Nhà sản xuất

Pharmascience Inc

Thành phần

Mỗi viên: Sumatriptan 50mg.

Dược lực học

Sumatriptan succinate được chứng minh có tác dụng giảm cơn đau nửa đầu. Sumatriptan succinate là chất chủ vận của thụ thể 5-HT1D ở mạch máu và có ái lực yếu với thụ thể 5-HT1A và gần như không có tác dụng trên các thụ thể 5-HT2, 5-HT3, 5-HT4, 5-HT5A hay 5-HT7 và α1-, α2- và β-adrenergic, dopamine, dopamine2, muscarinic hoặc benzodiazepine.
Tác dụng điều trị của thuốc nói chung là do tác động chủ vận thụ thể 5-HT1B/5-HT1D. Hiện tồn tại hai lý thuyết giải thích cơ chế tác dụng của thuốc chủ vận 5-HT1 trong điều trị đau nửa đầu. Một cho rằng các thuốc này hoạt hóa thụ thể 5-HT1 ở nội mạch máu, bao gồm cả các thụ thể ở chỗ nối tĩnh mạch và động mạch, làm cho mạch máu co lại và giảm cơn đau nửa đầu. Một giả thuyết khác thì cho rằng, việc kích thích các thụ thể 5-HT1 ở các mô quanh mạch máu của dây thần kinh sinh ba dẫn tới ức chế sự giải phóng các peptide nội sinh (như endorphin hay enkephalin). Các giả thuyết này hiện vẫn tồn tại song song.
Các kết quả thử nghiệm trên động vật cho thấy sumatriptan succinate hoạt hóa thụ thể 5-HT1 ở các mút thần kinh ngoại vi của dây thần kinh sinh ba, dây thần kinh dẫn truyền tín hiệu thần kinh tới các mạch máu ở sọ não. Kết quả làm ức chế giải phóng các peptide nội sinh.
Các ảnh hưởng trên hệ tim mạch:
Các nghiên cứu in vitro trên động mạch vành được cô lập cho rằng tác dụng co mạch chủ yếu của 5-HT là do thụ thể 5-HT2. Tuy nhiên, thụ thể 5-HT1, ở một mức độ nào đấy, cũng tham gia vào phản ứng co mạch. Sự tăng nhẹ (tới 20mmHg) và xảy ra nhanh (trong vài phút) huyết áp tâm thu và tâm trương đã xảy ra sau khi tiêm tĩnh mạch tới liều 64 μg/kg (3,2 mg/bệnh nhân 50 kg) cho người khỏe mạnh. Những thay đổi này không phụ thuộc liều dùng và trở lại giá trị thông thường trong 10 tới 15 phút. Tuy nhiên, khi uống liều 200mg hoặc dùng dạng thuốc xịt mũi 40mg, huyết áp tăng ít hơn và thời gian xảy ra cơn tăng huyết áp kéo dài hơn khi dùng đường tiêm tĩnh mạch hoặc dưới da.

Dược động học

Các thông số dược động học của thuốc dùng đường uống được liệt kê dưới bảng sau. Sumatriptan succinate hấp thu nhanh sau khi uống. Sinh khả dụng đường uống của thuốc thấp trước hết do chuyển hóa của thuốc (qua gan và tiền hệ thống) và một phần do thuốc hấp thu không hoàn toàn. Hấp thu qua đường uống của thuốc không bị ảnh hưởng bởi cơn đau nửa đầu hay thức ăn. Sự sai khác trong bản thân từng bệnh nhân và giữa các bệnh nhân đã được ghi nhận trên các dữ liệu lâm sàng có được.

Các nghiên cứu in vitro trên vi lạp thể chứng minh rằng sumatriptan succinate chuyển hóa qua MAO, chủ yếu là isoenzyme A. Khi tiến hành nghiên cứu trên một số ít bệnh nhân cho thấy, các thuốc ức chế MAO làm giảm thải trừ của sumatriptan succinate dẫn tới tăng nguy cơ ngộ độc toàn thân.
Thanh thải ngoài thận của sumatriptan succinate chiếm khoảng 80% tổng thanh thải của thuốc. Chất chuyển hóa chính của sumatriptan succinate là indole acetic acid được thải trừ chủ yếu qua nước tiểu ở dạng acid tự do (35%) và liên hợp glucuronide (11%). Chất chuyển hóa này không có hoạt tính. Các chất chuyển hóa thứ yếu chưa định danh được.
Các thông số dược động học của thuốc không khác nhau giữa người già và người trẻ khỏe mạnh (dưới 65 tuổi).

Chỉ định/Công dụng

MIGRANOL được dùng để điều trị cơn cấp của bệnh đau nửa đầu có hoặc không có dấu hiệu báo trước. MIGRANOL không dùng trong điều trị bệnh đau nửa đầu do bị bán thân bất toại, đau liên quan tới mạch nền (triệu chứng báo trước xuất phát từ cuống não hoặc từ hai thùy chẩm), đau do liệt cơ mắt. Tính an toàn và hiệu quả khi dùng sumatriptan cho bệnh nhân bị đau đầu khu trú-một dạng đau đầu thường gặp ở người già và chủ yếu ở nam vẫn chưa được xác lập.

Liều lượng & Cách dùng

Liều thấp nhất có tác dụng ở người lớn là 25mg (1/2 viên nén MIGRANOL). Liều tối đa khuyến cáo là 100mg (2 viên). Liều tối ưu là đơn liều 50mg (1 viên/lần). Tuy nhiên, tùy thuộc vào nhu cầu và đáp ứng của từng bệnh nhân thì liều này có thể lên tới 100mg.
Nếu đau nửa đầu tái phát hoặc bệnh nhân chỉ đáp ứng một phần với liều khởi đầu của thuốc thì có thể cho bệnh nhân uống thêm liều nữa sau 2 giờ nhưng không được dùng quá 200mg (4 viên) trong vòng 24 giờ.
Nếu bệnh nhân không đáp ứng với liều ban đầu bằng viên nén MIGRANOL, không nên uống liều kế tiếp để giảm đau cho cùng cơn đau đó do có thể thuốc không đáp ứng trên lâm sàng. Thuốc có thể được dùng điều trị các cơn đau nửa đầu tiếp theo.
Khi uống, không được nhai, nghiền hoặc bẻ viên thuốc mà phải uống toàn bộ với một cốc nước.
Dùng thuốc cho bệnh nhân bị suy giảm chức năng gan: Với bệnh nhân bị suy giảm chức năng gan mức độ nhẹ hoặc trung bình, nồng độ thuốc trong máu tăng gấp đôi so với người bình thường khỏe mạnh. Do vậy, chỉ nên cho bệnh nhân này uống liều đơn 1 viên. Không dùng thuốc cho bệnh nhân bị suy giảm chức năng gan nặng.

Quá Liều

Một số trường hợp ghi nhận quá liều sumatriptan succinate. Các tác dụng phụ của thuốc liệt kê ở trên không xuất hiện nếu bệnh nhân dùng liều tới 400mg đường uống. Nếu bệnh nhân dùng quá liều sumatriptan succinate cần kiểm soát và điều trị bổ trợ cho bệnh nhân. Các phương pháp giải độc hiện chưa biết đến.
Thẩm tách máu hoặc phúc mạc để giảm nồng độ thuốc trong máu hiện chưa được xác định.

Chống chỉ định

MIGRANOL chống chỉ định ở bệnh nhân có tiền sử, triệu chứng hoặc dấu hiệu của hội chứng thiếu máu cục bộ cơ tim, mạch não hoặc mạch ngoại vi; bệnh van tim hoặc loạn nhịp (đặc biệt là nhịp nhanh). Các bệnh nhân bị các bệnh tim mạch khác (như xơ vữa động mạch, bệnh tim bẩm sinh) cũng không được dùng MIGRANOL. Các hội chứng thiếu máu cục bộ cơ tim bao gồm, nhưng không giới hạn, các dạng đau thắt ngực (như đau thắt ngực ở trạng thái ổn định và các cơn đau thắt ngực do co mạch như trong đau thắt ngực kiểu Prinzmetal), tất cả các trường hợp bị nhồi máu cơ tim và thiếu máu cục bộ cơ tim không có biểu hiện.
Các hội chứng về mạch não bao gồm, nhưng không giới hạn ở tất cả các dạng đột quỵ cũng như các cơn thiếu máu cục bộ thoáng qua (TIAs).
Bệnh về mạch ngoại vi bao gồm các trường hợp sau nhưng không hạn chế trong các trường hợp đó: thiếu máu cục bộ ở ruột hoặc hội chứng Raynaud's.
Thuốc có thể gây tăng huyết áp nên chống chỉ định dùng trong trường hợp bệnh nhân bị tăng huyết áp không kiểm soát được hoặc tăng huyết áp nặng.
Không dùng đồng thời sumatriptan với thuốc ức chế MAO hoặc trong vòng 2 tuần từ khi ngưng điều trị bằng thuốc này.
Các thuốc có chứa alcaloid nấm cựa gà gây ra các phản ứng co mạch kéo dài. Do sumatriptan cũng gây ra hiện tượng co mạch vành nên nếu dùng đồng thời các thuốc này có thể gây tăng tác dụng co mạch. Vì vậy, chống chỉ định dùng MIGRANOL trong vòng 24 giờ trước và sau khi dùng các thuốc chủ vận 5-HT1 khác hoặc các thuốc chứa ergotamine và dẫn chất (như dihydroergotamine, methysergide).
Không dùng MIGRANOL cho bệnh nhân bị suy chức năng gan nặng.
MIGRANOL chống chỉ định ở bệnh nhân bị đau nửa đầu do bán thân bất toại, đau liên quan tới mạch nền (triệu chứng báo trước xuất phát từ cuống não hoặc từ hai thùy chẩm), hoặc đau do liệt cơ mắt.
Không dùng thuốc cho bệnh nhân mẫn cảm với thuốc và các thành phần của thuốc.

Sử dụng ở phụ nữ có thai và cho con bú

Phụ nữ có thai: Trong các nghiên cứu ảnh hưởng của sumatriptan dùng đường uống tới sinh sản của thỏ cho thấy gia tăng các trường hợp phôi thỏ bị biến dạng mạch máu ở cổ và ngực. Các trường hợp này chỉ thấy khi cho thỏ uống liều cao nhất mà ở mức liều này thỏ mẹ bị sút cân và huyết áp thỏ tăng hơn 50 lần ở người khi uống liều điều trị. Ảnh hưởng của thuốc trong trường hợp này vẫn chưa xác định chắc chắn nhưng không thể loại trừ. Do vậy, không nên dùng sumatriptan succinate cho phụ nữ mang thai.
Phụ nữ cho con bú: Sumatriptan succinate bài tiết được qua sữa mẹ, do vậy cần thận trọng dùng thuốc cho phụ nữ cho con bú. Tránh cho con bú trong thời gian 24 giờ sau khi uống sumatriptan succinate để giảm tối đa ảnh hưởng tới trẻ.

Tương tác

Các nghiên cứu dược động học liều đơn của tương tác thuốc vẫn chưa có đủ bằng chứng làm sáng tỏ tương tác của sumatriptan với propranolol, flunarizine, pizotifen hay rượu. Nghiên cứu tương tác thuốc đa liều vẫn chưa được tiến hành.
Các thuốc chứa alcaloid nấm cựa gà: Các thuốc này được ghi nhận đã kéo dài thời gian của phản ứng co mạch. Theo lý thuyết, các phản ứng này là hiệp đồng cộng nên không được dùng thuốc chứa alcaloid nấm cựa gà hoặc các thuốc tương tự (như dihydroergotamine hay methylsergide) trong vòng 24 giờ trước và sau khi dùng sumatriptan.
Thuốc ức chế MAO: Trong các nghiên cứu trên một số ít bệnh nhân, các thuốc ức chế MAO làm giảm thanh thải của sumatriptan succinate nên làm tăng đáng kể nguy cơ gây ngộ độc toàn thân. Do vậy, chống chỉ định dùng sumatriptan succinate cho bệnh nhân đang dùng thuốc ức chế MAO.
Các thuốc serotonergic khác: Một số ít báo cáo hậu marketing ghi nhận trường hợp bệnh nhân bị mệt mỏi, tăng phản xạ, và mất phối hợp khi dùng đồng thời thuốc ức chế chọn lọc thu hồi serotonin (SSRI) và thuốc chủ vận 5-HT1. Nếu việc dùng đồng thời sumatriptan với thuốc SSRI (như fluoxetine, fluvoxamine, paroxetine hay sertraline), thuốc chống trầm cảm 3 vòng hay một thuốc serotogenic khác là cần thiết trên lâm sàng thì cần phải đánh giá nguy cơ mắc phản ứng có hại cấp và trường diễn.
Các thuốc chủ vận 5-HT1 khác: Hiện vẫn chưa đánh giá việc dùng đồng thời sumatriptan và thuốc chủ vận 5-HT1 khác trong điều trị đau nửa đầu. Với nguy cơ gây co mạch vành tăng là điều có thể xảy ra trên lâm sàng nếu dùng đồng thời các thuốc chủ vận 5-HT1 nên không được dùng đồng thời một thuốc trong nhóm này trong vòng 24 giờ trước và sau khi dùng một thuốc khác cùng nhóm.

Tác dụng ngoại ý

Các ảnh hưởng nặng tới tim, một số ca tử vong đã xảy ra khi điều trị bằng thuốc chủ vận 5-HT1. Các tác dụng không mong muốn này rất ít khi xảy ra và hầu hết các trường hợp gặp phải đều có yếu tố nguy cơ mắc bệnh CAD. Các ca được ghi nhận bao gồm co thắt mạch vành, thiếu máu cục bộ cơ tim nhẹ, nhồi máu cơ tim, nhịp nhanh thất và rung thất.
Phản ứng phụ đặc trưng do thuốc chủ vận 5-HT1 gây ra: Cũng như đối với các thuốc chủ vận 5-HT1 khác, sumatriptan succinate gây ra cảm giác nặng nề, tức hay đau có thể gặp ở ngực, họng, cổ, hàm và tay và chúng có thể tăng nặng.
Báo cáo các phản ứng phụ cấp trong nghiên cứu điều trị đau nửa đầu bằng sumatriptan có đối chứng placebo với tỷ lệ mắc ≥1%: Biểu hiện (*) ở ngực, biểu hiện ở cổ/cổ họng/hàm, biểu hiện ở tay, nhịp nhanh; Thần kinh: biểu hiện ở đầu/mặt, hoa mắt, đau đầu, chóng mặt, buồn ngủ, run; Hệ tiêu hóa: buồn nôn, tăng tiết nước bọt, nôn, cảm giác khó chịu và đau bụng, tiêu chảy; Hệ cơ xương: đau cơ xương, đau cơ, teo và mỏi cơ; Tai-Mũi-Họng: nhiễm khuẩn, dấu hiệu và triệu chứng ở mũi, dấu hiệu và triệu chứng ở cổ họng và amygdal; Hệ hô hấp: nhiễm virus; Các trường hợp khác: biểu hiện ở chi, biểu hiện ở các vị trí không cụ thể trên cơ thể, khó chịu/mệt mỏi, ra nhiều mồ hôi.
(*Cụm từ "biểu hiện" bao gồm các triệu chứng phụ như đau, khó chịu, stress, nặng nề, sự co thắt, cảm giác nóng, dị cảm, tê bì, và biểu hiện lạ khác)
Nói chung, sumatriptan succinate dung nạp tốt. Hầu hết các phản ứng phụ thường nhẹ và khỏi trong vòng 2 giờ sau khi uống thuốc. Đôi khi gặp các rối loạn xét nghiệm chức năng gan nhẹ. Một số trường hợp bệnh nhân rối loạn thị lực như bị hoa mắt và nhìn đôi khi điều trị bằng sumatriptan succinate. Một vài ca bị chứng giật cầu mắt, ám điểm, và giảm thị lực. Rất ít trường hợp bị mất thị lực. Tuy nhiên, các rối loạn thị lực có thể gặp khi bị cơn đau nửa đầu.

Thận trọng

Chỉ dùng MIGRANOL điều trị đau nửa đầu khi các chẩn đoán xác định chính xác bệnh.
Chỉ nên chỉ định dùng sumatriptan ở các cơ sở y tế được trang bị đầy đủ về máy móc và với nhân viên có đủ khả năng cho các bệnh nhân có các yếu tố nguy cơ hướng chẩn đoán tới bệnh CAD khi đã được đánh giá một cách đầy đủ về bệnh tim mạch. Do bệnh thiếu máu cục bộ cơ tim có thể xảy ra không có các dấu hiệu lâm sàng nên cần phải thường xuyên kiểm tra điện tâm đồ của bệnh nhân có các yếu tố nguy cơ ngay sau khi dùng thuốc lần đầu tiên. Tuy nhiên, bệnh nhân không bị các ảnh hưởng tới tim mạch khi dùng thuốc khi bắt đầu điều trị không có nghĩa là sẽ không bị mắc tác dụng phụ này trong các lần dùng thuốc tiếp theo.
Cần lưu ý với bệnh nhân rằng có thể bị buồn ngủ khi điều trị bằng sumatriptan. Cần khuyên bệnh nhân không nên thực hiện các thao tác/hoạt động cần sự tỉnh táo (như lái xe hay vận hành máy móc) khi uống thuốc.
Bệnh nhân bị bệnh gan/mật/tụy: Ảnh hưởng của suy giảm chức năng gan tới an toàn và hiệu quả khi dùng thuốc chưa được đánh giá, tuy nhiên, các dữ liệu dược động học của sumatriptan ở các bệnh nhân bị suy giảm chức năng gan mức độ trung bình cho thấy, sau khi uống liều 50mg, nồng độ của thuốc trong huyết thanh tăng cao hơn nhiều so với người khỏe mạnh. Do vậy, nên dùng sumatriptan với liều 25mg cho người bị suy giảm chức năng gan.
Đau đầu khu trú: Hiện chưa có thông tin thỏa đáng về tính an toàn và hiệu quả khi dùng sumatriptan cho người bệnh bị đau đầu khu trú, bệnh thường gặp ở người già và chủ yếu là nam giới. Do vậy, chưa có các thông tin kê đơn đầy đủ thỏa đáng cho các đối tượng này.
Cần lưu ý loại trừ các nguyên nhân tiềm ẩn gây đau dây thần kinh nặng trước khi điều trị đau đầu bằng sumatriptan mà các bệnh nhân này trước đây chưa được chẩn đoán bị đau nửa đầu hoặc bị đau đầu không đặc trưng. Đã có một số ít báo cáo dùng thuốc chủ vận 5HT1 điều trị đau đầu nặng mà sau đó được xác định là đau có liên quan tới tổn thương dây thần kinh. Đối với các bệnh nhân mới chẩn đoán đau nửa đầu hoặc bệnh nhân có các cơn đau không đặc trưng, cần chẩn đoán lại trong trường hợp bệnh không giảm khi dùng sumatriptan lần đầu.
Động kinh: Cần thận trọng khi dùng sumatriptan cho bệnh nhân bị tiền sử co giật hoặc bị các tổn thương cấu trúc não dẫn tới dễ bị co giật.
Thận: Ảnh hưởng của chức năng thận tới tính an toàn và hiệu quả của sumatriptan succinate vẫn chưa được đánh giá, do vậy không nên dùng thuốc cho các bệnh nhân bị suy giảm chức năng thận.
Sự nhạy cảm và kháng thuốc: Một số ít trường hợp bị quá mẫn khi dùng thuốc chủ vận 5-HT1 như sumatriptan. Các phản ứng này có thể nguy hiểm tới tính mạng hoặc gây tử vong. Nói chung, phản ứng quá mẫn với thuốc dễ xảy ra ở các bệnh nhân với tiền sử bị nhạy cảm với nhiều dị nguyên. Do có thể xảy ra phản ứng dị ứng chéo nên không nên dùng sumatriptan cho các bệnh nhân có tiền sử dị ứng với các thuốc chủ vận 5-HT1 có cấu trúc hóa học tương tự nhau.

Bảo quản

Nhiệt độ 4oC-30oC.

Phân loại ATC

N02CC01

Trình bày/Đóng gói

Viên nén bao đường: vỉ 6 viên, chai 30 viên.

A