt nút cao su bằng gạc xịt cồn hoặc nhúng cồn. Sau khi sử dụng, loại bỏ ống/lọ chứa thuốc.
Hệ thống truyền Fresofol 1% MCT/LCT không pha loãng cần được thay thế sau 12 giờ. Pha loãng với dung dịch glucose 5%, NaCl 0,9% hoặc pha trộn với lidocain 1% không chứa chất bảo quản (tối thiểu là 2 mg propofol trong mỗi ml) phải tiến hành trong điều kiện vô khuẩn (phải kiểm soát và thẩm định điều kiện vô khuẩn), sử dụng ngay sau khi pha chế và phải sử dụng hết trong vòng 6 giờ sau khi pha.
Sau khi mở bao bì, thuốc phải được sử dụng ngay.

Bảo quản

Không bảo quản ở nhiệt độ trên 25°C. Không bảo quản đông lạnh.

Phân loại ATC

N01AX10 - propofol 

Trình bày/Đóng gói

Nhũ tương tiêm hoặc truyền tĩnh mạch: hộp 5 ống x 20 mL, hộp 1 lọ x 50mL.

A