Lờn thuốc, Lệ thuộc thuốc, Nghiện thuốc

15/04/2020 09:56 GMT+7

Nhiều người hay nhầm lẫn giữa lờn thuốc, lệ thuộc thuốc và nghiện thuốc. Do đó các thuật ngữ này cũng thường bị sử dụng lẫn lộn. Về mặt y học, những tình trạng này hoàn toàn khác nhau. Hãy cùng Giáo Dục Sức Khỏe tìm hiểu những vấn đề này. 

LỜN THUỐC

Lờn thuốc là giảm đáp ứng với thuốc được sử dụng cùng một liều lặp đi lặp lại nhiều lần. Đây là một hiện tượng phổ biến của việc dùng thuốc, thường gặp ở những bệnh nhân bị bệnh mạn tính phải dùng thuốc kéo dài.

Khi xuất hiện lờn thuốc, có nghĩa là thuốc với liều hiện tại đang sử dụng không còn hiệu quả như trước đây. Do đó bác sĩ có thể cần phải tăng liều, thay đổi chế độ điều trị, hoặc kê toa một loại thuốc khác.

Nguyên nhân gây lờn thuốc

Hiểu biết hiện tại về cơ chế gây lờn thuốc còn hạn chế. Một số nguyên nhân gây lờn thuốc đã được biết là:

  • Tăng tốc độ chuyển hóa thuốc là một nguyên nhân quan trọng gây lờn thuốc. Hiện tượng này là do các men (enzym) gan chịu trách nhiệm chuyển hóa thuốc trong cơ thể (VD như enzym của hệ cytochrome P450) trở nên tăng hoạt tính, làm cho các thuốc bị phân hủy và đào thải nhanh hơn, trước khi thuốc đến được vị trí tác động, do đó làm giảm hiệu quả của thuốc. Nguyên nhân này thường gặp ở những thuốc đường uống vì sẽ được hấp thụ từ đường tiêu hóa rồi vào máu, đến gan.
  • Ái lực gắn kết giữa thuốc và thụ thể bị giảm.
  • Số lượng thụ thể gắn kết với thuốc bị giảm. Nguyên nhân này thường gặp ở những thuốc đồng vận (thuốc gắn kết với thụ thể chuyên biệt để có tác dụng)

Những đặc điểm của lờn thuốc

  • Lờn thuốc vẫn chưa được hiểu một cách rõ ràng. Các nhà nghiên cứu vẫn đang xem xét tại sao, khi nào và làm thế nào nó chỉ xãy ra ở người này nhưng không phải ở những người khác.
  • Nó có thể xảy ra với bất kỳ loại thuốc nào.
  • Tình trạng bệnh lý có thể nặng hơn do thuốc kém hiệu quả.
  • Có thể gặp lờn thuốc chéo, nghĩa là lờn thuốc xãy ra với các thuốc khác trong cùng nhóm.
  • Đối với một vài nhóm thuốc (ví dụ như nhóm thuốc giảm đau opioid) thì lờn thuốc có thể làm tăng nguy cơ lệ thuộc thuốc, nghiện thuốc hoặc quá liều.
  • Lờn thuốc cũng có thể mang lại lợi ích, đó là ít tác dụng phụ hơn vì khi đó cơ thể đã quen và dung nạp thuốc.

LỆ THUỘC THUỐC

Lệ thuộc thuốc có nghĩa là khi một người ngừng sử dụng thuốc hay giảm liều đột ngột, cơ thể họ sẽ xuất hiện các triệu chứng, được gọi chung là hội chứng ngưng thuốc đột ngột hay hội chứng cai nghiện (withdrawal syndrome). Triệu chứng có thể từ nhẹ (Ví dụ buồn nôn, nôn) đến nặng hay thậm chí đe dọa tính mạng như khi sử dụng các thuốc giảm đau opioid, bao gồm heroin và thuốc giảm đau kê toa.

Mặc dù lệ thuộc thuốc thường là một phần của nghiện nhưng các thuốc không gây nghiện cũng có thể gây lệ thuộc thuốc. Một ví dụ điển hình là prednison, một dạng tổng hợp của hormone steroid là cortisol được sử dụng để điều trị hen suyễn, phản ứng dị ứng, bệnh Crohn, và nhiều tình trạng viêm khác. Prednison được biết không phải là chất gây nghiện. Tuy nhiên, nếu một bệnh nhân đã sử dụng thuốc này trong vài tuần và sau đó ngừng đột ngột, thì họ có khả năng bị các triệu chứng ngưng thuốc như mệt mỏi, yếu, đau mình, đau khớp.

Lệ thuộc thuốc xãy ra do cơ thể thay đổi để thích ứng với việc sử dụng thuốc liên tục và kéo dài. Trong trường hợp dùng thuốc prednison, cơ thể dần thích nghi với liều thuốc lặp đi lặp lại bằng cách giảm sản xuất cortisol của chính nó. Khi ngưng prednison đột ngột, do cơ thể đã giảm sản xuất cortisol nên không duy trì được mức cortisol nền cần thiết, và do đó sẽ gây ra các triệu chứng cho đến khi nồng độ của loại hormon này cân bằng trở lại.

Lệ thuộc thuốc là một tình trạng có thể điều trị được. Mục tiêu điều trị là tách bệnh nhân ra khỏi thuốc từ từ, thay vì đột ngột, để cho cơ thể điều chỉnh và trở về hoạt động bình thường.

Trong một số trường hợp lệ thuộc thuốc do lạm dụng (chứ không phải mục đích điều trị) như heroin, bác sĩ có thể thay thế những chất nguy hiểm này bằng một chất khác tương tự nhưng an toàn hơn, chẳng han như methadone hay buprenorphine để làm giảm các triệu chứng ngưng thuốc nguy hiểm.

NGHIỆN THUỐC

Không giống như lờn thuốc và lệ thuộc thuốc, nghiện là một căn bệnh.

Nhân accumbens được xem là trung tâm khoái cảm tại não, đóng vai trò quan trọng trong cơ chế gây nghiện. Ảnh: Đại học Harvard -www.harvard.edu

Nghiện là một bệnh lý ở não mạn tính tái phát, đặc trưng bởi việc tìm kiếm và sử dụng thuốc cho bằng được, bất chấp hậu quả có hại. Nói cách khác, nghiện là một nhu cầu sử dụng thuốc quá mức hoặc không thể kiểm soát. Bệnh có thể kéo dài hoặc đột nhiên tái phát sau khi cải thiện một thời gian. Nghiện còn có tên gọi khác là rối loạn sử dụng chất nghiêm trọng (severe substance use disorder).

Mặc dù nghiện từng bị xem là biểu hiện của sự yếu kém về tinh thần, nhưng ngày nay người ta thấy có liên quan đến sự thay đổi ở não do sử dụng các chất gây nghiện. Gần như tất cả các chất gây nghiện đều trực tiếp hay gián tiếp kích hoạt một vùng ở não có tên là nucleus accumbens (tạm dịch là nhân cận vách hay nhận cặp), thông thường bị kích thích bởi các hoạt động gây khoái cảm tự nhiên quan trọng với sự sống như ăn, quan hệ tình dục…

Cần tìm hiểu thêm về trung tâm khoái cảm tại não và cách thức nó vận hành. Tất cả các khoái cảm xãy ra tại não theo cùng một cách, cho dù nó xuất phát từ một loại thuốc thần kinh, tiền thưởng, quan hệ tình dục hoặc một bữa ăn thỏa mãn. Tại não, khoái cảm có một dấu hiệu riêng biệt, đó là sự phóng thích của chất dẫn truyền thần kinh dopamine trong nhân accumbens, là một cụm các tế bào thần kinh nằm bên dưới vỏ não (xem hình minh họa). Sự giải phóng dopamine trong nhân accumbens luôn gắn liền với những khoái cảm nên các nhà khoa học thần kinh gọi vùng này là trung tâm khoái cảm của não.

Các chất gây nghiện như nicotine hay heroin kích thích sự phóng thích dopamin tại nhân accumbens nhiều hơn so với các hoạt động lành mạnh gây khoái cảm tự nhiên. Do đó thường xuyên tiếp xúc với các chất này có thể đánh lừa bộ não trong việc ưu tiên dùng chất gây nghiện hơn các hoạt động lành mạnh bình thường.

Tác động của chất gây nghiện đối với con đường gây khoái cảm của não giúp giải thích hai đặc điểm quan trọng của nghiện:

  • Không có khả năng hạn chế hoặc ngừng sử dụng chất gây nghiện
  • Thôi thúc không thể cưỡng lại được trong việc liên tục tìm kiếm và dùng thuốc, bất chấp những hậu quả nghiêm trọng.

Giống như một số loại thuốc gây lệ thuộc thuốc chứ không gây nghiện, thì cũng có những loại thuốc gây nghiện mà không gây lệ thuộc thuốc, nghĩa là không gây ra các triệu chứng khi ngưng thuốc đột ngột (triệu chứng cai nghiện). Ngay cả sau thời gian dài lạm dụng, các loại thuốc kích thích tâm thần, bao gồm cocaine và methamphetamine, cũng không gây ra các triệu chứng cai nghiện rõ rệt như nôn mửa và run rẩy, mặc dù có thể có các triệu chứng về tâm lý như trầm cảm, lo lắng và thèm thuốc. Mặc dù không bộc lộ những triệu chứng cai nghiện nhưng những người lạm dụng thuốc kích thích tâm thần mãn tính có thể thực sự bị nghiện. 

 

Ban Biên tập Y khoa Việt Nam

---------------------------------------------

Nguồn: 

https://www.health.harvard.edu/newsletter_article/how-addiction-hijacks-the-brain

https://drugabuse.com/addiction/

https://www.healthline.com/health/drug-tolerance