Peptide C

24/03/2020 12:02 GMT+7

Peptide C là peptide gồm 31 gốc acid amin được sinh tổng hợp bởi tế bào beta của đảo tụy cùng lúc với insulin từ proinsulin. Peptide C có chu kỳ bán rã dài nên tồn tại thời gian dài hơn insulin ở tuần hoàn máu ngoại biên. Vì vậy để đánh giá khả năng hoạt động của các tế bào beta ở đảo tụy, có thể đo trực tiếp insulin hoặc thông qua Peptide C.

Cấu trúc của Proinsulin gồm Peptide C và Insulin (Chuỗi A và Chuỗi B). Ảnh: https://www.researchgate.net/

Do Peptide C là sản phẩm phụ được tạo ra khi insulin được sản xuất nên xét nghiệm Peptide C có thể được dùng để phát hiện ra tiểu đường và loại tiểu đường. Tiểu đường tuýp 1 là dạng tiểu đường do tuyến tụy không tiết ra insulin nên sẽ có lượng insulin và Peptide C trong máu thấp. Ngược lại, bệnh nhân tiểu đường tuýp 2 lại có lượng insulin và Peptide C được sản xuất bởi tuyến tụy như người bình thường hoặc cao hơn nhưng vì các tế bào đã trở nên đề kháng với insulin nên vẫn gây ra bệnh.

Xét nghiệm Peptide C còn được dùng để xác định nguyên nhân gây hạ đường huyết như lạm dụng thuốc chữa tiểu đường hoặc u đảo tụy. Về bản chất, insulin được tổng hợp sẽ không chứa Peptide C nhưng người hạ đường huyết do sử dụng quá nhiều insulin tổng hợp sẽ có lượng insulin rất cao, trong khi Peptide C lại thấp. Trường hợp bệnh nhân bị u đảo tụy, khi đảo tụy sản xuất quá nhiều insulin gây hạ đường huyết thì nồng độ insulin và cả Peptide C trong máu sẽ đều cao. Đây có thể là xét nghiệm dùng để phân biệt 2 nguyên nhân gây hạ đường huyết này.

Click để xem thêm về Xét nghiệm Peptide C

 

Ban Biên tập Y khoa Việt Nam

------------------------------------------