Nội soi mũi

28/03/2023 17:29 GMT+7

Nội soi mũi là gì?

Nội soi mũi là một thủ thuật chẩn đoán hình ảnh được sử dụng rộng rãi trong các bệnh viện, cơ sở y tế hiện nay. Phương pháp này được chỉ định để kiểm tra bên trong khoang mũi và các lỗ thông xoang của người bệnh.

Dụng cụ nội soi bao gồm ống soi, máy ghi hình (camera) và nguồn sáng. Ống soi có các góc nhìn khác nhau 0 độ, 45 độ, 70 độ cho phép nhìn mọi ngóc ngách của hốc mũi và vòm họng; ống soi có chiều dài và đường kính thay đổi (2,7 mm đến 4 mm) phù hợp với từng lứa tuổi và từng người bệnh cụ thể.

Nguồn sáng lạnh không gây bỏng mô và không nguy hại niêm mạc mũi. Máy ghi hình kết nối với bộ vi xử lý để phóng to hình ảnh lên màn hình TV, quay video tiến trình soi, chụp hình lưu trữ vào máy vi tính. Nhờ đó, việc quan sát, đánh giá và hoặc sinh thiết tổn thương sẽ chính xác hơn. Các hình ảnh nội soi của người bệnh được lưu trữ để theo dõi và đánh giá kết quả sau điều trị.

Nội soi mũi

Nội soi mũi là phương pháp thăm khám chi phí thấp, có giá trị khoa học tốt và đáng tin cậy. Ảnh: benhvienvanhanh.com

Khi nào cần nội soi mũi?

Những trường hợp cần thực hiện nội soi mũi bao gồm:

  • Người bệnh bị nghẹt mũi hoặc chảy nước mũi kéo dài, hắt hơi liên tục.
  • Người bệnh bị chảy máu mũi nhiều, tần suất thường xuyên, không rõ nguyên nhân.
  • Nghi ngờ viêm tai mũi họng.
  • Nghi ngờ nhiễm trùng mũi hoặc viêm xoang.
  • Người bệnh có biểu hiện ù tai, nghe kém kèm theo các triệu chứng khác như nhức đầu, mệt mỏi.
  • Người bệnh ngửi kém, không ngửi được mùi, nghi ngờ u tế bào thần kinh khứu giác.
  • Nghi ngờ có tắc nghẽn hốc mũi (do polyp mũi, vẹo vách ngăn, phì đại cuốn mũi, có dị vật mũi, u hốc mũi,…).
  • Mũi chảy dịch vàng, xanh, có mủ.
  • Nghi ngờ rò dịch não tủy.
  • Người bệnh được chẩn đoán viêm xoang và đã chụp CT, X-quang mũi.

Nhờ vào phương pháp nội soi mũi, bác sĩ có thể kiểm tra được cụ thể các bất thường ở vùng mũi, chẳng hạn như có dị vật ở mũi, vị trí chảy máu mũi, mô mũi có đang sưng tấy hay không,… Ngoài ra, phương pháp nội soi mũi còn giúp kiểm tra, đánh giá các tế bào nghi ngờ là tế bào ung thư hoặc xem xét sự phát triển của khối u ung thư biểu mô mũi.

Trong một số trường hợp, phương pháp nội soi qua đường mũi có thể được sử dụng như một phương pháp điều trị bệnh lý hoặc bất thường ở vùng mũi, chẳng hạn như hỗ trợ lấy dị vật ở mũi.

Nội soi mũi có thể phát hiện những bệnh gì?

Hình ảnh nội soi mũi có thể giúp quan sát và phát hiện nhiều vấn đề ở vùng mũi, các bệnh lý hoặc bất thường, cụ thể gồm có:

  • Viêm mũi xoang: bao gồm viêm xoang mũi, viêm hốc mũi, viêm mũi dị ứng,…
  • Lệch vách ngăn mũi
  • Polyp mũi
  • Tổn thương ở vùng mũi
  • Dị vật bất thường ở mũi
  • Viêm hầu họng
  • Khối u ở mũi
  • Viêm vòi nhĩ (viêm ống vòi nhĩ nối phần sau của mũi với tai giữa)

Trong một số trường hợp, bên cạnh nội soi mũi, bác sĩ có thể chỉ định người bệnh thực hiện chụp CT đầu hoặc X-quang mũi để có thể chẩn đoán chính xác hơn vấn đề mà người bệnh đang gặp phải.

Ai được chỉ định nội soi mũi?

Trường hợp nào thì bác sĩ sẽ chỉ định nội soi mũi? Theo đó, bác sĩ có thể yêu cầu người bệnh nội soi mũi nếu có các triệu chứng nghi ngờ liên quan.

Cụ thể, nếu người bệnh sổ mũi hoặc nghẹt mũi kéo dài, đã sử dụng thuốc điều trị nhưng không khỏi thì cần nội soi mũi để kiểm tra nguyên nhân. Ngoài ra, các trường hợp chảy dịch, chảy máu mũi liên tục cũng cần thực hiện nội soi mũi.

Trong quá trình thăm khám, nếu bác sĩ nghi ngờ người bệnh bị viêm tai mũi họng, nhiễm trùng, viêm xoang,… thì sẽ chỉ định người bệnh nội soi mũi để kiểm tra bên trong khoang mũi và các lỗ thông xoang.

Nếu người bệnh nghi ngờ có dị vật trong mũi thì cũng có thể yêu cầu bác sĩ chỉ định nội soi. Hoặc đã phát hiện dị vật ở mũi thì bác sĩ sẽ chỉ định nội soi để lấy dị vật ra khỏi mũi.

Quy trình nội soi mũi

Quá trình nội soi mũi diễn ra như thế nào, mất bao lâu, có thấy được hình ảnh nội soi mũi liền hay không… là những vấn đề được nhiều người quan tâm. Nhìn chung, một quy trình nội soi mũi chuẩn được áp dụng tại nhiều bệnh viện, cơ sở y tế hiện nay như sau:

1. Chuẩn bị

Trước tiên, bác sĩ sẽ trao đổi với người bệnh về quá trình nội soi mũi, các yêu cầu trong lúc nội soi để người bệnh có thể nắm rõ được quy trình và hợp tác tốt hơn.

Bác sĩ cũng có thể trao đổi với người bệnh xem có dị ứng với bất kỳ loại thuốc nào hay không, tránh trường hợp dị ứng với thuốc thông mũi hoặc thuốc tê.

Quá trình nội soi mũi diễn ra nhanh chóng, người bệnh không cần phải chuẩn bị trước khi nội soi. Chỉ cần giữ tâm lý thư giãn, thả lỏng thoải mái là được.

2. Thực hiện

Khi thực hiện nội soi, người bệnh sẽ được ngồi thẳng lưng. Bác sĩ sẽ bắt đầu xịt hoặc bôi thuốc thông mũi và thuốc tê lên vùng mũi của người bệnh. Tại một số nơi, thuốc tê sẽ được bôi lên ống nội soi và đưa vào bên trong mũi.

Sau khi bôi thuốc tê, bác sĩ tiến hành đưa ống nội soi vào bên trong mũi, quan sát cụ thể và chi tiết các cấu trúc xoăn mũi, các lỗ thông xoang, bề mặt niêm mạc mũi, dịch nhầy mũi, dịch mủ mũi,…

3. Sau khi nội soi

Sau khi nội soi mũi, người bệnh sẽ được hướng dẫn ra khu vực ngồi chờ kết quả hoặc bác sĩ có thể đọc hình ảnh và thông báo ngay kết quả nội soi trực tiếp với người bệnh.

Sau khi thực hiện nội soi, người bệnh vẫn sinh hoạt như bình thường, có thể về nhà ngay lập tức, không cần lưu viện nghỉ ngơi (nếu không mắc bệnh gì nguy hiêm) và cũng không cần bất cứ kiêng cử gì.

Nội soi mũi mất bao lâu?

Nội soi mũi được xem là một thủ thuật chẩn đoán hình ảnh đơn giản, quá trình nội soi diễn ra nhanh chóng. Tính từ thời gian chuẩn bị cho đến khi thực hiện nội soi sẽ mất khoảng 10 phút, riêng quá trình nội soi mũi sẽ mất khoảng 3-4 phút ở mỗi bên mũi. Vì thế, người bệnh không cần quá lo lắng khi được chỉ định nội soi mũi.

Sau khi nội soi, thông thường sẽ có kết quả hình ảnh nội soi mũi ngay lập tức và bác sĩ sẽ thông báo kết quả này với người bệnh. Trong một số trường hợp phức tạp hơn, bác sĩ có thể chỉ định người bệnh thực hiện thêm các chẩn đoán hình ảnh khác rồi mới đưa ra kết luận chính xác.(3)

Nội soi mũi có đau không?

Trước khi nội soi, người bệnh sẽ được bác sĩ bôi thuốc thông mũi cũng như thuốc tê lên vùng mũi nên quá trình nội soi sẽ không hoặc ít gây đau. Tuy nhiên, người bệnh vẫn có thể cảm thấy khó chịu nhẹ, đặc biệt là với những người có khoang mũi hẹp bất thường hoặc niêm mạc mũi bị sưng.

Nếu trong lúc nội soi, người bệnh cảm thấy đau nhói, khó chịu quá khả năng chịu đựng thì có thể thông báo với bác sĩ để được bôi thêm thuốc tê hoặc đổi đầu ống nội soi nhỏ hơn.

Nội soi qua đường mũi có gặp rủi ro gì không?

Nhìn chung, nội soi mũi có độ an toàn cao. Tuy nhiên, giống như bất kỳ phương pháp chẩn đoán hình ảnh nào khác, có thể xảy ra các tác dụng phụ hoặc biến chứng, chẳng hạn như chảy máu và chấn thương niêm mạc. Những nguy cơ này sẽ cao hơn ở những người đã có nguy cơ chảy máu như những người dùng thuốc chống đông máu (coumadin, plavix,…) hoặc aspirin.(4)

Người bệnh có thể gặp phản ứng bất lợi với thuốc gây mê hoặc thuốc thông mũi tại chỗ trước khi nội soi mũi. Đây là lý do bạn cần trao đổi kỹ với bác sĩ về tình trạng dị ứng của mình cũng như tình trạng sử dụng thuốc, các vấn đề sức khỏe của bạn trong thời gian gần đây. Như vậy, bác sĩ có thể hướng dẫn bạn nên và không nên làm trước khi làm nội soi.

Một số tác dụng phụ thường gặp khi nội soi mũi là chảy máu, cảm thấy đau quá mức,…

Nội soi mũi có thể gây nhiễm trùng không?

Bạn lo lắng soi mũi gây nhiễm trùng? Theo thống kê, hầu như có rất ít trường hợp bị nhiễm trùng sau khi nội soi qua đường mũi. Bạn có thể theo dõi các biểu hiện cơ thể sau nội soi. Nếu bị sốt, có cảm giác ớn lạnh, buồn nôn hoặc các dấu hiệu nhiễm trùng khác, hãy quay trở lại bệnh viện để được thăm khám.

Tóm lại, nội soi mũi là một trong những tiêu chuẩn quan trọng trong chẩn đoán, đánh giá kết quả điều trị các bệnh mũi xoang. Điều này giúp phát hiện sớm các tổn thương trong hốc mũi và vòm họng. Bên cạnh đó, còn thu thập mẫu bệnh phẩm qua nội soi sinh thiết tổn thương và thu dung chất tiết của mũi xoang để làm xét nghiệm mô bệnh học và vi sinh học. Theo bác sĩ chuyên khoa, đây là phương pháp thăm khám kỹ thuật cao, chi phí thấp, có giá trị khoa học tốt và đáng tin cậy.

 

Ban Biên tập Y khoa Việt Nam

----------------------------------

Nguồn: 

https://tamanhhospital.vn/noi-soi-mui/. Truy cập ngày 28/03/2023

https://benhvienvanhanh.com/tin-tai-mui-hong/noi-soi-mui-la-gi-khi-nao-can-noi-soi-mui/. Truy cập ngày 28/03/2023