Salmonella

16/07/2021 23:31 GMT+7

Salmonella là gì?

Salmonella là một loại vi khuẩn rất phổ biến. Loại vi khuẩn hình que này có thể được tìm thấy ở cả động vật máu lạnh và máu nóng trên khắp thế giới.

Salmonella

Vi khuẩn Samonella dưới kính hiển vi. Ảnh: Medicinenet.com

Salmonella là loại vi khuẩn thường gây ra ngộ độc thực phẩm. Triệu chứng thường lá đau quặn bụng, tiêu chảy, sốt. Hầu hết sẽ tự khỏi trong vòng 4 đến 7 ngày. Tuy nhiên, ngộ độc thực phẩm do Salmonella có thể nghiêm trọng hơn đối với một số người.

Vi khuẩn Samonella được đặt theo tên của nhà nghiên cứu bệnh học người Mỹ Daniel Salmon (1850-1914).

Các loại Salmonella

Không phải tất cả vi khuẩn Salmonella đều giống nhau. Có các loại Salmonella:

  • Không gây bệnh sốt thương hàn: Phổ biến là 2 loại S. typhimurium and S. enteritidis. Hai loại này không gây sốt thương hàn nhưng thường gây ngộ độc thức ăn.
  • Loại gây bệnh sốt thương hàn: Salmonella typhi. So với ngộ độc thực phẩm thì sốt thương hàn rất hiếm gặp. Bệnh nhân sốt thương hàn cần phải sử dụng kháng sinh.

Ngộ độc thực phẩm do Salmonella phổ biến như thế nào?

Rất phổ biến. Khi nói đến ngộ độc thực phẩm thì thường đề cập vi khuẩn salmonella. Có đến hàng chục triệu trường hợp được báo cáo trên khắp thế giới mỗi năm.

Trong trường hợp ngộ độc thực phẩm nặng thì cần nhập viện nhưng hiếm khi đe dọa tính mạng.

Các trường hợp nhiễm khuẩn Sanonella như ngộ độc thực phẩm thì thường xảy ra vào mùa hè hơn mùa đông. Lý do là vi khuẩn Salmonella phát triển nhanh ở nhiệt độ cao, khi thực phẩm không được bảo quản lạnh. 

Nguyên nhân ngộ độc thực phẩm do vi khuẩn Salmonella

Người và động vật có thể mang vi khuẩn Salmonella trong ruột và phân. Vi khuẩn này thường lây lan qua thực phẩm bị nhiễm. Các nguồn thực phẩm phổ biến của nhiễm khuẩn Salmonella bao gồm:

  • Thịt & thực phẩm còn sống, chưa nấu chín
  • Trái cây hoặc rau sống
  • Sữa và các sản phẩm từ sữa khác chưa tiệt trùng, bao gồm pho mát mềm, kem và sữa chua
  • Trứng sống hoặc chưa nấu chín

Cũng có thể bị nhiễm Salmonella trực tiếp qua:

  • Không rửa tay. Bạn có thể truyền vi khuẩn do không rửa tay kỹ sau khi đi vệ sinh hoặc thay tã.
  • Vật nuôi. Động vật như chó, mèo, chim và bò sát có thể mang vi khuẩn.

Các yếu tố nguy cơ của nhiễm Salmonella

Trẻ em, đặc biệt là những trẻ dưới 5 tuổi, có nhiều khả năng bị bệnh do vi khuẩn Salmonella hơn người lớn. Người lớn tuổi và những người có hệ miễn dịch kém cũng dễ bị nhiễm hơn. Các yếu tố nguy cơ khác bao gồm:

  • Du lịch quốc tế: Salmonella phổ biến hơn ở những nơi có điều kiện vệ sinh kém.
  • Dùng một số loại thuốc: Thuốc ung thư, steroid, hay thuốc chống thải ghép (sau ghép tạng) có thể làm suy yếu hệ miễn dịch. Thuốc kháng axit làm giảm lượng axit trong dạ dày, giúp vi khuẩn Salmonella dễ sống sót hơn. Thuốc kháng sinh có thể diệt vi khuẩn có lợi (lợi khuẩn) trong đường ruột và làm cho vi khuẩn có hại như Samonella dễ gây bệnh hơn.
  • Bệnh viêm ruột: Có thể llàm tổn thương niêm mạc ruột, khiến vi khuẩn Salmonella dễ dàng xâm nhập hơn.

Các triệu chứng ngộ độc thực phẩm do Salmonella

Hầu hết các dấu hiệu và triệu chứng của nhiễm khuẩn salmonella đều liên quan đến đường tiêu hóa, bao gồm:

  • Đau bụng
  • Tiêu máu
  • Tiêu chảy
  • Lạnh và ớn lạnh
  • Sốt
  • Đau đầu

Các triệu chứng có thể bắt đầu xuất hiện từ 8 đến 72 giờ sau khi nhiễm trùng. Hầu hết các triệu chứng thường không kéo dài hơn một tuần, nhưng có thể phải mất vài tháng để nhu động ruột trở lại bình thường.

Khi nào nên đi khám bác sĩ?

Đi khám bác sĩ nếu bạn vẫn có các triệu chứng hơn một tuần sau khi có dấu hiệu & triệu chứng bị nhiễm trùng.

Trẻ nhỏ, người lớn tuổi hoặc người bị suy giảm miễn dịch nên đi khám bác sĩ nếu có bất kỳ triệu chứng nào sau đây kéo dài hơn vài ngày:

  • Tiêu máu
  • Sốt cao
  • Mất nước, khi bị mất quá nhiều dịch. Các dấu hiệu bao gồm chỉ tiểu ít, khô miệng và trũng mắt

Các biến chứng của nhiễm Salmonella

Có thể bị mất nước nếu không được bù đủ dịch bị mất do tiêu chảy.

Một số người bị nhiễm Salmonella cũng bị đau khớp. Đó là viêm khớp phản ứng hoặc hội chứng Reiter. Biến chứng này có thể kéo dài vài tháng hoặc lâu hơn, có thể gây tiểu đau, đau và ngứa mắt.

Nếu vi khuẩn Salmonella xâm nhập vào máu, nó có thể gây nhiễm trùng ở các vùng khác của cơ thể như:

  • Các mô xung quanh não và tủy sống
  • Lớp nội mạc của tim hoặc van tim 
  • Xương hoặc tủy xương
  • Lớp nội mạc của mạch máu

Chẩn đoán nhiễm Salmonella

Xét nghiệm máu hoặc xét nghiệm phân có thể giúp chẩn đoán.

Đôi khi, có thể cần làm thêm xét nghiệm khác để tìm ra chính xác loại vi khuẩn đang gây bệnh. Việc này cũng có thể giúp xác định nguồn gốc nếu có dịch bùng phát trong khu vực bạn đang sống.

Điều trị Salmonella

  • Đối với người lớn khỏe mạnh: Nếu bị tiêu chảy, hãy uống nhiều nước và các thức uống khác. Bác sĩ có thể kê toa chất lỏng bù nước như Pedialyte hoặc dùng thuốc như loperamide (Imodium) nếu tiêu chảy nghiêm trọng. Khi xác định nhiễm trùng là do Salmonella, bác sĩ có thể kê toa thuốc kháng sinh. Hãy uống đúng theo chỉ dẫn và nhớ uống hết toa thuốc.
  • Đối với trẻ em: Nếu trẻ có hệ miễn dịch khỏe mạnh, bác sĩ có thể để tình trạng nhiễm trùng tự khỏi. Nếu trẻ sốt cao, có thể cho uống acetaminophen. Cần dùng kháng sinh khi có chỉ định. Cũng giống với người lớn, trẻ nên uống nhiều nước.
  • Trong trường hợp đặc biệt: Trẻ sơ sinh, người già, người suy giảm hệ miễn dịch có thể cần dùng kháng sinh.

Phòng chống Salmonella

Salmonella có thể ẩn náu trong nhiều loại thực phẩm, nhưng có nhiều cách để đảm bảo vi khuẩn tránh xa:

  • Không ăn trứng hoặc thịt sống hoặc vừa chín tới.
  • Không ăn hoặc uống bất cứ thứ gì có sữa hoặc nước trái cây chưa tiệt trùng.
  • Không rửa gia cầm sống, thịt hoặc trứng trước khi nấu.
  • Rửa sạch trái cây và rau sống, và gọt vỏ nếu có thể.
  • Không chế biến thức ăn cho người khác nếu bạn đang nôn mửa hoặc tiêu chảy.
  • Làm lạnh thực phẩm đúng cách, cả trước khi nấu và sau khi phục vụ.
  • Rửa tay sạch bằng xà phòng và nước ấm trước và sau khi tiếp xúc với thực phẩm.
  • Giữ bề mặt bếp sạch sẽ trước khi chế biến thức ăn.
  • Không trộn thức ăn đã nấu chín với thức ăn sống hoặc dùng chung đồ dùng để chế biến chúng. Ví dụ: không sử dụng cùng một con dao để cắt thịt gà sống, sau đó cắt nấm.
  • Nấu thịt đến đúng nhiệt độ tối thiểu của nó. Sử dụng nhiệt kế thực phẩm để đảm bảo.
  • Rửa tay bằng xà phòng và nước sau khi chạm vào vật nuôi, đồ chơi và giường của chúng.

 

Ban Biên tập Y khoa Việt Nam

----------------------------

Nguồn:

https://www.webmd.com/food-recipes/food-poisoning/what-is-salmonella. Truy cập ngày 16/7/2021

https://www.medicinenet.com/salmonella/definition.htm. Truy cập ngày 16/7/2021